Vị Tướng dân tộc Tày đầu tiên của QDND Việt Nam

06:29, Thứ hai 11/06/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutotay) - Ông vẫn luôn nói với bà, ông biết ơn bà vệ sự hy sinh mà bà dành cho chồng con. Cả cuộc đời mình, vợ chồng Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã sống giản dị, liêm khiết.

Cuối tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở lại Việt Nam qua biên giới Cao Bằng, sau đúng 30 năm xa quê. Khi đặt chân qua biên giới nước Việt, người đã cúi xuống hôn lên mảnh đất Việt Nam, rưng rưng xúc động. Người đưa Bác Hồ trở về nước trong chuyến đi đó, chính là người thanh niên dân tộc Tày Đàm Văn Mông – sau này là Thiếu tướng Lê Quảng Ba - Tư lệnh đầu tiên của quân khu Việt Bắc và cũng là vị Tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
[links()]
Ngôi nhà của vợ chồng Thiếu tướng Lê Quảng Ba nằm trong khu Tập thể Trung Tự rất giản dị và đơn sơ.

Trên căn gác hai nhỏ bé mà bà Lê Quảng Ba (tên thời trẻ là Hoàng Thị Đào) dùng làm phòng khách, có di ảnh của cố Thiếu tướng Lê Quảng Ba, những bức ảnh mà ông chụp cùng Bác Hồ và tấm Huân chương Hồ Chí Minh cao quý do chính tay cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký tặng đều được bà Hoàng Thị Đào treo trang trọng trong căn phòng khách nhỏ bé ấy.

24 năm sau khi Thiếu tướng Lê Quảng Ba rời xa cõi đời, căn phòng khách và những kỷ vật mà Thiếu tướng Lê Quảng Ba để lại vẫn được bà Hoàng Thị Đào giữ gìn, nâng niu.

Ở tuổi 90, trí nhớ của bà Hoàng Thị Đào không còn minh mẫn như trước, nhưng bà vẫn nhiệt tình kể cho tôi nghe những câu chuyện về Thiếu tướng Lê Quảng Ba. Bà bảo thỉnh thoảng được ôn lại những câu chuyện về ông cũng là một niềm hạnh phúc lớn đối với bà.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba
Thiếu tướng Lê Quảng Ba

Vợ chồng Thiếu tướng Lê Quảng Ba đều sinh ra ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, chỉ khác xã. Cuối những năm 1930, khi phong trào cách mạng còn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người Tày Cao bằng còn chưa biết cách mạng là gì, cả hai ông bà đều đã tham gia cách mạng.

Bà Hoàng Thị Đào kể, quê bà ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Mẹ mất sớm, bà sống với bố, với các anh trai và chị dâu trong gia đình. Thời thiếu nữ, lần đầu tiên được nghe người anh họ kể về cách mạng, bà đã trốn nhà đi làm cách mạng và được phân về làm công tác phụ nữ.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba khi ấy là bạn và cũng là đồng chí của anh họ bà. Ông cùng với đồng chí Hoàng Sâm (sau này là Thiếu tướng Hoàng Sâm) và Lê Thiết Hùng (Thiếu tướng đầu tiên của QDND Việt Nam) có nhiệm vụ đi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng.

Qua Thiếu tướng Lê Quảng Ba, Thiếu tướng Hoàng Sâm, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, bà Hoàng Thị Đào đã hiểu thêm rất nhiều điều về cách mạng và càng quyết tâm đi theo con đường đã chọn.

Nhờ đó mà chỉ một thời gian ngắn sau, vào năm 1942, bà đã được kết nạp, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thường xuyên đi công tác chung, cùng nhau làm nhiệm vụ tuyên truyền, Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã bắt đầu cảm mến cô thiếu nữ Tày Hoàng Thị Đào kém mình 10 tuổi, nhỏ bé, hiền lành nhưng rất duyên dáng và kiên cường.

Anh họ bà Hoàng Thị Đào và các ông Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng cũng rất ủng hộ Thiếu tướng Lê Quảng Ba, cứ “xúi ra xúi vào”, khuyên hai ông bà nên tìm hiểu nhau.

Bà Hoàng Thị Đào kể, Thiếu tướng Lê Quảng Ba là người hiền lành, ít nói và ít bộc lộ tình cảm qua những lời nói. Khi ông bà tìm hiểu nhau, thỉnh thoảng có dịp, ông lại qua xã Sóc Hà thăm bà.

Nhưng lần nào đến chơi nhà bà, ông cũng chỉ nói chuyện với bố bà và những người lớn trong gia đình, tuyệt nhiên không tìm cách trò chuyện riêng tư với bà. Thấy ông lúc nào cũng nghiêm túc, đứng đắn, bố bà rất quý, chỉ có bà là thỉnh thoảng tủi thân vì không được trò chuyện với ông.

Tuy ít bộc lộ tình cảm, nhưng ông lại rất chiều và quan tâm đến bà. Ngày đó ông thường sang Trung Quốc công tác, mỗi lần trước khi đi, ông đều hỏi bà: ‘Đào thích mua gì bên đó để tôi mua về?”.

Ngày đó hàng hóa ở Việt Nam còn hiếm, những tấm vải, cái lược hay cái gương ông mang về được bà vô cùng nâng niu.

Sau 1 năm quen nhau, ông bà kết hôn. Đám cưới có sự chứng kiến của rất nhiều các cán bộ, đồng chí trong cơ quan của hai ông bà. Tất cả được ăn một bữa liên hoan bằng con lợn nặng hơn 70kg mà anh trai bà đã nuôi để làm “quà cưới” cho đám cưới của em gái.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba cùng với Bác Hồ trong đòan công tác
Thiếu tướng Lê Quảng Ba cùng với Bác Hồ trong đòan công tác

Sau lễ tuyên bố chính thức trở thành vợ chồng trước sự chứng kiến của tổ chức, ông bà sống trong một cái lán ở Pắc Bó, cùng với nhiều cán bộ các cơ quan khác của Việt Minh. Bà Hoàng Thị Đào kể, hồi ở Pác Bó là quãng thời gian rất đẹp trong cuộc đời bà. Cuộc sống khi đó tuy rất khó khăn, thiếu thốn nhưng ấm áp và hạnh phúc.

Ngày đó, Bác Hồ ở khu lán phía bên trong, thường xuyên ra khu lán nơi vợ chồng bà và các cán bộ Việt Minh khác ở. Bác hỏi thăm tất cả rất ân cần, khuyên mọi người ăn uống điều độ, chịu khó dậy sớm tập thể dục và rèn luyện sức khỏe đã có sức làm cách mạng lâu dài.

Trong số những cán bộ ở Pác Bó ngày đó cùng Bác, Bác rất yêu quý Thiếu tướng Lê Quảng Ba, vì ông chính là một trong những người vượt qua nhiều hiểm nguy sang Trung Quốc đón Bác về Việt Nam an toàn.

Cái tên Lê Quảng Ba cũng là do Bác đặt cho vị Tướng người Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (tên thật của Thiếu tướng Lê Quảng Ba là Đàm Văn Mông). 

Sau này, khi hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Lê Quảng Ba lấy luôn tên này. Với ông, việc được Bác đặt tên vừa là một niềm hạnh phúc, vừa là niềm tự hào của ông nói riêng và người Tày Cao Bằng nói chung.

Năm 1959, Lê Quảng Ba được phong Thiếu tướng. Ông trở thành vị Tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc (Quân khu I hiện nay – đóng ở Thái Nguyên).

Bà Hoàng Thị Đào nói, việc ông được phong Tướng là niềm tự hào của cả gia đình bà và của những người Tày Việt Bắc. Ngày ông chính thực nhận quân hàm Thiếu tướng, về gặp bà, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.

Ông nói: ‘Em ạ, mình cứ sống giản dị, khiêm tốn và cố gắng đóng góp hết sức mình, sẽ được đồng chí quý mến, đồng bào yêu thương”. Quả thật, trong suốt cuộc đời mình, Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã luôn sống theo nguyên tắc đó.

Dù làm ở bất cứ cương vị nào, ông cũng sống giản dị, liêm khiết và gần gũi. Người dân Cao Bằng nói riêng và người dân Việt Bắc nói chung đâu đâu cũng quý mến ông bởi sự hòa đồng, giản dị và tốt bụng ấy.

Lúc sinh thời, Thiếu tướng Lê Quảng Ba là một người chồng, người cha rất nhân hậu và hết mực yêu thương vợ con. Không bao giờ ông đánh con, mắng con. Khi dạy các con, ông thường nói:

“Bố không bắt buộc các con phải làm gì. Các con hãy sống như những gì các con muốn, hãy làm những gì các con thích, chỉ cần luôn nhớ rằng bất cứ điều gì các con làm, cũng đừng vi phạm truyền thống gia đình”.

Những người con của Thiếu tướng Lê Quảng Ba và bà Hoàng Thị Đào khi đến tuổi lập gia đình thường được ông dặn dò, yêu ai thì phải gắn bó với người đó, phải hết lòng chăm sóc, vun sới mối quan hệ đó.

Bà Hoàng Thị Đào kể, trong mấy chục năm sống với nhau, bà chưa bao giờ thấy ông nặng lời với bà dù chỉ một lần.

Khi ông còn ở Việt Bắc, bà làm việc trong Hội phụ nữ tỉnh Cao Bằng, sau này ông về Thái Nguyên làm Tư lệnh quân khu Việt Bắc rồi lại về Hà Nội giữ những chức vụ quan trọng khác trong chính phủ, bà lại theo ông về, khi thì làm ở ban trẻ em của tỉnh Thái Nguyên, khi thì làm cán bộ Bộ Giao thông Vân tải.

Ông vẫn luôn nói với bà, ông biết ơn bà vệ sự hy sinh mà bà dành cho chồng con trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ.

Cả cuộc đời mình, vợ chồng Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã sống giản dị, liêm khiết. Căn nhà mà bà Hoàng Thị Đào ở hiện nay so với căn nhà của gia đình các vị Tướng khác có thể nói là rất giản dị và khiêm tốn.

Tuy Thiếu tướng Lê Quảng Ba từng giữ những chức vụ quan trọng của chính phủ, nhưng khi về nhà, ông bà vẫn chỉ là một đôi vợ chồng dân tộc Tày bình thường, cùng nói tiếng Tày, sống giản dị với những phong tục, tập quán cảu người Tày.

Hàng xóm xung quanh nhà ông bà vẫn luôn nhớ về ông như một vị Tướng giản dị, gần gũi, chiều chiều đi làm về thường qua lại nhà hàng xóm để nói dăm ba câu chuyện vui.

Năm 1988, Thiếu tướng Lê Quảng Ba qua đời ở tuổi 74. Rất đông lãnh Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh và các đồng chí lão thành cách mạng đã đến tiễn đưa ông. Nhưng người đau khổ và mất mát nhiều nhất chính là bà Hoàng Thị Đào.

Hơn 20 năm đã trôi qua, cho đến tận bây giờ, với bà, hình ảnh của ông, vị Tướng người Tày đầu tiên của Quân đội Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn yêu thương và trìu mến.

  • Thảo nguyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc