Bùi Thanh Điếm – vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên của người Mường Hòa Bình. Từ binh nhì trở thành tướng lĩnh, Bùi Thanh Điếm ghi nhận công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của người vợ tảo tần thay ông gánh vác gia đình. Sau 30 năm xa cách, đến khi được gần nhau (chứ chưa phải được ở cùng nhau) chưa đủ 5 năm thì Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm đột ngột qua đời để lại người vợ già hiu hắt…
[links()]
Nên duyên từ những đêm trăng ví đúm
Họ cùng sinh năm 1941, cùng lớn lên trên đất Dũng Phong, huyện Cao Phong mà tên cổ gọi là Mường Thàng – một trong bốn mường lớn của tỉnh Hòa Bình – nơi có sự tích dân gian “Vườn Hoa, núi Cối” nổi tiếng.
Đến tuổi trưởng thành, Bùi Thanh Điếm và Bùi Thị Tương chỉ biết yêu nhau chứ không cần phải mất công tìm hiểu. Vì, ở cùng một xóm nên từ thủa chăn trâu, kiếm củi rồi những năm cắp sách tới trường…họ đều đã thấu tỏ về nhau.
Những năm 1958 -1960, Bùi Thanh Điếm được bà con trong bản bầu làm Tổ trưởng tổ Đổi công. Thế là với “quyền thế” của anh Tổ trưởng, Bùi Thanh Điếm luôn sắp xếp các nhóm lao động đổi công có hộ của mình với hộ của gái bản Bùi Thị Tương.
Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm |
Từ đấy, cặp đôi gái bản – trai mường này càng có nhiều cơ hội gần nhau. Ngày lao động đã vậy, đêm về, Bùi Thị Tương lại cùng Bùi Thanh Điếm đốt đuốc tới các lớp “Bình dân học vụ” để mang cái chữ đến cho bà con người Mường Dũng Phong.
Rồi những đêm trăng Mường Thàng trong như ngọc, họ lại cùng gái bản, trai mường cất lên những điệu ví đúm làm sáng cả núi rừng. Vào một ngày lành, tháng tốt đầu năm 1960, khi cả đôi ngấp nghé tuổi hai mươi, đám cưới của họ được tổ chức theo phong tục Mường Thàng.
Đúng như lời chúc của bà con dân bản, cuối năm đó, họ có con trai đầu lòng đặt tên là Bùi Thanh Long.
Tình nghĩa vợ chồng và con đường binh nghiệp
Con trai đầu lòng Bùi Thanh Long ra đời vừa tròn 2 tháng thì người bố trẻ Bùi Thanh Điếm tạm biệt quê hương, gia đình, vợ trẻ, con thơ, những ngày đổi công, những buổi bình dân học vụ, những đêm trăng rừng cùng những làm điệu ví đúm xôn xao lòng người để lên đường nhập ngũ.
Ở hậu phương, Bùi Thị Tương vừa nuôi con thơ, chăm sóc bố mẹ già và tiếp tục công tác dân quân, phụ nữ xã trong nỗi chờ mong chồng và niềm tin ngày chiến thắng “anh ấy sẽ trở về”. Từ binh nhì, năm 1964, Bùi Thanh Điếm đã là một Tiểu đội trưởng của Quân khu Tây Bắc và tháng 7/1964, anh lên đường vào Quân khu V chiến đấu.
Bắt đầu từ đây, anh và gia đình không nhận được tin tức, thư từ của nhau. Mãi tới năm 1969, nghĩa là sau 5 năm không tin tức, Thiếu úy Bùi Thanh Điếm xuất hiện tại quê nhà với một kỳ nghỉ phép 5 ngày.
Đang chiến tranh, việc một người con của đất Mường Thàng – một sỹ quan quân đội từ chiến trường trở về là sự quan tâm, niềm tự hào của cả bản mường. Đêm ấy, bà con trong bản kéo đến kín cả sàn nhà. Rượu cần được bày ra chung vui tới sáng. Nay bà Tương kể lại:
Vợ chồng biệt tăm nhau đã lâu nay mới có dịp gần gũi. Bà con đến thăm hỏi, vui mừng, cả xóm vui như ngày hội. Chuyện chiến trường, chuyện hậu phương râm ran cùng những lời mời rượu như bỏ bùa khách xuôi, khách ngược.
Bà Bùi Thị Tương - vợ Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm |
Chính vì thế cả đêm hôm đó vợ chồng chỉ mới có cơ hội thỉnh thoảng lại nhìn trộm nhau. Khi người khách cuối cùng xuống khỏi sàn thì trời đã sáng. Thế là vợ chồng lại mỗi người mỗi việc chứ chưa được vỗ về, hỏi han nhau.
Đến lúc này, anh bộ đội Bùi Thanh Điếm mới có thời gian làm quen với Bùi Thanh Long - đứa con trai đầu lòng đã 8 tuổi và đang học lớp một. Kỳ phép quý giá 5 ngày nhanh như tên lửa vụt qua, Bùi Thanh Điếm khẩn trương trở lại đơn vị. Và kết quả kỳ phép 5 ngày này, ông bà sinh hạ người con trai thứ hai – Bùi Thanh Giang.
Nơi quê nhà, Bùi Thị Tương lại tiếp tục dốc hết sức mình lao động sản xuất, nuôi dạy con thơ và chăm sóc bố mẹ chồng ngày một già yếu. Hình như giữa ông, bà ngầm có sự thi đua giữa tiền tuyến và hậu phương nên bao nỗi vất vả bà Tương cũng vượt qua.
Không những thế, bà luôn được Hội phụ nữ xã Dũng Phong bầu danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”. Bùi Thanh Long lớn lên trong niềm thương yêu chỉ bảo của ông bà và mẹ. Mỗi khi có người bưu tá đưa thư qua đường, cu Long lại chạy ra đón chờ thư của bố Điếm. Học hết cấp I, Long đã giúp mẹ được khá nhiều việc đồng áng, nương rãy.
Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, Bùi Thị Tương và gia đình chắc mẩm Bùi Thanh Điếm sớm trở về quê hương cho thỏa lòng khao khát chờ mong. Ngược lại, Bùi Thanh Điếm ở liền mạch gần 10 năm trời ở mặt trận 31.
Cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phó Tham mưu trưởng sư đoàn Bùi Thanh Điếm tiếp tục ở lại mặt trận 31. Năm 1978, tuy cả nước thống nhất, nhưng đất nước chưa thực sự hết chiến tranh.
Biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc còn binh đao, khói lửa, người lính chiến Bùi Thanh Điếm chưa có cơ hội trở về gần gũi vợ con. Và thế là lại trong một kỳ phép, năm 1978, đứa con gái thứ 3 của ông bà ra đời.
Hết chiến tranh là gặp ngay cái khó khăn về kinh tế thời bao cấp. Một mình nuôi 3 con nhỏ và trông nom bố chồng già yếu, Bùi Thị Tương lại tiếp tục vượt lên.
Nếp sinh hoạt trong đời sống bản Mường từ thủa anh Tổ trưởng Tổ đổi công Bùi Thanh Điếm còn chưa đi bộ đội vẫn giữ nguyên hồn cốt tương trợ, giúp đỡ nhau. Chính thế, ngôi nhà sàn của mẹ con Bùi Thị Tương không phải lo dột ngày mưa, tốc mái khi bão.
Tính ra 17 năm liên tục, Bùi Thanh Điếm là lính chiến trên khắp các chiến trường, tiếp đó là 10 năm có mặt ở Quân khu II, từ Tham mưu phó sư đoàn cho tới Sư đoàn trưởng. Bà con Dũng Phong nay còn nhớ những lần ông Bùi Thanh Điếm về thăm nhà.
Do đường vào bản chưa được mở mang, gặp ngày mưa dầm, đất đồi trơn trượt, bà con phải dùng trâu khỏe kéo xe U-oát giúp ông từ nhà ra quốc lộ 6.
Năm 1991 tỉnh Hòa Bình được tái lập. Tháng 10 năm đó Đại tá Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm được điều động về công tác và giữ vị trí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình.
Tiếng là về công tác nơi quê hương nhưng ông lại tiếp tục xa bà để lao vào công việc quân sự của một tỉnh mới tách còn biết bao khó khăn vất vả. Không những thế, ông còn được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cùng gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.
Với tác phong của một quân nhân, một chỉ huy mặt trận, Bùi Thanh Điếm sâu sát công việc, luôn có mặt ở cơ sở, vừa chỉ huy quân sự, vừa củng cố Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh miền núi Hòa Bình.
Nay bà Bùi Thị Tương chưa hết ngậm ngùi, tiếng là về tỉnh, nhưng có khi 2 tuần không thấy đảo qua nhà. Tôi nhớ ông ấy lắm, nhưng hình như xa nhau mãi nó thành cũng thành ra quen. Để bù lại phần nào sự vất vả, thiệt thòi của bà, thỉnh thoảng ông giành chút thời gian rảnh đưa bà đi thăm một vài nơi.
Người phụ nữ Mường xinh đẹp, xuân sắc đằng đẵng xa chồng vì chiến tranh, trận mạc, nay được gần chồng thì đã chuẩn bị là người già. Bà Tương bấm đốt ngón tay, tính ra ông bà sống cùng nhau chưa đầy 5 năm.
Khi ông Bùi Thanh Điếm về tỉnh nhà công tác thì cũng mới về gần bà chứ chưa được sống cùng bà. Ông vẫn ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, bà vẫn ở căn nhà đơn sơ ở Mường Thàng.
Tháng 6/1992, ông Bùi Thanh Điếm được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Và Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm là vị tướng đầu tiên của dân tộc Mường Hòa Bình. Khi được mọi người chúc mừng ông được phong Tướng, ông cười hiền hậu mà rằng:
“Tôi được phong Tướng thì công của bà xã nhà tôi chiếm 2/3”. Ngày cưới, họ làm gì có nhẫn vàng hay hoa tươi. Bao năm trận mạc xa cách, ông bà chưa có một tấm ảnh chung. Ngày ông được phong Tướng, ông lặng lẽ mang một bó hoa về tặng vợ mà cảm động không nói thành lời.
Lẽ nào hậu phương chỉ có trong thời chiến?
Tháng 1/1996, Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm đột ngột qua đời khi ông đang đi công tác tại Quân khu Ba. Sự ra đi của tướng Điếm làm bàng hoàng cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Cả tỉnh hướng về ông, đưa tiễn ông trong niềm tiếc thương vô hạn.
Về gia đình, Ông bà lấy nhau năm 1960 rồi biền biệt xa nhau 30 năm. Đến năm 1991, họ mới được gần nhau chứ chưa phải được sống cùng nhau. Thế mà cái sự gần ấy lại chưa đủ 5 năm thì bà mất ông mãi mãi.
Tháng 7. Cả nước hướng về ngày Thương binh, liệt sỹ. Riêng tôi, năm nay tôi nghĩ nhiều đến Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm, tuy ông không là liệt sỹ. Cả đời ông chiến đấu và phấn đấu cho quê hương, đất nước, cho Quân đội mà chưa hề có một phút nghỉ ngơi.
Giữa trưa hè tháng 7, trời nắng chang chang, tôi tìm vào nhà Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm. Từ quốc lộ 6, theo con đường trải nhựa giữa bạt ngàn cam và lúa là đến ngôi nhà của ông. Mới đấy mà rêu đã xanh, căn nhà xây đơn sơ còn đầy dấu vết của sự dang dở.
Cụ bà Bùi Thị Tương – phu nhân của vị Tướng đầu tiên của người Mường Hòa Bình năm nay đã vào tuổi 72. Hy sinh là thế, vất vả là thế mà cụ Tương vẫn còn đọng lại nhiều nét đẹp tuy là của người già. Ngồi trước cụ, ai cũng ngầm hình dung vẻ đẹp của người con gái Mường Thàng thuở xuân sắc.
Hỏi thăm thì được biết, Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm đột ngột từ trần, gia đình được một khoản tiền gọi là tiền tuất. Còn từ đó đến nay không có thêm chế độ gì. Những huân huy chương của Nhà nước, Quân đội và nước bạn dành cho Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm còn treo trên tường… nhưng, đó là vô tri, chỉ cụ Bùi Thị Tương đang hữu thức.
Để có thêm tư liệu viết bài về vợ chồng vị Tướng đầu tiên của đất Mường Hòa Bình này, tôi tìm đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Đồng chí sỹ quan của phòng Tổ chức tìm mãi chưa thấy hồ sơ lưu của Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm.
Thấy lâu, đồng chí Trưởng ban điện hỏi thì mới biết cấp dưới của mình đang lục tìm trong tủ hồ sơ lưu của quân nhân hưu trí. Đồng chí Trưởng ban mới nói ngay với cấp dưới của mình: “Thủ trưởng Điếm có kịp nghỉ hưu đâu mà tìm ở hồ sơ hưu trí…”.
Và, thêm một lần nữa tôi cảm động về ông – Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm. Vẫn biết chính sách là chính sách. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta nên có thêm nghĩa cử nhỏ nhắn, giản dị nào đó để ghi nhận và động viên cụ Bùi Thị Tương - phu nhân của Thiếu tướng quá cố Bùi Thanh Điếm.
- Lê Va