Việt Nam sẽ mua lò hạt nhân có 4 kênh an toàn?

13:58, Thứ tư 23/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Công nghệ lò hạt nhân phiên bản AES- 92 của Nga có tới bốn kênh an toàn độc lập, đảm bảo an toàn ngay trong trường hợp mất điện toàn bộ.

TTO cho biết, tại hội thảo giới thiệu về dòng sản phẩm lò hạt nhân phiên bản AES 92 ngày 22/10, Viện Kurchatov (Nga) khẳng định công nghệ lò trên của Nga có tới bốn kênh an toàn độc lập, đảm bảo an toàn ngay trong trường hợp mất điện toàn bộ.

Ngoài ra, phía Nga cũng giới thiệu phiên bản AES 2006 giá rẻ hơn, nhưng chỉ có hai kênh an toàn. 

Hội thảo giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER phiên bản AES-92 và phiên bản AES-2006.

Tờ Năng lượng Việt Nam dẫn lời ông Yuri Ivanov - Phó chủ tịch Atomstroyexport cho biết cả hai phiên bản  AES-2006 và AES - 92 đều phù hợp tiêu chuẩn khắc nghiệt nhất của thế giới hiện nay. Và các phiên bản sau luôn là sự phát triển tiếp theo của phiên bản trước, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nhà máy điện hạt nhân, nhưng vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu an toàn.

Với phiên bản AES-92 được xây dựng từ kinh nghiệm vốn có của công nghệ trước đó, mức độ an toàn độc lập, có hệ thống hỗ trợ an toàn thụ động, không cần thiết có sự vận hành của con người và tăng thời gian chu kỳ hoạt động của thiết bị. Phiên bản này hiện đang được sử dụng tại một nhà máy hạt nhân của Ấn Độ. Còn phiên bản AES-2006 được áp dụng công nghệ dựa trên phiên bản AES-92 và đang được áp dụng thực hiện tại 5 nhà máy điện hạt nhân của Nga.

Một số thông số kỹ thuật cho thấy sự phát triển công nghệ từ phiên bản AES-92 đến phiên bản AES-2006: công suất sử dụng điện từ 1.000 kW lên 1.200 kW; hệ số hiệu quả từ mức 35,6% đã đạt mức 37,4%; thời gian chu kỳ hoạt động của công nghệ từ 40 năm được điều chỉnh lên 50 năm; kháng cự tình trạng động đất tăng từ 6 điểm lên 8 điểm…

Dự kiến cuối năm nay, phía Nga sẽ hoàn thành toàn bộ kết quả của nghiên cứu khả thi. Một trong những yếu tố quan trọng của dự án nghiên cứu khả thi này là lựa chọn được công nghệ đáp ứng yêu cầu Việt Nam đặt ra là đảm bảo an toàn, an ninh hiệu quả, có tính hiện đại. Trên cơ sở tất cả các chức năng, ưu điểm của công nghệ được giới thiệu tại hội thảo, Việt Nam sẽ nghiên cứu để lựa chọn được công nghệ thích hợp nhất với điều kiện hiện có đáp ứng yêu cầu Quốc hội đã đề ra trước đó cho dự án nhà máy điện Ninh Thuận 1.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, hiện liên danh tư vấn đang lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và hồ sơ dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, dự kiến tháng 12/2013 VN sẽ phê duyệt.

Trong khi phía Nga tích cực giới thiệu công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam thì Nhật Bản thừa nhận nước này đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam.

Theo TTXVN, Việt Nam và Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 từ tháng 9/2011. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, dự kiến được khởi công trong năm 2014 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Phía Nhật Bản sẽ hợp tác về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tài trợ chi phí cho dự án.

Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Nhật đang thiếu một cơ quan hệ thống quản lý về vấn đề xuất khẩu công nghệ hạt nhân và xử lý các vấn đề thủ tục liên quan. Do đó, theo Kyodo News, kế hoạch hợp tác có thể sẽ không được tiến hành đúng dự kiến dù xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự là một trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: