Đừng bắt con phải thông minh theo cách cha mẹ muốn

12:55, Thứ tư 09/05/2018

( PHUNUTODAY ) - Cha mẹ nào cũng muốn con xinh đẹp, giỏi giang, thành công xuất chúng nhưng không hề hay rằng khả năng và giới hạn của mỗi con người là khác nhau.

 Giá như khi ấy bố mẹ không rót vào đầu óc non nớt của Mai cái ý nghĩ, rằng phải đậu bác sỹ mới có tương lai.

Giá như Mai không bị ánh hào quang và tương lai rực rỡ giàu có địa vị, mà bố mẹ cần mẫn xây đắp vào trí tưởng tượng của cô mỗi ngày, để cô phải lao vào học như một con thiêu thân quên ngày tháng, đánh mất tuổi thơ.

Giá như bố mẹ Mai chỉ là nông dân, không coi trọng sít sao việc học hành hay so sánh thành tích của cô với bất cứ ai, không hướng cô phải theo khuôn mẫu mà bố mẹ cho là tốt, thì giờ đây cô đã có thể theo đuổi giấc mơ thành nhà thư họa nổi tiếng, hoặc chuyên gia về đồ họa, mỹ thuật.

cac-em-be-co-doi-ma-lum-1

Giá như khi ấy, Mai có thể được là chính mình, được tự do chọn ngành nghề theo sự đam mê là văn và vẽ, chứ không phải tự ép mình học những môn tự nhiên khô khan mà cô không chút cảm tình hay năng khiếu, mà chỉ bởi là “học vì bố mẹ muốn như thế”.

Và tất nhiên, khi làm điều mình không thích thì chẳng thể có kết quả tốt đẹp. Mai đã trượt đại học, trượt giấc mơ thành bác sỹ mà bố mẹ từng vun đắp cho cô. Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt Mai, bởi với đầu óc con trẻ khi ấy cô luôn nghĩ rằng: “Tất cả đã hết nếu không được làm bác sỹ”.

Sóng gió và bão tố đã không ngừng nổi lên trong đầu óc non nớt của tuổi mới lớn tội nghiệp. Cô hiểu lắm cái cảm giác của bạn nam sinh kia vì sao phải tự tử. Cái cảm giác là một học sinh giỏi với sự kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô, bạn bè đã gây áp lực tinh thần lên học sinh ấy. Họ sẽ cho rằng cả thế giới sụp đổ trước mắt nếu mình không đạt yêu cầu như ba mẹ kỳ vọng. Họ cảm thấy cuộc đời mình chấm hết nếu bị thi trượt hoặc kết quả không như mong muốn. Họ cảm giác như cả thế giới sẽ khinh thường nếu mình thua thiệt một chút so với mọi người. Họ cảm giác như mình không đủ khả năng để đạt được ước nguyện của ba mẹ, và nếu điều ấy xảy ra thật sự, họ sẽ thà chết đi còn hơn vì đó là một “nỗi nhục lớn”…

Đối với Mai, lúc nhận tin trượt đại học nào khác gì cảm giác của bạn nam sinh kia. Sự kỳ vọng của ba mẹ không thành, giấc mơ làm họa sỹ cũng chẳng thể thực hiện được, vì thời gian đâu cho Mai đi học lại để theo đuổi hội họa, mà cũng bởi ba mẹ bảo làm hội họa sẽ nghèo suốt đời nên không khuyến khích cô theo đuổi.

ten-hay-cho-be-trai-be-gai-ho-phan-2

Mai còn nhớ như in cái cảm giác lạc lõng, tủi nhục, sợ hãi cái cảnh đứa bạn thân cạnh nhà cùng đám bạn ở quê đi học đại học, trong khi mình núp bóng ở nhà ôn thi bác sỹ trở lại theo sự sắp đặt của ba mẹ. Thi lại năm hai nhưng vì thiếu nửa điểm nên Mai cũng chẳng thể làm bác sỹ như ba mẹ mong muốn, cô phải nhắm mắt đưa chân học nguyện vọng hai bên khối kỹ thuật, một ngành nghề chẳng liên quan gì với sự đam mê của cô.

Đừng bắt con phải thông minh theo cách cha mẹ muốn

Mỗi đứa trẻ sở hữu một loại thông minh riêng biệt có thể không giống những đứa trẻ khác và cũng có thể không giống cha mẹ. Vậy thì, cha mẹ đừng cố gắng bắt con phải giỏi giống như bạn bè đồng trang lứa và cũng đừng bắt con phải giỏi như cha mẹ đã từng. Nếu làm thế, cha mẹ đã vô tình “thui chột” tài năng của con. Hãy để con sống cuộc đời của con, làm những điều thuộc về khả năng của con và thành công với giấc mơ của con.

“Con phải như thế này!”

Nhiều bậc phụ huynh vì muốn duy trì truyền thống gia đình sẵn sàng thúc ép và gây áp lực buộc con phải theo học ngành nghề của cha mẹ bất chấp sở thích, khả năng và loại thông minh con sở hữu. Một số cha mẹ khác do không thực hiện được ước mơ khi còn trẻ lại cố tình gán ghép ước mơ của mình lên con cái. Một số khác lại khát khao con cái đổi đời nhất quyết bắt con theo học kinh tế dù con chẳng yêu thích tí nào kinh doanh. Kết quả là, hoặc con cái gồng lưng làm theo ước muốn của cha mẹ, hoặc sẽ phản ứng quyết liệt và tìm con đường của riêng mình. Như trường hợp của diễn giả Quách Tuấn Khanh, anh cũng đã từng theo học ngành Y theo ước muốn của cha mẹ trong sự mệt mỏi và chán chường. Cuối cùng, anh đã bỏ học vào năm 2 Đại học trước sự tức giận của gia đình và tìm kiếm đam mê của mình. Và rồi, chúng ta có một diễn giả hàng đầu Việt Nam hiện nay. Nhưng, những trường hợp sẵn sàng khiêu chiến với gia đình và thành công như anh không nhiều. Ngoài kia, nhiều người vẫn đang vật lộn với ngành nghề không thuộc về mình hoặc luẩn quẩn trong vòng xoáy tìm kiếm đam mê bởi quyết định của cha mẹ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc