Vợ bé của Tổng thống Thiệu- Nàng Kim Anh Cyrnos đội lốt hồ ly

00:24, Thứ bảy 18/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Những phi vụ buôn lậu, áp phe bạc tỷ của bà Thiệu và các mệnh phụ phu nhân trong bộ máy lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ mà bạn đọc mục kỉnh ở bài trước chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm khổng lồ



Bàn tay sắt bọc găng nhung của vợ chồng Thiệu

Trong xã hội “bạn nhà binh, tình nhà thổ” dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, hòn ngọc Viễn Đông - Sài Gòn trở thành một cái kho khổng lồ tập kết hàng viện trợ Mỹ và các nước tư bản đồng minh, kể cả khí tài, vũ khí quân sự để nuôi sống và cung cấp cho chế độ tay.

Các căn cứ quân sự Mỹ kể cả tàu sân bay Hải quân và sân bay của “pháo đài bay” B.52 nằm rải rác khắp các nơi tại Triều Tiên, Thái Lan, Philippines, Hawai, Honolulu... làm cầu hàng không nối Tân Sơn Nhất - Sài Gòn hoặc trực tiếp ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Do đó, những phi vụ buôn lậu, áp phe làm chấn động Sài Gòn và thế giới là chuyện có thể dễ dàng hiểu được.

Trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời tại Mỹ, Tướng Cao Văn Viên đã đưa ra so sánh và nhận xét về Nguyễn Văn Thiệu với Ngô Đình Diệm về chính trị: “ Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình “thiên mạng” cứu nước.

Diệm tự hào về dân tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễ dàng sự chỉ trích. Ông chủ trương “tiết trực tâm hư ” nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Còn ông Thiệu thì theo đường lối “độc tài trong dân chủ”, bên trong chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp. Bàn tay sắt trong đôi găng nhung.

Vì không vững kiến thức như ông Diệm, ông Thiệu chịu khó thăm dò ý kiến của các chuyên viên, lắng nghe, đúc kết lại để quyết định một mình. Ông Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc.

Ông Thiệu đa nghi Tào Tháo và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽ đối phương như ông đã làm tại Quốc hội. Ông chủ trương “làm chính trị phải lì”. Bởi thế ông Thiệu “lật” ông Kỳ không khó và tồn tại lâu hơn ông Diệm nhưng ông không khí khái bằng ông Diệm. Ông Thiệu mưu sĩ, ông Diệm đạo đức”.

Xét cho cùng, Ngô Đình Diệm sử dụng bộ máy chính quyền theo kiểu gia đình trị, còn Thiệu cũng không khác gì hơn mấy. Đã có người nói: Thiệu cai trị đất nước giống như Diệm nhưng không có Diệm mà thôi. Khác nhau duy nhất một việc: Diệm không vợ con, mọi tai tiếng chính trị và tình ái thuộc về bà cố vấn Trần Lệ Xuân.

Trong bộ máy chính quyền nhà Ngô, quyền lực bị phân tán, chia nhỏ cho Ngô Đình Cẩn (khu vực miền Trung), Ngô Đình Thục (miền Nam và Thiên Chúa giáo), tựu trung mọi sức mạnh quyền lực vào tay hai vợ chồng Cố vấn Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân.

 Còn bộ máy nhà nước và quân sự dưới thời Thiệu tập trung mọi quyền lực vào Tổng thống. Cả hệ thống gia đình, dòng họ bên Thiệu và bên vợ rải đều từ trên xuống dưới. Dựa dẫm vào điều này, họ đã tiến hành hàng loạt phi vụ buôn lậu, kinh doanh và áp phe chính trị.

Thiệu nắm chặt và phân bổ những vị trí yết hầu trong bộ máy chính quyền cho người nhà để dễ bề cai trị, tiêu biểu như Đặng Văn Quang, Hoàng Đức Nhã… lãnh vực kinh doanh, buôn lậu có phu nhân Mai Anh, Sáu Huyết, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Xuân Nghiêm. Giang hồ thảo khấu có Tám Hảo (Hảo heo - em vợ) và em út phu nhân Mai Anh nổi danh máu mặt có Cậu Mười - một tay trùm xã hội đen chuyên kinh doanh các sòng bạc, vũ trường, quán bar.. là nơi tiêu thụ rượu lậu, ma túy, gái điếm.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, để “lấy điểm” trước cuộc bầu cử và khỏa lấp dư luận về sự gian lận trong bầu cử năm 1967, Thiệu muốn chứng tỏ “tấm lòng thương dân, bác ái” vào năm 1968 cho cả trực thăng bay ra Côn Đảo trả tự do và đón huyền thoại nhà văn, tướng cướp Sơn Vương (Trương Văn Thoại quê quán Gò Công - Tiền Giang) một người tù thế kỷ mang tổng mức án 79 năm, có 34 năm đã thụ án, trở về Sài Gòn khiến bàn dân thiên hạ nồng nhiệt hoan hô, ủng hộ.

Không chỉ lấy lòng thiên hạ chốn giang hồ mà Thiệu còn nặn ra luật người cày có ruộng, để bóc lột nông dân và tiêu thụ phân bón Công ty Hải Long do em rể phu nhân Mai Anh là Nguyễn Xuân Nghiêm (chồng Hảo heo) làm ông trùm. Cũng chính số bạc tỷ lợi nhuận thu được, phu nhân Mai Anh nhờ vợ chồng Tám Hảo ra mặt giao dịch, đứng tên tậu bất động sản Đồn Đất từ ông chủ Tây và chuyển chủ quyền sang cho phu nhân Mai Anh làm chủ.

Vợ bé của Nguyễn Văn Thiệu là gián điệp CIA
Vợ bé của Nguyễn Văn Thiệu là gián điệp CIA

Cũng từ những vụ áp phe buôn lậu dược phẩm thuốc Tây nhập khẩu, Nguyễn Cao Thăng không tiếc dâng “báu vật” là nàng Kim Anh Cyrnos cho Thiệu để làm đẹp lòng và tạo mối quan hệ leo thang, thăng tiến sau này.



Để tìm tài liệu thể hiện một cách đầy đủ về người đàn bà được mệnh danh “đệ nhị phu nhân” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một chuyện vô cùng khó khăn. Lẽ thứ nhất vì, dân biểu Trần Thị Kim Anh (nàng Cyrnos) xuất thân là một chủ quán bar - vũ trường mang tên Cyrnos tại thành phố biển Vũng Tàu đã có một con riêng với Thiệu. Do đó, dù có làm “xôn xao” chính trường và dư luận đến đâu, mọi thông tin liên quan đến người đàn bà dâm đãng và lẳng lơ này với Tổng thống đương nhiệm là không có bất kỳ ai dám hó hé nửa lời.

Chưa nói đến việc, Tổng trưởng Dân vận - Thông tin - Chiêu hồi là Hoàng Đức Nhã là con của cô ruột Tổng thống. Người phụ trách Đặc phủ Trung ương tình báo là tướng Bình thân hữu và Đặng Văn Quang - cậu vợ của Thiệu, vừa là bạn học cũ, người đứng hàng thứ 4 trong bộ máy chính quyền Thiệu, thì ai dám tiết lộ “cơ mật đời tư” Tổng thống.

Cũng chính Đặng Văn Quang, Hoàng Đức Nhã và Nguyễn Cao Thăng (phụ tá Tổng thống) là những nhân vật bố trí, sắp đặt cho Thiệu vụ ăn vụng với “vợ bé” bí mật này. Bởi vậy, thường xuyên Thiệu tổ chức hội họp tại Vũng Tàu vào các ngày cuối tuần để “qua mặt” sư tử Hà Đông đệ nhất phu nhân Mai Anh. Kết quả của những ngày đêm “họp hội cơ mật” tại Vũng Tàu, nàng Cyrnos Kim Anh dân biểu hạ viện đã sinh một con trai, một số tướng lãnh Sài Gòn cũ hay nói mỉa mai “đó là Hoàng tử thứ tư” .

Hoàng tử thứ tư có phải là “con Rồng” hay không, chỉ có trời mới biết vì trước đó, bà chủ quán Bar Cyrnos từng làm vợ hờ cho Thăng và cặp bồ một số đàn ông khác… rồi sau đó mới tung quả bóng xinh cho Thiệu sút vào lưới. Chính thế mà từ một “tú bà”, Trần Thị Kim Anh (gốc Hà Nội) được Thiệu cất nhắc dắt tay bước vào chính trường và được bồng đặt ngồi lên ghế dân biểu.

Việc thứ hai, nàng Kim Anh Cyrnos của Thiệu là một gián điệp CIA, nên lai lịch đầy đủ, rõ ràng về nhân thân là một bí mật, nếu không nói là giả toàn bộ, trừ con người và những hành động cụ thể là có thật. Đây là câu chuyện liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội tày trời của Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân) nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai thời kỳ mới giải phóng bị kết án tử hình. Một vụ án gây chấn động dư luận một thời mà chúng tôi sẽ hầu chuyện bạn đọc kỳ sau.

Những chính khách và báo giới lên tiếng tố cáo, vạch trần những vụ việc này đa phần tại hải ngoại vì sự bất mãn và thù hận riêng với Tổng thống đã bỏ rơi họ vào tháng Tư lịch sử 1975.

Sự hiểu biết của những con người này chưa hẳn là chính xác một cách tuyệt đối, có thể phiến diện, nhưng không thể khác hơn được vì họ là người sống và làm việc, hầu cận trong Dinh Tổng thống. Họ khó có thể bịa ra những chuyện không có trên đời để nói về Tổng thống và phu nhân trong khi họ chưa bao giờ bị ngược đãi hay đối xử tệ bạc.

Theo lời kể lại của phụ tá Tổng thống Thiệu là ông Nguyễn Tiến Hưng và ký giả Đặng Văn Nhâm cho thấy: Nàng Kim Anh vợ bé Thiệu không thuộc hàng mỹ nhân rực rỡ lúc bấy giờ. Vóc dáng béo tròn, lùn thấp, da trắng, mắt cực kỳ lẳng lơ.

Ở người đàn bà này luôn toát lên vẻ dâm đãng, háo sắc và nặng mùi cave hơn là một phụ nữ đài các, quí tộc sang trọng. Nếu so sánh với đệ nhất phu nhân Mai Anh hay ca sĩ Kim Loan hoặc cô em vợ là Tám Hảo thì Kim Anh Cyrnos thua xa về mọi mặt.

 Nhưng tạo hóa luôn công bằng và đa đoan một chút, khi ban cho người đàn bà này vài khiếm khuyết về tiêu chuẩn một mỹ nữ, thì lại ban cho sự khôn ngoan đáo để của con gái đất Bắc. Ăn nói rất duyên, biết làm hài lòng các đấng mày râu hạng sang nhất trong xã hội thượng lưu và quyền lực.

Biết lẳng lơ để mồi chài và lao vào vồ lấy con mồi như một con thiêu thân để dâng hiến và leo lên nấc thang danh vọng, quyền lực và bạc tiền. Đã có bao nhiêu người đàn ông qua đêm với bà chủ quán Bar vũ trường Cyrnos chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn là con số nhiều và Tổng thống Thiệu là người sau cùng tính đến ngày Thiệu từ chức 21-4-1975.

Những ai từng sống ở Sài Gòn những thập kỷ 60-70 đều biết rất rõ thành tích ăn chơi, lăng nhăng tình ái của rất nhiều quan tướng chế độ Sài Gòn. Nhưng kể từ sau vụ đánh ghen nổi tiếng do Năm Ri-đô vợ Trung tá Trần Ngọc Thức (Thức công binh) thuê giang hồ tạt acid biến tình địch là vũ nữ Cẩm Nhung “nữ hoàng vũ trường” thành phế nhân, dị dạng làm cho rất nhiều mối tình “tay ba, tay bốn” co vòi, rụt cổ rút vào bí mật vì sợ trả thù, đánh ghen.

d
Vợ chồng TT Thiệu về thăm quê Phan Rang

Đặc biệt là đụng đến những mệnh phụ phu nhân như bà Thiệu, bà Kỳ, bà Khiêm, bà Viên, bà Quang, bà Bình thì xem như người phụ nữ đó chán sống, thèm chết dưới sức mạnh quyền lực. Chuyện cô nhân tình Tổng thống là ca sĩ Kim Loan phải biến mất khỏi Việt Nam năm 1969 là một cảnh cáo mang tính ví dụ điển hình.

Cũng có thể do chiến trường thay đổi cục diện từ sau Hiệp định Paris, Mỹ rút khỏi Việt Nam có quá nhiều biến loạn và thất bại từng ngày làm Thiệu gần như quên hẳn người vợ bé này một thời gian trước khi Sài Gòn được giải phóng. Và cũng có thể Thiệu phát giác ra chân tướng CIA đội lốt hồ li tinh của nàng Kim Anh nên cẩn trọng và dè dặt trong quan hệ tình ái phòng hữu sự như Ngô Đình Diệm năm 1963 chết thảm dưới bàn tay đạo diễn của CIA Mỹ.

Thiệu đi bỏ lại nàng Cyrnos Kim Anh... bơ vơ

Những cuộc tình ngoài luồng dưới chiếc ghế quyền lực muôn đời là phù du tựa như cánh bèo trôi, như lục bình lênh đênh trên sông nước. Đã có sự nhầm tưởng của rất nhiều nhân tình rằng tấm áo quyền lực, giàu sang được khoác lên thân thể của mỹ nhân là bất biến, vĩnh cửu.

Mà người đời quên rằng luật nhân quả trùng trùng đã kiến tạo nên trật tự công bằng cho con người. Ai gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Khi Thiệu cảm nhận đầy đủ nhất về ngày tàn của mình và chiếc ghế quyền lực không còn nữa, cũng là lúc mọi cuộc vui, mọi nhân tình cùng chung số phận chấm hết. Một vị vua quen sống bằng quyền lực đế vương như Thiệu, khó có thể làm lại từ đầu một người bình dân, bình thường được.

Những nàng Oanh lai Tây ở Bến Sông Cầu hay dân biểu Kim Anh, dân biểu Diệp, ca sĩ Kim Loan và ngay cả đệ nhất phu nhân Mai Anh cũng vụt khỏi tầm tay của Thiệu từ ngày định mệnh 21-4-1975.

 Ngay cả khi an toàn ra hải ngoại định cư, Thiệu ở Đài Bắc - Đài Loan một thời gian tại nhà người anh ruột Nguyễn Văn Kiểu (Kiểu Cụt), sau đó sang Anh quốc nhưng không sống chung với đệ nhất phu nhân Mai Anh mà sống riêng một nơi  khác. Mãi đến khi nàng Kim Anh Cyrnos vượt biên sang Mỹ, Thiệu chuyển sang Mỹ sống chung dệt tiếp mối tình xưa tái hợp Kim Kiều một thời gian.

 Như chúng tôi đã trình bày, Thiệu là người đặc biệt tin tưởng vào tử vi tướng số. Vận mệnh quốc gia và vận mệnh bản thân Nguyễn Văn Thiệu đánh cược hết vào canh bạc tướng số. Trong đó, con số “21” có những thiên cơ kỳ lạ. Vào buổi trưa ngày 21-6-1965 Thiệu chính thức bước lên ngôi vị Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa trước một cái bàn phủ gấm xanh nhận bàn giao chính quyền Phan Khắc Sửu tại Dinh Gia Long.

 Cũng đúng ngày 21-4-1975 “tiền định” (thiếu 2 tháng ) thì tròn 10 năm Thiệu ngồi trên ngai vàng. Nhưng ai mà biết được cơ trời, năm 1975 Thiệu kết thúc cuộc đời làm tay sai của mình rơi đúng vào tuổi 52. Trong cuộc đời làm lính đánh thuê của Thiệu gặt hái cả thảy 17 tấm huân chương đệ nhất đẳng, trong số đó còn có cả huân chương cao quý “Đại Hàn đệ nhất hạng” đã bị Thiệu vứt hết vào trong sọt rác một ngày cuối tháng tư lịch sử.

Đêm khuya trước ngày đọc diễn văn từ chức, Dinh Độc Lập bỗng trở nên vắng lặng lạ thường. Thiệu ngồi thu lu một mình trên phòng làm việc tại lầu 3, lật từng báo cáo, hồ sơ đọc lại để thẩm định tình hình chiến sự. Không bóng mỹ nhân, không mùi hương của son phấn phảng phất như thường ngày.

Lởn vởn trong óc Thiệu lúc này là hỏa châu rơi, tiếng súng AK, là tiếng chân của tàn binh tháo chạy thục mạng, là tiếng xích xe tăng T.54 đang nghiến bánh xích trên đường phố Buôn Ma Thuột, Pleyku và các tỉnh thành phố dọc theo duyên hải miền Trung của quân Giải phóng dồn dập, thần tốc tấn công như vũ bão, sóng trào. Cũng tại căn phòng này 4 ngày trước đó, Thiệu cùng bộ sậu lãnh đạo đã quyết định “rút bỏ Tây Nguyên” tháo chạy về Phan Rang lập phòng tuyến tử thủ từ xa.

Thiệu gặm nhấm sai lầm trọng đại về chiến lược quân sự này đã khoét sâu thêm lỗ hỏng trên bờ đập để  nước tràn dâng mỗi lúc mỗi cao hơn, mạnh hơn và nhiều hơn làm phá vỡ toàn bộ đập ngăn là hai tấm lá thép chắn tại Phan Rang và Xuân Lộc.

Nhưng dù Thiệu và quân đội Sài Gòn có là Thánh cũng không thể nào ngờ với mưu lược nghi binh, giả vờ đánh Pleyku, bất ngờ quân giải phóng chiếm Buôn Ma Thuột trong sự sửng sốt, kinh hoàng của lính Thiệu và các tướng tá, giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột- Đăk Lăk vào ngày 10-3-1075.

…Đêm tàn cuối cùng đời Thiệu, ngồi trong căn phòng Dinh Độc Lập nghe những hồi chuông của nhà thờ Đức Bà vang lên như hồi chuông báo tử. Ngày mai đã tới. Có thể sẽ như mọi người, mọi ngày, nhưng với Nguyễn Văn Thiệu thì ngày mai ấy sẽ không bao giờ có nữa. Đêm nay là đêm cuối cùng Thiệu ở trong căn phòng này, trong Dinh Độc Lập nguy nga tráng lệ trên chiếc ghế bành.

Ngày mai Thiệu sẽ từ giã, sẽ bỏ tất cả những xa hoa, đài cát, quyền uy và những cô nhân tình bốc lửa, xinh đẹp như tiên giáng trần với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Thiệu sẽ cuốn gói chuồn vĩnh viễn, bỏ mặc lũ diều hâu và sói hoang ở lại xâu xé nhau và nhận gánh tất cả những gì thuộc về dân tộc, quốc gia.

Đây là một quyết định không dễ dàng với Thiệu, mặc dù đã được toan tính, cân nhắc từ lâu rồi. Hơn ai hết, Thiệu biết rằng đây là thời điểm lịch sử tồi tệ nhất đối với miền Nam Việt Nam mà Thiệu là người chủ cuộc. Là tội nhân thiên cổ hay là người nghĩa khí với Thiệu đã không còn giá trị nữa.

Một tuần sau đó khi đã chạy sang Đài Bắc, Thiệu đã thổ lộ với một người bạn thân của mình: "Đúng, tôi đã chuẩn bị ra đi từ rất sớm và tính toán rất đúng lúc. Tôi đợi đến khi người bệnh nằm trên giường đã tắt thở, chuẩn bị khâm liệm và cho vào áo quan, không còn ai có thể cứu được nữa - thế là đúng lúc đó tôi chuồn. Tôi không muốn để bất cứ ai có thể làm được điều gì hơn những cái tôi đã làm". Người ta nói Thiệu quỷ quyệt hơn người khác, có lẽ đây là một minh chứng mặc dù rất láu cá, du côn nhưng rất Thiệu.

Một bà nghị sĩ có cặp mắt và nụ cười rất lẳng vẫn ra vô thường xuyên trong Dinh Độc lập được xem là bạn thân của Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm thổ lộ một chi tiết khá thú vị rằng: những khi tôi làm việc riêng với ông (chỉ Thiệu), ít khi ông gọi tên bà ta mà gọi là “con điếm xịa”.

Ai là người dân miệt Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết hẳn sẽ biết từ ám chỉ sự khinh bỉ, miệt thị “con điếm xịa” là rất nặng, chỉ loại “đĩ điếm” hạng bét nhất, rẻ tiền nhất.

Điều này đã cho thấy, trong tư duy của ông chủ Dinh Độc Lập không phải người đàn bà nào cũng là những bông hoa đẹp và lung linh như người ta tưởng. Càng ngẫm lại cái câu “bạn nhà binh, tình nhà thổ” trong xã hội của Thiệu mới thấy sự tổng kết đó không lấy gì thay thế được và không tìm đâu ra ngôn từ hay hơn để diễn đạt.

Trước khi rời chiếc ghế Tổng thống, Thiệu dàn xếp cho vợ con cùng tài sản ra nước ngoài theo đường Hàng không của sui gia Nguyễn Tấn Trung, bay sang Băng Cốc, Thụy Sĩ và  quay lại Luân Đôn – Anh và sang Mỹ định cư.

Còn lại một mình, đối mặt với sự hỗn độn, ly loạn sắp xảy ra với cặp mắt  điện tử dõi theo “kè kè” suốt ngày của CIA, Đại sứ và Cố vấn Mỹ, những lãnh đạo quốc gia như Thiệu, Kỳ, Khiêm, Viên, Đôn luôn sống trong trạng thái nghẹt thở, lo sợ nơm nớp từng phút, từng giây sự phản bội và trở mặt của người  Mỹ và các tướng lĩnh dưới quyền lâu nay bất đồng chính kiến.

Ngay sau bài diễn văn từ chức dài lê thê không đầu, không đuôi của Thiệu múa may trên Đài truyền hình kim đồng hồ định mệnh chỉ con số 21 giờ 19 phút... Thiệu đã lẳng lặng cùng Đại tá Trần Thanh Điền đem theo tốp lính bảo vệ chuồn khỏi Dinh Độc Lập. Đại tá Nhan Văn Thiệt, tài xế riêng lái xe đưa Thiệu về biệt thự trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu. Phu nhân Mai Anh đang cuống cuồng gói ghém vàng bạc, kim cương cho vào các vali chuẩn bị cho chuyến đi xa.

Ai cũng quá biết bà Thiệu là một trong những "mệnh phụ phu nhân" mê kim cương, sưu tập đồ cổ còn hơn cả mê chồng đang làm Tổng thống. Xuất hiện bất kỳ nơi nào, đệ nhất phu nhân Mai Anh cũng đeo nhẫn có một viên kim cương to tướng.

Bộ sưu tập kim cương của bà Mai Anh được đánh giá vào hạng nhất ở châu Á thời bấy giờ. Còn nhớ trong đêm 25-4-1975, trên chuyến xe đưa Thiệu, Khiêm ra phi trường Tân Sơn Nhất, viên sĩ quan CIA Mỹ đi kèm tháp tùng đã hỏi thăm Thiệu : “Bà nhà và con cái ngài đang ở đâu mà không đi cùng ?”. Thiệu tỉnh bơ trả lời bằng tiếng Anh “Họ đang ở Luân Đôn mua sắm đồ cổ”.

Thiệu nói dối một cách cứng rắn và chuyên nghiệp vì đang thủ diễn vai “cựu Tổng thống” được Tân Tổng thống Trần văn Hương cử sang Đài Loan viếng đám tang Tưởng Giới Thạch, hoàn toàn không phải chuyến đi không bao giờ trở lại.

Mới đây, trong dịp giỗ của cựu Tổng thống Thiệu tại Boston - Hoa Kỳ, cựu đệ nhất phu nhân tuy đã gìa, nhưng vẫn còn bừng sáng nét đài các quý phái rất hiếm có. Nét đẹp và khuôn mặt nổi tiếng hiền từ năm xưa vẫn ngời ngời hiển hiện. Trong các bức ảnh lưu lại cũng cho thấy: ngay trước ngực của bà đeo lủng lẳng một tấm ngọc bích rất to, có chạm trổ tinh xảo, cực kỳ công phu hình Logo bệnh viện Vì Dân ngày xưa. Trên ngón tay của bà Mai Anh vẫn chiếc nhẫn kim cương to đùng như ngày còn làm bà chủ Dinh Độc Lập. 

Không ai biết vào thời khắc nghiệt ngã ấy, nàng vợ bé của Thiệu đang ở đâu và làm gì ? Chỉ biết rằng, lúc 21 giờ 15 phút, Thiệu và Khiêm được Đại sứ, Cố vấn Mỹ đưa tiễn một cách lặng lẽ, bí mật ra sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay C118 của Mỹ bay sang Đài Loan không hề có mặt Kim Anh hay một người phụ nữ nào khác.

Có phải vì “ốc không mang nổi ốc” hay vì lý do khác mà những người đàn bà trong đời Thiệu tất thảy đều bị bỏ rơi. Đến cả Thiệu còn phải nhờ Tân Tổng thống Trần Văn Hương ký Quyết định cử “cựu Tổng thống” dẫn đầu đoàn đại biểu sang Đài Loan để viếng Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5-4-1975 để hợp thức hóa cuộc bỏ trốn khỏi Sài Gòn. Vì Thiệu là người tinh khôn và rất đa nghi, nên cuộc ra đi không kèn, không trống ấy đã cứu Thiệu thoát khỏi bày tay thần chết.

Ai cũng biết, Thiệu yêu vợ bé Kim Anh Cyrnos hơn cả đệ nhất phu nhân Mai Anh, như thế không thể nào có chuyện bỏ rơi Kim Anh lại Việt Nam, thay vì hoàn toàn có thể bố trí, dàn xếp cho ra hải ngoại định cư trước giờ Thiệu ra đi.

 “Nghi án” có con riêng với Kim Anh, bức màn bí mật ấy đến nay vẫn chưa được vén lên, ngay cả những người từng hầu cận trong Phủ đầu rồng cũng không dám khẳng định. Khi sang Đài Loan và Anh quốc định cư, Thiệu không chung sống với bà Mai Anh mà sống một mình lặng lẽ và ẩn dật, tránh né mọi tiếp xúc và gặp gỡ báo giới, quan chức, tướng tá dưới trướng ngày xưa.

Cho mãi đến khi nàng Kim Anh - Cyrnos lừa được nhân tình là Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), vượt biên sang Mỹ, Thiệu quay qua Mỹ định cư và sống với nàng Cyrnos Kim Anh, với cú “hồi mã thương” đẩy Nguyễn Hữu Giộc ra pháp trường nhận lãnh án tử hình.

 Nhưng có một việc ai cũng tường đó là sau ngày giải phóng 30-4-1975, Trần Thị Kim Anh bị bắt đi cải tạo tập trung tại trại giam Tam Hiệp –TP Biên Hòa - Đồng Nai, sau đó đã ra được trả tự do trở thành nhân tình của Nguyễn Hữu Giộc cho đến ngày vượt biên sang Mỹ định cư, không ai thấy bóng dáng con trai Kim Anh đâu cả. Hình như cậu quý tử đã được đưa sang Mỹ từ trước giải phóng, còn Kim Anh ở lại tiếp tục làm một gián điệp đội lốt hồ ly tinh.

Kỳ 5: Thiên đường tình ái hay địa ngục chôn vùi tội ác của Nguyễn Hữu Lộc

Nam Yên


[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc