Vào năm 51, vua Tuyên Vũ Đế của nhà Bắc Ngụy băng hà, thái tử là Nguyên Hử kế vị lên ngôi, sử gọi là Tiêu Tông Hiếu Minh Đế. Do Tiêu Tông tuổi còn quá nhỏ nên theo luật định, mẹ của hoàng đế là Hồ Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Từ đó, Hồ Thái Hậu tự tung tự tác, không coi noàng đế lẫn triều thần ra gì.
Khi Tiêu Tông lớn lên, không chịu nổi cảnh bị mẹ bức ép mới quyết định cùng triều thần bàn kế hoạch ép Hồ Thái hậu phải trả lại quyền lực cho mình. Không ngờ kế hoạch không may bại lộ, biết con có ý “phản nghịch”, Hồ Thái hậu đã quyết định ra tay trước. Khi đó, một phi tần của Tiêu Tông vừa sinh ra một cô công chúa. Hồ Thái Hậu chớp ngay cơ hội, nói với triều thần rằng Tiêu Tông đã có con trai rồi phong cho cô công chúa giả trai ấy làm “thái tử” đồng thời cho đại cáo thiên hạ.
Sau khi đã có người kế vị, Hồ Thái hậu ra lệnh hạ độc giết chết Tiêu Tông rồi đưa cô công chúa giả trai lên làm hoàng đế, đổi niên hiệu thành Vũ Thái. Theo những gì sử sách còn lưu lại thì đây mới chính là vị nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, sớm hơn so với Võ Tắc Thiên tới gần 200 năm. Tuy nhiên, câu chuyện về vị nữ hoàng đế đầu tiên này phải bắt đầu từ Hồ Thái hậu.
Hồ Thái hậu tên thật là Hồ Thừa Hoa, có sách chép bà tên là Hồ Sung Hoa. Việc một cô gái xuất thân từ dân thường như Hồ Thừa Hoa có thể trở thành một hoàng hậu vốn là một câu truyền đầy tính truyền kỳ và ngẫu nhiên. Nhiều người nói rằng, Hồ Thừa Hoa vào được đến hoàng cung là nhờ mẹ của mình, vốn cũng là một thường dân nhưng lại có cơ hội quen biết với nhiều người có thế lực trong cung. Một thuyết khác lại nói, Hồ Thừa Hoa vào cung được là nhờ người cô vốn là một ni cô nổi tiếng đương thời.
Hồ hoàng hậu |
Thời Bắc Ngụy, Phật giáo rất được sùng bái, do vậy vị ni cô này đã tận dụng cơ hội thường xuyên vào cung của mình để tiến cử Hồ Thừa Hoa. Tuy nhiên, một người phụ nữ có thể để lại tên tuổi mình trên sử sách thì ắt tự bản thân người ấy phải có bản lĩnh chứ không thể dựa dẫm vào người khác. Và quả thực người ta đã thấy cái bản lĩnh ấy của Hồ Thừa Hoa kể từ sau khi người phụ nữ vốn xuất thân nghèo hèn này có thai.
Khi Tuyên Đạo Vũ Đế Thác Bạt Khuê lập nên nhà Bắc Ngụy, để “rút kinh nghiệm” triệt để đối với nạn ngoại thích (họ ngoại) chuyên quyền thời nhà Tấn trước đó, Đạo Vũ Đế đã quyết định đưa ra một quy định vô cùng tàn nhẫn: nếu con được lập thái tử thì mẹ phải chết. Khi Hồ thị được đưa vào cung, quy định này vẫn còn tồn tại và được thực thi rất nghiêm. Vì vậy khi đó rất nhiều phi tần sợ rằng một khi mình sinh con trai rồi được phong làm thái tử thì sớm bị giết chết nên đã tìm mọi cách để phá bỏ những bào thai trong bụng. Khi Hồ Thừa Hoa mang thai có người khuyên bà nên bỏ đứa bé trong bụng.
Lúc đó, Hồ Thừa Hoa đã nói một câu đáng để lưu danh sử sách: “Thiên tử làm sao có thể không có con được! Các người thật là những kẻ ích kỷ chỉ biết lo chuyện sống chết của mình mà không nghĩ tới quốc gia đại sự”. Rồi trong con mắt kỳ thị của rất nhiều người, một mình Hồ Thừa Hoa ngày đêm cầu mong đứa con trong bụng mình là sẽ là con trai và sau này sẽ được lập làm thái tử.
Sau đó, Hồ Thừa Hoa thực sự sinh ra một người con trai, đồng thời được Tuyên Vũ Đế lập làm thái tử đúng như ước nguyện. Người con đó chính là Tiêu Tông Nguyên Hử sau này.
Theo quy định thì sau khi Nguyên Hử được phong làm thái tử, Hồ Thừa Hoa sẽ bị chặt đầu để “trừ hậu họa” tuy nhiên, Tuyên Vũ Đế lại rất yêu người phụ nữ duy nhất “dũng cảm” sinh cho mình một người nối dõi, vì vậy cuối cùng đã bất chấp tất cả những dị nghị, tranh cãi trong hậu cung để làm trái lại luật lệ tổ tiên, tha chết cho Hồ Thừa Hoa. Người ta thường nói: “gặp đại nạn mà không chết, tất về sau sẽ gặp phúc lớn”, câu nói này rất đúng trong trường hợp của Hồ Thừa Hoa.
Chẳng bao lâu sau đó, Tuyên Vũ Đế qua đời, thái tử Nguyên Hử mới 6 tuổi trở thành người kế vị, Hồ Thừa Hoa nghiễm nhiên trở thành Thái hậu nhiếp chính, nắm toàn bộ quyền lực trong triều đình Bắc Ngụy.
“Mối họa” mà vị vua khai quốc của triều đại này lo lắng cuối cùng cũng bắt đầu. Ban đầu, Hồ Thái hậu cũng tỏ ra là người biết lo cho dân cho nước để lấy lòng triều thần. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, khi quyền lợi bị đụng chạm, lập tức Hồ Thừa Hoa lập tức trừ bỏ tất cả những người đối lập với mình nhằm độc chiếm quyền lực.
Quyền lực đôi khi khiến người ta mất đi lý trí. Khi Hoàng đế Tiêu Tông lớn lên, theo lý, Hồ Thái hậu phải trả lại quyền điều khiển triều chính cho Tiêu Tông, tuy nhiên, lúc này, người phụ nữ đầy tham vọng vẫn đang chìm đắm trong cơn say quyền lực nhất định không chịu từ bỏ những gì mình đang có. Vì vậy, Hồ Thừa Hoa quyết định giết chết chính con trai của mình và lập một cô con gái mới vừa tròn một tháng tuổi của Tiêu Tông lên làm hoàng đế. Đây chính là vị nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc về mặt danh nghĩa. Tuy nhiên, thực chất, Hồ Thái hậu mới thực sự là một hoàng đế.
Hồ Thái hậu không phải không biết phân biệt con trai và con gái. Việc Hồ Thái hậu lập một công chúa chưa đầy một tháng tuổi lên làm Hoàng đế thực tế chỉ là nhằm tạo ra một bước đệm cho việc xưng đế của mình. Bởi lẽ, sau đó ít lâu, Hồ Thái hậu lại phế bỏ vị nữ hoàng đế này để lập một hoàng tử mới chỉ 3 tuổi lên ngôi.
Đến thời điểm đó, mặc dù chưa bao giờ ngồi lên ngai vàng song Hồ Thái hậu luôn tự xưng mình là “trẫm” và tự mình quyết định mọi công việc quan trọng của triều đình. Trong lịch sử hàng ngàn năm của hậu cung Trung Quốc, những người phụ nữ lộng quyền thì rất nhiều, tuy nhiên chỉ có 2 người “cả gan” tự xưng mình là “trẫm”. Người thứ nhất là Võ Tắc Thiên và người thứ hai chính là Hồ Thái hậu.
Tới người phụ nữ lên ngôi từ chiến trận
Nếu như vị nữ hoàng đế đầu tiên thực chất chỉ là một “màn kịch” vốn không phải hiếm hoi trong chốn cung đình thì Trần Thạc Trinh lại là một nữ Hoàng đế thật đến trăm phần trăm. Người phụ nữ họ Trần vốn sống cùng thời với Võ Tắc Thiên này là người đầu tiên trong lịch sử dám tự xưng mình là nữ hoàng. Vậy vì sao người ta chỉ nhắc tới Võ Tắc Thiên mà không bao giờ nhắc tới Trần Thạc Trinh? Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến nữ hoàng họ Trần ít “nổi” hơn nữ hoàng họ Võ ngoài việc bà là một lãnh tụ nông dân có lẽ là vì bà ít những câu chuyện lùm xùm trong chốn hậu cung khiến hậu thế phải tò mò như nữ hoàng họ Võ.
Năm thứ 4 kể từ khi Đường Cao Tông Lý Trị, ông chồng nhu nhược của Võ Tắc Thiên tức vị, tức là vào năm 653 theo Tây lịch, ở huyện Thanh Khê, Mục Châu, nay là Chiết Giang nổ ra một cuộc khởi nghĩa của nông dân. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa này là một người phụ nữ tên gọi là Trần Thạc Trinh. Trần Thạc Trinh tự xưng là tiên nhân, dân gian cũng rất tin sùng Trần thị, xưng bà là thần. Sau đó, để tổ chức lực lượng chống lại triều đình, Trần Thạc Trinh đã tự xưng là hoàng đế, lập nên triều đình riêng của mình, chấn động cả một cõi.
Thanh Khê nằm ở phía tây bắc của Chiết Giang, giáp với tỉnh An Huy của Trung Quốc ngày nay. Đây là vùng đất đai màu mỡ, sản vật rất phong phú đặc biệt là sơn và trà. Cũng vì vậy, những kẻ thống trị rất chú ý tới vùng đất này, đồng thời liên tục đòi hỏi sự cống nạp phục vụ quá mức khiến cuộc sống của dân thường ở vùng này ngày một đói khổ.
Khi Đường Cao Tông lên ngôi, nhà Đường vừa trải qua thời “thịnh trị Trinh Quán”, thời đại được coi là thịnh vượng nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, tuy nhiên, tại những vùng như Thanh Khê mâu thuẫn giữa những người dân thường với giai tầng thống trị thì vẫn ngày một căng thẳng hơn. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh “thịnh trị” ấy, những kẻ thống trị lại càng đòi hỏi sự cống nạp lớn hơn để phục vụ cho cuộc sống hưởng lạc của mình. Điều này khiến những người dân Thanh Kê luôn cảm thấy bất mãn với triều đình nhà Đường. Trong hoàn cảnh “tức nước vỡ bờ” ấy, Trần Thạc Trinh đã phát động nông dân Thanh Khê đứng dậy khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa của Trần Thạc Trinh hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa tự phát mà được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu. Một ngày, Trần Thạc Trinh nói với người hàng xóm của mình rằng cô muốn rời khỏi quê nhà, lên đường tu tiên vì vậy cố muốn nói lời từ biệt với những người trong làng. Không lâu sau đó, quả nhiên người ta thấy Trần Thạc Trinh dường như biến mất. Những người hàng xóm có người tin lời của Trần Thạc Trinh là thật, có người bán tín bán nghi có người lại cho rằng nó là những lời giả dối.
Võ Tắc Thiên trên phim |
Họ đem chuyện này đến báo với quan phủ nói rằng việc Trần Thạc Trinh thành tiên thì là giả nhưng mưu đồ làm loạn thì có thật. Quan phủ vì thế đã sai người đi khắp nơi tìm kiếm rồi bắt Trần Thạc Trinh về luận tội. Sau khi thẩm vấn, các quan địa phương phán Trần Thạc Trinh dùng lời ma quái mê hoặc dân chúng làm loạn kỷ cương, viết vào báo cáo dâng lên quan phủ. Không ngờ, quan phủ sau khi xem xong bản án lại phán rằng không có đủ chứng cứ vì vậy quyết định tha cho Trần Thạc Trinh.
Thực tế, Trần Thạc Trinh muốn mượn cớ tu tiên để rời khỏi quê nhà một thời gian, một là để người ta tin cô đã trở thành tiên thật, hai là muốn dùng thời gian này để học thêm một chút bản lĩnh và suy nghĩ kế hoạch khởi nghĩa. Đợi đến khi thời cơ chín muồi sẽ lợi dụng thân phận là thần tiên của mình để quay về quê hương tổ chức người dân nổi dậy. Không ngờ, vừa rời nhà chưa được bao lâu thì bị người dân báo quan phủ bắt về. Mắn mắn thoát khỏi án phạt của quan phủ tuy nhiên, Trần Thạc Trinh cũng biết rằng, quan phủ đã bắt đầu chú ý tới mình do vậy cô quyết định sẽ quay về quê và tổ chức khởi nghĩa ngay.
Trần Thạc Trinh có một người thân tên là Chương Thúc Dận, người này rất tích cực ủng hộ kế hoạch khởi nghĩa của Trần Thạc Trinh đồng thời giúp đỡ Trần Thạc Trinh rất nhiều trong việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Chương Thúc Dận nói với bên ngoài rằng, Trần Thạc Trinh đã thành thần tiên nay từ trên trời quay trở về Thanh Khê, giờ đây pháp lực của Trần Thạc Trinh là vô biên không thể lường hết được, thậm chí cô ta có thể sai khiến được cả quỷ thần.
Câu chuyện Trần Thạc Trinh thành tiên quay trở về Thanh Khê cứ như vậy một đồn mười, mười đồn trăm, người dân Thanh Khê và khắp các vùng lân cận không ai không biết tiếng và nể sợ Trần Thạc Trinh. Mỗi một lời Trần Thạc Trinh nói đối với họ đều là mệnh lệnh của thần tiên, vì vậy, họ sẵn sàng vào sinh ra tử khi Trần Thạc Trinh ra lệnh.
Năm 653, Trần Thạc Trinh tuyên bố khởi nghĩa, bắt đầu chống lại quan phủ. Trần Thạc Trinh mô phỏng thể chế nhà Đường lập nên một bộ máy chính quyền riêng, phong cho Chương Thúc Dận làm chức Bốc Xạ (Tể tướng), quản lý tất cả các sự việc trong triều đình. Bản thân Trần Thạc Trinh tự xưng làm hoàng đế, gọi là Văn Khuê Hoàng đế. Trong lịch sử Trung Quốc, những người phụ nữ tham gia các cuộc khởi nghĩa nông dân không ít, tuy nhiên, người phụ nữ đứng ra phát động khởi nghĩa nông dân rồi tự đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ấy thì chỉ có một mình Trần Thạc Trinh.
Sau khi Trần Thạc Trinh phát động khởi nghĩa nhân dân khắp nơi kéo đến ủng hộ rất đông. Vì vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, số lượng nghĩa quân của Trần Thạc Trinh đã có tới hàng chục ngàn người. Sự lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa khiến triều đình nhà Đường cảm thấy vô cùng lo lắng, tìm mọi cách để dập tắt cuộc khởi nghĩa này trước khi quá muộn. Phản ứng đầu tiên mà triều đình nhà Đường thực hiện chính là phong tỏa phạm vi của cuộc khởi nghĩa, khống chế người dân tham gia nghĩa quân, hạn chế sự phát triển của nó. Để thực hiện việc “phong tỏa” này, triều đình nhà ra lệnh kiểm tra tất cả những người đi đến khu vực khởi nghĩa kể cả tăng lữ.
Để mở rộng phạm vi cũng như tăng cường lực lượng cho cuộc khởi nghĩa, Trần Thạc Trinh đã chỉ huy nghĩa quân đánh hạ rất nhiều huyện thành của Mục Châu. Tiếp đó, Trần thị lại dẫn quân tấn công sang Hấp Châu, thuộc khu vực tỉnh An Huy ngày nay. Tuy nhiên, do quân đội triều đình được điều đến rất đông lại rất ngoan cố chống giữ, vì vậy mục tiêu tấn công An Huy của Trần Thạc Trinh đã không thực hiện được.
Sau khi rút lui khỏi Hấp Châu, Trần Thạc Trinh đã điều chỉnh lại chiến lược, từ việc tập trung quân lực để tấn công chuyển sang tấn công du kích để mở rộng phạm vị khởi nghĩa. Trần Thạc Trinh đã phái tướng dưới quyền của mình là Đồng Văn Bảo dẫn 4.000 quân bất ngờ tấn công Vụ Châu, nay là Kim Hoa thuộc Chiết Giang. Không ngờ Đồng Văn Bảo sau khi dẫn quân vào Vụ Châu đã bị quan binh triều đình phát hiện. Vì thế, Đồng Văn Bảo thay đổi luôn chiến thuật, thúc quân tiến về phía trước tấn công.
Khi đó, quan Thích sử của Vụ Châu là Thôi Nghĩa Huyền. Họ Thôi cũng là một nhân vật thuộc dạng “năng nổ” khi quần hùng nổi lên khắp nơi cuối thời nhà Tùy. Ban đầu Thôi theo Lý Mật nhưng không được trọng dụng, sau đó bỏ Lý Mật theo Lý Uyên. Lý Uyên không phải ai khác chính là Thái Tổ của triều nhà Đường. Thôi Nghĩa Huyền sau khi nhận được tin báo của cảnh vệ lập tức tập hợp các quan văn võ chuẩn bị xuất quân chống lại Đồng Văn Bảo.
Các quan viên dưới quyền Thôi sợ quân của Trần Thạc Trinh nói với Thôi rằng: “Quân của Trần Thạc Trinh có thần linh bảo hộ, những người dám chống lại quân của chúng không ai không bị tiêu diệt tốt hơn hết là chúng ta nên tránh đi thì hơn”.
Lúc này, một người quân sư của Thôi mới bước ra nói: “Những cuộc khởi nghĩa hợp lòng dân mà nhiều khi cũng khó có thể thành công huống chi Trần Thạc Trinh chỉ dựa vào một chút pháp thuật. Hạ quan tin chắc rằng đám quân hỗn tạp này sẽ không tồn tại được bao lâu”. Thôi Nghĩa Huyền nghe theo lời của vị quân sư này quyết định đem quân chống lại quân của Đồng Văn Bảo.
Trần Thạc Trinh nghe quân của Đồng Văn Bảo bị cản trở liền dẫn quân chủ lực của mình tới Mục Châu tham chiến. Mặc dù nghĩa quân số lượng chiếm ưu thế, tuy nhiên do khởi binh mới hơn 1 tháng, binh lính chưa trải qua bất cứ cuộc tập luyện nào vì vậy khả năng chiến đấu có hạn. Những thắng lợi trước đó có được phần vì những ngày đầu khởi nghĩa, những người tham gia còn rất hăng hái phần vì binh lính triều đình nghe nghĩa quân được thần linh hỗ trợ nên có phần còn e dè. Tuy nhiên, nay binh lính triều đình bắt đầu lấy lại tinh thần nên cuộc chiến trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trần Thạc Trinh dẫn quan từ nơi xa tới, không biết rõ tình hình quân địch không thể thể thắng được vì vậy liên tục phái các gián điệp sang phía Thôi Nghĩa Huyền thám thính tình hình. Trong khi đó, Thôi Nghĩa Huyền do muốn nhanh chóng đánh bại nghĩa quân đã sử dụng hai chiến thuật: Một là phái người sang châu bên cạnh xin cứu viện hai là cố gắng ổn định lòng quân.
Một đêm, Thôi Nghĩa Huyền nói với thuộc hạ của mình, vừa mới xem vị trí các sao trên trời, tin chắc rằng đó là dấu hiệu của sự chiến thắng của quân triều đình. Đây thực chất chỉ là câu chuyện do Thôi Nghĩa Huyền bịa ra để khích lệ lòng quân mà thôi, song câu chuyện lại rất có hiệu quả bởi nó đánh đúng vào chỗ thiếu hụt lớn nhất của binh lính triều đình đó chính là lòng tin vào sự chiến thắng.
Tháng 10 năm đó, quan Trưởng sử Dương Châu Phòng Nhân Dụ nhận được thư cầu cứu của Thôi Nghĩa Huyền ngay lập tức mang quân tới Mục Châu cùng Thôi Nghĩa Huyền đánh lại quân của Trần Thạc Trinh. Diễn biến của cuộc chiến tại Mục Châu này ra sao, sử sách không ghi chép rõ tuy nhiên, từ kết quả của cuộc chiến được sử liệu ghi lại thì trong số hàng vạn người tham gia nghĩa quân hơn một vạn bị bắt làm tù binh còn lại đều chết trận. Văn Khuê Hoàng đế Trần Thạc Trinh và Bốc Xạ Chương Thúc Dận cũng bị bắt trong cuộc chiến, cuối cùng đã phải tự sát.
Nhiều người không tin rằng Trần Thạc Trinh đã chết vì vậy đã nghĩ ra một câu chuyện đậm chất truyền thuyết nói rằng, vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, nghĩa quân bị bao vây trên đỉnh một ngọn núi, Trần Thạc Trinh đứng trên đỉnh núi nhìn xung quanh, thấy nghĩa quân còn lại chẳng bao nhiều bèn quyết định vung kiếm chuẩn bị một mình lao xuống dưới núi.
Phòng Nhân Dụ và Thôi Nghĩa Huyền chỉ huy quân lính bắn tên như mưa về phía Trần Thạc Trinh. Trần thị lúc bấy giờ múa tít hai thanh kiếm trên tay, ở phía xa chỉ nhìn thấy hai vầng hào quang sáng lóa xoay quanh người bảo vệ toàn thân Trần Thạc Trinh.
Quan binh triều đình cứ nhắm thẳng về phía hai vầng hào quang ấy mà bắn tên không ngớt. Cuối cùng Trần Thạc Trinh bị trúng nhiều phát tên vào ngực, hai vầng hào quang trắng dần dần chậm lại rồi biến mất. Tuy nhiên, khi quân lính triều đình xông tới định bắt Trần Thạc Trinh thì bỗng nhiên có một đóa mây ngũ sắc bay tới, một con chim phượng hoàng khổng lồ đáp xuống đỉnh núi rồi mang Trần Thạc Trinh bay về trời. Vì vậy, ngọn núi đó ngày nay còn được gọi tên là Lạc Phượng Sơn.
Cuộc khởi nghĩa của Trần Thạc Trinh mặc dù ngắn ngủi, từ ngày bắt đầu cho tới khi thất bại chỉ hơn 1 tháng, tuy nhiên, nó đã tạo nên một cơn chấn động toàn bộ khu vực Đông Nam của nhà Đại Đường.
Điều đáng nói hơn nữa chính là Trần Thạc Trinh là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử tự xưng là hoàng đế dù “vương quốc” mà Trần thị lập nên không phải là toàn bộ Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi không tính đến màn kịch nữ hoàng đế mà Hồ Thái hậu tạo ra trước đó gần 200 năm thì Võ Tắc Thiên cũng không thể là nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc và càng không thể là nữ hoàng đế duy nhất của xứ sở vốn nặng tư tưởng phụ quyền này.
Đại Nam
[links()]