Vụ ngoại tình tai tiếng nhất lịch sử cung cấm Trung Hoa

( PHUNUTODAY ) - Ngồi ở ngôi nhiếp chính suốt 15 năm của triều Đông Hán, phế lập tới 3 Hoàng đế, Lã Trĩ được coi “nữ chính trị gia” đầy tham vọng trong lịch sử Trung Quốc. Không chỉ thế, với những đòn thù có một không hai dành cho các “tình địch” trong cuộc chiến tranh giành sự sủng ái của Hoàng đế, Lã Trĩ còn được các sử gia lắc đầu run rẩy phê cho hai chữ “ác phụ”.


1. Lã Trĩ tên tự là Nga Hủ, vốn là người huyện Đan, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, sau vì cha là Lã Công gây hấn với người khác phải dời tới huyện Bái, thuộc Từ Châu để tránh bị trả thù. Tại đây, Lã Công đã gặp Lưu Bang, khi đó đang làm chức Đình trưởng và quyết định gả con gái của mình cho ông Vuakhởi nghiệp nhà Hán này.

 Trên thực tế, Lưu Bang vốn là một kẻ “siêng ăn nhác làm”, lại còn “thích rượu háo sắc”, suốt ngày rong chơi, cờ bạc trai gái chẳng có nghề ngỗng gì nên cho tới năm 40 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ. Không có vợ nhưng rốt cuộc Lưu Bang vẫn là đàn ông, vì vậy, ngoài việc thường xuyên tìm đến các kỹ viện thanh lâu, Lưu Bang còn có một người tình họ Tào. Hai bên thường xuyên qua lại, rồi đến một hôm, cô gái họ Tào mang thai, sinh ra một đứa con trai. Lưu Bang đặt tên là Lưu Phì. Sau này, khi Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế đã phong cho Lưu Phì làm Tề Vương. Nhưng đó là chuyện sau này.

Mặc dù suốt ngày nhàn rỗi cờ bạc, nhưng Lưu Bang thuộc vào dạng “nhanh tay nhanh mắt”, bất cứ thứ gì chỉ cần học một chút là đều có thể thông thạo. Vì vậy, nhờ có người chỉ bảo, giúp Lưu Bang chạy chọt cửa sau nên cuối cùng Lưu Bang cũng leo lên được tới chức Đình trưởng Tứ Thủy.

Cũng từ đó, từ một kẻ du thủ du thực, Lưu Bang thường xuyên qua lại với những quan viên cao cấp trong huyện như Tiêu Hà, Tào Tham, Hạ Hầu Anh..., những người sau này trở thành trợ thủ đắc lực của Lưu Bang trong việc tranh đoạt thiên hạ với Hạng Vũ. Mặc dù đã làm quan, tuy nhiên, tới lức làm Đình trưởng, Lưu Bang vẫn chưa thể cưới được vợ. Những gia đình gia giáo chẳng ai chịu gả khuê nữ cành vàng lá ngọc cho loại người “lưu manh” như Lưu Bang. Vậy vì sao khi đó Lã Công lại quyết định gả Lã Trĩ cho Lưu Bang?

Người ta nói rằng, Lã Công vốn là người tinh thông tướng số, nhìn thấy tướng mạo của Lưu Bang thấy có tướng vương, sau này ắt sẽ nên nghiệp lớn vì vậy mới hứa gả con gái cho Lưu Bang. Lã Công có hai cô con gái, cô chị là Lã Trĩ, cô em là Lã Tu.

d
Lã hậu

Ban đầu, Lã Công muốn gả Lã Tu cho Lưu Bang, nhưng vợ Lã Công phản đối nói rằng, trước nay ông đều nói trong nhà chỉ có hai cô con gái, đều rất xinh đẹp vì vậy nếu không phải là bậc anh hùng tài cao hay chí ít là bậc hào phú thì nhất định không gả con gái cho, nay vì sao lại đem gả con gái cho một tên “lưu manh” chỉ làm chức Đình trưởng bé tí ti? Lã Công nói, đó không phải là chuyện của phụ nữ, vẫn quyết gả con gái cho Lưu Bang, nhưng thay vì gả cô em Lã Tu, Lã Công đã gả cô chị Lã Trĩ vốn đã hứa hôn với người khác cho Lưu Bang.

 Khi đó Lã Trĩ mới 25 tuổi, kém Lưu Bang tới 15 tuổi. Lấy được vợ trẻ, lại xuất thân từ gia đình quý phái, Lưu Bang như kẻ ăn mày bắt được vàng. Tuy nhiên, cô tiểu thư họ Lã tuyệt nhiên chẳng phải là loại khuê nữ như Lưu Bang mơ ước.

2. Sau khi về làm vợ Lưu Bang được ít lâu, Đình trưởng phu nhân sinh hạ cho nhà họ Lưu một trai một gái. Con trai chính là Lưu Doanh, người sau này kế thừa ngai vị Hoàng đế của Lưu Bang còn con gái chính là công chúa Lỗ Nguyên. Tuy nhiên, thời yên ấm của gia đình họ Lưu không kéo dài được bao lâu. Ít lâu sau đó, Lưu Bang nghe theo lời của Tiêu Hà, Tào Tham…, chém rắn khởi binh chống lại nhà Tần.

Ảnh hưởng của nghĩa quân Lưu Bang ngày một lớn. Lưu Bang dẫn quân tấn công kinh thành Hàm Dương của nhà Tần. Theo như điều ước giữa các cánh quân tham gia chống lại nhà Tần, thì đáng ra Lưu Bang vào Hàm Dương trước sẽ được xưng vương ở đất Quan Trung.

Tuy nhiên, Hạng Vũ dựa vào thế lực quân sự hùng mạnh của mình tự phong làm Tây Sở Bá Vương, chỉ phong cho Lưu Bang làm Hán Vương. Lưu Bang không phục, cuộc chiến tranh giữa Hán và Sở kéo dài suốt nhiều chục năm bắt đầu.
 
Để tránh tên bay đạn lạc trên chiến trường thảm khốc, vợ con buộc phải để lại tại quê nhà. Tất nhiên, hiện tại đã trở thành một Hán vương, Lưu Bang cũng không thể bỏ vợ con của mình ở quê mà không có người chăm sóc. Vì vậy, Lưu Bang mới giao cho một thuộc hạ của mình tên là Thẩm Thực Kỳ chăm sóc cho Lã Trĩ và các con của mình.

Chu đáo đến như vậy, thiết nghĩ Lưu Bang cũng đã tận tình, tận nghĩa. Ấy thế nhưng, trong những năm tháng Lưu Bang còn đương gò mình liều mạng trên chiến trường, tính mệnh có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào thì trong những ngày tháng phải sống trong cảnh “chăn đơn gối chiếc” ở quê nhà, Lã Trĩ đã không chịu nổi sự cô đơn.

Và đương nhiên, đối tượng thích hợp nhất để giải quyết vấn đề của bà Hoàng hậu tương lai không ai khác chính là người hầu cận trung thành của Hán Vương Lưu Bang – Thẩm Thực Kỳ. Với danh nghĩa là người hầu cận được chính chủ tướng Lưu Bang giao phó việc chăm sóc “gia quyến”, Thẩm Thực Kỳ và Lã Trĩ đã sống với nhau như vợ chồng trong suốt thời gian Lưu Bang xông pha ngoài chiến trường.

Cuộc chiến giữa hai phe Hán – Sở ngày càng quyết liệt. Lưu Bang chiếm được kinh thành của Hạng Vũ là Bành Thành, Hạng Vũ nhanh chóng dẫn quân tấn công đoạt lại, đồng thời bắt cha đẻ của Lưu Bang và Lã Trĩ làm con tin. Thẩm Thực Kỳ cũng bị bắt cùng với họ.

Người ta nói rằng, trong suốt thời gian bị bắt làm con tin, tính mạng ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc, thế nhưng Lã Trĩ và Thẩm Thực Kỳ vẫn sống cùng nhau như vợ chồng mà chẳng có ai hay biết. Cũng trong thời gian này, Lã Trĩ đã thể hiện một khả năng của một “nữ chính trị gia” trong tương lai.

 Không chỉ mê hoặc Hạng Vũ để tự cứu tính mạng cho mình, Lã Trĩ còn kết thân được với Hạ Cơ, người thiếp yêu của Hạng Vũ rồi từ phía “hậu phương” giữ chân Hạng Vũ, dùng lời nói ngọt ngào khiến Hạng Vũ cảm thấy mệt mỏi vì những cuộc chém giết, cuối cùng xin được giảng hòa với Lưu Bang. Lưu Bang nhân lúc Hạng Vũ lơ là mất cảnh giác đã kết hợp với quân chư hầu bao vây Hạng Vũ, đánh bại Hạng Vũ ở đất Cai Hạ.

Khi hai phe Hán – Sở giảng hòa, Lã Trĩ trở về với Lưu Bang, đường đường làm một Hán Vương phi. Sau khi Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, tức Hán Cao Tổ của triều đại nhà Hán, Lã Trĩ cũng vì thế được phong làm Hoàng hậu. Cậu con trai do Lã Trĩ sinh ra là Lã Doanh được phong làm Thái tử.

 Tuy nhiên, cho tới tận lúc này, gần như không có ai hay biết về chuyện vụng trộm trước đây của bà Hoàng hậu họ Lã. Thế nên, ngoài cái danh “ác phụ”, người ta gọi Lã Trĩ là “ngoại tình cao thủ” hẳn cũng chẳng lấy gì làm sai cho lắm. Tuy nhiên, mọi chuyện rồi cũng bắt đầu vỡ lỡ khi có người phụ nữ thứ 3 xuất hiện.

3. Trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh Hán – Sở, Lưu Bang thường bị Hạng Vũ đánh cho liểng xiểng. Tuy nhiên, ông Vua khai quốc triều Hán thường rất gặp may. Vì vậy, trong những ngày tháng ấy, thay vì những chiến công trên chiến trường, Lưu Bang lập được không ít chiến tích trên tình trường. Một trong những chiến tích đó chính là việc sở hữu một mỹ nhân tuyệt sắc, người con gái sau này ảnh hưởng rất lớn tới hậu cung nhà Hán – Thục Phi.
Lưu Bang
Lưu Bang

 Lần đó, Lưu Bang bị Hạng Vũ đánh cho thua trận phải bỏ chạy, nhiều ngày không được ăn cơm. Khi chạy đến một thôn nọ mới gặp một bà lão họ Thục mang theo một cô gái mới 18 tuổi đi tránh loạn. Vừa gặp một người dẫn theo binh lính, bà lão sợ hãi quỳ xuống vái lia lịa rồi dẫn họ về nhà làm cơm rượu thết đãi. Lưu Bang nhìn thấy con gái bà lão xinh đẹp, trong lòng đã có ý thích.

 Bà lão đoán được ý của Lưu Bang mới có ý gả cô con gái cho. Lưu Bang ngay lập tức cởi chiếc đai ngọc đeo bên người đưa cho bà lão làm tin. Tối hôm đó, bà lão đã cho cô con gái vào phòng hầu Lưu Bang ngủ. Cũng từ đó, cô gái họ Thục theo Lưu Bang rong ruổi khắp các chiến trường rồi sau đó trở thành Thục Phi rất được sủng ái của Hoàng đế Lưu Bang.

Thục Phi trẻ tuổi lại xinh đẹp nên được Lưu Bang rất yêu chiều, cũng vì thế mà vị Hoàng đế họ Lưu cũng bắt đầu bỏ rơi Lã Hoàng hậu. Mỗi lần Lưu Bang ra ngoài, đều có Thục Phi đi theo, trong khi Lã Hoàng hậu mang tiếng là vợ cả, lại phải một mình lẻ bóng trong hậu cung. Mọi sự ắt hẳn đã không có gì nếu như đó chỉ là sự thiên vị của Lưu Bang. Tuy nhiên, Thục Phi biết rằng, hiện giờ mình được sủng ái nhưng chỉ vài năm nữa, khi Lưu Bang qua đời, con trai của Lã hậu lên ngôi thì mình ắt khó tránh tai họa.

Chính vì vậy, Thục Phi đã dựa vào sự sủng ái của Lưu Bang nhiều lần khuyên Lưu Bang phế bỏ Lã Hoàng hậu và Thái tử Lưu Doanh để lập con trai của mình là Như Ý lên làm Thái tử. Lưu Bang vốn cũng không thích Lưu Doanh, cho rằng tính cách của Doanh không giống mình. Tuy nhiên, dưới sự nỗ lực của Lã Hoàng hậu, thế lực của Thái tử Lưu Doanh đã hình thành, nên mỗi khi Lưu Bang đưa ra ý định phế bỏ Thái tử là ngay lập tức bị triều thần rào rào phản đối. Cuối cùng, cho đến tận cuối đời, Lưu Bang vẫn không thực hiện được ý định phế bỏ Lưu Doanh.

Cũng trong thời gian bị Lưu Bang bỏ mặc, Lã Trĩ bắt đầu quay lại với người tình một thời của mình. Năm Hán Cao Tổ thứ 6, tức năm 201, vốn chẳng có công trạng gì, nhưng với sự đề nghị của Lã Hoàng hậu, Thẩm Thực Kỳ vẫn được phong làm Tiết Dương Hầu. Để “báo đáp” lại ân sủng của Hoàng hậu, Thẩm Thực Kỳ càng ra sức “phục vụ” bà Hoàng hậu cô đơn một cách chu đáo. Cho tới khi Lưu Bang qua đời, Lưu Doanh lên ngôi Vua, toàn bộ quyền lực rơi vào tay Lã Trĩ, thì hai người không còn kiêng nể gì triều thần, sống với nhau như vợ chồng.

Sự dâm loạn và lộng quyền của Lã Trĩ kéo dài suốt 15 năm, gây ra không ít điều tiếng cho triều đại nhà Hán, vốn được coi là triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, chính Lã Trĩ là bà Hoàng hậu đầu tiên “mở màn” cho một “truyền thống” dày dặn trong lịch sử cấm cung Trung Hoa: ngoại tình.

Cù Thăng
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn