Blog người nổi tiếng) - Vua đối với muôn dân là người có uy quyền tuyệt đối, không chỉ có trong tay vương quyền, mà thần quyền cũng đủ đầy, thế nên mới được gọi là “thiên tử” (con trời). Nhưng, phàm là người trần mắt thịt, nên cái quy luật sinh – lão – bệnh – tử người nơi cung vàng, điện ngọc cũng không tránh khỏi. Và đôi khi phải nhờ tới sự hi sinh của bách tính. Như trường hợp vua Lý Nhân Tông.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vua “thiên tử” - mệnh người trần. “Đói rau, đau thuốc” cũng cần như ai
Vua Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của nhà Hậu Lý, và là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử các vua chúa nước Nam. Ở trên dương thế tròn 62 xuân, nhưng thời gian trị vì của ngài đã là 55 năm (1072 - 1127), một kỷ lục tại vị mà chẳng có vị vua nào ở nước ta bì kịp.
Tượng vua Lý Nhân Tông trong Văn miếu Quốc tử giám - Hà Nội |
Ngồi trên ngai vàng nhà Lý từ năm lên 7, trong suốt quãng đời đứng đầu thiên hạ cai trị muôn dân trăm họ, vua Nhân Tông đã làm nên những công nghiệp hiển hách, được sử sách đời sau ca ngợi là: “Về phương Bắc thì đánh đuổi được quân nhà Tống, tại phương Nam thì đánh phá được nước Chiêm Thành, vua Lý Nhân Tông tự mình đưa nước nhà đến chỗ thái bình thịnh trị, nhân dân sống một cuộc đời giàu có ấm no, thật xứng đáng một vị thịnh chúa về triều nhà Lý vậy” (Trích Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức, mục Đế vương).
Lại trong Việt sử diễn âm, một tác phẩm diễn ca lịch sử dạng vô danh thị (không có tác giả) được viết vào thời Mạc, cũng đồng tình mà ngợi ca vua:
Nhân Tông thuở ấy nối đời,
Đệ tứ hoàng đế lên ngôi trị vì.
Dẹp được Lao lấy man di,
Chiêm Thành tiến phụng đều về làm tôi.
Văn vũ tài đức gồm đôi,
Lưu ý dân sự việc rồi canh nông.
Muôn dân ấm cật no lòng,
Đêm mưa ngày nắng bốn phương thuận thì.
Ấy nhưng, trong thời gian trị nước dài đằng đẵng ấy, bậc minh quân cũng có những tì vết nhất định. Vua Lý Nhân Tông do khi còn nhỏ nghe lời mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan mà bức chết Thái hậu Thượng Dương và 72 cung tì, vua lại “mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Là một vị vua, nhưng Lý Nhân Tông lại không có con, nên tháng 11 năm Bính Thân (1116), phải lập con của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán làm Thái tử (tức vua Lý Thần Tông sau này). Trong 55 năm khoác áo hoàng bào ấy, long thể của vua không phải luôn được cũng tráng kiện mà có lúc cũng bị bệnh tật làm khổ nhiều.
Tương truyền, có lúc vua bị đau mắt, các quan Thái y giỏi nhất dùng bao nhiêu thuốc hay, chước lạ cũng không khỏi. Từ đó mới ra một huyền tích khác liên quan đến bệnh đau “long nhãn” của vua.
Vợ chồng Vũ Phục lụy thân. Long nhãn minh chúa đã dần khỏi ngay
Liên quan đến bệnh đau mắt của vua Lý Nhân Tông thuở ấy, trong Kiến văn tiểu lục của Bãng nhãn Lê Quý Đôn còn ghi lại sự việc ở mục Linh tích:
“Lúc ấy vua nhà Lý bị đau mắt, thuốc chữa không khỏi, nghe nói ở núi Vân Mộng huyện Kim Bảng (nay thuộc Hà Nam – người dẫn chú) có Quỷ Cốc tiên sinh, là người sở trường về nghề bói Dịch, sai người đến bói. Tiên sinh nói:
- Trong quẻ này hình như có tượng vua chúa, vì bệ hạ định kinh đô, xếp đặt lại vị trí kinh thành, nên nước vỡ vào phương Kiền (phương Kiền trong khoa địa lý ứng với phương Tây Bắc – người dẫn chú), làm cho sức soi sáng của con mắt bị thương tổn; nếu biết trấn yểm, sẽ có thể giữ được yên lành.
Lúc ấy nước sông Cái chảy xoáy, sắp phá vỡ góc thành Thăng Long, phòng bị khó thể cứu được. Nhà vua bèn sai xá nhân tắm gội trai khiết, đến ngã ba sông, cầu đảo thần thổ địa, thần hà bá và tiên cung. Xá nhân đêm nằm mộng thấy thần nhân hình dung rất kỳ dị, nghi vệ rất trang nghiêm, bảo rằng:
- Sáng sớm ngày nào đó, hễ thấy người nào đến bến sông này trước nhất, thì nên theo ý muốn của người ta mà tiếp đãi một cách đầy đủ, rồi quẳng người ấy xuống sông và phong cho làm thần, lập miếu thờ tự, mới có thể trấn áp được.
Sông Tô Lịch xưa |
Xá nhân tỉnh dậy, về triều tâu bày, nhà vua rất lấy làm than thở nghi ngờ, liền sai xá nhân theo nhật kỳ đi đón. Ngày hôm ấy, trời vừa mới sáng, quả nhiên thấy vợ chồng Vũ Phục gánh dầu từ hương Minh Bạo đi đến. Xá nhân đón mời lưu lại, rồi phi ngựa về Kinh tâu bày, nhà vua có ý thương xót, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Nên theo lời nói của thần, đem tình thật hiểu bảo người ta, không nên ức hiếp.
Bèn sai người đem việc ấy nói cho vợ chồng Vũ Phục biết và yên ủy rằng:
- Từ trước đến nay, ai mà không chết, nhưng chết đi cần để danh tiếng lại đời sau. Ngày trước vua Vũ Vương có bệnh, Chu Công lập đàn cầu khấn xin được chết thay, đời sau khen Chu Công là người trung. Ông bà không nên quyến luyến sống nơi ngõ hẻm hang cùng, mà nên cố sức làm bậc tôn thần sau khi đã mất, phù hộ thánh quân giữ vững ngôi báu, ngàn năm hương khói phụng thờ, để tiếng thơm trung nghĩa đến mãi đời sau. Như thế chẳng cũng đẹp đẽ lắm sao?
Vũ Phục khảng khái nhận lời. Sứ giả hỏi:
- Bình nhật ông bà thích thứ gì hơn cả?
Vũ Phục nói:
- Đồ gà mái, nấu cơm nếp.
Sứ giả liền sửa soạn và bảo nên ăn no. Khi ăn xong, Vũ Phục ngửa mặt lên trời khấn rằng:
- Vợ chồng già này bỏ mình theo nước, trời cao có thấu xin chứng giám cho.
Liền đó, tự gieo mình xuống nước. Lúc ấy là ngày 30 tháng 11. Từ đấy dòng sông phẳng lặng, nước lớn rút dần, bệnh tình nhà vua cũng được khỏi hẳn”.
Vũ Phục được nói tới ở đây có tên tự là Phúc Thiện, người hương Minh Bạo, lộ Quốc Oai (thuộc Hà Nội nay), làm nghề bán dầu nên về sau nhân gian gọi vợ chồng ông bà là Ông Dầu, bà Dầu.
Theo quan niệm thời xưa, vua là đại diện cho nước, nên có chữ “trung quân ái quốc” (trung với vua là yêu nước). Nước về phương diện hành chính lấy kinh đô làm trung tâm. Khi kinh thành Thăng Long bị nước sông Cái xói lở làm ảnh hưởng vào mạch đất, thì “long nhãn” của đấng kim thượng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Vua Lý Nhân Tông sau khi thoát khỏi họa bị nước sông xói vào mắt, tri ân công lao hi sinh của vợ chồng Vũ Phục đã lệnh cho lập miếu thờ và sắc phong là Chiêu ứng phù vận đại vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa, lễ nghi phẩm trật rất là trọng thể.
Đền thờ hai ông bà, trong Hà thành kim tích thảo (hay Dấu tích Thăng Long) của Sở cuồng Lê Dư có cho hay tên là Chiêu Ứng từ, tức đền Chiêu Ứng, nằm ở phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội thời Nguyễn. Nơi hai vợ chồng Vũ Phục gieo mình là “nơi hợp lưu hai dòng Tô Lịch, Thiên Phù” (trích Hà thành kim tích thảo). Cũng theo Lê Dư, trong đền có đôi câu đối ngợi ca tình nghĩa vợ chồng của hai ông bà:
Phu phụ tất giao, tình thâm bích hải,
Đệ huynh cốt nhục, nghĩa trọng thanh sơn.
(Chồng vợ keo sơn, tình sâu bể biếc.
Anh em xương thịt, nghĩa nặng non xanh).
Hậu thế đời sau dành nhiều lời ca ngợi công tích của Ông Dầu, Bà Dầu đối với vua Lý Nhân Tông, đơn cử như thời Lê Trung hưng, tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757-1815) trong La thành cổ tích vịnh đã xót thương cho cái chết của hai vợ chồng nên cảm tác mà rằng:
Thử sinh thuỳ liệu ba đào địa,
Nhất tử lân tai phụ dữ phu.
Vân vũ kỷ kinh triêu mộ sắc,
U hồn do nhiễu nhị giang lưu.
Dịch thơ:
Kiếp này đâu ngỡ vùi sông nước,
Một chết thương thay vợ với chồng.
Sớm tối mây mưa thay đổi sắc,
Hồn oan lẩn khuất ngã ba sông.
- Trần Đình Ba