Vừa than gạo ế, VFA đã vội xin thêm tiền tạm trữ

06:54, Thứ bảy 31/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo tính toán sơ bộ, hiện nay các doanh nghiệp tạm trữ đang chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn. Để chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu, VFA đề nghị các doanh nghiệp thời gian tới cần phải tích cực khai thác các thị trường nhiều hơn nữa.

Theo TTXVN, VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ của 300.000 tấn gạo này thời gian là hai tháng (từ 15/9 đến 15/11).

Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thêm thời hạn hỗ trợ lãi suất vay mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ vụ Hè Thu. Theo đó, thay vì các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo Hè Thu phải trả nợ vào ngày 15/9, nay đề nghị cho kéo dài thêm một tháng lãi suất đến 15/10, nhằm tránh cho doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bán tháo gạo khi đến hạn.

Đề xuất này được VFA đưa ra sau khi Thái Lan xả hàng tồn kho gạo loại 100B bán ra với giá 420 USD/tấn, thị trường đang ngưng và trong tâm lý chờ, thì hôm nay Thái Lan lại đang bán ra gạo tồn kho cho doanh nghiệp với giá quá thấp 380 USD/tấn, sau khi chế biến doanh nghiệp có thể xuất khẩu với giá khoảng 410-420 USD/tấn, xấp xỉ với giá gạo 5% của Việt Nam.

VFA muốn xin thêm tiền để tạm trữ lúa gạo

Trong khi đó, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa, gạo đang có dấu hiệu giảm so với thời điểm cách đây 10 ngày.

Theo tính toán sơ bộ, hiện nay các doanh nghiệp tạm trữ đang chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn. Để chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu, VFA đề nghị các doanh nghiệp thời gian tới cần phải tích cực khai thác các thị trường nhiều hơn nữa.

Mới đây, VFA đại diện cho các doanh nghiệp của mình than thở, 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Lượng xuất thực tế lũy kế đến 15/8 đạt 4,22 triệu tấn. Tuy nhiên, khối lượng bị hủy lên đến 938.000 tấn, riêng tháng 7 là 180.000 tấn. VFA cho biết đây số hợp đồng bị hủy cao kể từ trước đến nay trong ngành gạo, nguyên nhân chủ yếu do phía đối tác nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).

Đại diện một doanh nghiệp thuộc VFA cho biết phần lớn các trường hợp hủy là do các thương nhân Trung Quốc trước đây ký hợp đồng mua với giá cao nay phá vỡ cam kết vì giá giảm. Số khác là các thương nhân Philippines, ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu nên tàu không được phép cập cảng. Do đó, hầu hết các hợp đồng ký với doanh nghiệp nước này đều đã bị hủy.

Một số ít hợp đồng là do các doanh nghiệp Việt chủ động hủy do mức giá ký thấp. Khi chủ động hủy hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước đều bồi thường cho khách hàng nhưng không được đền bù khi hợp đồng đổ bể do đối tác. Thông tin này được VFA đưa ra ngay sau khi nông dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang vào vụ hè thu và khả năng dự đoán nông dân sẽ đối mặt với giá lúa tiếp tục thấp.

Đánh giá về thông tin này, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế trả lời báo Phunutoday rằng việc kêu ế hàng vì giá thấp và bị đối tác hủy hợp đồng mà không được bồi thường cho thấy tình trạng yếu kém của doanh nghiệp việc trong việc soạn thảo hợp đồng. Từ trước tới nay, bài học từ các đối tác Trung Quốc đã có rất nhiều nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn còn chủ quan nên khi mình bị hủy hợp đồng thì phải bồi thường mà đối tác hủy hợp đồng ta lại chịu thua họ.

Hơn nữa, trong khi lúa gạo ở Việt Nam vào mùa, nông dân không thể bảo quản mà doanh nghiệp vẫn kêu không xuất khẩu được lúa gạo như một mũi tên trúng hai đích. Một bên muốn thông báo tới người dân giá gạo rẻ thế nhưng vẫn bị chê đắt và đòi giảm giá nữa, gây sức ép tới chính sách tạm trữ lúa gạo. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu tình hình đúng như các doanh nghiệp báo cáo thì khả năng chính phủ sẽ phải chi thêm tiền cho các doanh nghiệp mua gạo cứu người nông dân. Vừa được tiền, doanh nghiệp lại có thêm cớ ép giá.

Theo ông Phong, nên bỏ độc quyền trong tạm trữ lúa gạo và thải loại các doanh nghiệp yếu kém trong chính sách tạm mua lương thực. Bởi chỉ nhìn vào các bản hợp đồng bị đối tác hủy không có bồi thường đã thấy được năng lực của doanh nghiệp. Qua các đợt triển khai mua tạm trữ lúa gạo trong 3 năm trở lại đây, có thể thấy việc giao toàn quyền cho VFA phối hợp với các tỉnh để phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp là việc làm tiềm ẩn nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Trong khi cái chúng ta cần cứu là người nông dân thì không làm được.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc