Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Võ Tòng Đánh Mèo đã sáng tạo nên kịch bản cho bộ phim “hư cấu” Bụi đời Hồ Tây để bày tỏ sự bức xúc với chuyện người dân Hà thành trèo rào để vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí hay nhiều cô gái bị nhóm thanh niên sàm sỡ tại đây.
Cảnh tượng người dân trèo rào vào tắm trong công viên nước Hồ Tây hôm 19/4. |
Nội dung kịch bản Bụi đời Hồ Tây như sau:
"Tôi là người bảo vệ cực kỳ nghiêm khắc của cái công viên nước này. Nhưng hôm qua, khi chứng kiến cảnh người ta hì hục, hăm hở trèo rào, rồi cả trăm thanh niên cởi trần, mặc quần đùi la hét hỗn loạn, quây tròn lấy một cô gái trong bể bơi, rồi té nước, sờ ngực, bóp mông thì lần đầu tiên tôi đã khóc.
Tôi khóc không phải vì sợ, mà vì những cảnh tượng tắm miễn phí đó như đã cho tôi một vé về với tuổi thơ, khi lần đầu tôi được xem phim Tây Du Ký (họ làm tôi nhớ lại cảnh lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn trèo cây và đuổi bắt nhau trên dòng suối. Chỉ khác nhau ở chỗ: Lũ khỉ chúng hái hoa quả, còn đám thanh niên ấy thì bóp hoa quả).
Kịch bản bộ phim “hư cấu” Bụi đời Hồ Tây của tác giả Võ Tòng Đánh Mèo. |
Đừng gần tôi, ngay dưới chân hàng rào, cũng có một chàng thanh niên trẻ đang ôm đầu gào khóc. Tôi thấy vậy thì lại gần hỏi thăm:
- Cháu cũng thích xem Tây Du Ký? Cũng đang trở về tuổi thơ hả?
- Dạ không! Cháu và bạn gái quyết giữ gìn trinh tiết cho nhau đến đêm tân hôn, nhưng vừa rồi bạn gái cháu trèo rào, bị thanh sắt chọc vào, rách mất rồi chú ơi!
Cách đó vài mét, lại một cô gái trẻ khác ngồi cạnh bể bơi cũng đang khóc tu tu. Tôi tới gần, hỏi:
- Sao vậy cháu? Sao không xuống bơi?
- Cháu vừa trèo rào, bị rách sơ-lít, rách miếng bằng bàn tay, hở ra gần nửa rồi! trong khi, cháu chỉ biết mỗi kiểu bơi ngửa!
- Vậy thì mặc quần áo vào rồi về đi! Ngồi đó khóc ích gì?
- Cũng không được chú ơi! Cháu mặc váy ngắn lắm, mà lại đi mô-tô phân khối lớn!
Tôi thở dài bất lực, rồi nhìn sang một chị trung niên bên cạnh, cũng đang khóc:
- Sao? Chị bị rách gì?
- Dạ không! Em bị mấy thằng kia sàm sỡ!
- Thôi chị ạ! Mấy đứa con gái mới lớn, chúng nó còn ngây thơ, còn hồn nhiên, thì chúng sợ, chúng khóc, chứ chị, tầm này tuổi rồi mà cứ làm như là…
- Không phải! Bình thường thì em thoải mái! Nhưng em mới đi bơm ngực về, gần trăm triệu bạc, bác sĩ bảo phải giữ gìn, đến chồng mà em còn không cho động vào, vậy mà mấy thằng mất dạy kia… Hu! Hu!
Cư dân mạng bình luận về kịch bản bộ phim “hư cấu” Bụi đời Hồ Tây của tác giả Võ Tòng Đánh Mèo. |
Chán nản và bất lực trong việc ngăn cản đám người liều lĩnh và hung hãn đó, tôi bỏ ra một góc khuất ngồi. Thế nhưng lại nghe thấy tiếng khóc sụt sịt. Tôi quay sang, thì ra là một bà cụ, năm nay phải gần 90 tuổi. Tôi há hốc mồm kinh ngạc, đang định hỏi thăm thì bà cụ đã cất lời trước:
- Không phải như anh nghĩ đâu! Tôi khóc vì nhớ lại ngày xưa thôi!
- Cũng Tây Du Ký hả cụ?
- Không! Là nạn đói năm 1945. Chỉ khác là ngày đó, người ta giành giật nhau hớp cháo, củ chuối, củ khoai vì thiếu ăn, thiếu đói, còn giờ, họ chen lấn, giành giật nhau vì thiếu lòng tự trọng, vì thiếu văn hóa…
Cũng chiều hôm qua, lúc đi làm về, tôi thấy tấm bảng thông báo treo trước cổng công viên thành phố: “Ngày mai, từ 8 giờ đến 10 giờ, nhà vệ sinh trong công viên sẽ mở cửa để mọi người vào đại tiện miễn phí”. Tôi thở dài, và chợt thương cho cái hàng rào sắt nhọn hoắt bao quanh công viên".
Đọc xong kịch bản này, nhiều người cảm thấy hả hê và dành lời khen tặng Võ Tòng Đánh Mèo vì cách phê phán chuyện trèo rào để vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí và nhóm thanh niên dâm ô hôm 19/4 rất thâm thúy.
Thành viên N.T.K bình luận: "Thường các thanh niên không có học vấn hoặc học vấn thấp, thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình, nhà trường mới có lối ứng xử thiếu văn minh như vậy. Ít học thật khổ!"
Được biết, Võ Tòng Đánh Mèo có tên thật là Đinh Long, sinh năm 1982, là cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Anh là cây viết nổi tiếng bởi những tác phẩm hiện thực vừa hài hước vừa trầm lắng. Đồng thời, anh cũng là cái tên được yêu thích trên các diễn đàn Văn học mạng với các tác phẩm trào phúng như: Làm dâu phố cổ, Vợ tôi ốm nghén, Bí quyết giữ chồng...
Bắc thang đi tắm "free": Không có bữa tiệc nào miễn phí Để có được 1 suất tắm miễn phí, người dân đã phải bỏ ra rất nhiều “chi phí” vô hình. Đó là thời gian, sức lực và thậm chí là cả lòng tự trọng. |