Mấy ngày qua, thông tin về đám tang của người mẫu Duy Nhân ngập tràn trên các báo điện tử. Những diễn biến của đám tang được "tường thuật" một cách tỉ mỉ trên nhiều tờ báo. Sự ra đi của một con người trở thành một "sự kiện" và được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Phải chăng đó là biểu hiện của sự dễ dãi quá mức mà giới truyền thông (nhất là những người chuyên làm giải trí) ở nước ta hiện nay.
Sự thái quá của truyền thông
Ở đây, chúng tôi không muốn đề cập đến việc Duy Nhân có phải là một tài năng hay không. Bởi sự ra đi mãi mãi của bất cứ ai cũng đều đáng tiếc và luôn để lại trong lòng người ở lại những ngậm ngùi đau xót. Hơn nữa, nghĩa tử là nghĩa tận. Cầu mong anh được bình yên ở một thế giới khác.
Tuy nhiên, qua đám tang đẫm nước mắt của một người trẻ như Duy Nhân, chúng ta chợt nhận ra một sự thật đau xót khác: đó là sự dễ dãi của truyền thông Việt khi đưa tin về đám tang của Duy Nhân trong thời gian vừa qua.
Những người làm truyền thông giải trí đang biến mình trở nên lố bịch trước độc giả. |
Sự ra đi của chàng trai 29 tuổi Duy Nhân bỗng trở thành một "đề tài hot", một "sự kiện" thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới truyền thông chuyên mảng giải trí. Hàng loạt bài báo "tường thuật" về đám tang, những hình ảnh xơ xác, tiều tuỵ của mẹ, vợ Duy Nhân được nhiều trang điện tử "cập nhật" liên tục.
Đặc biệt, những câu chuyện bên lề như việc "vợ Duy Nhân mang bầu", những hình ảnh đẹp của Duy Nhân, Ước muốn cuối cùng của Duy Nhân… xuất hiện trên hàng loạt tờ báo điện tử.
Nhiều người viết như thể họ được chứng kiến từ đấu đến cuối tất cả những sự kiện mà có lẽ chỉ những người trong gia đình Duy Nhân mới biết! Ấy vậy mà nhiều tờ báo đưa tin như thể họ là người…trong cuộc!
Dường như giới truyền thông bắt đầu thái quá khi đưa tin về đám tang của Duy Nhân. Không ít độc giả cảm thấy hoang mang khi có quá nhiều bài viết về đám tang của một người mẫu - một con người bình thường! Nhiều người băn khoăn tự hỏi: điều gì đang xảy ra với làng báo giải trí nước nhà?
Đừng biến mình trở nên lố bịch trước độc giả!
Sự tập trung thái quá vào đám tang của một nghệ sỹ cho thấy sự "khủng hoảng" về đề tài của không ít phóng viên giải trí. Dường như họ không còn gì để viết nhưng vì áp lực bài vở, họ vẫn phải cố gắng "đẻ" ra những "tác phẩm báo chí" nào đó để đủ chỉ tiêu hoặc đơn giản là…kiếm tiền!
Liệu có quá lố bịch khi "nâng" đám tang của 1 người thành "sự kiện giải trí"? |
Nhưng đẩy 1 đám tang của một người bình thường thành một sự kiện giải trí (trong mục giải trí của nhiều tờ báo, trang tin điện tử) liệu có phải là một hành động lố bịch và thiếu…văn hoá?
Phải chăng những người làm giải trí ở Việt Nam không có gì để viết ngoài việc soi mói đời tư hay "trực" đám cưới, đám tang của nghệ sỹ để… dựng bài?
Thực ra, nghệ thuật nước nhà nói chung còn rất nhiều điều đáng bàn và đáng quan tâm hơn nhiều. Sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông có thể giúp cho làng giải trí Việt bớt nhiễu nhương, thiếu chuyên nghiệp sẽ tốt hơn việc đi "bới móc" những chuyện đời tư của nghệ sỹ.
Hơn lúc nào hết, độc giả cần cái tâm trong sáng của người cầm bút. Đừng biến mình trở nên lố bịch trước mắt người đọc, bởi đó là cách nhanh nhất chúng ta đánh mất lòng tin của độc giả.
Những chuyện khốn nạn và đau lòng trong đám tang nghệ sĩ Không phải tới khi đám tang Duy Nhân được cử hành, người ta mới cảm thấy bức xúc và khó chịu với những chuyện không hay ho xảy ra trong lúc tang gia bối rối. |