Cuộc hôn nhân đầu bất hạnh
19 tuổi, tôi bước chân lên xe hoa về nhà chồng ở Hưng Yên, kết thúc 3 năm hẹn hò với người đàn ông đẹp trai, có tài ăn nói. Những tưởng một cuộc sống hạnh phúc, êm đềm sẽ mở ra từ đây.
Ai ngờ, tôi lại bắt đầu rơi vào vòng quay của những trò dối trá, cò quay của một con bạc khát máu mà không ai khác chính là kẻ đầu gối tay ấp với mình.
Sau đám cưới, chúng tôi cùng trở lại Hà Nội. Tôi kinh doanh đồ lưu niệm cho khách Tây còn chồng làm hướng dẫn viên du lịch.
Hàng ngày, sau mỗi chuyến đi dẫn tour trở về nhà, chồng tôi lại tâm sự rằng bị khách bùng tiền, bị chủ ăn chặn, bị lỗi dẫn khách… với mục đích để không phải đưa tiền cho vợ.
Thỉnh thoảng, chồng tôi lại không về nhà ban đêm với lý do mà lúc đó tôi từng cảm động rớt nước mắt: “Anh về muộn, sợ em thức giấc nên ngủ lại ngoài vườn hoa và bị kẻ trộm móc hết ví tiền”.
Mỗi lần như vậy, tôi lại rút từng đồng tiền mồ hôi nước mắt đưa cho chồng mà không mảy may biết rằng đêm qua chồng thua bạc.
Tôi vừa động viên, chăm sóc chồng, vừa tất tả tìm mọi cách kiếm được nhiều tiền hơn từ quầy bán lưu niệm để chắt chiu cho cuộc sống trú chân nơi đô hội với đủ mọi khoản: tiền nhà thuê, tiền thức ăn, tiền điện nước mà không hề mảy may hoài nghi.
Tôi chỉ biết bản chất cờ bạc của người chồng mình 2 tháng sau ngày cưới khi phát hiện toàn bộ số vàng tôi tích cóp được trong 10 năm trước khi lấy chồng không cánh mà bay và chồng thú nhận là thủ phạm.
Bàng hoàng, giận giữ nhưng tôi vẫn tin vào lời hứa thay đổi của chồng để rồi xót xa nhìn cảnh đồ đạc trong nhà dần vơi theo các canh đỏ đen.
Chiếc xe máy Dream trị giá hơn 20 triệu đồng ở nhà tôi có lẽ phải có giá tới cả hơn trăm triệu đồng vì đã không biết bao lần tôi phải chuộc xe ra khỏi hiệu cầm đồ. Ít tiền dành dụm để sinh con tôi giấu kỹ ở gầm giường cũng không cánh mà bay.
Đau đớn nhất, vừa mới sinh con được 2 ngày, niềm vui làm mẹ chưa được bao lâu thì chủ nợ xông vào nhà đòi trả cả mấy chục triệu đồng tiền chồng nợ cờ bạc. Đau đớn tìm đến chút tiền cuối cùng định trả nợ thay cho chồng thì tài khoản đã rỗng sạch. Chồng lén lút rút từ bao giờ.
Nuôi con với đôi bàn tay trắng, tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ và rơi vào trạng thái trầm cảm liên miên. Nhiều lúc ôm đứa con bé bỏng trong tay mà tôi lẩn thẩn cầu mong giá như bé đừng ra đời…
Đâu chỉ vậy, ông trời dường như vẫn thách thức tôi. Sinh con được đúng 13 ngày thì con bắt đầu mắc chứng luồng trào ngược dạ dày, bất kể lúc nào, ăn hay uống một tẹo gì thôi là cũng nôn trớ sạch.
Tháng nào cũng dăm ba lần đưa con vào viện, tiền thuốc uống hàng ngày, tiền thức ăn cho con, tiền thuê người chăm sóc… Tôi làm việc đến kiệt sức, gầy tong teo, chưa đầy 40 kg, da đen sạm.
Mẹ con chị Vân hồi mới sang Pháp |
Tôi đi bước nữa theo mách bảo của con
Khi quyết định thoát khỏi cuộc sống luôn bị những món nợ của chồng đeo đuổi, cảnh chủ nợ doạ nạt và sống cuộc sống làm mẹ đơn thân, tôi thực sự hoang mang lắm.
Tôi sợ mang tiếng vừa cưới đã bỏ chồng, tôi sợ sự cô đơn và hơn hết tôi lo một mình sẽ không thể nuôi con, lo con thiếu hụt tình cảm của bố.
Nhưng rồi suy nghĩ con sẽ không thể sống tốt nếu sống cùng người cha tồi khiến tôi dứt khoát xách va ly ra khỏi nhà với quyết tâm rằng mình còn sống thì con sẽ có tất cả, sẽ có cuộc sống đủ đầy như bất cứ trẻ nào.
Tôi lao vào kiếm sống và vì rảnh rang chuyện gia đình, nên công việc bán hàng trở nên suôn sẻ hơn. Thu nhập từ quầy hàng nhỏ không những giúp mẹ con tôi có cuộc sống thường nhật đủ đầy mà còn giúp tôi mua được nhà cửa và đón mẹ ở quê ra sống cùng.
Tôi hài lòng với cuộc sống của mình và đóng chặt cánh cửa lòng với những người đeo đuổi xung quanh.
Tôi luôn nghĩ kiếp này mình đã khổ và lây khổ cho con nên ráng sức bù đắp tất cả những gì có thể cho con trai.
Không bao giờ tôi tin một người cha dượng sẽ đối xử tốt hoàn toàn với con riêng vợ, chưa chừng còn ngăn vợ chăm con. Cho đến khi gặp một người đàn ông Pháp tôi mới nghĩ khác.
Anh yêu thương tôi thực lòng, chăm chút Hải Minh từng ly từng tý. Quan niệm về con riêng của vợ ở người đàn ông ngoại quốc này khác hẳn với những gì trước nay tôi từng biết, khác hẳn với những người đàn ông Việt từng đeo đuổi.
Dẫu vậy, tâm lý “con chim trúng đạn sợ cành cây cong” vẫn khiến tôi ngại ngần đi tiếp bước nữa dù cho người đàn ông chưa từng lập gia đình ấy khao khát được cưới tôi làm vợ.
Nhưng rồi một lần vô tình dở cuốn nhật ký của con trai, tôi bắt gặp những dòng chữ đầy xúc động về tình cảm của con với người đàn ông ngoại quốc trong một tháng anh về ở nhà tôi.
Đặc biệt, trong đó bé còn viết một bức thư ngắn nhưng khiến tôi rớt nước mắt: “Mẹ ơi, ngày trước con cứ mơ nhà mình có một người cha giống như nhà các bạn mà chẳng được. Hóa ra cũng có lúc có chú ấy ở đây. Chú ấy dù tóc vàng và rất cao, rất khác mọi người nhưng rất yêu con. Mẹ đừng để chú đi nhé”.
Và nhiều lần khi chơi với con, nghe con thỏ thẻ: “Mẹ cưới chú ấy đi để con được gọi là ba”. Và tình yêu không khoảng cách giữa người đàn ông ấy với con trai, tôi lại quyết tâm đi bước nữa và rời xa Hà Nội để về Pháp làm dâu.
Nhiều người bảo tôi, kinh tế khá giả, làm ăn thuận buồm xuôi gió ở xứ mình việc gì phải lấy chồng ngoại quốc xa xôi, cô độc nhưng tôi thì nghĩ khác. Điều mong mỏi nhất ở cuộc hôn nhân lần 2 với tôi chính là tìm được một người cha đích thực cho con trai mình. Và tôi tin điều này đàn ông phương Tây làm được.
Những gì đến bằng trái tim quả sẽ được đền đáp bằng trái tim yêu thương. Cho đến bây giờ, sau gần 10 năm lập gia đình ở thành phố Nile xinh đẹp bên bờ biển Pháp, tôi thực sự được sống trong tình yêu vô bờ của chồng và con trai tôi có một người cha đúng nghĩa.
Sống ở đất nước xa xôi, thiếu vắng họ hàng, người thân quen, sự khác biệt về văn hoá đôi lúc cũng khiến tôi rơi vào sự cô đơn, trống trải nhưng rồi nghĩ đến câu nói của chồng mỗi khi tôi bày tỏ nỗi lo không thể sinh con do sức khoẻ yếu: “Mình có con trai Minh rồi mà”, tôi lại thấy mình khoẻ khoắn.
Sáng sáng, phải trở dậy từ lúc 4h30, vượt qua hơn 40 km băng giá để đi làm, tôi không tránh khỏi những so sánh với thời làm chủ một cửa hàng lớn ở Việt Nam. Nhưng rồi nghĩ đến ánh mắt rạng ngời của cậu con trai khi trong vòng tay bố mẹ, việc học hành giỏi giang, thông thạo nhiều ngoại ngữ của con, tôi thầm cảm ơn người chồng thứ hai của mình rất nhiều.
Hạnh phúc này như là một sự đền đáp cho “phận bạc”, từ mà nhiều người vẫn dùng khi nói về hoàn cảnh của tôi, ngay cả trong chuyến về thăm quê lần này.
Cô nàng xinh đẹp kể “Trăm thứ khổ của gái có chồng” (Xi nhan) - Bài viết kể về trăm thứ khổ của gái có chồng với câu mở đầu đanh thép “đàn ông kết hôn, chỉ có thêm chứ không mất” đã lập tức khiến chị em hả dạ vì có người "kể lể" giúp mình. |