Việt Nam tắc đường hay 'tắc' tư duy?

06:27, Thứ hai 16/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Hà Nội xin Thủ tướng cơ chế "siết" xe cá nhân

Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bộ mặt giao thông Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn còn chưa triệt để và bền vững.

UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân

Một hạn chế nữa được lãnh đạo Thành phố đưa ra là sự gia tăng phương tiện cá nhân tham gia giao thông quá nhanh và đa dạng về chủng loại, trong đó, việc xây dựng chung cư cao tầng mật độ trong đô thị còn lớn, mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện… ra các khu quy hoạch của Thành phố còn chậm.

Chính vì vậy, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng này, trong đó đáng chú ý là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM...

Tắc đường hay tắc tư duy?

Có một thực tế rõ ràng là tình trạng ùn tắc ở các thành phố lớn hiện nay dù đã giảm nhưng vẫn còn rất đáng lo ngại. Chúng ta đã có hàng loạt các biện pháp với mục tiêu xử lý, giảm ùn tắc tuy nhiên kết quả vẫn chưa đáng kể. Theo UBND Thành phố ở Hà Nội hiện vẫn còn  57 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn thường xuyên diễn ra.

Hơn nữa, các biện pháp được UBND Thành phố trình bày đều đã được sử dụng trong suốt thời gian qua nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể

Như với phương án khuyến khích sử dụng xe bus để chống ùn tắc cũng được đánh giá là không khả thi, duy ý chí bởi rất khó có thể thuyết phục, vận động người dân không sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân của mình để sử dụng xe bus. Hơn nữa, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, trộm cướp, hay bỏ bến xung quanh phương tiện này là rất đáng báo động.

Đấy là còn chưa kể các nghiên cứu về giao thông được đưa ra gần đây đều chứng minh rằng ô tô mới chính là phương tiện gây nên ùn tắc. Theo TS Khuất Việt Hùng Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, xe hơi là loại phương tiện có mức độ chiếm dụng lòng đường và bãi đỗ xe lớn hơn nhiều so với các phương tiện vận tải hành khách khác.

Ông Hùng cho rằng, để chống ùn tắc giao thông chúng ta nên bắt đầu từ xe ô tô. Hiện 10% dòng giao thông đô thị là ôtô nhưng ôtô chiếm tới 55% diện tích mặt đường. Nếu một nửa chủ sử dụng ôtô chuyển sang đi xe máy trong những ngày cấm thì các tuyến đường thông thoáng hơn nhiều!

Trên thực tế chỉ cần xảy ra một vụ tai nạn nhỏ ở Hà Nội, hai xe ô tô dừng lại giữa đường xử lý tai nạn, việc ùn tắc cũng sẽ nhanh chóng diễn ra, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, khi có nhiều phương tiện giao thông di chuyển.

Mời các chuyên gia hàng đầu giúp đỡ, giải quyết

Chính vì vậy đã có không ít ý kiến cho rằng thay vì lặp đi lặp lại kế hoạch, phương án xử lý tai nạn giao thông chúng ta nên có những phương án đột phá chắc chắn đem lại hiệu quả cao như tìm chuyên gia quốc tế hàng đầu giúp giải quyết vấn đề.

Việc này hoàn toàn khả thi bởi mới đây, Bộ Tư pháp hợp tác với GS Ngô Bảo Châu tìm cách giảm thủ tục hành chính. Theo đó, sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), bàn kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán trong việc thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020.

Nếu các chuyên gia nước ngoài còn e ngại vì tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng của nước ta và lo ngại cho sự an toàn của họ khi đến Việt Nam như trường hợp Giáo sư người Mỹ Seymour Papert từng được coi là 'viên đá quý' của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bị xe máy tông vào chiều 5/12/2006 khi băng qua ngã tư Đại Cồ Việt, lúc đang trao đổi với bạn đồng hành về việc mô phỏng bằng toán học để mô tả tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội thì chúng ta hoàn toàn có thể tìm đến các giáo sư Việt Nam.

Với tinh thần cống hiến vì quê hương, dân tộc, chắc chắn những nhà khoa học lớn của Việt Nam sẽ không từ chối mà cố gắng đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất giúp giải quyết vấn nạn ùn tắc của giao thông đô thị Việt Nam hiện nay. Trong trường hợp này chúng ta cũng hoàn toàn có thể mời GS Ngô Bảo Châu tham gia hợp tác giúp đỡ cả hai ngành giao thông và tư pháp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc