Chuyện tình Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai

( PHUNUTODAY ) - Ông mất đúng vào ngày sinh lần thứ 41 của mình. Như vậy, cho đến những giây phút cuối cùng, cuộc đời và tình yêu của Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai vẫn gắn liền với sự nghiệp cách mạng.

Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là hai nhà cách mạng Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đều được dành để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đem lại tự do, độc lập cho dân tộc. Trên con đường cách mạng ấy, họ đã gặp và chia sẻ cho nhau tình yêu, sự gắn bó của hai tâm hồn cùng chung một nhịp, hai ý chí có cùng một quyết tâm…

Lê Hồng Phong tên thật là Lê Văn Dục. Ông sinh ngày 6/9/1902 trong một gia đình nghèo thuộc xóm Đông Cửa, thôn Đông Thông, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ngay từ những năm tháng tuổi thơ, cuộc sống của Lê Hồng Phong đã gặp phải rất nhiều những khó khăn. Cha của Lê Hồng Phong mất từ khi ông còn nhỏ. Mẹ ông, bà Phạm Thị Sau tần tảo để có thể cho ông đi học.

Lê Hồng Phong học chữ Hán Nôm của một thầy học tại làng. Sau đó, ông được cho học tiếp thêm khoảng 2 năm tiếng Pháp. Vì gia cảnh quá ngặt nghèo, năm 16 tuổi, ông đổi tên thành Lê Huy Doãn và xin đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh để có thêm tiền sinh kế cho gia đình.

Một thời gian sau, ông chuyển sang làm công nhân nhà máy diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì đã vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ bóc lột. Cũng từ đó,  Lê Hồng Phong chính thức bước vào con đường cách mạng.

Tháng 1/1924, Lê Hồng Phong cùng 10 thanh niên khác, trong đó có bạn cùng làng là Phạm Văn Tích sang Thái Lan, sau đó đi qua Quảng Châu. Tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào tổ chức cách mạng Tâm Tâm Xã.

Lê Hồng Phong trở thành một trong 9 hội viên hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Mùa hè năm 1925, Lê Hồng Phong cùng Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt được giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố.

Một năm sau, ông được cử sang học Trường Không quân Quảng Châu. Tại đây, tháng 2/1926, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 8/1927, Lê Hồng Phong cùng nhóm thanh niên tình nguyện Việt Nam đang theo học tại Trường Không quân Quảng Châu sang học tiếp tại Trường Không quân Liên Xô. Nhờ có sức khoẻ tốt nên Lê Hồng Phong là người duy nhất trong nhóm tiếp tục theo học tại Trường Không quân Liên Xô.

Vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai
Vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai

Từ tháng 10/1926 đến tháng 10/1927, Lê Hồng Phong sang học trường Lý luận Quân sự tại Leningrad. Từ tháng 12/1927 đến tháng 11/1928, Lê Hồng Phong học trường Không quân số 2 ở Borisoglebsk.

Đến tháng 12/1928, Lê Hồng Phong theo học trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva với bí danh Litvinov. Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong tham gia Hồng quân Liên Xô với cấp bậc Trung tá.

Đến cuối năm 1931, với tên là Vương Nhật Dân, Lê Hồng Phong trở về Trung Quốc hoạt động. Bấy giờ, ở trong nước, các tổ chức Cộng sản bị chính quyền thực dân đàn áp dữ dội.

Năm 1932, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng trong nước nhằm khôi phục phong trào và thảo chương trình hành động của đảng trong tình hình đảng bị tổn thất nặng nề trước đó.

Tháng 6/1932, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra bản chương trình hành động được Quốc tế Cộng sản công nhận. Năm 1934, Lê Hồng Phong sang Thượng Hải gặp nhóm các đồng chí hoạt động ở hải ngoại như Hà Huy Tập, Hoàng Văn Nọn. Và chính ở đây, Lê Hồng Phong đã gặp gỡ và có cảm tình với Nguyễn Thị Minh Khai.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh. Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910 tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha của Nguyễn Thị Minh Khai là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội làm công chức hỏa xa ở Vinh, thường gọi là Hàn Bình.

Mẹ Nguyễn Thị Minh Khai là Đậu Thị Thư, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ. Trước năm 1940, gia đình bà sống tại 132 phố Maréchal Foch, nay là phố Quang Trung, thành phố Vinh.

Về sau, gia đình bà về sống ở quê mẹ là xã Đức Tùng, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1919, bà bắt đầu học chữ Quốc ngữ rồi vào trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Sau khi học hết lớp nhì chị chuyển sang học lớp nhất trường Cao Xuân Dục.

Khi đang học lớp nhất trường Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, một lần đi chơi trên núi Quyết, thấy từng tốp công nhân nhà máy diêm Bến Thủy, nhà máy điện Trường Thi ra về với bộ mặt mệt mỏi, lấm lem than bụi, cô nữ sinh 14 tuổi Nguyễn Thị Minh Khai suy nghĩ về lời cô giáo Phương có lần nói với lớp:

“Dân mình mất đất, mất ruộng, phải vào nhà máy làm thuê cho Tây khổ cực lắm”…

Chứng kiến cảnh lầm than của quên hương cùng với việc được thầy giáo Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Đông Dương sau này giúp cho Nguyễn Thị Minh Khai giác ngộ. 16 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai đã bắt đầu tham gia vào con đường cách mạng.

Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, giữ vị trí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.

Trong thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động phụ nữ tham gia bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Minh Khai bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy.

Sau đó, bà sang Hương Cảng làm thư ký cho Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934 sau khi được thả, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng một cách tích cực.

Trước khi gặp Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong đã từng lập gia đình. Tuy nhiên, do Lê Hồng Phong đã thoát ly quê hương đi hoạt động từ lâu nên vợ Lê Hồng Phong đã lập gia đình mới.

Khi gặp Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong bị ấn tượng bởi hình ảnh của một người con gái nhỏ nhắn nhưng có đôi mắt tròn to đầy cương nghị, đặc biệt là một tinh thần cách mạng rực lửa được chứa đựng trong trái tim yêu nước nồng nàn.

Trong khi đó, trong mắt Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong là người đàn ông có cử chỉ lịch thiệp, hòa nhã, tranh luận chính trị sôi nổi, lại có tính hài hước. Bản thân Lê Hồng Phong cũng được cả nhóm yêu mến.

Bình thường, Nguyễn Thị Minh Khai không phải là cô gái rụt rè, e lệ. Nhưng khi đứng trước Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai thấy mình có phần lúng túng… Sau một thời gian cảm mến nhau vì sự đồng điệu của tâm hồn và ý chí, đám cưới của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức.

Đó là một đám cưới giản dị, ấm tình đồng chí ở Thượng Hải với một bữa cơm chiều tươm tất hơn ngày thường. Có thêm vài chiếc kẹo bọc giấy xanh đỏ, một đĩa lạc rang và vài điếu thuốc lá.

Khi đồng chí Hoàng Văn Nọn về muộn nhìn thấy bữa cơm tươm tất hơn đã ngạc nhiên hỏi Minh Khai rằng: “Chị có biết việc gì không?”. Lúc ấy, Nguyễn Thị Minh Khai đỏ mặt không đáp, chỉ lắc đầu cười. Sau đó, Hà Huy Tập đứng lên, trịnh trọng tuyên bố:

“Hôm nay, Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương và chị Duy. Hiện nay Đảng còn nghèo, hoạt động bí mật, không tổ chức lễ cưới lớn cho anh chị được. Nhưng chúng ta vẫn rất vui. Chúng ta chúc mừng cô dâu, chú rể cộng sản bách niên giai lão”.

Đám cưới không có hát hò, không có chén rượu mừng cô dâu, chú rể nhưng vẫn thật vui và hạnh phúc. Cũng từ giây phút thành vợ chồng đó, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai gắn tình yêu của mình với cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những thăng trầm và cả sự hi sinh.

Năm 1936, sau khi kết hôn được 2 năm thì Nguyễn Thị Minh Khai về nước. Nguyễn Thị Minh Khai được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thời gian này, bà lấy bí danh là Năm Bắc. Lê Hồng Phong về nước sau Nguyễn Thị Minh Khai một năm. Ngày 10/11/1937, với tên là La Anh, Lê Hồng Phong về nước hoạt động.

Cuối năm 1937, bà con lao động nghèo ở Bình Đông thường gặp một “thầy chú” ăn mặc kiểu công chức, áo vét tông, đi giày da, đầu đội mũ cát, thủng thẳng đạp xe đi làm. Bà con trong vùng gọi người Hoa kiều là “thầy chú”.

Anh em cơ sở, bà con cô bác thường gọi anh là thầy Hai Lý. Lê Hồng Phong cải trang làm người Hoa kiều và đóng vai một giáo sư dạy học tại một trường trung học ở Chợ Lớn. Nhưng đến tối, vào buồng kín viết tài liệu, trút bỏ vỏ “Hai Lý thầy chú”, Lê Hồng Phong hiện ra với đôi tay vạm vỡ, rắn chắc của người lao động.

Nhờ sự giúp đỡ hết lòng của các đồng chí cộng sản Hoa kiều nên Lê Hồng Phong có thể hoạt động 2 năm liền giữa thành phố Sài Gòn. Chiếc buồng con, nơi Lê Hồng Phong làm việc, chỉ đủ đặt một chiếc giường bố hẹp.

Ban ngày Lê Hồng Phong xếp lại bên vách, tối đến mở ra làm giường nằm. Vì nguyên tắc hoạt động bí mật nên vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai mỗi người phải ở một cơ sở khác nhau. Thỉnh thoảng, Minh Khai đến chỗ Lê Hồng Phong bàn bạc công việc rồi lại đi ngay.

Tháng 3/1938, Lê Hồng Phong dự Hội nghị Trung ương họp tại Hóc Môn, Gia Định quyết định thành lập “Mặt trận Dân chủ Đông Dương”. Mùa xuân 1939, đứa con gái đầu lòng của Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong là Lê Thị Hồng Minh chào đời.

Nguyễn Thị Minh Khai phải gửi con cho cơ sở nuôi vì cách mạng đang cần mình hơn lúc nào hết. Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị quân Pháp bắt lần thứ nhất ở Sài Gòn và bị kết án 6 tháng tù. Nguyễn Thị Minh Khai phải rút vào hoạt động bí mật tại 18 thôn Vườn trầu thuộc huyện Hóc Môn.

Sang năm 1940, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai. Khi bị bắt, Lê Hồng Phong làm thơ tặng vợ và kín đáo viết lên quạt giấy gửi ra cho Nguyễn Thị Minh Khai. Minh Khai nhờ chị Hai Sóc vào trại giam thăm và chuyển cho Lê Hồng Phong mảnh giấy con viết vội: “Em đã sinh con gái, mẹ con em khỏe”.

Minh Khai đặt tên con là Hồng Minh, ghép tên đệm của hai vợ chồng. Ngày 30/7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị giặc bắt tại nơi in, phát hành báo “Tiến Lên” và bị đưa về giam ở bót Catina.

Biết hai người là vợ chồng nên giặc đưa Lê Hồng Phong về giam chung với Nguyễn Thị Minh Khai để đánh đòn tâm lý với cả hai người. Tuy nhiên, cả hai nhà cách mạng đã nén tình cảm riêng tư để đối phó với âm mưu thâm độc của quân thù.

Đã có lần thực dân Pháp đưa Lê Hồng Phong vào để Nguyễn Thị Minh Khai nhận mặt và chăm chú quan sát thái độ của cả hai dành cho nhau nhưng Nguyễn Thị Minh Khai đã kiên quyết trả trả lời với chúng: “Tôi không biết người này”.

Tại nhà tù, cả Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đều bị tra tấn dã man. Thế nhưng, dù bị tra tấn thế nào, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai cũng kiên quyết không khai ra bất cứ bí mật nào của Đảng, của phong trào.

Trong tù Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh. Nguyễn Thị Minh Khai còn lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam lời thơ khí khái của một chiến sĩ cách mạng:

“Dù đánh, dù treo, càng cương  quyết
Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thực hành chết mới thôi “

Phiên xử đầu tiên của Nguyễn Thị Minh Khai có sự tham dự của đại diện gia đình là Nguyễn Thị Quang Thái. Sau đó, Nguyễn Thị Minh Khai đã viết thư gửi cha mẹ, trong đó có đoạn:

“Chắc em Thái đã về đến nhà thưa thầy đẻ rõ những nỗi oan khổ của con. Con bị 5 năm tù, 20 năm biệt xứ và 11.000 đồng phạt, 20 năm mất quyền công dân, quyền gia đình…

Phiên tòa xử, em Thái con vào xem mới là phiên đầu xử một vụ, nghe nói con còn phải đem ra xử nhiều phiên nữa. Xin thầy đẻ vững tâm, con vốn là kẻ vô tội thì không lẽ người ngay thẳng bị oan mãi hay sao...”.

Trong khi đó, Lê Hồng Phong bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo. Tuy bị giam hãm trong nhà tù nhưng Nguyễn Thị Minh Khai với cương vị là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, là Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ nên Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Tuy nhiên, sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, toà án thực dân đã kết án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai. Trước tòa án kẻ thù, bà dõng dạc nói: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước mà không có tội sao?”.

Kết thúc phiên tòa, thấy đôi mắt Quang Thái dàn giụa, bà quay lại an ủi: “Em đừng khóc. Chị dù mất nhưng rất vui sướng vì đã làm tròn nhiệm vụ. Em hãy giúp chị, chừng nào Hồng Minh khôn lớn thì em đưa cháu về nuôi và dạy bảo cháu nên người… Chị gửi lời vĩnh biệt anh Lê Hồng Phong đang bị đày ở Côn Đảo, cảm ơn các đồng chí đã nuôi nấng che chở Hồng Minh”.

Trước lúc hy sinh Nguyễn Thị Minh Khai còn kịp làm ba việc: Một là gửi lời vĩnh biệt tới người chồng thương yêu đang bị đày ngoài Côn Đảo, hai là gửi lời cám ơn đến những người đồng chí đang nuôi nấng Hồng Minh, ba là tước vải quần áo nhà tù, đan một chiếc áo gối gửi về tặng mẹ gọi là một chút lòng hiếu thảo đối với mẹ mà không làm tròn bổn phận chăm sóc mẹ lúc mẹ già yếu.

Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã viết một bức thư gửi cho cha mẹ mình. Bức thư này đề ngày 29/5/1941, có đoạn : “Con bị kết án xử tử, (...) Cha mẹ hỡi! Phận con không may đã đành, con muốn giấu không cho thầy đẻ biết để làm khổ gia đình, nhưng giấu sao được, báo đăng...

Con chỉ xin thầy đẻ đừng tủi nhục đau khổ rằng con bị kết án xử tử là phạm gì sát nhân, độc ác, xấu xa dữ tợn gì? Không! Con không phải vậy đâu! Cha mẹ ơi! Con không phải là đứa con bất hiếu, tình thế xui nên khiến con không những bị dang dở việc hôn nhân, mà còn phải bỏ nhà đi trong 10 năm cách biệt mẹ cha.

Con khi nào cũng là một kẻ trong sạch chính đáng, không có bao giờ làm sự gì bất nhất hung dữ, đầy một tấm lòng nhân ái minh chính... cúi xin cha mẹ suy xét kỹ càng mà tha tội bất hiếu cho con, xin coi con như hòn máu đã rơi mà thôi. Các em ơi, đừng khóc lóc, gắng chí học tập cho nên người  xứng đáng cho cha mẹ vui lòng...”.

Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi, sáng này 28/8/1941, chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Hóc Môn. Trước khi ra pháp trường chị đã nhắn nhủ cùng đồng bào, đồng chí:

Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng vẫn chông gai.

Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi mới 31 tuổi. Trước pháp trường, bà hướng về phía đồng bào, đồng chí nói lời tâm huyết cuối cùng: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc chúng tôi được Độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng.

Chúng tôi không có tội gì. Thưa đồng bào! Chúng ta phải tiêu diệt đế quốc, phong kiến thì đời sống mới sung sướng được”. Trong khi đó, chỉ hơn 1 năm sau, vào ngày 6/9/1942, Lê Hồng Phong cũng bị mất trong lúc ở tù tại Côn Đảo.

Ông mất đúng vào ngày sinh lần thứ 41 của mình. Như vậy, cho đến những giây phút cuối cùng, cuộc đời và tình yêu của Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai vẫn gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Cả Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hi sinh cuộc sống – hạnh phúc riêng của mình với mong muốn giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than.

Sau này, để tưởng nhớ công lao của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, tên của hai người đã được dùng để đặt cho những con đường và trường học trên khắp đất nước.

  • Hùng Hoàng

[links()]
 

TAGS:
Theo: