Chuyện về cuộc đời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (I)

( PHUNUTODAY ) - Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một nguyện vọng: Ông mong người vợ hiền của ông “đi trước” ông, để ông được lo cho bà trọn vẹn, chu đáo, để ông thanh thản, bởi cả đời mình, lúc nào ông cũng nghĩ ông nợ bà.

Là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi, đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời vào năm 2000, nhà thơ Việt Phương đã có 53 năm làm thư ký. Trong 53 năm ấy, có nhiều câu chuyện về Thủ tướng mà nhà thơ Việt Phương luôn nguyện mang theo suốt cuộc đời.
[links()]
Ở tuổi ngoài 80, khi nhắc về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương luôn khẳng định một điều: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhân cách lớn, là một người đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cách làm người”.

Cảm động câu chuyện tình yêu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với người vợ bệnh tật

Trọn vẹn một đời người, Việt Phương làm chính trị, nhưng ông vẫn làm thơ và đã từng có những bài thơ, những tập thơ thực sự gây tiếng vang lớn.

Là một nhà thơ, nhưng khi nhắc về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Phương vẫn luôn nói với tất cả sự trìu mến và trân trọng: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ làm thơ. Nhưng ông đã sống một cuộc đời rất thơ”.

Chân dung Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Chân dung Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Nhà thơ Việt Phương tâm sự với tôi rằng, được gặp gỡ và trở thành thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa là một vinh dự, vừa là một may mắn lớn trong cuộc đời ông. Nhà thơ Việt Phương kể:

“Tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần đầu vào năm 1947, khi đó tôi 19 tuổi, còn đồng chí Phạm Văn Đồng khi đó là Đặc phái viên của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ.

Năm đó, tôi được đơn vị cử đi dự Đại hội Thanh niên Cứu quốc ở Nam Trung Bộ và gặp đồng chí Phạm Văn Đồng ở đó”. Từ thời trẻ, nhà thơ Việt Phương đã có thói quen không bao giờ chuẩn bị bài phát biểu trước ở nhà mà toàn phát biểu “vo”, nên trong hội nghị đó, khi biết thói quen của Việt Phương, đồng chí Phạm Văn Đồng rất ngạc nhiên và “kiểm tra” khả năng diễn thuyết của Việt Phương.

Phần vì ấn tượng bởi khả năng ăn nói của một người thanh niên mới 19 tuổi, lại biết Việt Phương tốt nghiệp trường Bưởi, nói – viết thành thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, Phạm Văn Đồng đã đề nghị Việt Phương về làm thư ký riêng cho mình từ năm 1947.

Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời vào năm 2000, dù ở trên cương vị nào từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn tin tưởng giao cho Việt Phương vai trò của một người thư ký giúp việc đắc lực cho mình.

Nhà thơ Việt Phương kể: “Những ngày đầu về làm thư ký cho  Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi được Phạm Văn Đồng đưa cho những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới viết bằng tiếng Pháp. Phạm Văn Đồng yêu cầu tôi đọc rồi thuật lại nội dung câu chuyện cho ông nghe.

Ông cũng yêu cầu tôi đi diễn thuyết ở nhiều nơi. Làm như thế cốt là để kiểm tra khả năng truyền đạt và xử lý thông tin của tôi”.

Khi đã vượt qua những “bài kiểm tra” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương đã trở thành thư ký riêng cho Thủ tướng trong suốt 53 năm, cho đến ngày ông mất, và là người có thời gian làm thư ký cho Thủ tướng lâu nhất ở Việt Nam.

Sẽ không ngoa khi nói rằng nhà thơ Việt Phương là một trong những người nắm rõ nhất về cuộc đời Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cả cuộc đời làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương đã đúc kết 7 điều về người lãnh đạo đáng kính của mình.

Một trong 7 điều mà Việt Phương đã đúc kết được về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính là sự trách nhiệm và tình cảm yêu thương tuyệt đối mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho vợ con mình.

Phu nhân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là bà Phạm Thị Cúc, một người con gái Hà Nội. Ngày đó, gia đình bà Phạm Thị Cúc có một quán bán hàng. Bố mẹ bà là những người yêu nước nên gia đình bà trở thành cơ sở cách mạng, từng giúp đỡ, cưu mang nhiều nhà cách mạng lớn của ta thời kỳ đó.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nhiều lần ghé qua gia đình bà Phạm Thị Cúc. Chính những lần viếng thăm này đã khiến tình cảm giữa hai ông bà nảy nở.

Khi mới nên nghĩa vợ chồng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Nhưng sau này vì điều kiện công việc, vì nhiệm vụ cách mạng, ông đã không giữ được lời hứa của mình với người vợ hiền.

Quãng thời gian ông được chính phủ biệt phái vào Nam, thương hoàn cảnh vợ chồng ông xa nhau, Bác Hồ đã cho phép bà Phạm Thị Cúc vào Nam với chồng. Vì nhớ chồng mà khi đó, bà đã đi bộ vượt Trường Sơn trong 5 tháng ròng rã để vào Nam gặp chồng.

Vào đến nơi thì cũng là lúc ông được lệnh ra ngoài Bắc, bà lại vượt Trường Sơn ra Bắc. Suy sụp sức khỏe sau những hành trình dài vất vả như thế, lại thương nhớ chồng ngày đêm, bà sinh ra bệnh nửa quên nửa nhớ.

Sau một thời gian phát bệnh, bà rơi vào trạng thái trầm kha, khiến căn bệnh của bà càng khó lòng cứu chữa. Mặc dù Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa bà đi chữa bệnh ở cả Trung Quốc, Liên Xô, nhưng bệnh tình của bà vẫn không hề thuyên giảm.

Khi đó, một số chuyên gia y khoa đầu ngành của nước bạn, khi nghe về bệnh tình của bà đã chẩn đoán nguồn cơn căn bệnh của bà là do xa vắng chồng lâu ngày. Họ khuyên đưa bà về Việt Nam để có điều kiện gần gũi với chồng hơn, với hi vọng nhờ thế bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Nghe theo lời khuyên của bác sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dù bận rộn việc nước vẫn dành nhiều thời gian ở bên vợ, chăm sóc, động viên, gần gũi bà. Nhưng bệnh tình của bà không vì thế mà thuyên giảm.

Bà Phạm Thị Cúc phát bệnh khi còn rất trẻ, khiến những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vất vả để chăm sóc gia đình của mình. Nhưng ông vẫn hết mực yêu thương vợ con.

Năm 1951, con trai ông bà ra đời khi bệnh tình của bà bắt đầu có xu hướng nặng lên, ông đặt tên con là Phạm Sơn Dương và đưa con vào Phủ Chủ tịch sống, còn bà thì sống ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo.

Ngày đó, một tuần vài lần, ông đều đưa con trai đến căn biệt thự trên phố Khúc Hạo thăm bà. Nhà thơ Việt Phương khi đó cũng sống tại căn biệt thự này nói rằng lần nào đến thăm vợ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói chuyện với vợ rất dịu dàng.

Ông thường ngồi bên giường bệnh của bà, khi thì nắm tay bà thật âu yếm, khi thì ngồi chải lại mái tóc cho bà.

Bệnh tình khiến bà Phạm Thị Cúc cứ lúc quên lúc nhớ, nhưng điều đặc biệt là bà lại nhớ rất kỹ những chuyện thời xưa nên lần nào đến thăm vợ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng kiên nhẫn gợi lại chuyện xưa với vợ, cốt để bà vui.

Ông vẫn hi vọng nhờ đó bệnh tình của bà sẽ dần khôi phục. Nhưng những nỗ lực của ông không thể giúp bà khỏi bệnh.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người hết mực yêu thương vợ. Bà bị bệnh khi còn rất trẻ, nhiều người khuyên ông nên lấy vợ khác. Nhưng ông một mực chối từ.

Ông yêu bà và muốn trọn vẹn tình nghĩa với bà nên đã quyết định ở bên bà và chăm sóc bà, dẫu cuộc sống riêng của ông vì thế mà chịu nhiều thiệt thòi. Lúc nào ông cũng dặn con trai mình phải thường xuyên quan tâm và yêu thương mẹ.

Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ. Mỗi lần như thế, ông đều gửi tặng bà những món quà nho nhỏ, cốt để bà vui.

Nhắc về bà Phạm Thị Cúc, nhà thơ Việt Phương kể, tuy bị bệnh tật như thế, nhưng bà vẫn là một người phụ nữ rất dịu dàng và đặc biệt yêu trẻ nhỏ. Quãng thời gian sống ở căn biệt thự ở Khúc Hạo, các con trai của nhà thơ Việt Phương rất quấn quýt với bà và đặc biệt được bà yêu mến.

Chiều chiều bà thường ngồi trên cái ghế tựa ngoài vườn, ngắm 2 người con trai của nhà thơ Việt Phương chạy nhảy, nô đùa trong sân và mỉm cười dịu dàng.

Số phận đã không ưu ái bà khi bắt bà chịu cảnh bệnh tật từ khi còn quá trẻ, chẳng có cơ hội an hưởng hạnh phúc bên chồng con. Dẫu vậy, bà vẫn may mắn có được sự yêu thương và chăm sóc hết mực của chồng.

Những năm cuối đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một nguyện vọng: Ông mong người vợ hiền của ông “đi trước” ông, để ông được lo cho bà một cách tươm tất, trọn vẹn, chu đáo, để ông được yên tâm, thanh thản, bởi cả đời mình, lúc nào ông cũng nghĩ ông nợ bà.

Nhưng ông đã bỏ bà ra đi cách đây 12 năm, và phải gửi gắm bà lại cho người con trai Phạm Sơn Dương chăm sóc.

(Kỳ II: Chuyện về cuộc đời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng )

  • Hương Thảo Nguyên
TAGS:
Theo: