Cuộc đời sát thủ bắn tỉa trên đường 9 Nam Lào

( PHUNUTODAY ) - ông Hai cho biết.

Sinh ra trên vùng đất có hàng rào điện tử Mac Namara, nên mới 16 tuổi Trương Đức Hai (TP. Đông Hà, Quảng Trị) đã tham gia lực lượng vũ trang đánh Mỹ. Năm 19 tuổi, ông được phân công về chiến đấu tại chiến trường Gio Linh (khu vực đường 9) với nhiệm vụ bao vây, bắn tỉa địch.
[links()]
Bằng khả năng thiện xạ có một không hai của mình, ông đã trở thành xạ thủ bắn tỉa làm kinh hồn, bạt vía quân thù. Ông còn cải trang thành Lính thủy đánh bộ Mỹ, luồn sâu vào hàng ngũ địch, bắn hạ những tên sừng sỏ ác ôn.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho con người huyền thoại ấy.

Lớn lên trong nỗi đau chia cắt bởi giới tuyến tạm thời nên tuổi thơ anh phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn và đã chứng kiến những tội ác dã man của Mỹ – ngụy đối với làng xóm quê hương. Chính thời đại ấy sản sinh ra một huyền thoại – Trương Đức Hai.

Thủ lĩnh của “biệt đội” bắn tỉa

Ông Trương Đức Hai (bên trái) cùng đồng đội tham gia trận đánh Quán Ngang (ảnh tư liệu)
Ông Trương Đức Hai (bên trái) cùng đồng đội tham gia trận đánh Quán Ngang (ảnh tư liệu)

Dẫn chúng tôi vào tham quan ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau con hẻm trên đường Lê Duẩn (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), ông Hai tự hào giới thiệu về những bức ảnh và kỷ vật của một thời hoa lửa. Với ông, đó là miền ký ức hào hùng không thể nào quên trên con đường binh nghiệp.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở đất lửa Gio Linh, năm 14 tuổi, ông Hai viết đơn xin đi bộ đội nhưng không được chấp nhận vì chưa đủ tuổi. Đến năm 16 tuổi, ông gia nhập lực lượng vũ trang của xã Trung Hải (một xã nằm ở bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) và trở thành chiến sĩ du kích nhỏ tuổi nhất ngay trong lòng địch.

“Ngày đầu được bộ đội về dạy cách bắn súng, tôi phấn khởi lắm. Chỉ cần học hai ngày, tôi đã tháo lắp súng, lên đạn, khai hỏa… một cách thuần thục, được các chú trong xã đội khen”-  ông Hai cho biết.

Sau hơn 1 năm tham gia quân ngũ, cậu bé du kích ngày nào đã trở thành trung đội trưởng rồi lên xã đội phó và làm xã đội trưởng lúc vừa tròn 19 tuổi.

Nhớ lại một trận đánh với trung đoàn số 2 của Ngụy, ông Hai kể, đó là giữa năm 1967, quân địch tăng cường mở rộng, tái chiếm lãnh thổ nên ông nhận nhiệm vụ chỉ huy các cánh quân du kích, chặn đứng hướng tấn công của chúng từ phía biển lên.

Xét về hỏa lực, quân số thì quân du kích bị địch áp đảo hoàn toàn; nhưng với quyết tâm “thà hy sinh chứ không lùi bước”, đội du kích xã Trung Hải đã hoàn thành nhiệm vụ cầm chân địch, chờ bộ đội chủ lực đến tiếp ứng.

Trong cuộc chiến không cân sức ấy, ông Hai đã dùng súng trường CKC bắn hạ gần 20 tên địch, trong đó có hai tên chỉ huy. Trong những năm 1966 – 1972, Gio Linh trở thành tuyến lửa với những cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai bên chiến tuyến. Ta và địch tranh nhau từng tấc đất, lũy tre.

Chính quyền Mỹ lúc bấy giờ cũng dốc hết kho vũ khí “ném” vào mặt trận Quảng Trị để quyết một phen sống mái với quân giải phóng. Cùng với ném bom, bắn phá có tính chất hủy diệt, quân đội Mỹ đã xây dựng tuyến hàng rào điện tử Mac Namara hòng giăng bẫy và “tát nước bắt cá” nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.

Trước những diến biễn mới, cấp trên quyết định điều động Trương Đức Hai vào tăng cường cho xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh), một địa điểm quyết chiến chiến lược ở mặt trận Quảng Trị.

Tại đây, ông Hai được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị dân quân địa phương với gần 150 người, phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực bao vây bắn tỉa địch ở cứ điểm 31, kìm chân không cho chúng càn quét bắn phá, đồng thời mở đường cho quân ta đánh sâu vào cứ điểm cảng Cửa Việt.

“Quân địch bố trí các cứ điểm chốt chặn rất chặt chẽ, nếu bất ngờ tập kích thì sẽ gây thương vong lớn cho quân ta. Tôi chọn 5 chiến sĩ có tài thiện xạ, “bắn bách phát bách trúng” cùng đột nhập vào doanh trại địch tiến hành phục kích, bắn tỉa từng tiểu đội của địch” - ông Hai kể.

Xạ thủ số 1 Trương Đức Hai trên đường 9 Nam Lào
Xạ thủ số 1 Trương Đức Hai trên đường 9 Nam Lào

Năm ngày liền, ông cùng đồng đội ăn lương khô, uống nước lã cầm hơi để tiêu diệt các tiểu đội địch đi tuần tra. Trận ấy, ông Hai đã diệt hơn 70 tên địch, trong đó có 3 lính Đại Hàn và 4 lính Mỹ. Phát hiện có bộ đội đột nhập bắn tỉa, quận địch tăng cường phòng thủ và sử dụng xe thiết giáp đi tuần đêm.

Quyết không chịu thua, ông Hai cùng đồng đội bí mật bám theo các đoàn xe thiết giáp chở quân, chỉ cần chúng sơ hở là “dính” đạn của các xạ thủ và ngã gục.

Với cách đánh du kích, bắn tỉa lợi hại đó, tiểu đội dân quân địa phương của ông Hai đã khiến lũ giặc kinh hồn, bạt vía không dám manh động đi càn, đốt phá làng mạc. Sau chiến dịch bắn tỉa thắng lợi, ông Hai lại lên đường nhận nhiệm vụ mới, về huấn luyện và chiến đấu với du kích xã Gio Lễ - một xã nằm cận kề quận lị của bọn ngụy quyền quận Gio Linh và cứ điểm Dốc Miếu.

Do nằm ở trong gọng kìm kiểm soát của địch nên các hoạt động quân sự, dân vận của quân giải phóng gặp nhiều khó khăn. Huyền thoại bắn tỉa đã kể với chúng tôi về giai đoạn lịch sử “Cứ hai ngày, tụi Mỹ cùng đám lính Đại Hàn lại cho quân đi càn, đốt phá, bắt bớ những người hoạt động Cách mạng.

Du kích Gio Lễ nhiều lần xin ra quân chặn địch nhưng không được chấp nhận do tương quan lực lượng yếu, vũ khí trang bị của ta quá mỏng. Thấy tụi giặc lộng hành, giết hại đồng bào nhưng anh em cũng phải nín nhịn”.

Giữa lúc tình hình đang bế tắc, ông Hai nghĩ ra một cách đánh địch mưu trí, táo bạo. Với vóc dáng cao lớn, ông Hai lấy áo quần của một tên sĩ quan lục chiến Ngụy mà du kích bắt được trong một trận càn khoác trên mình rồi ung dung bước vào một doanh trại lính cộng hòa.

“Thấy tôi mang quân phục thủy quân lục chiến nên bọn chúng không dám nghi ngờ. Nhờ đó, tôi vẽ lại được sơ đồ bố trí các tuyến phòng ngự của giặc ở Gio Lễ để phục vụ cho các trận đánh sau này” - ông Hai nhớ lại.

Cũng nhờ vào vai sĩ quan thủy quân lục chiến cộng hòa mà ông Hai có cơ hội tiếp xúc và bí mật tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng ngay trong lòng địch giữa ban ngày.

Đầu năm 1972, xã Gio Sơn (thuộc huyện Gio Linh) trở thành vùng chiến địa khốc liệt giữa ta và địch khi chúng huy động hơn 1.000 lính cùng xe tăng, xe vận tải, kho bom… về tập trung ở đây, chuẩn bị cho một cuộc tiến công quy mô lớn. Một lần nữa, ông Hai lại được điều về tăng cường cho xã nóng này.

Ông kể “Lúc tôi về đây, dân trong xã đã bị địch gom vào khu tập trung Quán Ngang. Làng mạc bị đốt phá tiêu điều, các công sự bị tụi Mỹ phá sập. Anh em du kích chiến đấu rất gian khổ, khó cầm chân được quân giặc”.

Trước tình hình đó, ông Hai yêu cầu mở một cuộc tiến công để giành lại thế kiểm soát, nếu không sẽ bị giặc lấn chiếm, đẩy ra khỏi Gio Sơn. Yêu cầu trên được tỉnh ủy Quảng Trị chấp nhận và điều động đơn vị C4 bộ đội địa phương phối hợp với du kích Gio Sơn đánh vào chi khu Quán Ngang để đưa nhân dân ra khỏi khu tập trung.

Đây được xem là tiếng súng khai hỏa đầu tiên cho chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1972 trên toàn chiến trường Quảng Trị.

Huyền thoại của xưa và nay

“Về khả năng thiện xạ thì không ai so bằng Trường Đức Hai. Anh ấy đã khiến quân địch phải nể sợ, không dám gây nợ máu với cách mạng, với nhân dân…” đó là nhận xét của ông Phan Đình Sắt, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Gio Châu (huyện Gio Linh) một người bạn cùng chiến đấu với ông Hai năm xưa.

Nhìn về phía xa xăm, ông Hai tự hào kể lại “Hồi đó, tôi phục kích ở một ngọn đồi cát ở xã Gio Mỹ để chờ một tên chỉ điểm dẫn tụi lính Ngụy vào làng bắt bớ. Trước đây, hắn vốn là một chiến sĩ du kích nhưng sau đó ra hàng giặc, gây nhiều nợ máu với Cách mạng, với nhân dân.

Khi bọn chúng vừa bước vào làng, ở cự li xa 350 mét, tôi quyết định khai hỏa, bắn chết tên chỉ điểm ngay tại chỗ”. Quân địch nghe tiếng súng đuổi theo nhưng ông đã kịp rút xuống hầm trốn thoát.

Chiến dịch giải phóng Quán Ngang thắng lợi, ông được UBND tỉnh Quảng Trị cử về Chủ tịch UBND Cách mạng xã Gio Sơn để cùng người dân xây dựng, ổn định cuộc sống, sản xuất và phát triển.

Nhưng cuộc đời người xạ thủ số 1 trên chiến trường oanh liệt, hào hùng bao nhiêu thì trở về với cuộc sống đời thường càng lận đận bấy nhiêu.

Chiến tranh kết thúc, ông nên duyên vợ chồng với cô nữ du kích Gio Mỹ ngày xưa cùng kề vai, sát cánh chiến đấu bên nhau. Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng lính sẽ tràn ngập, hạnh phúc khi hai người lần lượt sinh 4 đứa con, gồm: 2 trai, 2 gái.

Nhưng 7 năm sau ngày cưới, vợ ông mắc phải chứng bệnh nan y, không cách gì chữa khỏi. Ông vừa tần tảo làm đủ mọi công việc để mưu sinh vừa chăm lo cho đám con thơ và người vợ trẻ nằm liệt giường.

Không lâu sau thì vợ ông ra đi, để lại 4 đứa con thơ dại. Nén nỗi đau vào trong, ông Hai chạy vạy khắp nơi để nuôi các con đi học. Giờ ngẫm lại, ông tự trách mình không làm nổi ngôi nhà cho vợ con sinh sống, phải mượn phòng của tập thể để đến lúc vợ nhắm mắt không có nổi một chỗ để quan tài.

Rồi có dạo, cha con ông không được ở trong căn phòng tập thể ấy. Gần nửa năm “ăn vật, nằm vạ” nhà bà con, cha con ông cũng được trả lại căn phòng nhỏ.

“Hồi ấy, nhờ ông Kỳ (tức Nguyễn Minh Kỳ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) là bạn chiến đấu cùng vợ chồng tôi năm xưa xuống can thiệp, giải quyết nên tôi mới có lại nhà để ở. Nhưng đến lúc họ hóa giá khu tập thể, tôi không có tiền mua nên lại làm đơn xin ở nhờ” - ông Hai buồn bã kể.

Hơn nửa cuộc đời chinh chiến, đấu tranh cho độc lập dân tộc, bước qua tuổi 63 mà ông Hai vẫn chưa làm nổi ngôi nhà đàng hoàng để ở, phải tá túc trong căn phòng chật hẹp, tạm bợ.

Rót chén nước trà mời khách, ông Hai trầm ngâm “Thời bình này khó lắm, chỉ gan dạ chưa đủ đâu, giành giật việc làm kiếm miếng cơm nuôi con mà đôi lúc cũng thấy nản người.”. Dù cuộc sống còn vất vả, khó khăn nhưng ông vẫn luôn tự hào vì 4 người con đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Hiện tại đồng lương hàng tháng của ông cộng mọi khoản vẫn chưa đến 2,5 triệu đồng, ông dành số tiền ấy để hương khói đồng đội, bà con đã ngã xuống trong chiến tranh và lo liệu một cách tằn tiện cho cuộc sống của mình.

Với những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hai được cấp trên tặng thưởng 6 danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ ưu tú” và hàng chục huân, huy chương các loại cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Những khẩu súng, tư trang ông dùng trong chiến tranh bây giờ đã trở thành những kỷ vật chiến tranh được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Quảng Trị.

  • Nam Nguyễn
TAGS:
Theo: