Hạnh phúc của nữ giáo sư Tày và ’người chồng nhân dân’

( PHUNUTODAY ) - chồng của bà).

Giáo sư Lộc Phương Thủy trở thành nữ giáo sư dân tộc Tày đầu tiên của ngành Văn học sau khi được phong tặng danh hiệu này vào năm 2006. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu trên con đường nghiên cứu khoa học với danh hiệu đầy vinh quang đó, ít ai biết được rằng giáo sư Lộc Phương Thủy đã phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả để có thể thành công và có những cống hiến cho nền khoa học nước nhà.
[links()]
Đặc biệt may mắn và hạnh phúc với bà là trên con đường dài gian truân ấy luôn có sự quan tâm, gắn bó và chia sẻ của người chồng rất mực yêu thương.

Đến nay, đã ngoài 60 tuổi, bà vẫn đang rất hạnh phúc với “người chồng nhân dân” (danh hiệu yêu mến do các bạn thời cùng đại học của bà Thủy tặng cho ông Nguyễn Ngọc Phú - chồng của bà) luôn gắn bó như hình với bóng cùng những chuyện tình đầy lãng mạn lúc xế chiều.

Chuyện tình “ít lãng mạn” của cô nữ sinh Tày với người chiến sĩ Hà Nội

Giáo sư Lộc Phương Thủy trở thành nữ giáo sư dân tộc Tày đầu tiên của ngành Văn học sau khi được phong tặng danh hiệu này vào năm 2006.
Giáo sư Lộc Phương Thủy trở thành nữ giáo sư dân tộc Tày đầu tiên của ngành Văn học sau khi được phong tặng danh hiệu này vào năm 2006.

Giáo sư Lộc Phương Thủy là người con của dân tộc Tày. Bà sinh năm 1949 tại Yên Bái và trải qua những năm tháng tuổi thơ ở vùng đất Sơn La “âm u núi khuất trong sương mù”.

Trong những năm tháng chiến tranh của đất nước, cuộc sống vô cùng khó khăn. Gia đình của bà khi đó cũng không phải là ngoại lệ. Là chị cả của 4 người em nhỏ nên ngay từ bé, bà đã phải đảm nhận các công việc trong gia đình để đỡ đần cha mẹ.

Lớn lên, khi bắt đầu đi học, cha của bà thường nói rằng sẽ chỉ cho bà học đến hết lớp 5 thôi để còn lao động. Thế nhưng, nhờ thông minh lại chăm chỉ, con đường học tập của bà cứ “kéo dài” mãi.

Cũng chính trong quá trình học tập ấy, bà đã có có cuộc gặp gỡ “định mệnh” với người chồng sau này của mình là ông Nguyễn Ngọc Phú khi đó là chàng trai Hà Nội, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1964, trở thành lính pháo lên Tây Bắc làm nhiệm vụ.

Những năm chiến tranh ấy thường có “công thức”: các cháu thiếu niên kết nghĩa với chiến sĩ đồi pháo. Vậy là, cô thiếu nữ Lộc Phương Thủy khi đó đang phụ trách đội thiếu niên đã gặp chàng trai Nguyễn Ngọc Phú trong ban chấp hành đoàn của các chiến sĩ bộ đội.

Rồi sau khi tốt nghiệp lớp 10, bà đi học Đại học sư phạm Việt Bắc thì ông Phú bắt đầu “viết thư theo”. Đến hết năm học đại học thứ nhất thì hai người chính thức có tình cảm với nhau để rồi lễ cưới được tổ chức vào hè 1970, khi anh lính trẻ có dịp đi công tác từ chiến trường về Hà Nội.

Khi được hỏi về những kỉ niệm lãng mạn ngày ấy, giáo sư Lộc Phương Thủy cười nói rằng: “Lãng mạn thì có lẽ là không có đâu”. Bởi vì thời ấy, hai người đi chơi với nhau rất “nghiêm túc”, đến ngồi gần cũng không dám.

Bà kể, ngày ấy, có lần khi bà đến nhà ông ở Hà Nội chơi, thì ông ý tứ mua sẵn một đĩa nhãn để sẵn đó cho bà nhưng rồi bà cũng không dám ăn quả nào. Bà Thủy nói rằng, tình yêu ngày đó không có cái lãng mạn theo kiểu quan niệm của giới trẻ bây giờ nhưng lại có những kỉ niệm, ấn tượng không bao giờ phai mờ được trong lòng mỗi người.

Trong 4 năm học đại học, tình cảm giữa cô sinh viên Khoa văn Đại học Sư phạm Việt Bắc với anh lính đang ở chiến trường chỉ có thể thể hiện qua thư từ được chuyển một cách khó khăn từ chiến trường ra Bắc, nhiều khi thư đến tay người nhận thì phong bì đã nhàu nát hoặc bị rách do gặp bom ở dọc đường.

Ngày đó, giấy vô cùng hiếm nên không dễ gì để có được giấy viết thư. Mỗi chiếc phong bì thư cũng đều là do ông bà tự làm. Những tờ giấy troki được gấp cẩn thận thành bì thư, trên đó tự tay người lính vẽ hình ảnh pháo cao xạ, người con gái chèo thuyền ở góc bì thư để trang trí…

Kỉ niệm lãng mạn nhất mà theo bà có lẽ là lần ông gửi thư cho bà với dòng chữ “Gửi dòng nước xanh”. Sau thời chiến tranh đến hơn 40 năm, trong một cuộc gặp gỡ với người thủ trưởng cũ của đơn vị chồng bà, chính người thủ trưởng hơn 80 tuổi ấy đã chỉ vào bà mà nói:

“Dòng nước xanh đây có phải không”. Điều này làm bà vô cùng hạnh phúc, ấm áp. Với giáo sư Lộc Phương Thủy, tất cả những kỉ niệm ấy đều được trân trọng, nâng niu bằng một thứ tình cảm hết sức thiêng liêng lớn hơn cả tình yêu lúc bấy giờ.

Và mỗi khi nhắc đến chúng, trong mắt giáo sư Lộc Phương Thủy luôn ánh lên những niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả.

Dũng cảm quyết định chỉ sinh một con

Vợ chồng Giáo sư Lộc Phương Thủy
Vợ chồng Giáo sư Lộc Phương Thủy

Khác với những người bạn bè cùng lứa tuổi nói riêng hay những người ở độ tuổi hơn 60 như bà thường có 4 – 5 người con, giáo sư Lộc Phương Thủy chỉ có duy nhất một người con gái.

Việc bà quyết định chỉ sinh duy nhất một người con vào thời điểm lúc bấy giờ quả thực là một chuyện hiếm và cũng là một chuyện lớn. Ẩn sau  “quyết định lớn” của ngày ấy chính là sự hi sinh lớn lao của bà dành cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Mối tình của cô nữ sinh Lộc Phương Thủy với chiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú “đơm hoa kết trái” sau khi bà tốt nghiệp đại học Sư phạm. Đám cưới diễn ra rất bình dị giữa thời chiến tại Hà Nội. Chú rể từ chiến trường ra mượn chiếc áo sơ mi trắng của bạn mặc cùng với quần bộ đội “cho nó oách”.

Hai năm sau khi cưới, năm 1972, giữa thời kỳ Mỹ đánh bom miền Bắc rất dữ dội, người con gái đầu lòng của ông bà ra đời. Người con gái được đặt tên là Nguyễn Phương Ngọc, lấy từ tên đệm của hai ông bà Phương Thủy và Ngọc Phú.

Tuy nhiên, lúc này chỉ có một mình bà cùng với người con gái bởi ông Phú khi đó vẫn đang ở chiến trường. Trong suốt nhiều năm tiếp theo, thường chỉ có hai mẹ con bà ở với nhau, thỉnh thoảng bố ở chiến trường về được ít ngày thì con gái lại không chịu theo bố.

Mãi đến khi đứa con gái tròn 14 tuổi thì hai vợ chồng bà mới hoàn toàn được ở cùng chung một nhà. Năm 1976, giáo sư Lộc Phương Thủy được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô.

Quyết định đi hay ở lúc đó đối với bà là một điều vô cùng khó khăn, bởi con gái thì còn nhỏ tuổi, từ sau khi cưới, hai người đã “kẻ Nam người Bắc” đâu đã có dịp ở cùng nhau. Tuy nhiên, được sự động viên của chồng nên bà đã quyết định gác mọi việc riêng, lên đường sang Liên Xô học tập.  

Sau 4 năm học tập tại Liên Xô, năm 1981, bà Thủy trở về nước mang theo cả một vali  đồ đạc, quần áo để chuẩn bị cho việc sinh đứa con thứ hai. Thế nhưng, điều kiện thực tế lúc bấy giờ đã không cho phép bà có thể làm như vậy.

Giáo sư Lộc Phương Thủy kể rằng, cuộc sống những năm 80 thế kỷ trước vô cùng khó khăn, đặc biệt với những người làm nghiên cứu khoa học. Mức lương của người làm nghiên cứu văn học rất thấp, lương bộ đội của ông Phú cũng không khá hơn là bao, bên nội và bên ngoại đều trong cảnh khó khăn.

Thế mà ông bà luôn mong muốn chăm lo nuôi nấng con gái thật tốt, đồng thời, ông bà cũng không thể từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học. Bàn bạc với nhau mãi và cũng vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng, bà và ông đã quyết định không sinh thêm con nữa.

Quyết định này của bà và ông đã gặp phải sự phản đối của rất nhiều người. Thậm chí, có những người không hiểu còn chê bai, thậm chí mắng bà là người ích kỷ. Có những người còn đến tận nhà để khuyên bảo bà phải sinh thêm con.

Tuy nhiên, là người hiểu rõ hơn ai hết hoàn cảnh của mình nên bà Thủy và chồng đã đồng lòng: “Chỉ một mà thôi”. Giáo sư Lộc Phương Thủy nói rằng, bà rất hạnh phúc vì đã có người chồng đồng cảm và chia sẻ với mình suốt cuộc đời, nhất là trong những quyết định hết sức khó khăn đó.

Cũng chỉ một thời gian ngắn sau khi bà trở về nước thì ông Nguyễn Ngọc Phú lại tiếp tục đi nghiên cứu sinh. Cuộc sống ở Việt Nam lại tiếp tục chỉ có bà và người con gái cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả của thời kỳ bao cấp.

Giáo sư Lộc Phương Thủy nói rằng cho đến nay vẫn rất nhiều người hỏi rằng có bao giờ bà ân hận vì đã chỉ sinh một người con. Mỗi lần như vậy, bà đều cười và trả lời: “Chưa một giây phút nào”. Bởi quyết định đó với bà là đúng đắn, đối với gia đình bà là hợp lý.

Nhờ quyết định đó, bà mới có thể say mê làm việc cho khoa học và nuôi dạy được người con gái duy nhất của mình trở thành một người phụ nữ giỏi giang. Hiện nay, con gái Nguyễn Phương Ngọc của bà đã là tiến sĩ, phó giáo sư đang giảng dạy tại trường đại học Aix-Marseille, nước Pháp.

kết hôn với một họa sĩ người Pháp và có một cậu con trai 14 tuổi đẹp trai ngoan ngoãn. Giống như mẹ, cô Phương Ngọc cũng chỉ sinh một người con. Bởi thế, thỉnh thoảng trong những lần chuyện trò cùng bạn bè, giáo sư Lộc Phương Thủy vẫn nói đùa rằng: “Mẹ lười nên con cũng lười”.

Dù đã lớn tuổi nhưng hai vợ chồng bà Thủy vẫn vô cùng gắn bó với nhau, không chỉ cùng nhau làm chuyên môn, giúp nhau từ những kỹ thuật nho nhỏ của máy vi tính, những đoạn dịch văn bản từ tiếng Nga, tiếng Pháp, mà còn thường trao đổi với nhau về quan niệm sống, về cách sống của những người cao tuổi mong một cuộc sống có chất lượng cả về tinh thần và vật chất.

Là một người phụ nữ làm khoa học nhưng giáo sư Lộc Phương Thủy cũng hết sức quan tâm đến công việc nội trợ trong gia đình. Bà rất thích nấu ăn, rất chịu khó học hỏi các nấu các món khác nhau từ món ăn Việt cho đến các món Tây và nấu ăn rất ngon.

Bà thường xuyên trở thành “chủ xị” của những buổi liên hoan hàng chục người tại nhà mình với những món ăn do chính bà nấu. Ngoài ra, giáo sư Lộc Phương Thủy cũng là người đặc biệt yêu hoa. Với bà, niềm vui và sự yên bình trong cuộc sống đến cùng với những bông hoa nở do chính tay bà chăm sóc.

Theo bà, người phụ nữ hiện đại ngày nay rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Bởi thế, để có thể vượt qua và sống thật tốt thì cần có một đầu óc tổ chức cuộc sống một cách khoa học, một tinh thần luôn lạc quan, không lùi bước. Có như thế, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

  • Thiên Dương
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn