Nữ anh hùng Kan Lịch của dân tộc Pa Cô

( PHUNUTODAY ) - Ông Chiến nhớ lại: “Vừa nhìn thấy là tôi ưng cái bụng ngay. Thời trẻ bà ấy nhìn khỏe mạnh và xinh đẹp lắm. Nước da màu đồng cứ đỏ au lên vì nắng. Đàn ông Pa Cô thích nhất là những người đàn bà như thế..."

Lên đến A Lưới, hỏi bất cứ người A Lưới nào, họ cũng biết nhà của mệ Hồ Kan Lịch – nữ Anh hùng đầu tiên của miền Tây Trường Sơn thời chống Mỹ. Mệ Kan Lịch bao năm nay vẫn sống ở A Lưới, cùng với bà con đồng bào Pa Cô nơi đây góp sức xây dựng A Lưới. Trong chiến tranh, mệ Kan Lịch nổi tiếng với những lần giết giặc, bắn rơi máy bay. Trở về với đời thường, mệ là người mẹ nhân ái mở rộng vòng tay nuôi những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ.
[links()]
Đám cưới không có chú rể và chiếc tẩu thuốc tình yêu

Nhà của nữ anh hùng nổi tiếng thời chống Mỹ Hồ Kan Lịch nằm ngay mặt đường Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ bé, giản dị là nơi mà bao năm nay gia đình mệ Kan Lịch ở. Nơi đây cũng đón tiếp nhiều đồng chí, đồng đội của mệ và nhiều đoàn cựu binh về thăm lại chiến trường xưa đến giao lưu.

Rất nhiều người lính từng chiến đấu dọc chiến trường Trường Sơn mấy chục năm trước ao ước được một lần gặp Hồ Kan Lịch – người phụ nữ Pa Ko dũng cảm, kiên cường, mưu trí, đánh địch trận nào thắng trận đó, được Bác Hồ gặp tới 7 lần.

Nữ anh hùng nổi tiếng thời chống Mỹ- Hồ Kan Lịch
Nữ anh hùng nổi tiếng thời chống Mỹ- Hồ Kan Lịch

Trong dòng dõi người Pa Cô , gia đình mệ Kan Lịch là một gia đình có dòng máu anh hùng. Ngoài mệ Kan Lịch, gia đình mệ còn có 2 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là ông Hồ Vai – cậu của mệ Kan Lịch và Hồ Nun, em trai của mệ. 

Anh hùng Hồ Đức Vai, tên thật là Vai (sinh năm 1940) là người dân tộc thiểu số đầu tiên trên dãy Trường Sơn được phong Anh hùng LLVTND và có vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Họ Hồ của người Pa Cô cũng là do Anh hùng Hồ Đức Vai xin Bác để làm họ cho cả cộng đồng Pa Cô.

Năm 1965, khi A Vai ra Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng, Bác Hồ đã khen A Vai rất nhiều và đặt tên cho A Vai là Hồ Đức Vai. Được gặp Bác, A Vai nghẹn lời vì ước mơ đã thành sự thật.

A Vai thấy Bác gần gũi, yêu thương A Vai hơn cả cha, cả mẹ, lại thấy người Pa Cô chưa có họ nên đã bảo với đồng bào Pa Cô đồng lòng nhất trí lấy họ Hồ làm họ của người Pa Cô. Từ đó mà tất cả người Pa Cô đều mang họ Hồ.

Hồ A Nun (sinh năm 1944), em trai của Anh hùng Kan Lịch cũng được phong Anh hùng vì thành tích gùi đạn dược, gùi lương thực vào chiến trường. Trong những năm 1960, Hồ A Nun đã gùi được 180 tấn vũ khí, lương thực (bằng cả sức vận chuyển của một đoàn xe cơ giới chiến lược).

Có chuyến Hồ A Nun gùi gần 200kg lương thực trên đoạn đường dốc núi dài vài chục cây số, khiến nhiều nhà báo quốc tế phải ngạc nhiên về sức mạnh tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số của Việt Na,

Nữ Anh hùng Hồ Kan Lịch là cháu gọi Anh hùng Hồ Đức Vai bằng chú, nhưng mệ Kan Lịch chỉ kém Anh hùng Hồ Đức Vai 3 tuổi. Khi Hồ Đức Vai được cán bộ cách mạng tuyên truyền và đi theo cách mạng, mệ Kan Lịch vừa bước vào tuổi 14 nhưng đã hăng hái xung phong cùng chú và nhiều người Pa Cô khác đi giúp cách mạng đánh giặc.

Mệ Kan Lịch kể lúc mệ quyết định cùng chú A Vai đi đánh giặc, bố mệ của mệ phản đối dữ dội vì thương con gái, sợ con gái còn bé của, đi đánh giặc rồi sẽ sớm bị giặc giết nên đã đề nghị cho anh trai mệ thay mệ đi đánh giặc.

Nhưng mệ Kan Lịch không chịu. 14 tuổi, Kan Lịch đã cùng với chú A Vai lên đi vận chuyển hàng cho bộ đội. Năm 1958, mệ và chú A Vai bị địch bắt khi đang chuyển hàng hóa gồm giấy bút, thực phẩm lên A Lưới.

Giặc hỏi mệ: đi đâu mà mua cả giấy bút, mua cho Cộng sản à, mệ nghinh mặt bảo đi mua giấy bút về cho người Pa Cô ta học chữ. Chẳng phải các ông vẫn chê người Pa Cô ta dốt nát mù chữ còn gì? Nhưng sau đó mệ Kan Lịch và chú A Vai vẫn bị bắt.

Kan Lịch bị giam ở Thừa Thiên Huế suốt 3 tháng trời, nhưng giặc đánh đập hành hạ thế nào, Kan Lịch cũng không khai. Chẳng làm gì được Kan Lịch, chúng thả Kan Lịch ra, vừa thà vừa nguyền rủa con bé Pa Cô gầy gò mà bướng bỉnh, lì lợm. Kan Lịch trở về với núi rừng A Lưới.

Thấy con gái về, bố mệ của Kan Lịch vừa cười vừa khóc, quyết không cho Kan Lịch đi theo cách mạng nữa. Nhưng ở nhà được vài ngày với gia đình, mệ Kan Lịch lại đi theo tiếng gọi của đất nước.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mệ Kan Lịch là biểu tưởng anh hùng về lòng yêu nước của đồng bào Pa Cô nói riêng và đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn nói chung.

Sau vài năm đầu làm nhiệm vụ giao liên, năm 1961, mệ Kan Lịch đã là đội trưởng đội du kích Hồng Bắc gồm 60 người, trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ, trong đó có 35 trận do mệ chỉ huy. Mệ đã giết được 150 tên địch, một mình bắn rơi máy bay giặc bằng súng trường – mát, mở đầu cho phong trào bắn máy bay giặc bằng súng trường – mát ở chiến trường Trường Sơn.

Chiếc máy bay Đa-ko-ta bị mệ bắn rơi cách sân bay 2km là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở miền Tây Thừa Thiên. Đó cũng là chiến công khiến mệ Kan Lịch nhớ nhất, tự hào nhất. Mệ bồi hồi nhớ lại:

“Khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay, mệ bảo anh em du kích đừng bắn. Đến lúc máy bay cất cánh, mệ cũng chưa bắn vội. Máy bay bắt đầu bay lên theo đà, mệ mới giương súng ngắm bắn.

Vợ chồng nữ anh hùng  Hồ Kan Lịch
Vợ chồng nữ anh hùng Hồ Kan Lịch

Thấy máy bay trúng đạn, mệ hạnh phúc lắm. Bay được một đoạn nữa thì máy bay rơi cách sân bay 2km. Vì chiến công này mà mệ được gặp Bác Hồ, ước nguyện của mệ suốt từ khi tham gia cách mạng và nghe cán bộ kể về Bác”.

Năm 1967, mệ Kan Lịch được phong Anh hùng rồi được quân khu Trị Thiên đưa ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Lần gặp Bác Hồ năm đó, mệ được Bác tặng cho một cái radio và một cây bút viết. Trước khi mệ trở về Thừa Thiên, Bác còn dặn dò:

“Cháu Kan Lịch này, làm ra Anh hùng là khó nhưng không khó bằng giữ được Anh hùng. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ ”.

Giờ trong nhà Mệ, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở chỗ trang trọng nhất. Ngày sinh nhật của Bác, ngày Bác mất, hay các ngày lễ hàng năm, gia đình mệ đều thắp hương Bác. Mệ Kan Lịch đã gặp Bác 7 lần, mỗi lần gặp là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mệ.

Chồng của mệ Kan Lịch là ông Hồ Văn Chiến, người dân tộc Pa Cô. Ông Hồ Đức Chiến cũng là sỹ quan quân đội đã về hưu. Về già, hai ông bà sống vui vầy với con cháu trong căn nhà đơn sơ nhưng ấm áp ven đường Hồ Chí Minh.

Hỏi chuyện tình của mệ Kan Lịch và ông Hồ Văn  Chiến, cả mệ và ông Chiến đều cười nhiều hơn nói. Mệ Kan Lịch gặp ông Hồ Văn Chiến khi mệ mới 17 tuổi, lúc đang là cô nữ du kích trẻ tuổi nhưng đã nổi tiếng gan dạ.

Ông Hồ Văn Chiến cũng là người Pa Cô, vì được cán bộ tuyên truyền mà giác ngộ và đi theo cách mạng. Bữa đó trên đường hành quân, ông Chiến tình cờ gặp nữ chiến sĩ Kan Lịch đang đi cùng hướng với mình.

Ông Chiến nhớ lại: “Vừa nhìn thấy là tôi ưng cái bụng ngay. Thời trẻ bà ấy nhìn khỏe mạnh và xinh đẹp lắm. Nước da màu đồng cứ đỏ au lên vì nắng. Đàn ông Pa Cô thích nhất là những người đàn bà như thế. Hết đoạn đường hành quân, gặp nhau ở nơi nghỉ, tôi xin địa chỉ và viết thư làm quen ngay…”.

Thời mệ Kan Lịch và ông Chiến yêu nhau, mỗi người một nhiệm vụ nên dễ đến mấy năm trời, mệ Kan Lịch chẳng hề gặp người thương của mình.

Yêu nhau từ năm 1959, nhưng vì hai người mỗi người chiến đấu một nơi, ông Chiến theo đoàn bộ đội sang chiến đấu ở chiến trường Lào, mệ Kan Lịch ở lại bảo vệ mảnh đất Thừa Thiên, nên đến năm 1964, được sự đồng ý của hai bên cha mẹ, mệ Kan Lịch và ông Chiến mới nên vợ chồng.

Trước khi cưới, ông Chiến viết thư về cho mệ Kan Lịch: “Chúng ta làm đám cưới đi thôi. Nhỡ chẳng may tui chết thì vẫn còn được là con ma đã có vợ”. Câu nói của ông Chiến làm mệ Kan Lịch thương lắm, suốt đêm ôm bức thư nằm nhớ nhung không ngủ được.

Hôm sau mệ nhờ cha mẹ tổ chức đám cưới. Đám cưới vắng mặt chú rể. Sau hôm đám cưới, ông Chiến được về gặp vợ 1 tiếng đồng hồ, rồi lại tiếp tục qua chiến trường Lào làm nhiệm vụ. Lấy nhau từ năm 1964, nhưng đến năm 1971, mệ Kan Lịch mới chính thức được dọn về sống chung với chồng.

Nhưng mệ vẫn chung thủy chờ đợi. Mệ bảo, khi lấy ông Chiến, mệ nghĩ đơn giản lắm, nếu ông không về, mệ sẽ đánh giặc rồi sống vậy một đời. Phụ nữ Pa Cô chung thủy lắm.

Kỷ vật tình yêu mà mệ Kan Lịch vẫn còn giữ suốt mấy chục năm là chiếc tẩu thuốc do ông Chiến tự tay làm tặng. Mệ Kan Lịch kể rằng đồng bào dân tộc ở dãy Trường Sơn, có người Pa Cô, người Tà Ôi, người Cơ Tu...từ xưa đến nay cả nam nữ đều có tục hút thuốc.

Thuốc mà người Pa Cô hút là lại thuốc lá được trồng trên rẫy cao, lấy phơi khô, cuộn lại cho vào tẩu hút. Các em gái Pa Cô từ năm lên 8 – 9 tuổi đã bắt đầu hút thuốc. Phụ nữ Pa Cô lúc trẻ phải tự đi mua tẩu để hút thuốc.

Đến lúc có người yêu sẽ được người yêu tặng tẩu cho. Khi yêu nhau, theo tục người Pa Cô, ông Hồ Văn Chiến cũng tặng mệ Kan Lịch một cái tẩu thuốc do chính ông tự tay làm. Mệ Kan Lịch quý tẩu thuốc đó lắm, đi đâu cũng mang theo.

Năm 1970, tẩu thuốc bị gãy, mệ Kan Lịch dùng tẩu thuốc khác, nhưng vẫn giữ lại cái tẩu thuốc cũ làm kỷ vật tình yêu. Mãi gần đây, mệ Kan Lịch mới tặng cái tẩu thuốc đó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Những món quà mà Bác Hồ tặng, mệ Kan Lịch cũng tặng cho Bảo Tàng quân khu 5.

Mệ Kan Lịch kể, lần ra gặp Bác Hồ, Bác biết chuyện vợ chồng của mệ đã dặn mệ: “Cháu Kan Lịch về nhớ viết thư cho chồng. Đã là vợ chồng phải chờ đợi nhau, phải chung thủy với nhau”. Lời dặn của Bác càng tiếp thêm sức mạnh cho mệ chờ đợi đến ngày vợ chồng đoàn tụ.

Người mẹ Pa Cô nhân ái của núi rừng A Lưới

Lên A Lưới, thấy người A Lưới ai cũng gọi Anh hùng Kan Lịch là mệ. Người Pa Cô ở A Lưới bảo, mệ Kan Lịch là người phụ nữ Pa Cô nhân ái nhất, là bà mẹ Pa Cô giàu lòng bao dung nhất ở đất A Lưới.

Người phụ nữ Pa Cô thường đẻ nhiều, nhưng mệ Kan Lịch chỉ đẻ được 2 người con, một trai một gái. Mệ bảo do hoàn cảnh chiến tranh, mãi mệ và ông Chiến mới được ở gần nhau, cuộc sống kinh tế lại khó khăn, nên mệ chỉ đẻ hai con để dễ nuôi.

Vậy nhưng cuối cùng, mệ lại có tới 11 người con, trong đó chỉ có 2 người con là con đẻ, còn lại 9 người con là con nuôi.

Người em chồng của mệ Kan Lịch đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia về bị bệnh nặng và qua đời, để lại hai đứa con thơ dại. Thương em dâu còn trẻ đã rơi vào cảnh góa bụa, mệ Kan Lịch nhận nuôi cả hai đứa cháu rồi bảo em dâu đi lấy chồng.

Vài năm sau, người anh trai bên chồng lại qua đời, người chị dâu mù lòa, mệ Kan Lịch lại nhận nuôi tất cả những đứa cháu con của anh trai chồng. Tiếng là gia đình quân nhân, cả hai vợ chồng đều có lương hưu, nhưng đầu những năm 1990, cuộc sống của gia đình mệ Kan Lịch khổ đủ bề.

Vừa nuôi con đẻ, con nuôi, lo các con lúc sài bẹn ốm đau, đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng mệ chẳng đủ, mệ phải đi làm nương, làm rẫy, trồng ngô trồng sắn để nuôi con, nhưng có những dạo cả nhà vẫn chỉ có cơm độn sắn để ăn.

Nhưng mệ tự hào lắm vì nuôi được ngần ấy người con khôn lớn. Mệ bảo nuôi được các con khôn lớn, không đói ăn bữa nào, cũng không đứa nào hư hỏng, là coi như mệ thành công và không thẹn với lòng.

Không chỉ nuôi con của anh em, mệ còn nhận nuôi cả con người dưng. Nhiều người A Lưới vẫn nói chẳng hiểu sao mệ dũng cảm thế, khi mà cái ăn cho gia đình còn chưa đủ. Có lần mệ lên rẫy, thấy một đứa trẻ bị tai điếc bị mẹ bỏ rơi giữa rẫy, ngày ngày đi lang thang ăn củ mài sống qua cơn đón, ai hỏi gì cũng không nói.

Thấy thương quá, mệ lại mang về nuôi. Ở gần bản của mệ, có hai anh em bố mẹ mồ côi, mệ cũng  nhận về nuôi. Thành ra đến giờ này, mệ đã có 9 người con nuôi.

Hồi xưa cả gia đình mệ sống ở căn nhà trên núi, ở bản A Mảy. Đầu những năm 2000, được sự hỗ trợ của chính quyền và sự tài trợ của một số doanh nghiệp, mệ vay thêm tiền xây một căn nhà ở thị trấn, ngay ven đường Hồ Chí Minh để làm nơi sinh sống ổn định cho cả gia đình.

Nhà nhỏ, người đông, nhưng đồng đội của mệ lên A Lưới bao giờ cũng được mệ chào đón đến căn nhà nghèo vật chất nhưng giàu tình giàu nghĩa của mệ.

Mệ Kan Lịch thương các con nuôi như các con đẻ. Các con của mệ đều nghèo. Khi lớn lên đứa con nào của mệ cũng vất vả với chuyện mưu sinh. Mấy năm trước nhà nước có chính sách xóa bỏ nhà tạm, các con của mệ được nhà nước hỗ trợ xây nhà ra ở riêng.

Nhân dịp giải phóng miền Nam 35 năm, mệ được Nhà nước tặng cho 10 triệu đồng, mệ chia đều cho tất cả các con để lấy tiền dắt lưng vốn làm ăn.

Bác Hồ trong lần gặp mệ đã dặn: “làm Anh hùng đã khó, nhưng giữ được Anh hùng còn khó hơn”. Mệ nhớ lời Bác dặn để luôn phấn đấu là người Anh hùng. Trong chiến tranh mệ chiến đấu can đảm, khi trở về đời thường, mệ yêu thương đồng bào, che chở cho những số phận bất hạnh, dù bản thân mệ cũng chẳng có gì.

Người A Lưới ai cũng biết chuyện mệ cho thuê cái sân rộng trước nhà với giá hơn 200 nghìn 1 tháng suốt bao năm nay dù trượt giá, mệ cũng không tính tiền thuê thêm một đồng. Người thuê của mệ là một người phụ nữ ở đất Quảng Điền – Thừa Thiên Huế, cuộc sống khó khăn mà phải dạt lên A Lưới mưu sinh.

Thương hoàn cảnh người phụ nữ đó phải làm lụng để nuôi con, mệ cho mượn cái sân quán trước nhà để bán hàng ăn, mỗi tháng lấy hơn 200 nghìn, dù chỗ đó ở thị trấn A Lưới, người ta sẵn sàng cho thuê hơn triệu đồng một tháng. Mệ bảo nhìn thấy mình giúp được người ta kiếm được cái ăn, để gửi tiền nuôi con đi học đại học là mệ mừng rồi, tiền quán nhiều hay ít chẳng còn ý nghĩa gì.

Mệ Kan Lịch nhân ái thế, nên có những chuyện về mệ mà kể ra ai cũng cười ra nước mắt. Mấy năm trước điện thoại còn là một thứ xa xỉ, mệ Kan Lịch được lắp một cái điện thoại để bạn bè, đồng chí xa gần gọi điện thăm hỏi.

Nhưng lắp điện thoại rồi, người xung quanh ai muốn nhờ một cuộc điện thoại, dù trong tỉnh hay ngoài tỉnh, trong nước hay ngoài nước, mệ cũng tươi cười đồng ý. Cuối tháng thanh toán hết 4 triệu tiền điện thoại, mệ chẳng có tiền, chỉ trả được vài trăm nghìn. Số tiền còn lại, mệ trả trong hơn 1 năm mới hết.

Mấy năm nay, sức khỏe mệ Kan Lịch đã yếu. Nhưng khi còn khỏe, mệ thường cùng với ông Hồ Đức Vai ra Hà Nội nói chuyện để kêu gọi những người hảo tâm giúp đỡ đồng bào Pa Cô ở A Lưới. Nhờ mệ mà nhiều người Pa Cô đã có nhà để ở, không phải ở trên những túp lều ngoài rẫy nữa.

Điều đó khiến mệ vui lắm. Nhưng mệ chưa bao giờ đòi hỏi điều gì cho mình. Mệ nói mệ được chiến đấu vì đất nước, rồi được ăn lương nhà nước, thế là hạnh phúc lắm rồi, no ấm lắm rồi. Mệ yêu mảnh đất A Lưới, yêu cả đồng bào Pa Cô nghèo khó của mệ và hạnh phúc với cuộc sống dù còn khó khăn ở vùng núi A Lưới.

Thế nên dù có điều kiện đi làm việc ở những nơi khác, mệ vẫn ở lại A Lưới, làm Phó Chỉ huy Quân sự A Lưới, rồi khi về hưu lại góp sức giúp đồng bào A Lưới được ấm no, hạnh phúc.

  • Lan Đức
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn