(Nấu ăn) - Đĩa chè kho vàng mịn, thơm lừng hương tò ho, thảo quả là món ăn truyền thống của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngày cuối năm có đĩa chè kho biếu mẹ chồng đặt lên ban thờ thắp hương và để đầu xuân đãi khách thì không còn gì thơm thảo bằng.
Món chè kho dân dã từ cách làm đến cách thưởng thức nên không phải cô con dâu hiện đại nào cũng biết làm. Nếu mẹ chồng bạn là tuýp người cổ điển, truyền thống thì bạn thử một lần tự tay làm món này biếu mẹ, ắt hẳn bà sẽ hài lòng.
Nguyên liệu làm chè là đỗ (đậu) xanh, đường (mật), thảo quả, gừng, quế. Mấy ngày giáp tết, ra chợ chọn lấy vài lạng đỗ xanh. Đỗ phải là loại đỗ mới, hạt đều và thơm. Đem ngâm no nước (một đêm) và đãi sạch vỏ, rắc vài hạt muối lên, để ráo rồi cho vào đồ cho chín rục. Đổ đỗ chín ra cối giã nhuyễn.
Thảo quả, gừng, quế nướng thơm, giã dập, cho vào nồi hòa với nước, đường (hoặc có mật là ngon nhất), đun sôi nhẹ.
Lọc bỏ lấy nước trong, dùng nước này sên đỗ xanh. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay nhất của người nấu. Đảo đều tay để chè không bị khê, cho đến khi thấy bột nhuyễn, sánh, nặng tay, dậy mùi thơm, ấy là chè đã được.
Có thể đổ vào khuôn cho đẹp, rắc lên vài hạt vừng rang rồi có thể để ăn hàng tuần.
Chè kho có vị thơm của thảo quả, vị ngọt của đường mật và quyện dẻo của đỗ xanh. Hấp dẫn nhất là đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác.
Trong món ăn mời khách của người Hà Nội xưa, chè kho là món không thể thiếu. Có gia đình làm chè để cúng gia tiên. Khách đến chơi nhà chúc Tết, chủ nhà thường cắt từng miếng chè kho ra mời khách thưởng thức cùng với một tách trà sen nghi ngút khói. Nếu gia chủ khéo tay, đĩa chè kho còn được đơm theo khuôn, cắt thành từng miếng đẹp mắt.
Tết này hãy thử làm mẹ chồng ngạc nhiên vì sự khéo léo, tinh tế của cô con dâu đảm đang nhé!
- Mẹ Soju