PV: - Thưa ông, từ trước tới nay mỗi lần tăng giá điện EVN đều cho rằng tăng giá 5 % không ảnh hưởng đến người nghèo vì người nghèo. Tuy nhiên, với nghiên cứu đánh giá tác động của tăng giá điện, giá xăng dầu lên đời sống người nghèo của Viện Nghiên cứu Kinh tế TW thì hoàn toàn ngược lại, càng tăng giá điện người nghèo càng nghèo đi. Ông có đánh giá gì về việc tăng giá điện không ảnh hưởng đến người nghèo như EVN đã nói?
PGS, TS Ngô Trí Long: - Từ trước đến nay mỗi khi tăng giá người ta đều tìm ra một lý do để biện bạch. Tăng giá điện là vì vẫn còn bao cấp với giá điện đặc biệt với đối với hộ cận nghèo và hộ nghèo được hỗ trợ 30 nghìn đồng/tháng. Và theo như EVN, trong biên độ tăng 5 % thì không cao nhưng đó là trực tiếp đối với người ta thôi còn người ta không nghĩ tác động gián tiếp của giá điện làm cho chi phí đầu vào tăng lên rất nhiều ở các ngành nghề khác nhau. Mà chi phí đầu vào tăng thì giá thành tăng, giá bán tăng nên tác động đến các mặt hàng khác tăng lên thì chắc chắn người tiêu dùng kể cả người nghèo và người giàu đều bị tác động.
EVN đang cố ngụy biện cho việc làm của mình |
Chính vì thế nên EVN trả lời trước dư luận về việc tăng giá điện, biện minh cho việc làm của mình nên phải lý giải cho việc không tác động nói như vậy hoàn toàn không thuyết phục, hoàn toàn vô lý.Với mức hỗ trợ hiện nay là 30 nghìn đồng, người ta chỉ chi trả số tiền đó đâu mà người ta phải chi cho hàng hóa và tiêu dùng.
PV: - Một doanh nghiệp lớn như EVN có rất nhiều nhân viên ưu tú hàm tiến sĩ và có một đội ngũ chuyên gia tư vấn vậy tại sao EVN lại không biết đến phép tính toán đơn giản như thế này. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng EVN cố tình không biết và đưa ra lập luận thiếu thuyết phục để trấn an người dân như thế. Quan điểm của ông thế nào?
PGS, TS Ngô Trí Long: Theo tôi, không thế nào nói là EVN vô tình hay cố tình đưa ra lý giải không tác động đến đời sống con người. Tôi xin nhấn mạnh kết luận đó là không thuyết phục một tý nào. EVN đang ngụy biện cho việc làm của mình, việc này không khách quan. Tuy nhiên, mình cũng không đủ bằng chứng để nói EVN cố tình được vì không có bằng chứng. Nhưng theo tôi, việc EVN đưa ra một khái quát, đánh giá như thế là thể hiện tầm nhìn phiến diện của lãnh đạo EVN.
PV: - Trong trường hợp tăng giá điện lên như thế, nhiều người bày tỏ quan ngại ngân sách Nhà nước sẽ không đủ để chi trả cho các khoản trợ giá cho người nghèo. Người nghèo cứ nghèo đi, lạm phát cứ tăng và phúc lợi xã hội giảm. Ông có khuyến nghị gì đối với tình hình tăng giá điện như hiện nay?
PGS, TS Ngô Trí Long: Thực chất quan điểm của tôi là Nhà nước không nên tăng giá điện mà tiền tăng giá điện ấy Nhà nước bù vào. Bù cho doanh nghiệp hay hỗ trợ người nghèo đều là tiền thuế của nhân dân đóng góp. Nhưng nếu cứ vin vào đó mà bù lỗ thì cũng không được công bằng cho lắm. Công bằng phải anh nào dùng nhiều, trả nhiều chính vì thế mới tạo được tâm lý tiết kiệm điện năng vì thực tế hiện nay cung đang thiếu, cầu thừa, thiếu điện nên các doanh nghiệp mới đòi tăng giá điện.
Tôi cho rằng mục tiêu lâu dài hướng người dân đến sử dụng tiết kiệm điện. Nếu mọi người đều tiết kiệm điện năng, không thiếu điện sẽ không có chuyện EVN đòi tăng giá.
Nguồn lực tài chính của Nhà nước hạn hẹp nên cần xác định được đối tượng nào cần bù, cần hỗ trợ. Doanh nghiệp cũng cần vì thiếu vốn không thể tái sản xuất, người nghèo thì sẽ nghèo đi. Nhà nước bù lỗ cho đúng đối tượng người nghèo. Ai dùng nhiều phải trả nhiều như thế mới hợp lý chứ không thể đánh đồng người nghèo cũng như người giàu, người dùng ít cũng phải chịu như người dùng nhiều.