Việt Nam đang giao tài nguyên cho người không "chính danh"

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Tôi cho rằng những người chỉ biết nêu yêu sách với Nhà nước, đòi giảm thuế xuất khẩu khoáng sản là không đủ tư cách công dân." - TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin cho biết.

PV: - Ngày 21/8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về đề xuất tăng một số khoản mục thuế sử dụng tài nguyên sắt, titan, đồng, vàng, than... Đa số các đại biểu đều đồng tình với đề xuất này để đảm bảo tài nguyên được sử dụng hợp lý. Xin ông cho biết quan điểm của mình đề xuất này?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Tôi luôn cho rằng thuế suất của các loại thuế đánh vào tài nguyên khoáng sản (TNKS) ở VN (như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí môi trường v.v.) còn rất thấp. Nhà nước cần thông qua thuế để thu về cho các công dân của mình cái gọi là “địa tô tuyệt đối” của khoáng sản như C.Mác và V.I. Lênin đã dậy. Địa tô tuyệt đối của khoáng sản phải thuộc về người sở hữu- nhà nước. Mức địa tô tuyệt đối này ít nhất là 30% tính trên giá bán.

Tôi cho rằng, Nhà nước nên điều chỉnh thuế tài nguyên (và các khoản thu của nhà nước về tài nguyên) lên mức cố định chung khoảng 30-40% cho tất cả các loại khoáng sản (thay vì vài % như hiện nay). Trong đó, thuế tài nguyên tính trên sản lượng “nguyên khai”, còn các loại thu khác tính trên trữ lượng tài nguyên được cấp, như các nước vẫn làm. Còn thuế suất của thuế xuất khẩu có thể 5-10% tính trên sản lượng xuất khẩu cũng được cũng được. 

Khi đó, Chính phủ có thể chủ động nâng lên, hay hạ xuống thuế xuất khẩu, còn thuế tài nguyên phải là khoản cố định ở mức đủ để đảm bảo đúng chính sách của Đảng đã đề ra là TNKS thuộc sở hữu toàn dân.

TS Nguyễn Thành Sơn- Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin (Ảnh NLĐ)

PV - Theo ông, lý do vì sao đến thời điểm này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn kiên trì với chính sách xuất thô, do trình độ phát triển công nghệ hay do tư duy chưa thay đổi cho phù hợp? Họ cũng cho rằng, theo thông lệ thế giới, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác chỉ được hưởng lợi từ việc làm gia tăng giá trị của tài nguyên khoáng sản, chứ phần tài nguyên thô 100% phải thuộc về Nhà nước, như vậy, chính sách xuất thô tài nguyên của Việt Nam có đồng nghĩa với việc "ăn cắp" tài nguyên quốc gia, tài sản chung của người dân. Hiểu như vậy có đúng không thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Không phải “VN kiên trì với chính sách xuất thô”. Tôi nhớ, ngay từ năm 1996, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 1/3/1996 đã đề cập đến việc không cho phép xuất khẩu khoáng sản thô. Chỉ có điều, chúng ta chưa thực sự tuân thủ mà thôi. Nói chính xác là các DN đã lách luật để rất kiên trì trong việc xuất thô.

Không phải theo “thông lệ thế giới” mà theo Mác-Lênin thì ngoài địa tô tuyệt đối như trên tôi đã nói, nhà nước (và nhân dân) còn được hưởng địa tô chênh lệch I. Doanh nghiệp chỉ có quyền được hưởng địa tô chênh lệch II. Tức là chỉ được hưởng phần nguồn lợi mang lại nhờ đầu tư (bằng tiền túi của mình, chứ không phải bằng tiền có nguồn gốc ngân sách như của Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) để làm tăng giá trị và giá trị sử dụng của khoáng sản.

Nói các DN xuất khẩu thô đồng nghĩa với “ăn cắp” tài nguyên quốc gia thì cũng không phải. Đúng ra là hiện nay, quốc gia đang giao tài nguyên của mình cho những người không có đủ “chính danh” (trình độ và tư cách), quản lý điều hành kém hiệu quả nên họ phải “xoáy” vào tài sản quốc gia để tồn tại. 

Tôi cho rằng những người chỉ biết nêu yêu sách với Nhà nước, đòi giảm thuế xuất khẩu khoáng sản là không đủ tư cách công dân. Tại sao họ “phấn đấu” hay “quyết liệt” giảm chi phí sản xuất mãi mà không giảm được?

Tôi thấy lãnh đạo TKV chưa có giải pháp nào đáng kể để giảm chi phí sản xuất (để tăng lợi nhuận chính đáng- địa tô chênh lệch II), chỉ thấy “làm việc” hết với bộ này bộ khác để xin giảm thuế xuất khẩu (xâm hại vào địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch I, tức là xâm hại tới lợi ích quốc gia).

Việc làm tăng giá trị của TNKS thì có thể khó, nhưng làm tăng giá trị sử dụng của TNKS thì rất dễ. Cách đây không lâu, sau khi nghiên cứu cái quyết định về giá bán than của TKV (số 2310 ngày 23/10/2012 do anh Chuẩn- TGĐ TKV ký) tôi nói với anh Hòa (Chủ tịch TKV), chỉ cần các anh ấy cấp cho tôi giá bán chính xác trên thực tế từng chủng loại than, tôi sẽ chỉ ra cho các anh ấy cách tăng ít nhất 600 tỷ đồng lãi trước thuế trong kế hoạch 2013 (không phải làm gì, chỉ tốn 1 tờ giấy khổ A4 nhờ anh Chuẩn ký lại là xong). Nếu đúng theo QĐ trên giấy về giá bán than trong nước, hiện TKV đang bán nhiều chủng loại than dưới giá trị và thấp hơn rất nhiều giá trị sử dụng của chúng.

PV - Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đã cận kề với lời nguyền tài nguyên, cũng đã phải trả giá cho việc "đào hết bán tất" của mình (với than). Theo ông, làm thế nào để Việt Nam tránh được lời nguyền tài nguyên mà giữ được chút tài nguyên cho thế hệ mai sau? Điều gì cần phải thay đổi đầu tiên?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Việt Nam nói chung, và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, sẽ không tránh được “lời nguyền của tài nguyên” nói chung, và “lời nguyền của hòn than” nói riêng. Khi mới thành lập TVN (TKV bây giờ), Quảng Ninh là 1 trong 5 tỉnh nằm trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” (thu ngân sách). Bây giờ, hầu hết các tỉnh trong cả nước đã bước vào câu lạc bộ này. Quảng Ninh chắc không còn giữ được vị trí thứ 5 nữa rồi. Nhiều tỉnh “đàn em” như Vĩnh Phú, Bắc Ninh, v.v. chắc cũng đang ngồi “cùng mâm” với Quảng Ninh rồi vì họ tránh được “lời nguyền của tài nguyên”.

Từ đó, có thể suy ra làm thế nào để tránh được “lời nguyền của tài nguyên”.

PV: -Xin cảm ơn ông!

Theo: