Nhà ngoại cảm Bích Hằng rơi nước mắt kể khổ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã có những chia sẻ về hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên và những xáo trộn trong gia đình bà sau thông tin VTV 1 đã đưa.

“Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sỹ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sỹ Phùng Chí Kiên” diễn ra sáng nay tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng liên quan đến ngoại cảm. Tuy nhiên, nó gần như biến thành buổi kể khổ với nhiều nước mắt của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Khi đi tìm thủ cấp liệt Phùng Chí Kiên, tôi không hề có tư liệu gì về bác

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã có những chia sẻ về hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên và những xáo trộn trong gia đình bà sau thông tin VTV 1 đã đưa.

"Từ năm 1989 tôi bắt đầu nhận sứ mạng đi tìm mộ liệt sỹ của mình. Người đầu tiên quan tâm đến khả năng đặc biệt của tôi là bác Nguyễn Văn Cừ, viện trưởng viện Khoa học Thể dục Thể thao và tôi đã có thời gian cộng tác với viện Khoa học Thể dục Thể thao. Sau đó tôi được sự quan tâm của các cựu chiến binh và tôi đã cùng các bác lên đường đi tìm hài cốt của rất nhiều các liệt sỹ. Công việc của tôi có sự động viên của rất nhiều giáo sư, trong số đó có cả cố giáo sư - thiếu tướng Ngô Huy Thiện.

Ngày hôm nay, cố giáo sư và rất nhiều những người đã đồng hành cùng tôi không còn nữa. Đó là nỗi đau vô cùng lớn và là thiệt thòi lớn vì từ những ngày tôi chập chững đầu tiên, những người đó luôn đồng hành cùng tôi. Cả những lúc sóng gió và hạnh phúc, đôi lúc tôi cảm thấy như mình không còn chí khí nhưng chính những người lính đó đã tiếp cho tôi sức mạnh để tiếp tục trên con đường mình đã lựa chọn.

Tôi chỉ được biết tên trung tướng Phùng Chí Kiên qua sách vở, tôi cũng không biết bác đã hi sinh thế nào và đang được chôn ở nơi đâu.

Tháng 3/2008, tôi được cố địa tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đặt vấn đề là đi tìm phần thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên.

Trước đây tôi thường đi tìm hài cốt nguyên vẹn. Bây giờ, là tìm hài cốt của tướng Kiên với một phần thi thể không nguyên vẹn là thủ cấp.

Tôi rất xúc động khi các đồng chí, đồng đội của bác Phùng Chí Kiên khóc nghẹn không nên lời khi kể với tôi những câu chuyện về bác Kiên.

Tôi đã nhận lời đi tìm thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên, mặc dù biết đó là điều vô cùng gian khó vì liệt sỹ mất từ năm 1941, mặt khác không ai biết thủ cấp liệt sĩ được chôn ở đoạn đường nào.

Tôi không có tư liệu nào trong tay và cũng không gặp người thân nào của liệt sĩ. Bởi nhà ngoại cảm chúng tôi thường liên hệ qua người thân để nắm bắt được những phần linh hồn của những người đã mất .

Nhưng với trái tim, sự đau đớn của một gia đình cũng có nhiều người thân là liệt sĩ, tôi coi đó là sứ mạng cao cả và tôi làm với tất cả tâm huyết và khả năng của tôi với sự cố gắng cao nhất.

Ngày 7/5/2008, tôi cùng đoàn lên Bắc Cạn sau rất nhiều cuộc khảo sát tiền trạm và tất cả những đối chứng giữa giữ liệu tâm linh của tôi đưa ra cộng với tìm hiểu của đoàn. Chúng tôi đã tìm được thủ cấp của đồng chí Phùng Chí Kiên chôn cất tại Tiểu khu 1, Ngân Sơn, Bắc Cạn.

Linh ứng của liệt sỹ Phùng Chí Kiên đã nói với tôi rằng: “Thủ cấp của bác được chôn chỗ cây bưởi”.

Đứng ở đây nói nhưng tôi vẫn cảm giác cây bưởi mọc ngay trên phần đất chôn thủ cấp của liệt sĩ ở đâu đây. Sau khi đánh dấu phần đất có chôn thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, vì có việc gia đình gấp, tôi đã bàn giao lại công việc cho các cơ quan chức năng và trở về.

Chiều 8/5/2008, tôi được báo là thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã được đưa về nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) quàn ở đó, chuẩn bị hợp táng...".

Phan Thị Bích Hằng: "Mẹ tôi đột quy, con tôi không dám đi học vì "VTV nói mẹ lừa đảo".

Ý kiến trái chiều thì... mời về

Nhà ngoại cảm bật khóc khi nói đến những thông tin mà VTV 1 đã đưa.

"Tôi đã mang hoa trắng ra thắp hương và chờ đợi ngày được thắp nén nhang trên phần thi thể nguyên vẹn của Người. Sau đó, tôi đã rất buồn khi có tờ báo viết về việc tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên của tôi với những thông tin về mẫu vật tìm thấy. Nhưng lúc đó tôi không có số điện thoại để liên hệ với gia đình liệt sĩ.

5 năm trước, khi tôi đi tìm mộ tướng Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống. Khi tôi về, Đại tướng còn bắt tay hoan nghênh, đại tướng vỗ vai tôi mà nói rằng “hoan nghênh, hoan nghênh đã được kết quả bước đầu rất tốt”, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng kể.

Chị cho biết mỗi lần sóng gió nổi lên, chị đã mang bài thơ chữ “Nhẫn” mà cố Đại tướng tặng chị ra đặt trước mặt mình và làm kim chỉ nam cho hành động.

"Tôi cũng là người phụ nữ bình thường, tôi cũng có những sân si, hỉ lộ ái ố như tất cả mọi người. Tôi cũng sinh ra, lớn lên bằng cơm cha áo mẹ, sống với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có những thiên chức của người phụ nữ… Tôi mong muốn được hưởng cuộc sống như những người bình thường, có những ngày chủ nhật với gia đình… nhưng những ngày đó, đối với tôi lại phải khoác ba lô lên đường để tìm mộ liệt sĩ.

Vì sao con tôi chỉ thích trong tủ quần áo của tôi chỉ toàn là váy, bởi vì “mẹ mặc váy là mẹ ở nhà với con, còn mẹ mặc quần áo là mẹ lại đi tìm mộ liệt sĩ”.

Tôi còn nhớ, khi VTV phát sóng chương trình “Mãi mãi tuổi hai mươi”, con tôi đã ôm tivi và khóc với bà: “Bà ơi, con không thích mẹ là liệt sĩ đâu”.

Và cháu học tập chị Bạch Dương, bảo tôi: “Có 2 sự lựa chọn, một là liệt sĩ, hai là con, mẹ chọn đi”. Tôi đã vô cùng đau đớn bởi sự thiệt thòi của các con tôi không ai hiểu được.

Những ngày gần đây, áp lực quá mẹ tôi đột quỵ, con tôi không muốn tới trường vì “Các bạn nói xấu, nói rằng VTV nói mẹ lừa đảo”. Tôi đau đớn vì việc chúng tôi làm được đâu phải lúc nào cũng nói. Tôi không muốn nói nhiều vì tôi tin vào lời bố tôi đã từng dạy “Hãy nhìn anh ta làm chứ đừng nghe anh ta nói”.

Những việc tôi làm, tôi không báo cáo. Có hàng vạn người dân đã được tôi giúp đỡ, có nhiều nhà khoa học đã đồng hành cùng tôi, tất cả lời nói, tổng kết của các nhà khoa học đã đủ và hơn bao giờ hết đó là những gì tôi đã làm lâu nay.

Trong sự đau khổ của tôi có nhiều nỗi buồn, nỗi đau khổ của cả những nhà ngoại cảm chân chính như tôi và cả những linh hồn những người đã mãi mãi nằm xuống, họ cũng buồn vì họ đã cùng tôi đưa nhiều người đồng đội về, rồi cả người thân trong gia đình họ.

Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của tất cả mọi người, dù quan tâm thiện chí hay ác ý thì đó đều là sự quan tâm. Cầu mong rằng linh hồn của các anh hùng liệt sĩ dù đã được tìm về hay có những người mãi mãi nằm dưới rừng sâu có những người đã hóa vào đất mẹ, những người mà mãi mãi tuổi hai mươi của họ đã hi sinh vì tổ quốc sẽ được siêu thoát...".

Hầu hết những người phát biểu trong hội thảo này đều liên quan nhiều đến linh vực tâm linh và ý kiến của họ "cùng chiều" với Phan Thị Bích Hằng. Có một phát biểu "trái chiều" với những ý kiến trên. Đó là đại tá Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng viện Pháp y Quân đội lên phát biểu về sự khác nhau giữa răng người và răng lợn, bởi phần thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm được thì Viện Pháp y đã xét nghiệm ra là... răng lợn.

Đại tá Hòa được sắp xếp lịch phát biểu vào cuối buổi. Ông đã chuẩn bị rất kỹ cho bài phát biểu này với tập tài liệu khá dày và máy chiếu... Tuy nhiên, khi ông phát biểu được hơn 2 phút thì bị... mời xuống và đại tá đã ra về.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn