Lẽ ra, ngày 20/11 thực sự là ngày hội khi những người làm "nghề cao quý" được cả xã hội tôn vinh, nhưng gần đây, nhiều thầy cô giáo cảm thấy rất buồn, thậm chí sợ ngày lễ của mình. Tại sao lại thế?
Món quà giá trị nhất đối với người thầy là sự tiến bộ của học trò mình đang dạy hay sự thành danh của những học trò cũ. Ảnh minh họa: Khả Hòa |
Ngày vui phải kể chuyện vui, đưa tin và tôn vinh những cái đẹp, những tấm gương sáng về sự tận tụy hết lòng vì học sinh của thầy, cô. Rất nhiều thầy cô đang ngày đêm lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng, các thầy cô giáo quyên tiền mua gạo, sách vở, bút viết, giày dép và đóng học phí để các em được tiếp tục đến lớp. Nhiều học sinh học yếu, mất căn bản, được thầy cô kèm cặp rất tận tình mà không nhận tiền thù lao, nhiều giáo viên ngày hai buổi tới trường, tối vẫn đi dạy lớp học tình thương cho những học sinh nghèo, khuyết tật …
Việc tốt ít đưa, những việc xấu lại cứ tràn lan trên khắp các diễn đàn, các tờ báo, phần lớn đều đăng tin, cập nhật những bài viết về mặt trái của giáo dục, về những điều không tốt của một số thầy cô giáo. Chuyện được nhắc nhiều nhất là “phong bì”, ép học sinh đi học thêm... Sau những bài viết là những bình luận mà bất cứ thầy cô giáo chân chính nào đọc cũng cảm thấy đau lòng và buồn vì dư luận không công bằng với nghề giáo. Hình ảnh thầy cô đang xấu dần trong mắt phụ huynh và các em học sinh.
Công bằng mà nói, chính phụ huynh là người đã “tiếp tay” cho nạn phong bì và quà cáp trong trường học. Với mục đích muốn cô chiếu cố, chăm sóc con mình nhiều hơn các bạn khác nên nhiều phụ huynh đã tìm đủ mọi cách mua quà tặng đắt tiền hay bỏ phong bì “nặng tay” để mượn ngày 20/11 thực hiện toan tính của mình.
Nhiều giáo viên không bao giờ gợi ý, nhưng cha mẹ các em cũng tìm đủ mọi cách để chiếc phong bì tới được tay cô. Ai cũng nói: “Không đáng là bao, chỉ là tấm lòng thành của gia đình, mong cô nhận để tôi vui”. Nhưng rồi “tấm lòng thành ấy”, lại đem câu chuyện ra ngoài để “tám” với mọi người, rồi tam sao thất bản, làm cho hình ảnh cô thầy bị méo mó, thực dụng và trở nên tầm thường, đáng khinh.
Đã có rất nhiều thầy cô, dù rất cần tiền nhưng đã cương quyết trả lại những món quà phụ huynh đem đến, trước con mắt nhìn đầy ngạc nhiên của người trong cuộc. Nhưng không phải việc trả lại quà lúc nào cũng thành công, người chèo kéo, nài nỉ, người từ chối, rồi đưa qua, đẩy lại, đôi khi vì nể nang quá, cô cũng đành nhận nhưng không dùng đến mà đem cho người khác…Để tránh những việc khó xử, để “bảo vệ chính mình”, ngày 20/11, nhiều cô thầy ở nhà nhưng đành nói dối học sinh là mình đi vắng, khỏi phải tiếp phụ huynh chở con đem quà tới. Nhưng không tặng được ngày này, phụ huynh lại tìm đến ngày khác, thậm chí vào cả lớp học, khi cô đang dạy để đưa quà.
Không giáo viên nào lại mong muốn tới ngày 20/11 để được nhận quà của học sinh. Món quà giá trị nhất là sự tiến bộ hằng ngày của các học trò mình đang dạy hay sự thành danh của những học trò cũ. Mỗi khi ngày lễ đến, ngày tết về, những học trò cũ đến thăm hay gửi thiệp chúng mừng, cô thầy nào cũng thấy vui và hạnh phúc vì các em còn nhớ đến mình.
Hãy để ngày 20/11 thực sự là ngày lễ tri ân, để thầy cô được sống trong tâm trạng vui, thanh thản và tạo cơ hội cho các em học sinh giao lưu tình cảm mà không bị vướng bận bởi vật chất tầm thường và những sự toan tính khác. Xin đừng ai tặng quà!
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, giáo viên trường tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, Bình Thuận
Ngày 20/11: Những mẫu báo tường cực đẹp và độc đáo Những mẫu báo tường cực đẹp và độc đáo là món quà tri ân đáng quý dành tặng các thầy, cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. |