20/11, ngành giáo dục dạy giáo viên từ chối phong bì?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mọi người đừng tưởng từ chối phong bì là chuyện đơn giản, chỉ cần lắc đầu, xua tay là xong chuyện. Không hề đâu nhé! Có rất nhiều phụ huynh, học sinh đã lo lắng đến mức sang chấn tâm lý khi bị thầy cô từ chối phong bì đấy.

Cứ gần đến dịp 20/11, rất nhiều bậc phụ huynh lại phải rơi vào trạng thái phiền muộn, lo lắng vì không biết "tri ân" thầy cô giáo của con em bằng món quà gì. Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế, các món quà gửi đến thầy cô giáo nhân ngày lễ lớn của ngành giáo dục cũng trở nên đa dạng và yêu cầu đầu tư nhiều hơn. Cũng vì thế mà phụ huynh học sinh lại phải đau đầu hơn.

Cứ gần đến dịp 20/11, rất nhiều bậc phụ huynh lại phải đau đầu vì không biết tặng quà cho thầy cô giáo.
Cứ gần đến dịp 20/11, rất nhiều bậc phụ huynh lại phải đau đầu vì không biết tặng quà cho thầy cô giáo. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh đó rất nhiều người cũng đã bày tỏ rõ thái độ lo ngại vì có một bộ phần không nhỏ trong xã hội đang lợi dụng những dịp lễ như 20/11, lợi dụng tâm lý nhớ ơn thầy cô của người Việt để biến việc cảm ơn thầy cô thành những hoạt động kỷ niệm lãng phí, hình thức, thậm chí là "hối lộ" để phục vụ cho mục đích không chính đáng.

Chẳng thế mà Bộ GD&ĐT mới đây đã phải ra tuyên bố sẽ không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và cơ quan đại diện trong dịp lễ 20/11 năm nay.

Trong thông báo gửi tới các cơ quan, trường học và sở giáo dục địa phương, Bộ GD&ĐT giải thích việc làm này nhằm thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TW ngày 22/07/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) "Về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỉ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao", Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc Bộ GD&ĐT thấm nhuần tư tưởng chống lãng phí, tiết kiệm đến từng bó hoa trong dịp lễ trọng đại đã khiến dư luận không khỏi trầm trồ, thán phục. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng tuyên bố tiết kiệm, không tiếp khách của ngành giáo dục trên thực tế vẫn là hành động mang tính hình thức, không đạt hiệu quả cao. Bởi không tiếp khách, nhận hoa chúc mừng tại trụ sở, các vị phụ huynh có thể theo giáo viên về đến tận nhà, việc này không những khiến họ thấy thoải mái quà cáp mà còn có thể dễ dàng đặt vấn đề về những mục đích của bản thân.

Chính vì vậy, thay vì đóng cửa chính để mở rộng cửa phụ có một số ý kiến cho rằng ngành giáo dục nên thể hiện sự quyết liệt hơn nữa bằng cách phát động phong trào giáo viên nói không với nạn phong bì như ngành y tế đã phát động trước đây.

Nếu như ngành y tế có lớp đào tạo bác sĩ biết cười và “cảm ơn” bệnh nhân, cảnh sát giao thông đã mở lớp dạy lực lượng mình biết cười và xin lỗi người vi phạm, thì ngành giáo dục cũng hoàn toàn có thể mở một lớp dạy các thầy cô giáo cách từ chối phong bì gửi gắm, nhờ vả trong những dịp lễ tết.

Mọi người đừng tưởng từ chối phong bì là chuyện đơn giản, chỉ cần lắc đầu, xua tay là xong chuyện. Không hề đâu nhé! Có rất nhiều phụ huynh, học sinh đã lo lắng đến mức sang chấn tâm lý khi bị thầy cô từ chối phong bì đấy.

Trên thực tế khi việc nhận phong bì, quà cáp đã trở thành một trào lưu thì việc bỗng nhiên bị từ chối sẽ trở thành dấu hiệu lạ, khiến ai cũng phải hoang mang đặt dấu hỏi. Phải chăng thầy cô có gì không vừa lòng hay thầy cô đang ghét con cái mình? Mà đâu chỉ dừng lại ở đó, sau khi bị từ chối sẽ là những tưởng tượng về viễn cảnh có thể xảy ra như con cái mình bị sẽ không được quan tâm, bị trù dập... quả thật là lo lắng không yên.

Chính vì vậy, nếu ngành giáo dục mở lớp hướng dẫn nhân viên trong ngành từ chối phong bì một cách nhẹ nhàng, lịch sự mà lại khiến người bị từ chối không lo lắng thì quả thật là hoạt động chống tiêu cực hiệu quả hàng đầu, được cả xã hội hoan nghênh, ủng hộ.

Thậm chí, hành động này hoàn toàn có thể mang nghĩa gấp bội khi được tổ chức trong thời gian ngành giáo dục liên tiếp xảy ra những vụ việc không hay, gây xôn xao dư luận. Từ những vụ việc "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng vẫn chưa bao giờ thôi nóng như tiêu cực trong thi cử, chạy trường, chạy lớp... đến những vụ việc mới đây như ăn bớt suất ăn của trẻ, giáo viên bạo hành trẻ em hay chỉ muộn đóng tiền ăn, bé lớp 2 đã phải ra cổng trường đứng một mình...

Chỉ với một lớp học nho nhỏ cho các thầy cô giáo, ngành giáo dục sẽ khẳng định được rõ ràng quyết tâm trong việc chống thi cử, đổi mới toàn diện như mục tiêu toàn ngành đang hướng tới hiện nay. Lớp học nhỏ, ý nghĩa lớn, quả thật là "nhất cử lưỡng tiện".

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn