Cuộc sống vốn dĩ luôn chứa đựng những chuyện bất công, đặc biệt là chốn công sở. Không ít lần bạn cảm thấy uất ức, bất công khi đồng nghiệp được ưu ái hơn dù trình độ kém cỏi hơn mình?
Nhiều người được cho là có tài, có tố chất và phẩm chất đạo đức chuẩn mực nhưng mãi vẫn chỉ lẹt đẹt làm nhân viên quèn, thậm chí còn bị trù dập thường xuyên. Còn những kẻ giảo hoạt, có biệt tài “xu nịnh” sếp thì một bước đã có thể được cất nhắc làm vị trí này, vị trí kia. Sở dĩ, ngoài khả năng xu nịnh họ còn có biệt tài cướp công thiên hạ, nhăm nhe rình rập nói xấu, hạ bệ người khác trước mặt sếp. Đương nhiên, đám người này thuộc nhóm làm qua loa, đại khái, thiếu trách nhiệm với công việc và đều được đặt cho một biệt danh chung ở chốn công sở là những “kẻ tiểu nhân”.
1. Nhận biết thủ đoạn mà kẻ tiểu nhân hay dùng
Gây chuyện thị phi
Dựa vào gây chuyện thị phi, xúi dục, khiêu khích, ly gián, mọi người là phương pháp đơn giản nhất, thuận tiện nhất để thực hiện mục đích cá nhân. Trong cuộc sống rất nhiều kẻ tiểu nhân, chỉ vì một chút lợi riêng, một chút ham muốn không đạt được, là ăn không nói có, từ bé xé ra to, biến trắng thành đen, biến tốt thành xấu, khiến những người thân cận phải xa lánh.
Đặt điều
Bọn tiểu nhân đều hiểu rằng: "Những điều không có thật, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ biến thành chân lý". Có lúc chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân khó thực hiện được ham muốn cá nhân, họ sẽ đặt điều, tạo dư luận huyễn hoặc mọi người. Khi họ đặt điều thường thường giả vờ thẳng thắn, chính trực, khiến người nghe hiểu lầm thực hư, vì thế rất dễ bị lừa, dễ bị mê hoặc.
Gió chiều nào che chiều ấy
Từ cổ chí kim, kẻ tiểu nhân đều không bao giờ có ý chí và nhân cách độc lập. Bọn họ chính cống là loại "rồng đổi màu". Chỉ cần lãnh đạo thay đổi là chúng chuyển hướng ngay lập tức, nói cách khác ngay. Bọn họ giỏi quan sát và nắm bắt tâm tư của người khác, luôn luôn để ý đến xu thế phát triển của sự việc, luôn luôn sẵn sàng gió chiều nào che chiều ấy. "Tuyệt chiêu" của họ là mắt nhìn bốn phương, tai nghe tám hướng. Vì lợi ích cá nhân luôn ngả theo cái có lợi.
Qua cầu rút ván
Kẻ tiểu nhân không bao giờ có bạn bè chân chính. Họ kết bạn chỉ là tạm thời, là giả tạo. Đối với họ, lợi ích bản thân cao hơn tất cả. Chỉ cần nhu cầu, lợi ích bị đụng chạm, họ coi bạn là thù ngay lập tức. Thậm chí họ dám hy sinh cả ân nhân và người thân của mình, lấy đó để đổi lấy cái gọi là "hạnh phúc" cho mình. Trong đầu họ, chỉ có người nào có lợi cho mình, người đó mới được coi là bạn.
Đạo đức giả
Đây là một trò rất dễ mê hoặc người khác, khiến người ta mắc lừa. Đó là thủ đoạn lúc đầu là lùi sau đó là tiến lùi vừa có thể tự vệ lại vừa có thể khiến người khác lơ là cảnh giác, hễ thời cơ chín muồi, kẻ tiểu nhân sẽ bất chấp tất cả tiến hành phản kích, cho đến khi đạt được mục đích.
2. Làm sao để đối phó với “mưu hèn kế bẩn” chốn công sở?
Đặt ra các giới hạn
Cần đặt ra một ranh giới rõ ràng giữa việc cảm thông và việc bị cuốn vào mớ cảm xúc tiêu cực với người khác. Một cách đặt ra giới hạn hiệu quả là hỏi những kẻ phàn nàn kia xem họ sẽ xử trí vấn đề ra sao. Lúc đó hoặc là họ sẽ trật tự, hoặc là sẽ hướng cuộc nói chuyện đến những điều tích cực hơn.
Không bị xao nhãng bởi những chuyện không đâu
Những người thành công ý thức được rằng điều quan trọng là phải sống vì ngày mai, đặt biệt khi là khi phải tiếp xúc cũng như giải quyết vấn đề với những kẻ lắm chuyện. Khi xảy ra tranh chấp, việc không kiểm soát được cảm xúc sẽ khiến bạn vướng vào những cuộc chiến vô nghĩa. Khi bạn hiểu và khống chế được cảm xúc của mình, bạn sẽ biết điều gì đáng để tranh cãi và lúc nào thì nên làm điều đó.
Không để bất kỳ ai làm mất hứng
Khi bạn để cho cảm hứng và sự hài lòng của mình phụ thuộc vào ý kiến người khác, bạn sẽ không thể làm chủ hạnh phúc bản thân. Khi những người lý trí cảm thấy hài lòng về một việc họ đã làm, họ sẽ không để bất kỳ lời nhận xét ác ý nào làm ảnh hưởng đến họ. Chỉ cần bạn không quá phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác, bạn sẽ tự nhận thức được giá trị bản thân. Mặc kệ người khác nói gì, một điều chắc chắn là bạn không bao giờ quá tốt hay quá tệ như người ta nhận xét.