Chúng ta biết chắc sẽ khó có được câu trả lời thỏa đáng mối nghi ngờ của người dân và công luận: Tiêm vắc xin có liên quan trực tiếp tới cái chết của trẻ hay không?
Tất cả đều đúng quy trình....
Ngày 20/7, nhiều trang báo mạng đưa tin về cái chết bất ngờ của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.
Sự việc xảy ra như sau: ba sản phụ là Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa); Trần Thị Hà (40 tuổi, khóm 3A thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa); Hồ Thị Du (29 tuổi, trú bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa); cả 3 sản phụ Nga, Hà, Du sinh con trong ngày 19 và rạng sáng 20/7, sản phụ và con đều khỏe mạnh.
Biết hung tin, láng giềng đã đến thắp hương, chia sẻ mất mát với gia đình sản phụ Trần Thị Hà (40 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) |
Đến 8h sáng ngày 20/7, cả 3 trẻ sơ sinh lần lượt được cán bộ chuyên môn tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h sau khi sinh. Sau khi tiêm được 30 phút, cả 3 trẻ xuất hiện dấu hiệu tím tái, khó thở và được chuyển đến ngay phòng hồi sức cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu theo đúng quy trình nhưng cả 3 cháu đã tử vong ngay sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa khẳng định, 3 liều thuốc vacxin viêm gan B tiêm cho 3 trẻ sơ sinh thuộc lô vắc xin được Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận vào ngày 18/7/2013. Lô vắc xin này được sản xuất vào tháng 9/2012 (hạn sử dụng vắc xin là năm 2015) theo chương trình tiêm vắc xin mở rộng.
Trình độ tiêm phòng cũng được lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khẳng định là "quá tốt vì y tá có tay nghề hơn 20 năm".
Ông Võ Quy Nhơn, Trưởng phòng Y tế huyện Hướng Hóa cũng khẳng định, quy trình bảo quản vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa cũng không phát hiện sai sót.
Chiều ngày 20/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành cho biết, cơ quan chức năng tỉnh đã niêm phong toàn bộ lô thuốc vắc xin viêm gan B này.
Nói về nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ sơ sinh bị tử vong, ông Trần Văn Thành cho biết: hiện chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B (loại vacxin tiêm trong 24 giờ sau khi sinh) nhưng theo đánh giá sơ bộ nguyên nhân nghi do sốc phản vệ sau khi tiêm vacxin.
Hệ quả "một mình một chợ"
Quy trình bảo quản không sai sót, trình độ tiêm quá tốt, vắc xin an toàn,... vậy tại sao trẻ vẫn tử vong?
TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, xâu chuỗi những sự kiện này lại với nhau có thể thấy:
"Trẻ chết là có thật, gia đình nghi ngờ có liên quan tới vắc xin là có thật... nhưng kết luận cuối cùng khẳng định có liên quan đến vắc xin hay không thì lại phải cần tới câu trả lời của một bộ phận có chuyên môn. Tuy nhiên, câu trả lời đó hiện nay còn rất mù mờ.
Trở lại câu chuyện 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị, tôi chỉ được nghe qua phương tiện truyền thông, thì phải nói rằng, kết quả của câu chuyện này lại đi theo một lối mòn: Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, cơ quan có trách nhiệm của Bộ Y tế sẽ thông báo, trả lời rằng sẽ điều tra, đã điều tra, nguyên nhân có thể là do sức khỏe, do sốc phản vệ hoặc một nguyên nhân nào khác...
Việc quy vào một nguyên nhân nào hoàn toàn không có bằng chứng khách quan để xác nhận. Song, tất cả các tai nạn xảy ra trong ngành y tế, kể cả những đơn vị y tế dự phòng thì phải khẳng định rằng các kết luận đều đi theo một hướng giống nhau.
Chúng ta biết chắc sẽ khó có được câu trả lời thỏa đáng mối nghi ngờ của người dân và công luận. Mối nghi ngờ đó vẫn được treo lơ lửng: Tiêm vắc xin có liên quan trực tiếp tới cái chết của trẻ hay không?
Nhưng bằng chứng để kết luận điều đó, thì các tổ chức độc lập, các bộ phận chuyên môn không nằm trong hệ thống của Bộ Y tế, không được tiếp cận với tình huống thực tế để đánh giá được nguyên nhân thực chất của những vụ việc này.
Nghĩa là không có được một tổ chức độc lập nào, mà có lẽ sẽ không thể có được một tổ chức độc lập nào được tiếp cận vì vẫn với hình thức điều hành theo kiểu "một mình một chợ" của ngành y tế.
Bộ Y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ, chính là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành hệ thống y tế dự phòng, cũng là nơi chịu trách nhiệm nhập khẩu loại vắc xin gì và tiêm cho đối tượng nào. Nhưng chất lượng như thế nào, giá thành ra sao, kiểm soát nó như thế nào thì không một ai có quyền được giám sát.
Về nguyên tắc điều hành, Bộ y tế vẫn phải là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp với những tai nạn xảy ra. Bởi người sử dụng dịch vụ y tế không có khả năng tự đánh giá được chất lượng dịch vụ mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay của người cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, hệ thống cung cấp dịch vụ đang được đặt trong một môi trường gọi là môi trường kinh tế thị trường, là môi trường lấy giá trị kinh tế đi đầu, hay nói cách khác nó đang ẩn mình dưới hình thức kinh doanh, coi người bệnh là nguồn thu nên mới dẫn đến tình trạng khi sự cố xảy ra, sẽ được đẩy sự cố đó vào tình huống bất khả kháng về sức khỏe.
Mà trong ngành y, yếu tố sức khỏe đó có thể chỉ là một yếu tố rất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra. Ngành y tế, đã lợi dụng thế độc quyền mà cố tình lấy cái yếu tố nhỏ đó để làm mờ đi cả cái lỗi của một hệ thống. Tôi cho rằng, đây chính là tai nạn mang tính hệ thống. "
- (Theo ĐVO)