Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, việc lựa chọn ngành học không chỉ cần dựa trên sở thích mà còn phải bám sát xu hướng phát triển của xã hội. Dưới đây là 4 ngành nghề được đánh giá đang thiếu nhân lực trầm trọng, dự báo sẽ tiếp tục "nóng" trong 5 năm tới, mang lại cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập hấp dẫn cho người lao động.
1. Kỹ thuật ô tô – nghề kỹ sư công nghệ, không chỉ là sửa xe
Không còn đơn thuần là nghề sửa chữa truyền thống, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện đại tích hợp nhiều lĩnh vực tiên tiến như cơ điện tử, lập trình phần mềm điều khiển, cảm biến thông minh và công nghệ pin năng lượng.
Xu hướng chuyển dịch sang xe điện, xe hybrid và xe tự lái đang mở ra cánh cửa lớn cho ngành này. Việt Nam hiện có nhiều nhà máy sản xuất ô tô điện, linh kiện và pin công nghệ cao đi vào hoạt động, kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng mạnh.
Kỹ sư ô tô hiện đại không chỉ làm việc tại xưởng mà còn có thể đảm nhận vai trò lập trình hệ thống điều khiển, thiết kế linh kiện hoặc quản lý kỹ thuật trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Mức thu nhập dao động từ 15–30 triệu đồng/tháng, cao hơn nếu có chứng chỉ quốc tế và tiếng Anh tốt.

2. Công nghệ thông tin – “mỏ vàng” của kỷ nguyên số
Với sự chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực như ngân hàng, giáo dục, logistics và y tế, ngành CNTT đang khát nhân lực chưa từng có. Các vị trí được săn đón nhất gồm: lập trình viên, kỹ sư dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ sư blockchain và an ninh mạng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp do thiếu kỹ năng thực tế, khả năng làm việc nhóm và ngoại ngữ. Nhiều công ty sẵn sàng chi trả mức lương khởi điểm từ 20–25 triệu đồng/tháng cho người có tay nghề tốt.
Đây là ngành đòi hỏi sự linh hoạt và học hỏi liên tục. Nếu bạn có khả năng tư duy logic, yêu thích công nghệ và biết tận dụng các khóa học trực tuyến, cơ hội làm việc tại các công ty toàn cầu, làm việc từ xa với mức lương USD là hoàn toàn khả thi.
3. Y – Dược: Ngành học “dài hơi” nhưng ổn định và thiếu nhân lực dai dẳng
Ngành Y – Dược vốn nổi tiếng vì yêu cầu đào tạo khắt khe và thời gian học kéo dài. Nhưng đổi lại là mức độ ổn định và ý nghĩa xã hội lớn lao. Sau đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt nhân lực y tế càng trở nên trầm trọng, đặc biệt tại các tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa.
Không chỉ thiếu bác sĩ, ngành còn cần hàng chục nghìn điều dưỡng viên, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược sĩ và hộ sinh trong cả khu vực công lẫn tư nhân.
Dù áp lực nghề cao, nhưng với chính sách thu hút nhân lực y tế mới ban hành, cùng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh do dân số già hóa, đây là ngành hứa hẹn “có việc ngay sau khi ra trường” với mức lương ổn định, nhiều cơ hội làm việc tại bệnh viện quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc viện nghiên cứu.

4. Xây dựng – ngành nghề dành cho người dám dấn thân
Là trụ cột trong phát triển hạ tầng và đô thị hóa, ngành xây dựng vẫn duy trì nhu cầu tuyển dụng lớn mỗi năm. Tuy vậy, các doanh nghiệp xây dựng lại đang "khát" kỹ sư giám sát, kỹ sư kết cấu, chuyên viên thi công điện nước – những người có kỹ năng thực chiến, sẵn sàng làm việc tại công trình.
Với các dự án lớn trong nước như cao tốc Bắc – Nam, vàn đai Hà Nội, các khu công nghiệp thông minh… được triển khai rầm rộ, ngành xây dựng trong 5 năm tới chắc chắn sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho những ai chịu khó lăn xả.
Mức thu nhập trung bình từ 12–25 triệu đồng/tháng, nhanh thăng tiến nếu giỏi chuyên môn. Ngoài ra, kỹ sư xây dựng giỏi có cơ hội xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Đông với mức lương gấp 3–5 lần trong nước.