Áp xe răng
Chứng áp xe răng xuất hiện là do ổ mủ nhiễm trùng gây ra, thường đến từ vi khuẩn ở phần trong của răng. Tình trạng bệnh này nếu không được chữa trị từ sớm sẽ làm thủng, vỡ răng và tạo điều kiện cho vi khuẩn đi sâu vào trong răng.
Một vài triệu chứng giúp bạn nhận biết chứng bệnh này là nhạy cảm khi ăn uống, đặc biệt là với đồ nóng hoặc lạnh, sưng hạch bạch huyết, sốt cao... Vì vậy, khi bị áp xe răng, bạn cần chủ động đi khám chuyên khoa để được chữa trị kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng tai hại về sau.
Răng nhạy cảm
Người có răng nhạy cảm sẽ có cảm giác ê buốt một cách khó chịu ở răng khi ăn uống những loại thực phẩm nóng lạnh, ngọt hoặc đồ ăn có tính axit. Vì không gây nguy hiểm tức thời nên khi bị ê buốt răng, đa số mọi người thường chịu đựng và bỏ qua. Đây là tiền đề dẫn đến các tổn thương về răng miệng khác.
Ngoài ra, khi răng bị ê buốt, bạn sẽ cảm thấy ê răng và khó chịu khi chải răng. Thậm chí, nhiều người không chải hoặc chải lướt qua vùng răng này. Nếu tái diễn trong thời gian dài, tình trạng trên sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, mảng bám và viêm nướu.
Đau khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm là các khớp nối xương hàm với hộp sọ của bạn. Các khớp này sẽ hoạt động mỗi khi bạn trò chuyện, nhai hoặc nuốt thức ăn. Một số triệu chứng đau khớp thái dương hàm mà bạn có thể gặp phải là đau ở trước tai, há ngậm miệng nghe tiếng kêu ở khớp, không há lớn miệng được, mỏi hàm...
Sâu răng
Đây là tình trạng phổ biến nhất về răng do những thay đổi trong lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và tuổi thọ trung bình cao. Nếu không giải quyết kịp thời, sâu răng sẽ gây viêm tủy và phát sinh các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch…
Chảy máu chân răng
Chảy máu chân răng đôi khi xuất hiện từ việc thiếu máu hoặc do mảng bám; thiếu vitamin K, C; thay đổi hoóc môn. Việc chảy máu liên tiếp là một dấu hiệu bất ổn cần phải được kiểm tra. Các nha sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân liên quan đến các bệnh bạch cầu, tiểu đường, tim mạch…