Khi gặp tình trạng dị ứng trên da, mẩn ngứa, nổi mề đay, bạn có thể sử dụng các loại lá tự nhiên để đun nước tắm, giúp giảm khó chịu. Cách này phát huy hiệu quả tốt, không kén người dùng, được dân gian áp dụng từ lâu.
Lá trầu không
Lá trầu không các đặc tính sát trùng, kháng khuẩn, tiêu viêm, chứa nhiều chất chống oxy hóa. Từ xa xưa, các cụ đã sử dụng loại lá này để đun nước tắm, trị ngứa do dị ứng, rôm sảy, nổi mề đay...
Lá trầu không chúng giúp chống nấm da, hỗ trợ chữa lành các vết xước trên da do gã nhiều.
Có thể lấy 10 lá trầu không rửa sạch, vò nát rồi cho vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ và đun sôi trong vài phút. Chờ cho các tinh dầu có trong lá trầu không hòa tan vào nước thì tắt bếp.
Đổ nước lá trầu không nóng vào chậu, thêm nước lạnh để có nước với nhiệt độ phù hợp để tắm.
Lá chè xanh
Lá chè xanh có thể tìm mua tại các chợ với giá thành rẻ và mang lại hiệu quả rất tốt trong việc làm dịu các vết mẩn ngứa trên da, phù hợp với cả làn da nhạy cảm. Loại lá này có đặc tính sát khuẩn, làm sạch và có chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm ngứa rõ rệt. Các vitamin A, B, C trong lá chè xanh còn giúp làm sạch, tăng cường sức đề kháng cho da.
Bạn chỉ cần lấy lá chè xanh tươi, rửa sạch, vò nát rồi cho vào nồi nước đun sôi trong vài phút. Pha nước lá chè xanh với nước sạch để tắm.
Chỉ cần tắm khoảng 3 lần/tuần là tình trạng nổi mẩn ngứa sẽ giảm.

Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi thường mọc hoang trong tự nhiên. Đây là một nguyên liệu được dân gian sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị mẩn ngứa. Theo y học cổ truyền, cây nhọ nồi không độc, vị chua ngọt, tính hàn, tác dụng cầm máu, bổ thận, lương huyết, ích âm... Loại cây này thường được dùng để trị sốt cao, chảy máu cam, nổi mề đay, mẩn ngứa...
Có thể dùng lá nhọ nồi đun nước tắm để giảm ngứa do côn trùng cần, nổi mề đay, giúp hạn chế để lại vết thâm sẹo trên da.
Lá khế
Lá khế chứa nhiều vitamin, khoáng chất cùng chất chống oxy hóa giúp ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại, giúp mô da phục hồi sau hư tổn. Sử dụng lá khế đun nước tắm sẽ giúp làm giảm khó chịu một cách hiệu quả.
Lấy một nắm lá khế rửa sạch, tuốt bỏ phần cọng cứng. Đem lá khế xay hoặc giã nát với một ít muối. Lọc lấy phần nước cốt và pha với nước ấm để tắm. Mỗi tuần có thể tắm bằng nước lá khế 2-3 ngày liên tục để giảm ngứa. Không tắm bằng nước lá khế quá thường xuyên vì có thể gây xỉn màu da.
Lá kinh giới
Lá kinh giới chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên. Loại lá này sẽ giúp bảo vệ làn da khỏi các vi khuẩn, mầm bệnh, ký sinh chúng và cũng giúp ngăn chặn tác hại của tia UV tới da.
Bạn chỉ cần lấy lá kinh giới tươi, rửa sạch rồi giã nát. Vắt lấy phần nước cốt và pha với nước ấm để tắm. Ngoài ra, có thể cho lá kinh giới rửa sạch vào nồi nước đun sôi trong 5-7 phút cho các tinh chất hòa vào nước. Lấy nước này pha với nước nguội để tắm.
Lá tía tô
Lá tia tô là loại thảo dược có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Nó có thể ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, giúp chống oxy hóa, trị một số bệnh về da như chàm, mẩn đỏ, rôm sảy, mẩn ngứa...
Có thể lấy một nắm lá tía tô rửa sạch và cho vào cối giã nát. Lấy phần nước cốt thoa lên vùng da bị ngứa và đợi khoảng 15 phút rồi tắm lại bằng nước sạch.