7 ngân hàng cùng xiết nợ một công ty cà phê

17:44, Thứ năm 06/06/2013

( PHUNUTODAY ) - 7 ngân hàng ập tới một công ty cà phê thuộc hàng lớn thứ 4, 5 của Việt Nam để xiết nợ. Chủ công ty giải thích vỡ nợ vì phải vay vốn với lãi suất cao.

7 ngân hàng ập tới một công ty cà phê thuộc hàng lớn thứ 4, 5 của Việt Nam để xiết nợ. Chủ công ty giải thích vỡ nợ vì phải vay vốn với lãi suất cao.
Tờ NLĐ đưa tin, khoảng 12h trưa 6/6, khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, náo loạn khi hàng chục chiếc ô tô chở theo rất đông người của 7 ngân hàng đến xiết nợ Công ty Trường Ngân – chuyên kinh doanh xuất khẩu cà phê.

7 ngân hàng đến xiết nợ hàng ngàn tấn cà phê đang được lưu trong kho tại công ty.

a-7-ngan-hang-cung-xiet-no-mot-cong-ty-Phunutoday.vn
Hiện cửa kho vẫn khóa, chưa ngân hàng nào lấy được hàng để xiết nợ. Ảnh: NLĐ.

Thông tin ban đầu công ty này vỡ nợ với số vay tổng cộng gần cả ngàn tỉ đồng. 7 ngân hàng tham gia xiết nợ gồm: Quân đội, VIB, Phương Đông, NN&PTNT, Hàng Hải, Vietinbank, Techcombank.

Công an thị xã Dĩ An đã cử người đến hiện trường ổn định trật tự và yêu cầu nhân sự cao nhất của 7 ngân hàng vào một phòng để hội ý. Nhưng vụ việc vẫn chưa được thương thuyết xong, nên kết quả cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Trước đó, ngày 5/6, các ngân hàng nhận được thông tin ngày 6/6, 1 trong 7 ngân hàng sẽ tiến hành xiết nợ là cà phê từ kho của công ty Trường Ngân, nên cùng đến hiện trường để đòi quyền lợi. Cũng theo một đại diện, số hàng lưu trong kho của công ty Trường Ngân hiện không thấm tháp gì so với số nợ họ vay nên các ngân hàng đều tranh thủ xiết hàng.

Có mặt tại trụ sở, ông Nguyễn Xuân Bình, chủ doanh nghiệp Trường Ngân cho biết, tổng số tiền mà công ty ông nợ các ngân hàng là hơn 600 ty đồng. Theo ông Bình, công ty ông đã mất khả năng thanh khoản, số tài sản là cà phê trong kho không thấm tháp gì so với số nợ.

Ông Bình cho biết, một trong những nguyên nhân khiến doanh công ty Trường Ngân đối mặt với tình trạng “vây ráp” của các ngân hàng là do lãi suất trong quá trình cho vay quá cao. “Có những thời điểm chúng tôi phải đối mặt với lãi suất cho vay hơn 20% và 4 năm trở lại đây chúng tôi bắt đầu khốn đốn”, ông Bình chia sẻ.

b-7-ngan-hang-cung-xiet-no-mot-cong-ty-Phunutoday.vn
Hơn 15 xe của 7 ngân hàng có mặt trong đó có 3 chiếc xe biển số đỏ. Ảnh: NLĐ.

Được biết, Trường Ngân từng là doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn hàng thứ 4, thứ 5 tại Việt Nam. Phần lớn sản phẩm cà phê hạt của công ty đều xuất khẩu đi các nước.

Mới hôm 21/5, Nghị định về thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Công ty này ra đời người ta trông chờ nó có thể giải quyết các khoản nợ đang “giết chết” doanh nghiệp hiện nay, chứ không chỉ riêng gì thị trường bất động sản.

Ngay sau đó, ngày 25/5, trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Hấu hết các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp đều chỉ cho vay thấp hơn giá trị. Cho vay dưới giá trị thực là một mức an toàn rồi”.

Theo ông Ninh, việc mua bán nợ, giúp ngân hàng thanh khoản được và những doanh nghiệp có nợ được tạo điều kiện vay khoản mới, giám sát trên các dự án, cái nào có hiệu quả thì cho vay. Vì gắn với nợ xấu, nợ cũ thì doanh nghiệp không đúng tiêu chí nên không được vay.

Nói là vậy, nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng nhiều ngân hàng cùng nhận cầm cố một tài sản, và khi người vay, doanh nghiệp bị xiết nợ, các ngân hàng mới vỡ lẽ tài sản đó đã được cá nhân, doanh nghiệp cầm cố cho ngân hàng khác.

Không biết nếu tới đây VAMC mua phải những khoản nợ chồng chéo như trên sẽ xử lý ra sao khi tiền để cho công ty này hoạt động là từ ngân sách nhà nước.

  • P.V (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc