1. Nét mặt tràn đầy sự tự tin
Người muốn sống mỗi ngày một tốt hơn, trước tiên phải hiểu được chính mình từ nội tâm, yêu thích chính con người mình. Đặc biệt khi thấy bản thân có chỗ hơn người thì không kiêu ngạo, không tùy ý so sánh với người khác. Còn khi gặp người có chỗ hơn mình thì bản thân không được ủy khuất, đố kỵ.
Sống với một trái tim bình thản, điềm nhiên đón nhận khuyết điểm của mình, đồng thời không ngừng cải thiện bản thân, nỗ lực tiến về phía hoàn thiện, đó mới thật là người hạnh phúc.
2. Thiện lương luôn hiện hữu trong tâm
Niềm vui của thế nhân xưa nay luôn đến từ sự thiện lương. Một người muốn có vận khí tốt, trước tiên phải bắt đầu từ việc làm một người lương thiện. Một người có trái tim nhân hậu ắt sẽ có cái nhìn ấm áp đầy tình người với vạn sự thế gian, đối với người trong gia đình thì quan tâm gần gũi, đối với bạn bè thì chân thành nghĩa khí, còn đối với người lạ thì công bằng, trân trọng tương hợp.
Làm người dù trước dù sau, gặp việc gì cũng luôn nghĩ cho người khác trước, nghĩ mình sau, khi có thể giúp người thì tận sức ra tay giúp đỡ. Kỳ thực giúp người cũng chính là giúp mình, thiện đãi với người cũng chính là gieo cây nhân, trồng cây đức trên mảnh đất phúc điền của mình mà thôi. Vậy nên làm người đối nhân xử thế cần có một trái tim nhân ái, biết tôn trọng người khác. Bất luận đối phương là người như thế nào, cao sang, nghèo hèn, tất cả đều cần tôn trọng đối xử công bằng không thiên lệch.
3. Khí chất
Khí chất của một người được nuôi dưỡng bằng những con đường họ từng đi, những cuốn sách họ từng đọc, những cách đối nhân xử thế với người mà họ từng tiếp xúc. Nếu muốn cuộc đời ngày càng tươi đẹp thì không thể không đọc nhiều sách, nỗ lực cải thiện bản thân khiến thân tâm cường thịnh.
Tuy nhiên, sách đọc thì phải thấm mà làm người thì phải buông, chúng ta đọc sách không phải là để biết được thật nhiều mà là để buông được thật nhiều. Con người có những lúc thành hay bại cũng chỉ bởi một chữ ‘buông’ mà thôi. Một người có thể buông đi vui buồn, oán giận, tham sân, si hận của tự thân thì còn điều gì có thể khiến mình không hạnh phúc?
4. Cốt cách
Chúng ta khi bước chân vào xã hội thì đôi lúc bị mê mờ lạc lối, đó là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên người có cốt cách thì dù hoàn cảnh nào cũng luôn biết giữ nhân phẩm của mình, khi trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn, đường mê lối lạc, thì nhân phẩm của một người lại chính là kim chỉ nam sáng suốt nhất để giúp họ vén mây đen, tìm ánh mặt trời. Khi trong hoàn cảnh hỗn độn không định hướng, cốt cách luôn luôn là vị thầy anh minh nhất mà mỗi người cần có.
Người có cốt cách sẽ không vì tham chút lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, trong tình yêu thì không đòi hỏi và cũng chẳng ỷ lại vào người khác. Kỳ thực, phụ nữ thường muốn tìm cho mình một đấng lang quân để có chỗ nương nhờ, tìm kiếm cảm giác an toàn cho tự thân. Tuy nhiên làm người thì hãy nhớ rằng, cảm giác an toàn thì chỉ có tự mình gây dựng cho chính mình mà thôi, người khác không thể mang lại cho bạn được. Còn nếu như một người có đủ đầy năng lực, có thể dựng thân lập nghiệp trong xã hội, thì dù hoàn cảnh nào cũng đừng quên rằng: “Con người dễ sa ngã nhất chính là được sống trong hoàn cảnh tốt hơn người khác”.
5. Kiên cường
Dù gặp bất kỳ sự đả kích cũng như trở ngại nào trong cuộc sống, thì không nên chưa đánh mà bại, chưa nỗ lực đã chịu đầu hàng, làm tổn thương chính mình. Cuộc đời mà, ai không từng gặp trở ngại, ai chưa từng bị đổ vỡ? Có thế mới là cuộc đời, cuộc đời muốn có màu hồng thì cần phải có màu đen, tối xám lót nền thì mới vươn lên rực rỡ, phải vậy không? Vậy nên, vấp ngã hay khổ đau cũng chẳng là gì, có chăng cũng chỉ là những điểm nhấn tô màu cho phút giây huy hoàng trong cuộc đời mỗi chúng ta. Vậy nên làm người hãy cứ kiên cường và lạc quan mà sống, bởi có bi quan tiều tụy thì bạn vẫn cứ phải bước qua. Khi đã kiên cường và mạnh mẽ, trí tuệ sẽ khai thông, con đường nào rồi cũng có lối thoát. Có câu: Thuyền đến bến thì ắt sẽ thẳng, đường đến chân núi ắt cũng sẽ mở ra.
Lại nói, nếu cuộc đời không có trở ngại và khổ đau, e rằng đó mới là điều đáng sợ, bởi không khổ đau thì sao thấu hiểu hương vị của hạnh phúc, không ly biệt sao trân quý lúc tương phùng? Vạn vật trên đời là thế đó, có được thì có mất, luật cân bằng xưa nay không thay đổi.
6. Luôn mỉm cười dù gặp khó khăn
Hãy luôn là một người vui vẻ, mang động lực tới cho mọi người và cho cả chính mình. Có vui buồn oán lộ đó mới là thế tục, tuy nhiên người hiểu được giá trị của nụ cười mới hiểu được kiếp nhân sinh. Cười khi sung sướng là cái cười của thế nhân phàm tục, còn cười trong trở ngại khó khăn đó chính là cái cười của trí huệ.
Nhân sinh một kiếp có là bao
Sướng khổ buồn vui cũng một đời
Chi bằng ung dung đời ngạo nghễ
Đón nhận buồn vui tự tại cười…
Để cho bản thân mỗi ngày đều sống tràn đầy sinh khí và cũng là để những người xung quanh ta thiện đãi thế nhân, làm người thì cần chi trách người oán phận? Hãy bảo trì tâm thái lạc quan, tin tưởng vào chính mình, hiểu rằng thế gian được mất tất cả đều là an bài của số phận, ung dung tự tại ấy chi bằng.
7. Có hoài bão
Xã hội phát triển là nhờ vào mơ ước và hoài bão, vậy nên bất luận ra sao, cũng như tuổi tác thế nào, hãy nhớ hoài bão chính là động lực để phát triển chính mình. Vậy nên hãy không ngừng học tập và hoàn thiện bản thân, vĩnh viễn không được quên đi mơ ước vốn có của mình.
Con người có thể mất mọi thứ nhưng mơ ước, hoài bão và nhân cách thì không thể mất. Nếu một người mất đi những thứ này cũng có nghĩa là mất đi chính mình, cuộc đời rồi sẽ về đâu? Hạnh phúc là quá trình chứ không hẳn đã là kết quả, cuộc đời là những mảnh ghép trải nghiệm dệt thành, có nỗ lực, có cố gắng và có trải nghiệm đó là đủ, còn kết quả ra sao thì hãy tùy kỳ tự nhiên, bởi đôi khi cưỡng cầu chính là rào cản để đến với thành quả. Xưa nay những thứ tốt đẹp luôn đến vào những lúc chúng ta không mong đợi nhất.