8 dấu hiệu điện thoại bị nhiễm mã độc, bị theo dõi, cẩn thận mất sạch tiền trong tài khoản

22:09, Thứ tư 04/12/2024

( PHUNUTODAY ) - Khi thấy điện thoại có những dấu hiệu bất thường này, bạn cần thận trọng trước tình huống thiết bị nhiễm mã độc, có nguy cơ bị theo dõi, đánh cắp dữ liệu và tài sản.

Dấu hiệu điện thoại bị nhiễm mã độc

- Thiết bị ngày càng chậm

Các loại mã độc, ứng dụng gián điệp sẽ chạy ngầm trên thiết bị. Khi chúng đã xâm nhập, thiết bị sẽ chạy chậm hơn. Nguyên nhân là do các loại mã độc này sẽ chiếm một khoảng không gian trong tài nguyên hệ thống (CPU, RAM...) của thiết bị để theo dõi người dùng.

Nếu cảm thấy điện thoại càng ngày càng chạy chậm, dù không hề nâng cấp phiên bản hệ điều hành mới hay đã gỡ bỏ một số ứng dụng nhưng tình hình không được cải thiện, bạn nên nghĩ tới khả năng thiết bị của mình đã bị nhiễm phần mềm gián điệp.

- Pin sụt giảm nhanh dù ít sử dụng

Các mã độc, ứng dụng gián điệp chạy ngầm trong điện thoại khiến pin sụt giảm nhanh hơn.

Trong nhiều trường hợp, pin điện thoại sẽ sụt giảm nhanh do bị chai sau một thười gian sử dụng. Nếu pin bị chai nhiều, người dùng nên thay pin mới để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

- Điện thoại thường xuyên bị nóng

Các ứng dụng độc hại chạy ngầm không chỉ chiếm tài nguyên của thiết bị, làm thiết bị nhanh hết pin và còn thường xuyên gặp tình trạng nóng máy. Nếu thấy điện thoại bị nóng lên dù ít sử dụng, bạn nên cẩn trọng trước tình huống máy đã bị mã độc xâm nhập.

Khi điện thoại bị nhiễm mã độc, ứng dụng gián điệp, bạn có thể thấy một số dấu hiệu cơ bản thường xuyên xuất hiện trên thiết bị.

Khi điện thoại bị nhiễm mã độc, ứng dụng gián điệp, bạn có thể thấy một số dấu hiệu cơ bản thường xuyên xuất hiện trên thiết bị.

- Xuất hiện các biểu tượng lạ

Nếu điện thoại xuất hiện các biểu tượng lạ, các ứng dụng không phải do bạn cài đặt thì có thể nghĩ đến tình huống mã độc đã xâm nhập thiết bị.

Các ứng dụng độc hại này thường "ẩn mình" rất kỹ và ít lộ dấu vết. Vì vậy, người dùng thường chủ quan và không để ý đến các thay đổi bất thường.

- Tự động nhận/gửi dữ liệu khi có kết nối internet

Trường hợp điện thoại đang kết nối internet và bạn không sử dụng bất cứ ứng dụng nào cần kết nối mạng (như duyệt web, dùng mạng xã hội, xem YouTube...), không cập nhật úng dụng... nhưng vẫn có dữ liệu gửi/nhận trên thiết bị thì có thể đó là hoạt động của các phần mềm gián điệp, mã độc. Các chương trình này đang âm thầm nhận/gửi dữ liệu bên ngoài mà người dùng không biết.

Nếu thấy dung lượng 3G/4G hết nhanh hơn so với bình thường, đó cũng là cảnh báo về việc mã độc đang hoạt động trên thiết bị.

- Xuất hiện quảng cáo toàn màn hình

Nếu điện thoại đôi khi xuất hiện các nội dung quảng cáo, che lấp toàn bộ màn hình trong khi bạn không sử dụng ứng dụng nào thì có thể thiết bị đã bị nhiễm mã độc quảng cáo.

Loại mã độc này không gây nguy hiểm như các loại mã độc đánh cắp dữ liệu khác nhưng cũng gây ra nhiều phiền toái cho người sử dụng. Tin tặc lợi dụng người dùng nhằm kiếm tiền bất chính từ các nội dung quảng cáo.

- Website tự động chuyển hướng

Nếu thấy trình duyệt web tự động mở hoặc tự chuyển sang các trang web lạ, khả năng cao điện thoại của bạn đang bị nhiễm mã độc. Hacker sẽ hướng người dùng đến các trang giả mạo để đánh cắp thông tin email, mạng xã hội, ngân hàng...

- Mất dữ liệu không rõ lý do

Nếu thấy dữ liệu như ảnh chụp, tin nhắn... trên điện thoại bị mất không rõ lý do, nguyên nhân có thể do điện thoại đã bị nhiễm mã độc. Các ứng dụng này là thủ phạm mã hóa thông tin trên điện thoại, làm dữ liệu bị mất, khiến người dùng không còn nhìn thấy dữ liệu đó trên thiết bị của mình.

Làm gì khi phát hiện điện thoại bị nhiễm mã độc?

Nếu nghi ngờ điện thoại bị nhiễm mã độc, cách an toàn và hiệu quả nhất là khôi phục cài đặt gốc của thiết bị (cài đặt của nhà sản xuất). Việc đưa thiết bị về trạng thái như khi mới xuất xưởng sẽ xóa sạch các ứng dụng, bao gồm cả mã độc, phần mềm gián điệp.

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến dữ liệu trong máy bị mất. Người dùng bắt buộc phải sao lưu các thông tin mà mình muốn lưu giữ. Ngoài ra, người dùng cần phải nhớ mật khẩu đăng nhập tài khoản Google hoặc Apple ID để đăng nhập trở lại sau khi khôi phục cài đặt gốc.

Lưu ý, khi sao lưu dữ liệu, chỉ sao lưu hình ảnh, danh bạ, tin nhắn... không lưu các ứng dụng. Sao lưu cả ứng dụng là vô tình lưu cả các ứng dụng độc hại. Khi đó, việc khôi phục cài đặt gốc sẽ không có ý nghĩa.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền