Thận khỏe hay yếu cứ nhìn 5 chỗ, có 1 điểm này phải gặp bác sĩ ngay

( PHUNUTODAY ) - Khi thận bị tổn thương, cơ thể sẽ có những dấu hiệu cảnh báo. Thế nhưng, những dấu hiệu này thường bị bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn với triệu chứng của các tình trạng sức khỏe thông thường.

1. Thay đổi thói quen tiểu tiện

Một trong những dấu hiệu sớm nhất của các vấn đề về thận là sự thay đổi rõ rệt trong thói quen đi tiểu. Nếu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm, màu nước tiểu sẫm hơn hoặc nhạt hơn bình thường, hãy cẩn trọng với bệnh thận.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, những thay đổi về màu sắc nước tiểu và tần suất đi tiểu có thể cảnh báo chức năng thận đang bị suy giảm. Cơ quan này cũng khuyến cáo mọi người không nên bỏ qua những bất thường trong thói quen tiểu tiện.

2. Mệt mỏi kéo dài

Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi kéo dài và không cải thiện ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đó là dấu hiệu đáng báo động.

Thận sản xuất ra một loại hormone có tên gọi là erythropoietin. Hormone này kích thích sản xuất hồng cầu. Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình sản xuất hồng cầu bị ảnh hưởng, bệnh nhân có thể bị thiếu máu và mệt mỏi. Nếu luôn cảm thấy không có đủ năng lượng để duy trì hoạt động trong ngày dù đã ngủ đủ giấc, hãy đi khám sớm.

3. Chân, tay hoặc mặt bị sưng

Thận hư không thể loại bỏ chất lỏng. Do đó, muối ăn sẽ lưu lại trong cơ thể và làm cho tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt là sưng ở bàn chân, mắt cá chân, bàn tay, mặt, hoặc vùng quanh mắt.

Protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu cũng có thể gây ra bọng quanh mắt.

4. Da khô, ngứa hoặc phát ban

Khi cơ thể chứa đầy chất độc sẽ tìm mọi cách để đào thải chúng ra ngoài bằng cách qua da. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng phát ban, da khô hoặc kích ứng và vết loét hở.

Bạn có thể bị ngứa vì urê (sản phẩm chuyển hóa của quá trình phân hủy protein) và phốt pho (chất khoáng) không được thận bài tiết ra ngoài.

5. Hụt hơi, khó thở

Khi thận không thể loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể, chúng có thể tích tụ trong phổi. Điều này khiến bạn khó hít thở sâu để đưa oxy vào máu, do đó hơi thở sẽ ngắn và gấp hơn.

Làm cách nào để phòng ngừa bệnh thận?

Để ngăn ngừa và làm giảm các vấn đề về thận, bạn nên thực hiện một số điều sau:

- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.

- Duy trì huyết áp ổn định, khỏe mạnh.

- Chế độ ăn lành mạnh (Nếu nghi ngờ thận có vấn đề, bạn nên tránh thực phẩm chứa nhiều protein, chất béo, natri và kali).

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để đảm bảo thận hoạt động bình thường.

- Không lạm dụng thuốc giảm đau (Vì chúng có thể làm thận hư, thận yếu, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen).

- Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận.

- Không hút thuốc.

Tổ chức Thận quốc gia (Hoa Kỳ) khuyên rằng, những người bị huyết áp cao, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình bị suy thận nên được kiểm tra thận hàng năm. Hãy chắc chắn rằng, các bác sĩ nắm được tình trạng khi bạn đang có các triệu chứng cảnh báo bệnh.

Những triệu chứng trên cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác. Nếu nhận thấy bất kỳ tín hiệu khác thường nào mà cơ thể đang cố "gửi" tới bạn, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Tác giả: Mộc