Anh hùng "râu quặp" cuống cuồng nổi loạn từ "xó bếp" (2)

07:18, Thứ bảy 10/12/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vợ Lâm đứng quát chồng thì Lâm nài tay kéo vợ, xin vợ vào nhà, chị càng gào lên: “Sao phải vào nhà? Tôi cứ la toáng lên cho cả làng cả tổng biết đấy”.

(Phunutoday) - Dũng là người rất thương con. Vợ anh vẫn thường lấy con ra làm lực lượng để cảnh cáo anh. Dũng biết vậy nên anh quyết sẽ trở thành một người cha cứng rắn, làm cho con phải sợ và vợ phải ngạc nhiên. Mặc cho những lần quát con, anh phải lấy hết dũng khí. Sự thay đổi của anh diễn ra khá từ từ và khó khăn. Thậm chí, có lần, anh quát con khiến nó bỏ nhà đi. Sau lần ấy thì Dũng chừa, giờ quát con bao giờ anh cũng phải lấm lét theo dõi thái độ của nó thế nào rồi mới dám quát tiếp.

> Anh hùng "râu quặp" cuống cuồng nổi loạn từ "xó bếp" (1)
Hóa ra, đôi khi làm “râu quặp” cũng thật hạnh phúc…(Ảnh minh họa)
Nhưng mọi chuyện đảo lộn hoàn toàn khi Dũng bỗng nhiên đưa một bé trai 10 tuổi về nhà và nói đó là con của anh. Dũng nói, nếu vợ anh không chấp nhận nuôi con trai anh thì anh sẵn sàng li hôn. Vợ Dũng tuy đành hanh, đánh đá nhưng chị cũng là một người phụ nữ. Chồng dắt con trai riêng về nhà là một việc gây sốc với chị. Để xây dựng một gia đình là chuyện chẳng hề dễ dàng, hơn nữa, chị với anh cũng đã hơn mười năm sống với nhau, cũng đã có với nhau một mặt con, chị không muốn gia đình tan vỡ nên chị chấp nhận nuôi con riêng của chồng.
 
Thực ra đó là con của một người bạn anh, anh nhờ bạn cho anh “mượn” con để đóng vở kịch này. Mục đích của Dũng trước là để “dằn mặt” vợ, sau là để “dằn mặt” con. Có con trai riêng, vợ và con gái dường như biến khỏi thế giới của anh. Anh chỉ chăm lo cho cậu con và chỉ chiều chuộng cậu con. Vợ anh lo mất chồng vì anh quả quyết sẵn sàng li hôn nên không dám đành hanh như xưa nữa.
 
Càng thấy chồng chiều con thì vợ lại càng lo sợ. Dũng hả hê vì thấy kế hoạch của mình đang dần thành công. Hơn một tháng sau khi cậu con riêng xuất hiện, Dũng để cháu về nhà với gia đình thực của cháu rồi nói với vợ rằng, anh sẽ để mẹ của cháu nuôi con để giữ hạnh phúc cho gia đình của anh. Sau sự cố “con riêng”, vợ Dũng cũng hiền lành hơn vì đến lúc ấy, trong đầu chị mới xuất hiện ý nghĩ, hóa ra chị cũng rất dễ bị mất chồng.
 
Khăn gói quả mướp bỏ nhà đi để dọa vợ
 
Cuộc nổi loạn của Sơn “râu quặp” nổ ra sau hơn năm năm anh và Vân, vợ anh hiện giờ trở thành vợ chồng. Người ta vẫn nói “con giun xéo lắm cũng quằn”, đến khi không thể chịu nổi sự đàn áp của vợ nữa, Sơn mới dám vùng dậy đòi quyền lợi cho mình. Cái sự bắt nạt chồng của Vân cũng khiến nhiều người buồn cười. Chị không nạt chồng như những bà vợ sư tử khác mà chị nạt chồng bằng những dỗi hờn, nũng nĩu.
 
Chỉ cần Sơn làm việc gì không vừa ý Vân thì y như rằng anh sẽ nhận được cơn mưa nước mắt cùng hàng trăm lời trách than như khóc hờ của vợ. Cũng có lúc Vân quát chồng nhưng chị lấy sự mềm yếu làm vũ khí nhiều hơn. Mà ở đời, Sơn sợ nhất là nước mắt phụ nữ. Cứ nhìn thấy vợ khóc là anh nhũn người, không dám quát tháo gì nữa. Ở nhà anh, thường hiếm khi nghe tiếng quát tháo, tiếng khóc là phần nhiều. Có đôi khi, Sơn tự hỏi vợ anh lấy đâu ra lắm nước mắt như thế và vì sao vợ anh khóc giỏi như thế.
 
Có lần vui vẻ, Sơn trêu vợ: “Em mà đi đóng phim thì là nhất. Hai giây thì nước mắt đầy mặt”. Chỉ thế thôi mà quay ra, anh đã thấy vợ anh rưng rức khóc vì chị cho rằng chồng mình đang chê mình. Cuộc sống vợ chồng vì thế mà mệt mỏi vô cùng. Lắm lúc, Sơn thèm được vợ quát. Thà anh sợ vợ vì vợ đành hanh còn hơn là sợ vợ vì vợ trẻ con, động tí là khóc như trẻ con hờn. Nghĩ rằng chẳng thể chiều vợ mãi theo cách đó, Sơn tìm cách để thoát khỏi sự đàn áp bằng nước mắt của vợ. Bỏ nhà đi là chiêu thức được anh lựa chọn.
 
Theo lời khuyên của bạn bè, Sơn sẽ dừng hẳn các hoạt động dỗ dành vợ, anh sẽ phải quen với cảnh để mặc cho vợ khác và tập dần việc quát vợ ngay cả khi vợ đang khóc. Nếu tất cả những việc đấy đều không khiến Vân thay đổi thì anh sẽ dùng biện pháp cuối cùng là bỏ nhà đi. Những bí kíp được bạn bè đưa cho đều được Sơn áp dụng nhiệt tình.
 
Nếu để ý, Vân sẽ thấy mỗi khi quát chị, chồng chị luôn phải mặc quần có túi và tay anh luôn đút trong túi quần. Sơn luôn nắm thật chặt tay để lấy bình tĩnh khi nặng lời với vợ và tận mắt thấy vợ khóc. Nhưng tất cả đều không có tác dụng. Vân thậm chí còn khóc nhiều hơn. Phát điên với tiếng ơ hờ mỗi đêm, Sơn dọn đồ bỏ nhà đi thật. Anh không liên lạc với vợ, không nghe điện thoại, không đọc tin nhắn vì anh sợ anh sẽ mềm lòng khi nhìn thấy tâm tư của vợ qua tin nhắn. Sơn bỏ đi và chỉ dặn lại một câu: “Nếu em còn cứ khóc lóc suốt ngày như thế, không bao giờ anh trở lại nữa”.
 
Vân tưởng chồng chỉ dọa mình nhưng chị không ngờ, Sơn làm thật. Anh đi biền biệt một tháng trời, không liên lạc về nhà, anh cũng chuyển công việc về nhà làm nên Vân tìm mọi cách cũng không thể nói chuyện với chồng. Đến lúc ấy chị mới sợ thực sự. Một tháng một mình, không có sự giúp đỡ của chồng, Vân cũng trưởng thành lên nhiều. Nghe tin đồn Sơn có bồ bịch bên ngoài, Vân càng thêm hoảng hốt. Cái bệnh mau nước mắt, hờn dỗi, nũng nịu của chị cũng dần được cải thiện.
 
Khi Sơn trở về, Vân không dám trách móc một lời. Hễ có chuyện gì, Vân đều phải nhớ lại lần bỏ nhà đi của chồng để kìm cảm xúc không cho nước mắt thoải mái chảy ra nữa. “Bỏ nhà đi mà ngày nào tôi cũng phải phục ở ngoài, đợi vợ tắt hết đèn đi rồi mới dám quay về nhà bạn ngủ chứ cũng có phải sung sướng gì đâu” - Sơn giãi bày về một tháng biến mất để “dằn mặt” vợ của mình.
 
Thích làm “râu quặp” để hưởng an nhàn
 
Không như các ông chồng bị vợ đàn áp khác, Lâm lại để cho vợ đàn áp thoải mái, tùy ý vì anh thích như vậy. Anh không thích làm trụ cột trong gia đình, không thích là người phải ra xã hội bươn chải kiếm tiền về nuôi vợ nên anh để mọi việc ấy cho vợ gánh, còn Lâm vui vẻ làm việc nhà, chăm con và nghe vợ quát mắng. Nhiều lần, bạn bè anh hỏi, tại sao làm thằng đàn ông mà anh có thể sống một cuộc đời như vậy. Lâm chỉ cười hề hề rồi đáp lại, mỗi người một cuộc đời so sánh làm gì cho mệt thân.
 
Thế nên hình ảnh Lâm lụi cụi đi chợ, hì hục nấu cơm rửa bát đã chẳng còn là việc là với mọi người quen biết vợ chồng anh. Nếu cả nhà đi chơi, việc lái xe anh cũng nhường cho vợ. Trong nhà điện hay đường nước bị hỏng, anh cũng để yên đợi vợ về sửa. Cũng như thành một thói quen, Lâm nghe mọi lời chỉ bảo của vợ và anh làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến vợ, kể cả việc nhỏ nhất như cắt tóc ngoài quán hay tự soi gương cắt.
 
Chả biết từ bao giờ, Lâm coi vợ là “thánh sống” để việc gì cũng xin thánh chỉ. Nhưng rồi, cũng có lúc anh muốn được sống như một ông chồng thực sự nhưng Lâm không nổi loạn để đòi quyền cho mình. Anh xin vợ cho mình được làm chồng. Anh xin vợ mỗi tháng cho anh làm chồng vào một ngày cố định. Ngày đó anh muốn làm gì cũng được, muốn quát mắng vợ ra sao cũng được. Vợ anh vui vẻ đồng ý vì thấy chuyện cũng chẳng có gì to tát. Đó là ngày Lâm được lên mặt với mọi người, để cho mọi người thấy rằng “bình thường tôi nể vợ thôi chứ tôi đâu có sợ vợ”.
 
Tuy nhiên, được một ngày quát mắng, Lâm lại thích được hai ngày, hai ngày lại muốn hơn nữa thế nên anh nảy ra ý giành quyền làm chồng thực sự cho mình. Lâm vẫn không đi làm nhưng anh không làm mấy việc trong nhà nữa, chỉ ở nhà, chỉ tay năm ngón bắt vợ nghe theo.
 
Vợ anh vừa kiếm tiền nuôi cả nhà, giờ lại không được chồng đỡ đần việc gì, vừa mệt vừa bực, chị về trút cả lên chồng. Anh chồng cố cãi cũng không bằng được miệng lưỡi đàn bà. Mà vợ Lâm thì vô cùng ghê gớm, không có chuyện vợ chồng đóng cửa bảo nhau, lần nào quát chồng, chị cũng ra đầu nhà đứng để tất cả hàng xóm nghe được, chị nhất định phải làm mất mặt chồng mới thấy hả hê.
 
Vợ Lâm đứng quát chồng thì Lâm nài tay kéo vợ, xin vợ vào nhà, chị càng gào lên: “Sao phải vào nhà? Tôi cứ la toáng lên cho cả làng cả tổng biết đấy”. Lỗi của Lâm là đã không chịu làm một ông chồng “râu quặp” yên phận mà đòi nổi loạn đòi làm “chồng”. Hóa ra, đôi khi làm “râu quặp” cũng thật hạnh phúc…
 
 
)
  • Đan Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc