Nguyên nhân bà bầu bị phù tay
Biểu hiện phù tay là sưng và tê tay là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là từ tháng thứ 5-6 cho đến hết thai kỳ. Khi thai lớn, thai phụ cũng tăng cân, đồng thời thai to chèn ép các mạch máu, cản trở tuần hoàn gây ra biểu hiện này. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như:
- Thiếu canxi, magie
- Do hội chứng đường hầm cổ tay: Khi rãnh cổ tay bị sưng sẽ khiến các dây thần kinh ở khu vực này bị co mạnh. Áp lực này sẽ khiến đầu ngón tay bị tê, nóng.
- Chế độ ăn thiếu chất (đặc biệt là B1, B12, axit folic).
Như vậy ở phụ nữ mang thai hiện tượng tê phù tay chân là hiện tượng sinh lý bình thường không cần phải điều trị và cũng không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Tuy nhiên, em cần theo dõi để đi khám nếu có các biểu hiện tê tay kèm theo các triệu chứng lơ mơ dù trong giây lát, không nhấc nổi cánh tay, càng tê hơn khi đi bộ hay các dấu hiệu bất thường khác như hoa mắt, co cơ... bởi nó rất có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng chuyển hóa hay dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, thiếu chất.
Cách chữa phù tay ở bà bầu
Nếu bạn bị phù nề do thiếu kali thì hãy nhanh chóng bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày. Một số món ăn giàu kali mẹ bầu có thể ăn như: hoa quả, rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt đều cung cấp kali cho bà bầu.
Ngoài ra còn một số thực phẩm chứa lượng kali cao như: 1 của khoai lang nướng cả vỏ chứa 844mg kali; 200g sữa chua chứa 579mg kali; nửa bát soup cà chua chứa 549mg kali; 1 quả chuối chứa 422mg kali.
Không những thế, kali còn có nhiều trong rau chân vịt, quả mơ khô, nước cam, dưa hấu...
Mẹ bầu có thể dựa vào một số dấu hiệu sau để nhận biết mình đang bị thiếu kali: do nôn (hoặc tiêu chảy) mạn tính, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, táo bón và nhịp tim bất thường. Và tốt nhất bạn hãy thăm khám bác sĩ để được xác định kịp thời.
Ngoài ra mẹ bầu nên áp dụng những cách sau để giảm/ tránh hiện tượng phù nề khi mang thai:
- Giữ cho cơ thể luôn đủ nước. Uống đủ nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hoá, tiết niệu… hoạt động tốt; đồng thời, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù.
- Ăn nhạt. Muối, đồ ăn mặn làm cơ thể bị trữ nước. Vì thế, nếu bạn có thói quen ăn mặn thì nhất thiết phải hạn chế trong thời kỳ mang thai để tránh hiện tượng phù nề.
- Tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.
- Mẹ bầu nên năng vận động, tập thể dục thể thao trong thai kỳ vì điều này sẽ giúp giảm và tránh phù nề. Một số hoạt động được coi là an toàn cho thai phụ như đi bộ, bơi lội, aerobic... Những động tác giãn cơ hay tập yoga cũng có tác dụng chống lại phù nề một cách hiệu quả.
- Ngoài ra, để không bị phù chân, mẹ bầu nên để chân được nghỉ ngơi ngay khi có thể và tránh đứng trong một thời gian dài. Khi ngồi, cần chắc chắn là cả cơ thể và bụng bầu ở tư thế thoải mái, ngay ngắn. Có thể kê chân lên gối hoặc một cái bục.
Khi nào bà bầu cần gặp bác sĩ?
Nếu sưng phù không giảm qua vài đêm hoặc sau một vài tiếng thấy phù nặng đến tay, mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể, hãy đi gặp bác sĩ và nói về tình trạng của bạn. Đôi khi, phù có thể tăng do nhiệt nhưng một cuộc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp bạn yên tâm hơn.