Bà hoàng phi triều Lý với nghệ thuật hát xoan

10:55, Thứ sáu 27/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Nghệ thuật hát Xuân (Xoan) do bà Quế Hoa sáng tạo ra, được Mỵ Nương Nguyệt Cư tổ chức phổ biến trong dân gian và được bà phi Lan Xuân góp công phục dựng, cải biến và phát triển.

(Phunutoday) - Ngày 24/11 vừa qua, UNESCO đã chính thức công nhận hát Xoan Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là một loại hình nghệ thuật lâu đời có từ thời Hùng Vương, là nét rất đặc trưng của vùng đất Tổ và sự hình thành cũng như phát triển của nó có sự đóng góp to lớn của những người phụ nữ.

[links()]

Nguồn gốc hát Xoan và bà Tổ nghề

Các vũ công nhẩy múa trên hình khắc trống đồng
Các vũ công nhẩy múa (hình khắc trên trống đồng)

Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống, hát Xoan có một lịch sử phát triển sớm nhất, cách đây hàng ngàn năm và vẫn được duy trì phát triển dù gặp không ít thăng trầm. Người phụ nữ được tôn làm Tổ nghề hát Xoan tên là Quế Hoa, quê ở đất Bạch Hạc (nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ), vợ của Tuấn Cương, một vị tướng dưới quyền quản lĩnh của Tản Viên (con rể vua Hùng Duệ Vương).

Bà là người tài sắc vẹn toàn, không những đảm đương chu đáo việc nhà mà còn giúp chồng cả những việc võ bị, chiến trận. Đặc biệt, Quế Hoa có tài múa hát, những lời ca điệu múa do bà tự nghĩ ra khiến người nghe, người xem đều thấy hào hứng, say mê, cuốn hút.
 
Các vũ công nhảy múa (Hình khắc trên trống đồng)

Tương truyền rằng, vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Một người hầu gái tâu rằng: “Có cô gái xinh đẹp tên là Quế Hoa, múa giỏi hát hay, ở trong một làng tre xanh gần thành Phong Châu. Nếu đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được!”.

Vua nghe theo lời đó, Quế Hoa vâng theo lời triệu đến chầu; bấy giờ, hoàng hậu đang lên cơn đau dữ dội mới bảo Quế Hoa đứng bên giường múa hát. Nàng đẹp lắm, môi đỏ, mắt đen, tóc dài, da trắng, giọng hát trong vắt khi trầm, khi bổng như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, chân dẻo như bún, ai cũng phải mê.

Vợ Vua Hùng mải xem múa hát, không thấy đau nữa liền sinh được ba người con trai khôi ngô, đẹp đẽ. Khi ấy đang là mùa xuân, vua Hùng rất vui mừng, hết lời khen ngợi Quế Hoa, rồi bảo các Mỵ Nương (công chúa) học lấy các điệu hát múa đó và gọi là hát Xuân (tiếng hát mùa xuân), sau này gọi chệch đi là hát Xoan.

Quế Hoa trở thành người truyền dạy lời ca điệu múa do chính mình sáng tác, bà đã đem hết năng lực, công phu điêu luyện của mình ra chỉ bảo. Sau khi truyền nghề hát múa cho các Mỵ Nương, cung nữ xong, Quế Hoa trở về với chồng.

Một năm, Tuấn Cương được lệnh của Tản Viên đem quân đi trị thủy, chống lụt ở các vùng đất ven sông Thao, Quế Hoa theo chồng đi phục vụ việc quân, không may sảy chân bị nước cuốn đi. Triều đình và người dân thương tiếc lập đền thờ và tôn làm bà Tổ nghề hát Xuân (Xoan) để biểu lộ lòng ghi nhớ.

Tại một số làng như Cao Mại, Phù Đức, Phù Liễn, Hương Nộn, Phù Ninh,… ở các huyện Phong Châu, Việt Trì, Lâm Thao, Tam Thanh của tỉnh Phú Thọ cũng lưu truyền sự tích về nguồn gốc hát Xuân (Xoan) nhưng có các đặc điểm khác.

Theo truyền thuyết ở làng Cao Mại, Đức Thánh Hùng (tức vua Hùng) có người con gái lấy Đức Thánh Phù (tức Chử Đồng Tử). Một hôm, Đức Thánh Phù đưa vợ đi du xuân qua vùng đất Phù Ninh. Đang đi chơi thì vợ đau chuyển dạ, Đức Thánh Phù đã dùng nhiều phương thuốc cứu chữa nhưng người vợ vẫn không dứt cơn đau.

Bấy giờ kiệu rước đi qua An Thái, vợ Đức Thánh nghe thấy tiếng hát của một người đàn bà ru con thì thấy cơn đau dịu lại. Đức Thánh Mẫu (Tiên Dung) cho gọi người đàn bà đó đến vừa hát vừa dìu mình về nhà.

Đến ngày mồng 6 tháng Giêng, Đức Thánh Mẫu chuyển dạ sinh được 12 người con trai, sau này lớn lên tất cả đều cùng cha đi bình giặc Thục. Khi Đức Thánh Mẫu mất, người dân Cao Mại đã lập đền thờ. Hàng năm, vào ngày hội làng mồng 6 tháng Giêng, có tục rước kiệu ông, kiệu bà và đón phường Xoan bên An Thái sang hát thờ và vui chơi.

Theo truyền thuyết ở làng Phù Đức, có ba anh em con của vua Hùng từ phía Bắc đi đến vùng đất này tìm nơi lập nghiệp. Ba vị đi qua thôn Phù Đức vào một buổi trưa và nghỉ lại ở khu rừng gần đó. Từ chỗ nghỉ ngơi, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy lũ trẻ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co…

Thấy vậy, Đức Thánh Cả liền bảo tùy tùng đem một số điệu hát dạy lại cho lũ trẻ. Để tưởng nhớ ơn đức này, dân làng đã lập miếu thờ các vị gọi là miếu Lãi Lèn và hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Một (tức tháng 11) người dân cúng bánh lẳng vào buổi trưa và cúng thịt bò vào buổi chiều tại miếu. Đó là hai món mà dân làng thời xưa đã dâng lên ba vị.

Tới ngày mồng 2, 3 tháng Giêng, dân làng mở hội cầu và diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật… ở nơi mà xưa kia ba vị đã dạy lũ trẻ mục đồng ca hát và cứ đến chập tối, theo tục lệ cổ, các phường Xoan lại hát thờ ở miếu Lãi Lèn. Do hát Xuân (Xoan) được sinh ra từ đó nên phường Xuân (Xoan) ở làng Phù Đức là phường Xuân (Xoan) gốc.
    
Tượng các vũ công trên mặt trống đồng

Tượng các vũ công trên mặt trống đồng
Tượng các vũ công trên mặt trống đồng

Nghệ thuật hát Xuân ban đầu phát triển chỉ trong tầng lớp trên, dần dần mới phổ biến rộng ra đời sống xã hội nhờ công của nàng Mỵ Nương Nguyệt Cư, bà là con gái vua Hùng Nghị Vương, từ thuở nhỏ đã rất thích hát Xuân, không được nghe thì khóc, lớn lên, nàng tự đứng ra tổ chức những người làm nghề hát Xuân lại thành các phường quy củ và nhắc nhở các làng chạ khi có mở hội thì mời họ đến múa hát góp vui cầu may, vì thế mới có câu:

Chúc mừng bốn họ hát Xoan

Trăm năm trăm lộc đưa phần phúc yên.

Sau này, hát Xuân là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong lễ hội tại các đình, đền đặc biệt là lễ hội đền Hùng với những lời ca tụng thần thánh, vua chúa, tiếp đó mới là những điệu hát múa mang tính biểu diễn, giải trí cho mọi người thưởng thức:

Một mừng vua (tức Thành hoàng), mừng vua vạn tuế

Hai mừng hoàng đế vạn thọ vô cương

Ba mừng sinh hoàng tử vương

Tử vương công chúa tuổi được trường sinh

Bốn mừng hoàng hậu đế kinh

Đầu thời đội đức thánh minh quốc trào.

Công tích của bà phi triều Lý và đôi điều nên biết về hát Xoan

Mặc dù có lịch sử phát triển lâu đời nhưng trải qua ngàn năm Bắc thuộc với sự tàn phá dữ dội của bọn xâm lược với mục đích tiêu diệt văn hóa truyền thống của người Việt, trong đó có hát Xuân nên nghệ thuật này tuy không thể bị xóa bỏ nhưng cũng mai một dần.

Đến đời Lý Thần Tông (1128 - 1138)  một người con gái ở làng Hương Nộn (nay thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ) tên là Lê Thị Lan Xuân được tuyển vào cung làm phi của vua.

Theo lời truyền tụng của người dân làng An Thái (Phong Châu, Phú Thọ), có lần đi du xuân qua đất Phù Ninh, tình cờ, hoàng phi Lan Xuân thấy những người đang làm ruộng, đánh cá, hái củi và cả lũ trẻ mục đồng đang nô đùa, vừa chơi vừa hát.

Nghe những điệu hát vừa lạ vừa hay bèn cho gọi mọi người lại hỏi chuyện về nguồn gốc của điệu hát và sai hầu cận ghi chép lại.

Không chỉ có vậy, sau đó, bà còn tổ chức cho sưu tầm các câu hát truyền miệng ghi vào sách vở, được tất cả gần 2.000 câu; tập hợp những người am hiểu trong các phường chia ra từng tiết mục rành mạch gồm có năm đoạn lề lối; 14 đoạn quả cách; chín giọng vặt là tạo sự bài bản cho nghệ thuật hát Xuân; cho phục dựng thành điệu hát lễ ở một số đình đền thờ vua Hùng, tạo điều kiện cho các phường hát đến những nơi này trình diễn.

Chính từ niềm đam mê cùng sự thấu hiểu giá trị văn hóa tuyệt vời, sự tích cực sốt sắng, giúp đỡ phát triển điệu múa hát Xuân của hoàng phi Lê Thị Lan Xuân đã giúp cho môn nghệ thuật này được phổ biến rộng. Nhớ công ơn trong việc bảo tồn và phát triển hát Xuân, các phường hát đã kiêng tên bà nên gọi chệch đi là hát Xoan.

Hàng năm mở đầu mùa hát Xoan, bao giờ phường Xoan cũng đến làng Hương Nộn làm lễ cúng bà hoàng phi và múa hát hầu thánh tạ ơn và từ đó người ta còn gọi làng Hương Nộn theo tên Nôm là Kẻ Xoan.

Đến nay, tại đất Hương Nộn vẫn còn tồn tại một ngôi chùa cổ có từ thời Lý, chùa tên gọi là Diên Linh Phúc Thánh nằm trên núi Ngọc Phúc do chính bà phi Lan Xuân cho xây dựng vào năm Ất Sửu (1145) với kiến trúc độc đáo làm toàn bằng gỗ chò chỉ. Ngôi chùa là nơi bà về tu hành và mất tại đây năm Tân Mão (1171), mộ táng ở phía Tây chùa, trong toàn tiền đường của chùa hiện còn tượng thờ bà, gọi là tượng Thánh Mẫu.

Nhờ vào nội dung tấm bia “Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí”, chúng ta biết rõ hơn về thân thế của hoàng phi Lê Thị Lan Xuân. Bà xuất thân trong một gia đình danh giá, ông nội giữ chức Phò Ký úy giữ chức quan sát sứ châu Chân Đăng (nay thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ) có trị sở ở hương Tuế Phong (này là Hương Nộn, huyện Tam Nông); ông là cháu nội của vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, như vậy, bà Lê Thị Lan Xuân là cháu năm đời vua Lê Đại Hành.

Cha bà được phong chức Phụ Thiên Đại Vương, mẹ là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, một hoàng thân nhà Lý. Bà Lan Xuân là con út của Phụ Thiên Đại Vương; bà có người chị cả được phong làm Cảm Thánh hoàng hậu, vợ vua Lý Thần Tông, đến năm Giáp Dần (1134), vua thấy bà có nhan sắc, đoan trang nhất mực lại đủ tứ giáo (Công, dung, ngôn, hạnh) nên  đón vào cung làm phi.

“Mới vào trong cung đã hiểu rõ đạo lý làm vợ, lên trên tông thất thì giữ bền phong độ nữ lưu. Ăn mặc điểm trang ắt đúng độ, nói năng cử chỉ ắt đúng phép. Bính Thìn, năm thứ tư (1136), bà được tiến phong làm Phụng Thánh phu nhân.

Bấy giờ phu nhân giữ bền tâm hạnh, thời thường lại sửa mình theo giáo hóa, bổn phận dâu hiền không hề thiếu sót, ân huệ lễ mọn cũng thấm xuống dưới. Sánh ngang Hoàng Anh vợ vua Thuấn, dâng lời phò trí giúp mưu, giống như hai bà Thái Nhâm, Thái Khương giúp vua Văn Vương nhà Chu, trước hết đều nêu cao đế đạo”.

Năm Đinh Tỵ (1137) vua Lý Thần Tông băng hà, Phụng Thánh phu nhân Lê Thị Lan Xuân tình nguyện ở lại đất Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) để trông coi lăng tẩm dù vua Lý Anh Tông (con của chị bà là Cảm Thánh hoàng thái hậu) nhiều lần muốn bà về ở tại hoàng cung để tiện việc phụng dưỡng nhưng bà từ chối.

Vua và hoàng thái hậu thường xa giá về Cổ Pháp để thăm, thấy nơi ở đơn giản nhưng nề nếp, bèn khen phẩm cách của bà và than rằng: "Đúng là bậc phu nhân thời thịnh trị ngày trước".

Sau 8 năm hương khói, chăm sóc lăng mộ Lý Thần Tông, bà xin về hương Tuế Phong là nơi đất đẹp có núi đồi thanh tú vây quanh, sông hồ xanh biếc bao bọc ở thế rồng ấp hổ chầu để chọn đất dựng chùa tu hành, vua Lý Anh Tông đã ra sắc chỉ đặc ân cấp cho nhân công, cho gỗ ngói để dựng chùa.

Tháng 9 năm Tân Mão (1171), bà Lan Xuân lâm bệnh nặng, vua Lý Anh Tông nghe tin sai nhiều danh y đến chữa trị, bản thân vua túc trực “thân hành thuốc thang cơm cháo, chạy chữa trăm cách bệnh vẫn không khỏi.

Sáng sớm ngày Kỷ Mùi 18 tháng 10 năm ấy, phu nhân tạ thế, thọ 63 tuổi”. Vua Lý rất đau đớn, thương xót, nghỉ thiết triều, giảm bữa ăn để tỏ lòng, lại sắc ban lễ phúng gấp bội lệ thường, rồi sai làm lễ táng theo nghi thức của hoàng hậu tại núi Phác Sơn, phía Tây chùa Diên Linh Phúc Thánh, dựng bia ghi lại đạo đức tốt đẹp của bà hoàng phi cùng bài minh, trong đó có câu ca ngợi rằng:

“Phu nhân ý hạnh hiển đương thì/ Thần bà xước cước hợp vi dị/ Ngọc lâu đài cung thất á hậu/ Tâm đồng cầm sắt vô đố kị” (Nghĩa là: Đức hạnh phu nhân rực rỡ đương thời/ Thần bà duyên dáng hợp thành sự linh dị/ Lâu đài cung thất ngọc vàng, sánh ngôi á hậu/ Tâm đồng cầm sắt hài hòa, không đố kị).

Nghệ thuật hát Xuân (Xoan) do bà Quế Hoa sáng tạo ra, được Mỵ Nương Nguyệt Cư tổ chức phổ biến trong dân gian và được bà phi Lan Xuân góp công phục dựng, cải biến và phát triển.

Có thể nói, bà Phụng Thánh phu nhân Lê Thị Lan Xuân là người mở đầu cho việc từng bước hoàn thiện hát Xoan, sau bà nhiều trí thức, Nho sĩ, quan lại mà nổi tiếng nhất là tiến sĩ Đỗ Nhuận (phó soái hội Tao Đàn đời Lê Thánh Tông), họ đã thu thập văn bản, sửa chữa câu từ, biến hát Xoan tuy phong phú về lời điệu nhưng còn mộc mạc, thô sơ chưa có nề nếp rõ ràng trở thành những câu hát, điệu múa thanh thoát, đẹp đẽ bóng bẩy hơn, có bài bản được cố định thành quy cách nghiêm ngặt, mặt du nhập thêm vào nội dung Xoan những chi tiết không phải của thời Hùng Vương.

Tuy nhiên, những nét đặc trưng của hát Xoan vẫn được giữ đến tận ngày nay, theo các nhà nghiên cứu sử học và văn hóa dân gian, một số câu từ, ngữ điệu trong hát Xoan còn giữ lại được những âm điệu rất cổ mà có thể đó chính là những ngôn ngữ có từ thời lập quốc.

Hát Xoan nếu trình diễn bài bản, bao gồm 3 phần (phần lễ nghi, phần trình diễn và phần hát hội) theo 3 phong cách (hát nói, hát ngâm, ca xướng), 5 đoạn lề lối (hát chúc, giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, bỏ bộ), 14 đoạn quả cách (“quả” là một bản hát dài, “cách” là một lối hát theo bài bản cụ thể với câu hát cuối cùng của bài có từ “cách” và tên mỗi bản hát đều kèm theo một chữ “cách” như:

Kiều Giang cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách…) và 8 đoạn nam nữ đối đáp (Xin hoa, Cài hoa mó cá, Đố chữ, Đón đào, Đi chơi bợm gái, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Đường đi trên suối dưới khe, Hát Đúm còn gọi là Hát Đụ, Hát Đớ).

Một đội hát Xoan gồm có 6 nam và 12 nữ trẻ đẹp gọi là phường Xoan, hát bằng nhiều giọng khác nhau, có lúc dùng điệu bộ chân tay, có lúc nhảy múa theo nhịp trống phách làm đệm. Hát Xoan còn là một loại hình diễn xướng tổng hợp với nhiều thể loại như: hát khẩn nguyện, hát giao duyên, hát diễn tích truyện… và hình thức hát cũng rất phong phú: hát xen kẽ, hát đơn ca, hát tập thể, hát kết hợp với trò chơi…

Ngoài tên gọi chính, hát Xoan còn có một số cách gọi là hát Khúc đình môn (hát cửa đình) vì được trình diễn tại đình đền; hát Lãi Lèn vì sau mỗi bản dài trong phần hát các “quả cách” thường có lời đệm để kết “lên là lên lễ, lên lễ là lên” sau đọc chệch là lãi lèn và một tên gọi khác nữa là hát Đúm vì khi biểu diễn có lúc kết hợp lối chơi đúm trong các đoạn đối đáp với quả đúm là một mảnh vải điều được cuộn tròn bên trong chứa trầu cau được hai bên nam nữ tung qua tung lại:

Đúm này em dặn thì nghe

Đúm bay cho tới áo the đúm vào

Đúm vào người hỏi làm sao?

"Em là quả đúm em vào kết duyên".

Cành xanh lá phấn chỉ tấn tơ tần

Se một mối chăn loan gối phượng

Đẹp no đôi, thương với nao nhớ với nào

Khoan khoan quả đúm đưa vào chàng có yêu chăng?

Ca từ trong hát Xoan là nghệ thuật diễn đạt khéo, sử dụng cái hay của cả hai dòng bác học và dân gian, mỗi tiết mục có thể được coi như một tấm gương phản ánh những nét sinh hoạt sống động một thời của xã hội như miêu tả hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, ca ngợi thiên nhiên hoặc kể lại các tích xưa... với tình cảm nồng hậu của con người cùng những khát khao, ước vọng tuy cuộc sống còn gian nan vất vả nhưng vẫn đầy lạc quan, yêu đời hi vọng về một ngày mai ngày càng tươi sáng, hạnh phúc.

Hát Xoan tồn tại, phát triển hàng ngàn năm qua không chỉ là một di sản hết sức quý báu mà còn là nét đặc sắc phản ánh văn hóa và con người Việt Nam trường tồn suốt chiều dài dựng nước và giữ nước.

  • Lê Thái Dũng
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc