Có một điềm gì đó thôi thúc tôi tìm đến nhà ông. Ngôi nhà xuất hiện trước mắt, nhưng im ỉm đóng và hoang lạnh hơn nhiều so với lần trước tôi đến. Tìm hỏi những người xung quanh tôi mới được biết, ông Ba đã mất cách đây mấy tháng sau một cơn bạo bệnh. Vợ ông cũng được chuyển vào viện dưỡng lão.
Cơ cực cảnh đời
Hỏi về cảnh đời của vợ chồng ông Ba, từ trẻ nhỏ cho đến người già ở phố Trần Nguyên Hãn, nơi ông thường xuyên thu mua đồng nát, hay ở phố Tân Ấp, Phường Phúc Xá, Quận Ba Đình, chốn cư ngụ hiện tại của hai vợ chồng ông, không ai là không rành rẽ, nhưng ít ai biết được, đôi vợ chồng đó đến đây từ bao giờ, quê quán ở đâu.
Tìm gặp ông trên phố, khi nghe chúng tôi bày tỏ muốn được ông dẫn về nhà, ông Ba lắc đầu quầy quậy nói: “Hôm nay có người hẹn cho tôi giấy rồi, phải chờ chứ, không người ta đưa đến không thấy mình, lại mất công mất việc của họ”. Rồi ông buông mắt nhìn ra dòng người đang ồn ã, thở dài đánh thượt một cái, nói trong não nề: “Vợ tôi bị mù cũng vào ngày mồng 2 Tết, sáng bà ấy vừa đi ra đường, gặp luôn hai thằng đang đánh nhau, luống cuống thế nào mà chúng nó chọc gậy vào mắt. Cũng là số trời đày, không cho bà ấy sáng mắt chú ạ.”
Vợ ông, bà Phạm Thị Thắm năm nay 72 tuổi, vốn quê gốc ở Thanh Hóa. Số đời như đã “mặc định” cho bà một cuộc đời đầy cay đắng. Lên 10 tuổi, cả bố lẫn mẹ của bà đều ra đi vì bệnh tả, còn bản thân bà trước khi bị mù nốt con mắt bên trái thì đã chẳng may bị trâu húc làm mù con mắt phải.
Ông Ba |
Bà phải sống nhờ vào sự cưu mang của lối xóm. Lớn lên chút nữa, nghe theo tiếng gọi lên đường của Tổ quốc, bà đi dân quân, rồi được biên chế vào đội thăm dò địa chất. Giữa những trận bom mưa, đạn lửa, những bước chân của bà và đồng đội vẫn đặt lên khắp dọc dài nước Việt, rồi sang cả nước bạn Lào, Campuchia.
Hòa bình lập lại, sức lực cũng vơi đi, bà chuyển công tác làm tạp vụ trong nhà ăn của Bộ Lao động thương binh và xã hội (lúc bấy giờ vẫn là Cục lao động thương binh và xã hội). Ông Ba, nghe đâu quê ở tận đất võ Bình Định. Năm 1946, ông đã vào thiếu sinh quân.
Lớn lên thêm chút nữa, ông được cử đi học ở trường trung học bình dân, rồi khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra, ông được điều động sang Ủy ban kháng chiến liên khu VI với nhiệm vụ liên lạc cho tổ báo Phấn Đấu. Hoàn thành nhiệm vụ, ông tập kết ra Bắc, đó cũng là cơ duyên để cho cuộc tình muộn màng của hai người sớm có cơ hội nảy nở.
Họ gặp nhau trên phố, từ sự đồng cảm của hai số phận cùng cảnh ngộ mà gán duyên, nên nghĩa. Lấy nhau, nhưng không có lấy một tấc đất cắm dùi, không một mái nhà để che nắng che mưa. Hai vợ chồng cứ sống dật dờ trên phố, sáng đi buôn đồng nát, tối về trải chiếu lên vỉa hè để ngủ.
Phải mấy năm sau ngày cưới, có đứa cháu con họ hàng xa với bà Thắm để lại cho một căn nhà nhỏ trên phố Tân Ấp. Nhờ thế mà ông bà chấm dứt được kiếp ăn đường, ngủ phố. Có nhà, dù chỉ là một căn nhà sập sệ, mùa đông thì lạnh thấu da, mùa hè nóng hầm hập, mưa giội, gió lùa, nhưng như thế với vợ chồng ông cũng là một giấc mơ có thật chưa một lần dám nghĩ tới. Phúc mới đến, họa cũng tìm về. Bà Thắm rơi vào cảnh mù lòa, phải đưa vào viện điều trị.
Bà Thắm xuất viện về nhà, đôi mắt không còn thấy ánh sáng, đến cả việc lo cho bản thân cũng không làm nổi, nói gì đến chuyện đi làm và đảm đương được chức phận của một người vợ. Không những thế, có lẽ một phần do cú sốc quá lớn vì những tai nạn bất chợt đổ dồn lấy đi chút ánh sáng cuối cùng của cuộc đời hay không, mà bà sinh ra ngơ ngẩn, nói rào rào suốt ngày không ngớt.
Vợ chồng ông Ba - bà Thắm |
Ông Ba kể thêm, nhiều đêm, ru mãi bà mới chịu ngủ, đang đêm yên tĩnh, bà lại bật dậy nói liên hồi như thế. Dỗ không được, thế là hai cái bóng còm nhom thân già ấy đành ngồi với nhau cho đến tận sáng rõ mới thôi. Đó là còn chưa kể những hôm trái gió trở trời, bà tự nhiên như một con người khác, đôi mắt long lên sòng sọc đầy dữ tợn, còn hai bàn tay cứ bấu vào nhau chặt cứng cứ như bị ma ám. Những lúc đó, ông Ba chỉ dám đứng canh chừng bà từ xa, vì đã có lần, khi ông vừa kịp tiến đến gần đã bị bà đứng phắt dậy, đấm thùm thụm vào cái thân hình gầy còm chỉ có da bọc xương của ông.
Buôn đồng nát nuôi vợ
Xếp đặt lại đống bìa các tông và giấy báo mới gom được lúc chiều, ông Ba bắt đầu hồi nhớ lại những ngày tươi đẹp nhất trong cuộc đời của hai vợ chồng. Đó là những năm 90, sau khi lấy nhau, hai vợ chồng ông quyết định sẽ cùng nhau đi buôn đồng nát. Cũng từ đó, người dân trên khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội đã rất quen thuộc với hình ảnh của vợ chồng ông. Trời nắng cũng như trời mưa, vợ chồng ông bà vẫn cứ lầm lụi trên khắp phường phố của đất Hà Thành.
Vốn vui tính, thật thà lại có duyên ăn nói, ông bà tạo dựng được nhiều mối quen biết thân tình, nhiều người suốt mấy năm trời chỉ bán đồng nát cho ông bà mà thôi. Vì thế mà nghề buôn đồng nát cũng đem lại cho hai vợ chồng ông một khoản thu đủ đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống tằn tiện, và một phần tích lũy để phòng khi ốm đau trái gió.
Thế mà đùng một cái, bà bị tai nạn không những phải vét sạch những đồng tiền cuối cùng, mà từ đó, ông Ba phải lùi lũi một mình trong cái nghiệp áo cơm nhọc nhằn ấy. Không còn đủ sức để đi xa, lại muốn được ở gần để chăm sóc bà, ông Ba quyết định chọn lấy một địa điểm quen thuộc để gắn bó lâu dài.
Tuyến phố Trần Nguyên Hãn nơi có nhiều cơ quan, lại gần với Hồ Gươm, đông người qua lại được ông lựa chọn. Đó cũng chính là nơi ông hành nghề buôn đồng nát từ đó cho đến nay. Một ngày làm việc của ông Ba thường bắt đầu vào lúc 5h sáng. Sau khi nấu nướng và cho vợ ăn uống đàng hoàng, ông mới đẩy chiếc xe cà tàng đã được cải tiến của mình đi mấy cây số để tới nơi làm việc. Buổi trưa, không thể về lại nhà, nên bao giờ ông cũng nấu sẵn cơm trưa cho vợ, đặt ở nơi bà dễ quờ tay với lấy nhất. Còn ông, chỉ đùm lấy một nắm nho nhỏ, thêm chút muối vừng… thế là xong bữa cơm trưa.
Ông Ba kể: thời gian đầu ở cố định một điểm để thu gom giấy loại, khó khăn lắm. Có hôm cả ngày trời chả mua được cái gì. Ông giải thích: Cái nghề này phải mạnh chân khỏe tay, đi càng sâu vào ngõ ngách thì mới mua được nhiều, nếu cứ ngồi một chỗ như ông, thì ai người ta đem đến cho mà bán. Nhưng giờ ông yếu lắm rồi, không thể đi xa như thế được, nên đành kiên nhẫn “chờ thời vậy”.
Phải đến mấy tháng sau, có cô trà đá nghe ông kể chuyện, thấy thương tâm mới đi nói lại cho mọi người. Thế là người nọ, nói cho người kia, họ ùn ùn đem giấy đến bán cho ông. Có người thương tình, cứ gom giấy lại, rồi đến tháng gọi ông lên cho. Ông Ba khoe, nhiều cô văn phòng trẻ trẻ, thỉnh thoảng vẫn biếu ông giấy, khi nào cũng ríu rít nói: “Thời buổi bây giờ, bố là của hiếm đấy ạ… chồng con mà được một tí ti của bố, là chúng con được nhờ đến nhường nào.” Nghe thế, ông vui lắm, trên khuôn mặt già nua lại nở những nụ cười.
Cũng nhờ thế, mà hàng ngày ông cũng kiếm được đồng ra đồng vào, thêm vào cho bữa cơm vốn đã đạm bạc của hai vợ chồng. Cuộc sống đã bớt đi cảnh khổ, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng trẻ con bên nhà hàng xóm khóc là ông lại hiu hắt buồn. Lấy nhau đã đến tuổi xế chiều, nhưng ông bà vẫn không thể có được một mụn con để thêm vui cửa, vui nhà và có người nối dõi.
Ông kể, ngày mới lấy nhau, buôn bán có phần dư dật, hai vợ chồng đã đưa nhau đi chữa trị ở nhiều bệnh viện, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Thế nên, hai cuộc đời cô quạnh ấy chỉ còn biết nương tựa vào nhau để khỏa lấp đi sự thiếu thốn.
Dẫu vậy, không ít lần ông Ba vẫn phải than thở: Nhà thì nhỏ, mà sao vẫn thấy trống trải lắm.
Nói về ông Ba, cô Liên, một người có thâm niên bán trà đá trên phố Trần Nguyên Hãn hồ hởi: “Ông Ba ấy à, cả phố này ai mà chả biết, chả thương. Thời buổi này, lại tuổi già thế kia mà ngày nào cũng lùi lũi trên phố, tối lại về chăm vợ. Nên cả phố này, bà con quý lắm".
Tôi còn nhớ, hôm sau tôi lại tìm đến con phố quen thuộc nơi ông “hành nghề”, nhưng chờ cả buổi sáng, lục tung cả con phố vẫn không thấy cái dáng nhỏ thó của ông đâu. Tìm đến nhà ông, cánh cửa sắt nhàu nát vẫn đóng im ỉm. Phải một lúc lâu khi gọi cửa, mới thấy ông Ba nặng nhọc bước ra, giọng thều thào giải thích: “Mấy hôm nay tự nhiên trở trời, trong người thấy mệt quá nên phải nghỉ”.
Căn nhà vốn đã nhỏ, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao chót vót khác, trong cái nắng hầm hập của Hà Nội lại càng trở nên ngột ngạt. Chiếc quạt đặt dưới đất thỉnh thoảng lại kêu rít, lẫn vào những lời không rõ nghĩa của bà Thắm.
Ở bên cạnh, ông Ba lại thở dài nói trong não nề: “Hôm nay nóng, bả lại nói nhiều rứa. Tôi ốm cũng không chăm sóc được bả nhiều. Đành trông vào số trời vậy anh ạ. Trời cho sống đến khi nào thì sống.” Nói xong câu ấy, trong khóe mắt của ông Ba chợt ngân ngấn nước. Bây giờ, người đàn ông ấy đã đi xa, nhưng tấm lòng và tình yêu chung thủy của ông với người vợ thì người dân ở đây vẫn nhớ và vẫn nhắc nhau nhớ về như những bông hoa vẫn nở giữa đời thường.
- Cao Tùng