[links()]
Tôi muốn hai người con của tôi đọc bài văn đó
-Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm và người ta chia sẻ quan điểm cá nhân qua bài văn cảm động của Trung Hiếu, cậu học sinh lớp 11 trường Ams với nhiều ưu tư…
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: - Tôi đã đọc và thấy rất xúc động, đồng thời thấy rằng chúng ta có rất nhiều những người con hiếu thảo. Có thể là sự hiếu thảo, suy tư trong thầm lặng nhưng đến lúc nào đó nó sẽ thể hiện ra. Những người như vậy xã hội ta coi đó là nền tảng rất quan trọng để phát triển bền vững các giá trị đạo đức.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng |
Phản ứng tiếp theo của tôi là tôi muốn hai người con của tôi đọc bài văn đó. Thứ nữa là thấy phản ứng của xã hội cũng rất đáng phấn khởi. Sau bài văn đó có rất nhiều lời kêu gọi giúp đỡ gia đình này.
Như vậy chứng tỏ xã hội mình không cần một mệnh lệnh của ai cả, chúng ta vận hành nó rất là nhân bản. Đó là nền tảng rất quan trọng để tạo nên sự gắn kết xã hội và vận hành xã hội một cách tốt đẹp.
- Nhiều người đã lên tiếng về cách ứng xử với đồng tiền, quan điểm riêng của ông về vấn đề này qua bài văn của em Hiếu?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: - Đó là một cách nhìn nhận mà có lẽ những người ở trong hoàn cảnh thiếu tiền đều nhìn nhận như vậy cả. Bởi vì, rõ ràng một mặt mình thấy thích tiền bởi vì phải phụ thuộc vào nó quá, nó gần như có vai trò quyết định quá lớn đối với mình… sự căm ghét đồng tiền nảy sinh từ điểm này là rất dễ hiểu. Mặc dù căm ghét nó nhưng nhìn về một góc cạnh khác lại thấy ngay thiếu nó là không được, lại ứng xử quý trọng đối với nó. Bất cứ một vấn đề nào, khi đẩy đến giới hạn cực điểm thì cách ứng xử gần như mang tính chất nghịch lý như vậy.
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng - |
Cũng như khi quá hạnh phúc thì người ta khóc. Bà mẹ mất con, bất ngờ tìm được con, bà hạnh phúc quá thì bà ấy ngất. Cái gì nó đẩy lên cùng cực thì phản ứng của nó nếu mới xem qua tưởng như là nghịch lý. Nếu đau khổ vừa phải thì người ta chỉ khóc thôi nhưng gặp nỗi đau quá lớn có thể người ta sẽ cười. Quan niệm về đồng tiền thì cũng tương tự như thế.
Nếu cho rằng bài văn nói về con người, nói về sự vô cảm thì thực chất sự vô cảm rất là ít. Đây là một bài văn tràn ngập tình yêu thương con người, đặc biệt là tình cảm trong gia đình, tình cảm mẹ con, cha con, thậm chí các bạn trong lớp. Bài văn này không thể hiện sự vô cảm mà nó thể hiện sự cảm thông sâu sắc, đặc biệt là tình cảm trong gia đình, tình yêu thương gắn bó trong gia đình. Đó có lẽ là giá trị cao của bài văn.
Động lực làm giàu đã có, tái phân phối công bằng thì chưa…
Ông nghĩ sao về đoạn văn em Hiếu tả cảnh trong bệnh viện, một giường 3 người bệnh nằm còn phòng bên cạnh chỉ có một người nằm với đầy đủ thiết bị sang trọng?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Bài văn của Hiếu cũng gióng lên một điều mà chúng ta thấy rõ ràng là ở tầm vĩ mô phải rất tỉnh. Đất nước đang phát triển với tốc độ khá nhanh trong thời gian vừa qua, sự giàu có đang đến và nó chia không đồng đều khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giàu nghèo đang dãn ra rất nhanh. Đó là một thực tế.
Câu hỏi nảy sinh từ đây là: Làm thế nào để đạt được sự bình đẳng mà không phải là sự cào bằng? Một sự bình đẳng tương đối tạo được đà phát triển? Đấy là một trong những trăn trở mà những người hoạch định chính sách phải tính và tạo ra công cụ gì để bảo đảm sự công bằng đó được thực hiện. Đó là một bài toán rất khó.
Nếu cào bằng theo mô hình xã hội trước đây thì không có động lực, thành thử không có ai làm cái gì cả. Tất cả là bình đẳng, bình đẳng trong sự nghèo khổ. Bây giờ mở ra để mọi người tự do vươn lên với kinh tế thị trường thì có người có cơ hội, chớp lấy cơ hội và họ có năng lực thì giàu rất nhanh.
Những người không có cơ hội đó, hay có người thiếu hụt đi chỉ mấy đồng như cậu bé này, có thể cậu bé này chỉ mong manh như thế, có thể cậu bé này bị đẩy sang một tình thế không thể kiếm tiền được trong hệ thống nếu không thể tiếp tục học được nữa. Có rất nhiều gia đình như vậy nên điểm mấu chốt cần giải quyết ở đây là: làm thế nào để tái phân phối lại giàu có để đạt được công bằng nhưng lại không triệt tiêu động lực để làm giàu, để phấn đấu. Đây là một bài toán rất khó.
Hiện tại, có lẽ động lực làm giàu đã được khơi gợi, cổ vũ khá là tốt nhưng tái phân phối để đảm bảo sự công bằng xã hội đó là mục đích tối thượng mà chúng ta đang hướng tới thì có vẻ là chưa đạt được như chúng ta mong muốn.
Qua đây, còn có một vấn đề nổi lên nữa là các nhà hoạch định chính sách phải thấy cần bảo đảm mạng lưới chính sách an sinh xã hội là rất quan trọng. Trong mô hình phát triển như thế nào đó thì cũng phải tính đến hệ thống, một mạng lưới bảo đảm an sinh xã hội.
Bây giờ, bảo hiểm Y tế là một cái rất quan trọng. May mà gia đình này còn có bảo hiểm Y tế, chứ nếu không có thì còn khốn khó nữa. Bởi vì nếu không có bảo hiểm Y tế thực chất sẽ không chạy thận được đâu. Ngay cái chuyện bảo hiểm Y tế dù chỉ ở mức này cũng thấy đó là một trong những phao cứu sinh rất lớn. Thế thì những công cụ an sinh xã hội khác như “Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ hộ trợ học sinh nghèo, Quỹ cho vay để học Đại học… tất cả những cái như vậy là rất cần thiết để một xã hội giảm bớt những số phận bất hạnh, giúp những người bị đẩy đến tình cảnh như thế có chỗ mà bấu víu.
Tiếng thét của dạ dày to hơn tiếng nói của lương tâm
- Nhiều người cũng cho rằng bất bình đẳng giàu nghèo đang diễn ra rất mạnh nhưng họ đi đến kết luận rằng giàu là có lỗi và vô cảm; chỉ khi ít tiền, nghèo đói mới không vô cảm, mới có tình người…
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: - Thực chất cách suy nghĩ như vậy rất là cực đoan, bởi vì người giàu trong rất nhiều trường hợp không có lỗi. Người ta hiểu về thị trường, người ta kinh doanh giỏi thì người ta giàu có. Mình không hiểu biết về thị trường, mình không kinh doanh giỏi thì mình không gặp cái giàu. Rõ ràng, cái gốc yếu tố lỗi không hiện rõ ở đây, vì nếu có thì mình đã trở lại mô hình: do anh bóc lột tôi mà anh giàu. Nếu đổ lỗi như vậy thì có lẽ dân tộc ta sẽ đi vào vòng quẩn quanh không có lối thoát.
Trước hết, chúng ta phải xem góc độ người ta giàu là vì cái gì. Cũng có người giàu bất chính, có người do giỏi giang mà giàu, cũng có người do gặp may mà giàu…cuộc sống có rất nhiều cơ hội. Tôi đã thấy có người có ít tiền vung ra mua bất động sản, cũng chẳng phải giỏi lắm đâu nhưng ở cái thời điểm đấy là ăn may, sau này người ta bán hết, không làm nữa. Nếu người ta làm nữa thì cũng trắng tay rồi, nhưng người ta không làm nữa thì người ta giàu (cười). Trong trường hợp đó thì không phải người ta giỏi mà người ta may mà giàu. Cũng có người giỏi biết rằng là nó sẽ sụp, người ta không làm nữa thì người ấy quá giỏi. Mình phải xem tận nguồn gốc của sự giàu có. Nếu mình thấy con người tài giỏi người ta bước nhanh về sự giàu có thì sự giàu có của người ta rất là chính đáng. Thành thử giàu không phải là tội lỗi.
Trong một bài phỏng vấn về người giàu tôi có "nhại" một câu thơ của Tố Hữu: (cười). Như vậy thì phải có một sự tôn vinh, khuyến khích đối với những người làm giàu chân chính. Nếu không thì đòi hỏi sự công bằng là rất khó vì muốn chia cho nhau thì trước hết phải kiếm được cái để mà chia. Người ta không thể chia cái da con hổ mà chưa săn được nó. Tức là những người có điều kiện làm, người ta phải làm được đã. Sau đó sẽ dùng công cụ thuế thu nhập, vận động đóng góp các quỹ tài trợ thì nó chia sẻ lại bằng rất nhiều cách. Có một ngàn linh một cách để tạo sự cân đối nhưng ban đầu phải tạo cơ hội để người ta làm giàu, vươn lên được đã.
Nếu nói người nghèo mới có đạo đức hơn, người giàu không có đạo đức thì đó là một suy diễn vô lối. Bởi vì thực chất chúng ta phải thấy "phú quý sinh lễ nghĩa". Người giàu có nhiều nền tảng để có đạo đức hơn người nghèo, "bần cùng sinh đạo tặc". Điều này không phải bây giờ mới nói mà cha ông ta từ xa xưa đã nói rồi. Vì nghèo túng thì dễ làm liều còn khi người ta no đủ thì lương tâm có tiếng nói dễ hơn. Tiếng “thét” của dạ dày thường to hơn tiếng nói của lương tâm.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa cứ người giàu là đạo đức hơn người nghèo. Cũng tương tự như thế, không có nghĩa cứ nghèo thì thiếu đạo đức hơn giàu có. Nếu như chúng ta có một nền tảng đạo lý được gìn giữ trong gia phong trong gia đình ngay từ đầu thì người nghèo vẫn giữ được cái "đói cho sạch, rách cho thơm", không phải người nghèo là buộc lòng phải vô đạo hơn người giàu. Cũng có những người nghèo người ta giữ được phẩm giá của mình.
Nhưng phải nói thật, nói công bằng thì "phú quý sinh lễ nghĩa" là cái chính hơn. Điều này cũng giống như khi ta nói “ nghèo hèn sinh đạo tặc”. Muốn bảo đảm được xã hội nó tương đối hài hòa, không có các tệ nạn thì phải tạo cho người dân có thu nhập tương đối, có cuộc sống khá giả, lúc đó nói đạo lý dễ hơn.
Kiếm tiền vì những điều mình mong muốn
- Như ông nói đồng tiền chỉ là một trong những giá trị, với cá nhân ông, đồng tiền có giá trị như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: - Đồng tiền là phải có để đáp ứng nhu cầu của mình, tiền cần chứ không thể nói tôi không quý tiền. Tôi rất quý tiền. Nhưng mà tiền là để phục vụ mình chứ không phải là mình phục vụ tiền. Quý trọng tiền nhưng không làm nô lệ cho đồng tiền. Không kiếm tiền vì tiền mà kiếm tiền những cái mong muốn của mình. Ví dụ như mình có thể nuôi dạy con cái nên người, mình có thể có một cuộc sống theo những cái mình lựa chọn, mình muốn; ví dụ như là muốn giúp đỡ người thân, xã hội thì mình có thể làm được…
Đã bao giờ ông phải trải qua những biến cố, những khó khăn về tài chính ảnh hưởng đến các quyết định của mình chưa? Và lúc đó, ông đối phó như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: - Thực chất thì ở tuổi còn nhỏ mình luôn luôn thiếu tiền. Mình thiếu tiền đến mức đói dài mặt, luôn luôn là như vậy. Thiếu như vậy thì mình làm gì? Mình phải tiết kiệm, phải cố gắng nhịn đói chứ không làm gì được. Mình đi học tập trung ở lớp chuyên văn, dịp Tết, không có tiền để mua vé ô tô về nhà thì mình ở lại trực lớp cho các bạn có tiền về. Rất cô đơn trong những ngày Tết đó bởi vì mình ở trong trưởng chỉ một mình thôi. Tết năm sau mình muốn về thì mình đi bộ hơn 40 cây số. Hè thì đi vào rừng kiếm củi, chặt gỗ, chặt tre về bán để lấy tiền mua sắm các thứ cần thiết nhất. Chỉ có cách như vậy thôi…
PV: - Xin cảm ơn ông!
- (Thực hiện)