Bám biển, tàu cá Việt kiên trì chịu Trung Quốc quấy phá

13:50, Thứ sáu 31/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Ngày 31/5, hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cho hay trong hai ngày 27 và 28/5, tàu Trung Quốc đã nhiều lần cản trở hoạt động đánh bắt của tàu cá ngư dân nước ta.

Ngày 31/5, hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cho hay trong hai ngày 27 và 28/5, tàu Trung Quốc đã nhiều lần cản trở hoạt động đánh bắt của tàu cá ngư dân nước ta.

Festival biển diễn trò vui, ngư dân đơn độc chống tàu TQ

 

Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Đài TTDH cho biết, sáng 27/5, tàu cá QB 92448 báo tin về Đài TTDH Đà Nẵng khi đang đánh bắt tại vị trí có tọa độ 16,32 độ vĩ bắc, 109,18 độ kinh đông, chỉ cách Đà Nẵng 63 hải lý về hướng đông bắc thì bị tàu Trung Quốc đuổi ráo riết.

 
Theo mô tả của tàu QB 92448 thì tàu Trung Quốc có màu trắng, mang số hiệu 863.
 
Khi tàu cá QB 92448 cùng 8 ngư dân tìm đường ra khơi trở lại thì tàu Trung Quốc đuổi vào không cho đánh bắt.
 
Tiếp đó, sáng sớm 28/5, tàu cá QB 93768 (9 ngư dân) cũng đã báo tin về Đài TTDH Đà Nẵng về việc bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 788 bắt khi đang ở vị trí 16,57 vĩ bắc, 109,46 kinh đông, cách Đà Nẵng 98 hải lý về hướng đông bắc.
 
Tàu Trung Quốc buộc tàu cá phải đi theo tàu theo hướng 80 độ với tốc độ 2 hải lý/giờ cho đến 9 giờ 50 phút cùng ngày mới thả ra.
Tàu lực lượng Hải quân Việt Nam (bên phải) ra hỗ trợ ngư dân trên biển. Ảnh: TNO
Tàu lực lượng Hải quân Việt Nam (bên phải) ra hỗ trợ ngư dân trên biển. Ảnh: TNO
 
Cũng trong sáng 28/5, tàu cá BĐ 95157 báo tin trên hệ thống Đài TTDH Việt Nam về việc có rất nhiều tàu Trung Quốc vây xung quanh tàu này khi đang hoạt động tại vị trí có tọa độ 8,05 độ vĩ bắc, 110,06 độ kinh đông thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
 
Tuy nhiên do khoảng cách xa nên tàu cá không nhìn rõ số hiệu của các tàu Trung Quốc và chưa xảy ra va chạm.
 
Hệ thống Đài TTDH Việt Nam ngay khi tiếp nhận đã kết nối tàu cá với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh thành có tàu cá bị cản trở cũng như các vùng Cảnh sát biển và Hải quân khu vực.
 
Sau đó, lực lượng Hải quân Việt Nam đã điều động tàu ra hỗ trợ tàu cá BĐ 95157.
 
Qua xác minh thông tin, hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho hay trong khu vực tàu BĐ 95157 đánh bắt có rất nhiều tàu cá nước ngoài, nhất là tàu Trung Quốc đến khai thác tuy nhiên đến 14 giờ 20 phút ngày 28/5, nhóm tàu cá Trung Quốc đã di chuyển nơi khác.
 
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) TP.Đà Nẵng cho biết thêm vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 26/5, đơn vị nhận được tin báo từ hai tàu câu mực của ngư dân Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng là ĐNa 90297 và ĐNa 90370 bị tàu Trung Quốc cản trở.
 
Tàu ĐNa 90297 do ông Hồ Văn Thọ (P.Xuân Hà) làm thuyền trưởng còn tàu ĐNa 90370 do ông Đào Ngọc Bé (P.Thanh Khê Đông) làm thuyền trưởng, cả hai tàu có tổng cộng 69 ngư dân.
 
Trên đường từ Đà Nẵng ra ngư trường truyền thống phía đông quần đảo Hoàng Sa để hành nghề câu mực thì hai tàu bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 863 xua đuổi.
 
Vị trí ngư dân Đà Nẵng bị cản trở là 16,40 độ vĩ bắc, 109,30 độ kinh đông, cách đông bắc Đà Nẵng chỉ 80 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho biết đã phát thông báo đến các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương cũng như các tàu hoạt động trong khu vực bãi Kê (Hải Phòng) tìm kiếm một ngư dân mất tích.
 
Trước đó, từ ngày 25/5, ngư dân Trần Văn Thịnh (26 tuổi, trú thôn Bắc, xã Phù Long, H.Cát Hải, Hải Phòng) điều khiển thuyền nan gắn máy công suất 6 CV (trọng tải 0,7 tấn) đi thả lưới ghẹ ở bãi Kê (xã Gia Luận, H.Cát Hải, Hải Phòng).
 
Đến 9 giờ ngày 29/5 thì khu vực xảy ra mưa giông cùng gió lớn, sau đó các tàu thuyền xung quanh phát hiện lưới của anh Thịnh một nửa nằm trên thuyền nan, một nửa ở dưới nước nhưng không có người nên đã báo tin trên hệ thống Đài TTDH Việt Nam.
 
Trước đó, trao đổi với SGTT, Chủ nhiệm uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nhấn mạnh, Chính phủ cần khẩn trương thành lập lực lượng Kiểm ngư, bởi Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua rồi.

Theo đó, ông Hằng có đưa ra một số biện pháp để bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển chủ quyền: Trước hết, hai bên phải tăng cường trao đổi để làm rõ diễn biến trên biển, từ đó có được các giải pháp đảm bảo an ninh. Các cấp cao và các cấp chính quyền phải tăng cường giao lưu, vì mỗi lần gặp nhau thì mới phát hiện có sự vụ, có biện pháp xử lý. Mục tiêu của hai nước là luôn muốn hoà bình, không ai muốn chiến tranh. Thứ hai, phải tăng cường giáo dục ngư dân thông hiểu pháp luật, các quy định, luật lệ trên biển. Phải hướng dẫn ngư dân cách đấu tranh trên biển, chống lại các hành động không đúng pháp luật. Thứ ba, (đặc biệt cần) chúng ta phải có lực lượng tuần tra trên biển để bảo vệ ngư dân. Hiện nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua việc cho phép Chính phủ thành lập lực lượng Kiểm ngư, làm nhiệm vụ giám sát kiểm tra mọi hoạt động trên biển, trong đó cả giao thông vận tải, đánh bắt cá, an ninh trên biển. Tất nhiên lực lượng an ninh trên biển thì nhiều, nhưng chưa dùng lực lượng vũ trang.

Khi được hỏi vì sao lực lượng kiểm ngư chậm hoạt động, ông Hằng nói "không rõ lắm, nhưng sau khi đưa việc này ra đã có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của tôi là đề nghị phải thành lập sớm lực lượng kiểm ngư. Vấn đề là tổ chức triển khai thành lập thế nào. Đây là lực lượng dân sự hợp pháp, các nước trên thế giới đều dùng lực lượng đó cả chứ ít khi dùng lực lượng vũ trang".

Ông hy vọng,  bộ máy tổ chức, lực lượng, quy chế hoạt động của lực lượng này được sớm hoàn thiện và hoạt động để góp phần bảo vệ ngư dân, dần khắc phục được các vụ việc như vừa rồi trên biển.
  • Mỹ Thơm (Tổng hợp)

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc