Lời nhắn gửi xúc động gửi tới đội ngũ y bác sĩ: Cố lên Bạch Mai ơi, cả ngành y kính trọng ơi!

( PHUNUTODAY ) - Giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mạng xã hội hiện nay đang lan tỏa một bài viết vô cùng xúc động. Đó là lời nhắn gửi đến đội ngũ y bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện Bạch Mai.

Lời nhắn gửi đầy xúc động gửi đến đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảnh báo trong phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội: "Khả năng lây nhiễm Covid-19 hiện nay đang rất, rất lớn; không loại trừ những ngày tới sẽ có thêm nguồn lây nhiễm phát hiện ở cộng đồng, phát hiện ở Bệnh viện Bạch Mai". Thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã dừng khám bệnh theo yêu cầu, dừng tái khám tại khoa, chỉ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, đóng cửa nhà tang lễ... 

Giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mạng xã hội hiện nay đang lan tỏa một bài viết vô cùng xúc động. Đó là lời nhắn gửi đến đội ngũ y bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện Bạch Mai. Tác giả bài viết là chị Trần Mai Hương - một bệnh nhận từng được cứu sống trong thời điểm "thập tử nhất sinh" tại bệnh viện. Dưới đây là nội dung của bức tâm thư xúc động trên:

cafef-1585281282920124387688-crop-1585281292128966864103

Bạch Mai ơi! Thương lắm! Cố lên!

5000 người phải xét nghiệm!!!

Nhìn bức ảnh này, thương chưa!

Thực ra ngay từ ngày đầu tôi đã biết là thế nào bệnh viện cũng có chuyện! Đặc biệt là Bạch Mai!

Người đông như thế!

Niềm hy vọng cuối cùng của những người bệnh nặng, bệnh lạ, không còn biết trông cậy vào đâu!

Tuyến cuối! Nói thì dễ! Nói thì nhẹ! Nhưng nếu ở đó không chữa được, thì thôi, không phải đi đâu nữa!

Tôi đã từng nằm ở đó trong trận ốm thập tử nhất sinh của đời mình! Nằm đúng nơi nặng nhất! Và đã được cứu sống!

Ban đêm, chính mắt tôi chứng kiến những ca trực bác sĩ không hề chợp mắt. Họ đã gọi bệnh nhân mở mắt như gọi người thân của mình.

Tôi cũng tận mắt chứng kiến họ hối hả suốt đêm tìm mọi cách cấp cứu bệnh nhân. Cả kíp trực chạy dồn chạy dập.

Tôi đã chảy nước mắt vì thương bác sỹ! Vất vả quá! Tận tình quá! Chẳng một lời kêu ca!

Nơi ấy, cũng là niềm hy vọng và nơi bấu víu cuối cùng của tất cả những ca khó khăn trên cả nước, bệnh viện nào gặp khó và cầu cứu là họ lại lên đường ngay!

Xin cứu viện? Chẳng ai hỏi vì sao lại gọi ngay Bạch Mai. Nào Yên Bái nào Hòa Bình... Không gọi họ thì gọi ai!

Trên những bức tường phòng cấp cứu và phòng bệnh, còn treo những bức ảnh một người bạn đã tự mình rửa, phóng và mang đến giúp tôi, trong phòng bệnh đặc biệt chằng chịt những dây rợ tôi từng nằm còn treo bức tranh in bài thơ của tôi làm kỷ niệm! Tôi và các bạn từng hòa chung nỗi lo và niềm vui!

Có các bạn tôi từng không sợ chết! Từng treo các bức tranh lên để bệnh nhân nặng ngắm nhìn, để tin yêu cuộc sống hơn! Để có chết cũng phải chết đẹp!

Các bạn của tôi ơi! Lúc nào cũng tuyến đầu! Lúc nào cũng là nặng nhất! Trên vai sao nhiều gánh nặng thế! Sao nhiều trách nhiệm thế! Dặn cẩn thận thì lại bảo đừng lo! Nghiệp rồi!

Thương lắm Bạch Mai ơi!

Ca bệnh nào cũng nặng mới dồn về đó! Nào khám nào hỏi bệnh tình nào cấp cứu! Tránh làm sao được! Tránh thì bệnh nhân trông cậy vào đâu!

Cố lên Bạch Mai ơi!

Cố lên cả ngành y đáng kính đáng trọng ơi!

Bạn em gái tôi viết :"Chắc là Chúa đã gửi họ đến đây"

Chúa đã gửi các bạn đến đây cứu giúp chúng tôi!

Chúa sẽ che chở cho các bạn!

photo-1-1585297616756145441683

Bài viết đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Mọi người đều cảm thấy xót xa cho những y bác sĩ đang làm việc ngày đêm để cứu người. Một dân cư mạng - cũng làm việc trong ngành y để lại bình luận: "Cảm ơn mọi người đã hiểu cho những nhân viên y tế như chúng tôi. Cả 2 vợ chồng tôi đều làm ngành y nên rủi ro trong dịch bệnh có lẽ sẽ gấp đôi người khác. Hôm qua 2 vợ chồng nói chuyện với nhau và có nói đùa với nhau rằng, trong thời dịch, thay vì câu nói “hôm nay mình ăn gì “ thì sẽ thay bằng câu “chiều nay mình có được về không nhà nhỉ".

Bước đầu nhận định nguồn lây Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai

Vào sáng ngày 28/3, Bộ Y tế chính thức công bố thêm 6 người mắc Covid-19, trong đó, ca thứ 168 và 169 đều là nữ - nhân viên cung cấp nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, vào tối 27/3, Bộ Y tế công bố 3 ca mắc có liên quan bệnh nhân 133 ở Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm một nữ bệnh nhân 88 tuổi và hai người thân của người này. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 8 bệnh nhân mắc Covid-19 liên quan Bệnh viện Bạch Mai.

Về nguồn lây tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế nhận định có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây đến từ phạm vi ngoài bệnh viện. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Hà Nội vào chiều 27/3, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng phân tích đường lây nhiễm của 4 bệnh nhân 161, 162, 163 và 133. Trong đó, bệnh nhân 162 là con dâu của bệnh nhân 161 và bệnh nhân 163 là cháu ruột bệnh nhân 161.

Bệnh nhân 161 chung phòng điều trị với bệnh nhân 133 tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân 162 và 163 là người thân chăm sóc bệnh nhân 161. Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân có mối quan hệ gia đình để xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân 161 có kết quả dương tính rất rõ ràng, khong khi bệnh nhân 162 có kết quả dương tính yếu ớt, thời gian dương tính chậm và lượng virus trong cơ thể rất thấp.

"Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân 162 có thể mới nhiễm hoặc đã nhiễm virus từ lâu và bắt đầu khỏi bệnh. Sau đó, kết quả định lượng về kháng thể cho thấy rõ thời gian nhiễm đã lâu. Có thể khẳng định bệnh nhân 162 đã nhiễm bệnh từ bên ngoài, sau đó vào viện tiếp xúc ca 161 từ ngày 17-22/3 và nằm cùng bệnh nhân 133 nên cả ba người lây nhiễm cho nhau. Còn bệnh nhân 86 và 87 không liên quan cụm 3 bệnh nhân này. Chưa thể khẳng định có việc lây nhiễm chéo trong Bệnh viện Bạch Mai" - bác sĩ Hùng phát biểu.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn