"Bản đồ về COVID-19 tại Hà Nội" được lan truyền trên mạng với hàng chục chấm đỏ cảnh báo trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, Công an TP.Hà Nội cho hay, "Đây là bản đồ không chính xác, người dân không nên tin và chia sẻ bản đồ này".
Việc người dân tự ý làm bản đồ các khu vực lây nhiễm không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Trước đó tại Hàn Quốc, một sinh viên đã tự tạo ra bản đồ số để cung cấp thông tin về vị trí người nhiễm dựa trên thông tin xác thực của những người bệnh do Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cung cấp.
Đây là một cách làm thể hiện sự chung tay của cộng đồng trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Tuy vậy, cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sự chính xác của công cụ nói trên phụ thuộc vào chính người chủ bản đồ.
Trong trường hợp người chủ bản đồ vô tình hay cố ý đăng tải những thông tin không chính xác, điều này sẽ gây ra tâm lý hoang mang không cần thiết. Các thông tin sai sự thật (fake news) cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và sinh hoạt của những người dân đang sinh sống tại chính những khu vực bị “đánh dấu đỏ”.
Để cập nhật các thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất về dịch COVID-19, người dân nên cập nhập thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (địa chỉ https://moh.gov.vn/) hoặc các trang thông tin chính thống, có uy tín.
Các chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông.