Theo Văn phòng Chính phủ ngày 18/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến giao Bộ NNPTNT tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo quy chế mua tạm trữ thóc, gạo.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ hướng nội dung dự thảo quy chế: Đối tượng tham gia mua tạm trữ thóc, gạo là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thóc, gạo; trước mắt việc mua tạm trữ áp dụng đối với cả thóc và gạo, về lâu dài sẽ hướng tới mua tạm trữ thóc để tăng cường việc mua trực tiếp từ người nông dân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chủ trì phân bổ chỉ tiêu, điều hành hoạt động mua tạm trữ thóc, gạo; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa VFA và các địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 3 tháng; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định.
Giá lúa hiện đang ở mức thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ. Trong ảnh: thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ). Ảnh: TTO. |
Trước đó, báo chí đã liên tiếp phản ánh tình trạng người nông dân gặp khó khăn do không bán được thóc, gạo, có tình trạng thương lái trong nước không thu mua. Hơn nữa với mức giá rất thấp như hiện nay việc bán lúa gạo cũng sẽ khiến lợi nhuận không cao, nếu không muốn nói là lỗ.
Trên thực tế, thay vì lãi 30% theo giá thành định hướng của Nhà nước, hiện giờ nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị... lỗ 30%. Dù giá lúa xuống quá thấp nhưng nông dân vẫn buộc phải bán để có tiền thanh toán nợ nần...
Theo hãng tin Reuters, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của VN giữa tuần qua được chào ở mức 410-415 USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 370-375 USD/tấn.
Trong khi cùng thời điểm giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 480 USD/tấn, còn giá gạo trắng tiêu chuẩn 100% B của Thái Lan ở mức 600 USD/tấn.
Giá lúa hàng hóa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá 4.300 - 4.400 đồng/kg; lúa tươi hạt dài giá 4.600 - 4.700 đồng/kg…
- An Khanh (Tổng hợp từ Dân việt, Phunutoday)