Khi đoàn thanh tra của Sở Y tế (TP.HCM) tiến hành thanh tra đột xuất phòng khám bệnh y học cổ truyền Trung Quốc tại số 141 Phan Đăng Lưu, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, một số người Trung Quốc đang khám bệnh vội cởi áo blouse rồi thoát ra ngoài rất nhanh. Người quản lý cơ sở cũng không trưng ra được bằng cấp và giấy chứng nhận hành nghề của các bác sĩ trên.
[links()]
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận phòng khám có nhiều loại thuốc tiêm, kháng sinh, dịch truyền, thuốc viên mang nhãn mác Trung Quốc, nhưng không xuất trình được giấy phép lưu hành.
Phòng khám trên không được phép truyền dịch, nhưng ngang nhiên truyền dịch tại chỗ; có rất nhiều chai dịch truyền (ghi toàn chữ TQ), những vỏ chai dịch truyền được chất cả trong nhà vệ sinh trên lầu 1. Phòng khám không được làm phẫu thuật, nhưng vẫn cắt trĩ cho bệnh nhân. Treo bảng quảng cáo về chức năng chữa bệnh không đúng với những gì đã xin phép...
Atropin, loại thuốc quan trọng trong cấp cứu chống sốc, quá "đát" (date) từ tháng /2012 tại phòng khám y học Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: SGTT |
Tình trạng trên rất phổ biến ở các phòng khám đông y Trung Quốc khác. Trước đó, Phunutoday đã đăng loạt bài phản ánh về hàng loạt phòng khám đông y quảng cáo rầm rộ, chữa khỏi đủ thứ bệnh với giá cực cao, thậm chí giá tiền chích 1 cái nhọt lên tới 2,5 triệu đồng nhưng bệnh nhân đều "tiền mất, tật mang".
Chiêu trò thường dùng của các cơ sở này là không công khai rõ ràng mọi chi phí khám chữa bệnh, khi bệnh nhân vào tròng, nhân viên mới hét giá trên trời và lúc đó bệnh nhân chỉ còn bấm bụng trả tiền.
Trả lời trên báo chí, một quan chức Bộ Y tế từng khẳng định, việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh và cấp phép hành nghề cho các thầy thuốc có một quy trình rất nghiêm ngặt.
Đối với các cơ sở kinh doanh, giấy phép sẽ do UBND tỉnh cấp. Đối với các thầy thuốc hành nghề, giấy phép sẽ do Sở Y tế cấp. Theo đó, thầy thuốc phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện, giấy tờ như: Bằng cấp, lý lịch, giấy phép hành nghề... Tất cả phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa thông qua đại sứ quán.
Những giấy tờ, văn bằng chứng chỉ này đều được kiểm tra, xác minh lại. Sau đó có cả một hội đồng gồm đầy đủ các thành phần do giám đốc sở y tế đứng đầu sẽ họp bàn rồi mới quyết định cấp phép.
Chai dịch truyền để cả trong nhà vệ sinh tại phòng khám y học Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận. Ảnh: Thanh niên |
Quy trình là như thế nhưng vị quan chức y tế này phải thừa nhận: “Y học cổ truyền Trung Quốc rất phát triển, nhưng thầy thuốc giỏi có sang Việt Nam hay không thì không ai biết được”. Và khi các đoàn thanh tra của ngành y tế bất ngờ kiểm tra thì hầu như bất kỳ phòng khám đông y Trung Quốc nào cũng có sai phạm.
Báo Tuổi trẻ dẫn thống kê của phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tại TP.HCM hiện có 13 cơ sở chẩn trị, phòng khám có bác sĩ là người Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép cho hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam. Đa số bác sĩ này có giấy chứng nhận trình độ chuyên môn từ một “lò” là Học viện Trung y Quảng Tây.
Chỉ tính riêng năm 2010, Bộ Y tế đã thống kê, cả nước có 62 bác sĩ Trung Quốc tham gia hành nghề khám, chữa bệnh tại 54 cơ sở. Hà Nội là nơi có nhiều phòng khám nhất, 21 cơ sở với 23 bác sĩ (tính đến năm 2010).
Một người từng làm cho phòng khám Trung Quốc ở TP.HCM nói với PV Thanh Niên: Phần lớn các phòng khám có người Trung Quốc tại Việt Nam đều không được đầu tư nhiều, họ chỉ có vài bàn khám; thuê một số người biết tiếng Hoa để làm phiên dịch, tiếp nhận bệnh; đặt vài cái máy toàn chữ Trung Quốc gọi là điều trị sóng điện, sóng cao tần…
Và, họ thường “cò” bệnh nhân truyền dịch, với giá rất cao: 500.000 đồng/chai, làm những thủ thuật khác, rồi tính giá… trên trời, thường là vài chục triệu đồng/bệnh nhân. Ai không chi trả nổi, họ có thể lấy thấp xuống còn 1/2, thậm chí 1/3 so với giá ban đầu đưa ra!
Nhưng, điều đáng sợ nhất đó là, không rõ chuyên môn của người Trung Quốc qua Việt Nam khám bệnh, cơ quan quản lý thì không làm quyết liệt, để các phòng khám Trung Quốc ngang nhiên sai phạm kéo dài.
Một bác sĩ của Viện Y dược học dân tộc (TP.HCM) bức xúc nói: "Rõ ràng là những "bác sĩ" đông y Trung Quốc không rõ trình độ chuyên môn này sang đây chỉ để bán thuốc. Họ không góp phần gì cho sự phát triển của ngành y tế trong nước, không đem lại lợi ích gì cho người bệnh.
Để xảy ra tình trạng này là do sự quản lý lỏng lẻo, dễ dãi của ngành y tế trong nước. Họ bán thuốc không rõ nguồn gốc sờ sờ ra đó mà cứ để tồn tại và để nhân rộng. Bao nhiêu người bệnh trong nước là nạn nhân tiền mất tật mang ở các phòng khám đông y Trung Quốc là trách nhiệm của ngành y tế".
- Minh Minh (Tổng hợp)