Nhân lực y tế tuyến xã thay đổi thường xuyên nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chuyên môn, nhiều cán bộ mơ hồ về phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ.
Chọn xong măng thịt, Bộ trưởng lo trẻ tiêm vắcxin tử vong |
Thống kê của Viện Pasteur TP. HCM cho thấy, năm 2012 trên địa bàn 20 tỉnh thành phía Nam đã xảy ra gần 1.300 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Trong đó, có tới 22 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện cấp cứu (trong đó có 6 ca tử vong).
Viện Pastuer cũng đánh giá, chương trình tiêm chủng mở rộng đang tồn tại nhiều lỗ hổng tạo nên những rủi ro cho trẻ khi đi tiêm vắc xin.
Hiện, chương trình tiêm chủng mở rộng đang diễn ra tập trung vào khoảng thời gian từ 1 đến 5 ngày theo sắp xếp của từng địa phương. Hình thức tiêm chủng chủ yếu là tiêm ngoài trạm, như nhà văn hóa của ấp/thôn hoặc trường học.
Nhiều cán bộ y tế cấp xã/phường mơ hồ về phản ứng sau tiêm chủng. Ảnh minh họa internet. |
Trong khi đó, hệ thống dây chuyền lạnh tại tuyến cơ sở đã xuống cấp, thiếu tủ lạnh chứa vắc xin trong các ngày tiêm chủng thường xuyên đe dọa đến sự an toàn của vắc xin trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
Đáng lo ngại hơn, cán bộ tiêm chủng mở rộng tuyến huyện đa số là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng xấu đến công tác triển khai chuyên môn, bên cạnh đó nhân lực y tế tuyến xã thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc tập huấn về thực hành tiêm chủng.
“Không ít cán bộ tỏ ra rất mơ hồ khi gặp trường hợp phản ứng sau tiêm chủng”, PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá.
Dù tình trạng phản ứng thuốc diễn ra không ít, nhưng hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng còn thiếu số quản lý đối tượng và sổ theo dõi phản ứng sau tiêm.
Cũng theo số liệu của Viện Pasteur TP.HCM, vắc xin DPT (ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) bị thiếu liên tục trong thời gian từ tháng 6 - 10/2012, vì vậy trong năm qua có hơn 40% trẻ không được tiêm nhắc lại vắc xin DPT lúc 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, gần 30% trẻ không tiêm nhắc lại vắc xin ngừa sởi lúc 18 tháng.
Riêng TP. HCM không đạt chỉ tiêu về tiêm vắc xin DPT và vắc xin ngừa sởi.
Trong hơn 1 tháng cuối năm 2012, vấn đề an toàn trong tiêm vắc xin đã đặc biệt gây chú ý, khi hàng loạt trẻ tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thơi gian hơn 2 tháng qua, đã có khoảng 10 trẻ gặp tai biến, tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem. Trong đó, đã có 7 trẻ tử vong ở các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội và Kiên Giang. Có 3 trẻ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định).
Trong khi xã hội đang lo lắng, hoang mang, nhiều gia đình phải ngừng tiêm vắc xin, phải tới cuối tháng 1/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới có chỉ đạo điều tra nguyên nhân.
- P.V (tổng hợp)
[links()]