Bất tỉnh vì bị bọ xít cắn

( PHUNUTODAY ) - Ngày 7/7, một người đàn ông phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, tụt huyết áp sau khi bị bọ xít hút máu người cắn.

(Sức khỏe) - Ngày 7/7, ông Đỗ Thành Nam 42 tuổi, sống ở TP Nha Trang, Khánh Hòa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, tụt huyết áp sau khi bị bọ xít hút máu người cắn.
 
 
Tờ VnExpress đưa tin, khoảng 4h sáng ngày 7/7, ông Nam cảm thấy rất mệt, ngứa toàn thân, sau đó bất tỉnh. Ông Nam được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. 
 
Ông Nam được người nhà đưa đến bệnh sau khi bị bọ xít hút máu người cắn
Ông Nam được người nhà đưa đến bệnh sau khi bị bọ xít hút máu người cắn
 
Kiểm tra nhà cửa, sau đó gia đình phát hiện trong màn nơi ông Nam nằm ngủ có một con bọ xít màu nâu, rìa thân có sọc màu vàng nên đã bắt và đem đến bệnh viện. Các bác sĩ nhận định ban đầu đây là loài bọ xít hút máu người, có hình dáng giống hệt những con bọ xít hút máu người từng được phát hiện ở Bình Định, Huế… 
 
Theo bác sĩ, trên người bệnh nhân có những vết chích lạ, có thể bọ xít là thủ phạm đã cắn ông Nam. Bệnh nhân lại có cơ địa bị dị ứng nên khi bị bọ xít cắn đã tụt huyết áp, dẫn đến bất tỉnh. 
 
Các bác sĩ điều trị bằng thuốc chống dị ứng cho ông Nam. Sức khỏe của bệnh nhân đến sáng nay đã được cải thiện.
 
Con bọ xít được cho là đã cắn ông Nam
Con bọ xít được cho là đã cắn ông Nam
 
Trước đó, ngày 28/6 theo tin từ tờ Tiền phong, có 21/29 quận, huyện Hà Nội đã phát hiện hàng chục ổ bọ xít hút máu người, có ổ hàng nghìn cá thể. Riêng các quận nội thành có 31/36 phường ghi nhận có bọ xít hút máu xuất hiện trong nhà hoặc gần nhà, tấn công và hút máu người.
 
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng Phòng Côn trùng học thực nghiệm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Hiện đang là mùa sinh sản cao điểm của bọ xít hút máu người, thường từ tháng năm đến tháng tám. Giai đoạn này, bọ xít hút máu cần thức ăn rất lớn nên phát tán vào nhà dân rất cao. 
 
Ông cho biết thêm, phát hiện gần đây cho thấy, bọ xít hút máu đang có xu thế sống gần con người, hoạt động từ 0h-3h. Chúng gây tê trước khi hút máu nên con người khó có thể phát hiện ra.
 
Hầu hết các trường hợp bị hút máu khi đang ngủ trên giường hoặc trên bàn học, bàn làm việc. Thời gian hút máu của loài này khá dài và lượng máu bị hút rất nhiều. Khi bị loài côn trùng này hút máu sẽ có triệu chứng xuất hiện các nốt đỏ, có thể bị phù, nề, sưng to, nặng hơn là bị sốt.
 
Các nhà khoa học Việt Nam còn phát hiện ra, trong bộ phận tiêu hóa của bọ xít hút máu ở Việt Nam có chứa những ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Trypanosoma. “Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về khả năng truyền bệnh của ký sinh trùng này.
 
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng kết, loài bọ xít hút máu, trong đó có loài ở Việt Nam, có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas. Căn bệnh có khả năng hủy hoại tim và gây rối loạn tiêu hóa. 7,8 triệu người Mỹ La Tinh từng mắc căn bệnh này vào thập niên 60.
 
  •  H.T (Tổng hợp theo TPO, VNE)
 
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn