Những ngày gần đây, các vấn đề liên quan tới dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên tiếp tục làm nóng dư luận, các nhà quản lý tới lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đều khẳng định dự án hiệu quả, an toàn, còn nhà khoa học không nghĩ vậy…
[links()]
Tối 10/3, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã xuất hiện trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” để tiếp tục khẳng định về tính đúng đắn, hiệu quả, an toàn của các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Cùng đợi và hy vọng ở tương lai
Nói về cơ sở của việc Việt Nam triển khai các dự án khai thác và chế biến bauxite tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, nước ta có trữ lượng bauxite khoảng 10 - 11 tỷ tấn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, nhu cầu thế giới tăng, mỗi năm nước ta phải chi khoảng trên 1 tỷ USD nhập khẩu nhôm, cơ hội phát triển kinh tế xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân…
Dây chuyển tuyển quặng trong nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng). |
Giải thích về việc dự án Tân Rai chậm tiến độ hơn 2 năm, dự án Nhân Cơ có thể chậm tiến độ hơn 1 năm, Bộ trưởng Hoàng nói, do các dự án có công nghệ khá phức tạp, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm, lại thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, thi công hồ bùn đỏ bị kéo dài…
Về tính hiệu quả của dự án, theo ông Hoàng, tuy giá bán alumin hiện tại có giảm hơn thời điểm phê duyệt dự án (năm 2009), nhưng việc xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư lớn cần phải dựa trên những tính toán dài hạn, không thể chỉ căn cứ vào một thời điểm để khẳng định hiệu quả hay không hiệu quả. Đó là chưa kể hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội của dự án, tác động lan tỏa của dự án tại khu vực... Mà đã là thí điểm thì phải có thời gian để khẳng định về mức độ chắc chắn của hiệu quả kinh tế.
Vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn, Tổng giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng cho rằng, hiện tại càng làm càng lỗ. Tương lai chắc chắn còn lỗ hơn nữa, vì thị phần alumina của Vinacomin trên thị trường thế giới rất nhỏ bé; chất lượng alumina thì khách hàng thừa biết được sản xuất theo công nghệ của Trung Quốc sẽ thế nào; còn về giá bán thì không thể cạnh tranh được vì giá thành alumina của Vinacomin đang để mức rất cao. Chi phí sản xuất đầu vào là bao nhiêu? đã được tính đúng, tính đủ như thế nào? Vinacomin nên giải thích rõ giá thành sản xuất alumina ở Tân Rai là bao nhiêu?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) đánh giá, Vinacomin đã không trung thực trong bài toán kinh tế bằng cách gạt một số hạng mục đầu tư ra ngoài (đầu tư cho đường vận chuyển - PV) để khẳng định, nếu làm sẽ có lãi. Nhưng lúc bắt tay vào triển khai, Vinacomin lại đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sá để vận chuyển sản phẩm ra cảng phục vụ xuất khẩu. Đó là cách tính toán rất “cùn” trong kinh doanh, bởi khi đầu tư dự án, nhà đầu tư phải tính cả chi phí vận chuyển chứ không thể bỏ ra ngoài như Vinacomin.
ThS. Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) phân tích, Vinacomin xin chính sách đặc thù của Nhà nước mà theo tôi hiểu đây là chính sách miễn giảm thuế. Việc khai thác tài nguyên và đóng góp kinh tế tài chính cho sự phát triển của đất nước là việc cần thiết phải làm. Nếu một doanh nghiệp khai thác tài nguyên của đất nước mà còn xin miễn giảm thuế thì họ sẽ đóng góp cái gì cho xã hội này?
Dừng cảng Kê Gà vì đó là lựa chọn “ấu trĩ”
Về việc dừng triển khai dự án cảng Kê Gà, theo Bộ trưởng Hoàng, với thiết kế ban đầu, càng này được xây dựng một cảng tổng hợp. Tuy nhiên, khi triển khai dự án khác thác và chế biến bauxite được điều chỉnh nhỏ hơn trước. Mặt khác, hiện nay Bình Thuận đã có cảng Vĩnh Tân… nên việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý.
TS. Nguyễn Thành Sơn đánh giá, lý do chủ yếu là do Vinacomin đã sai ngay từ khi lựa chọn phương án xây dựng cảng Kê Gà. Địa điểm hoàn toàn không phù hợp, ấu trĩ về mặt kỹ thuật; công năng của cảng được “gán” cho quá nhiều tham vọng, hão huyền; qui mô (công suất) của cảng được xác định không có cơ sở.
Trong khi đó, tới nay Vinacomin vẫn chưa lên được phương án tối ưu cho con đường vận chuyển bauxite.
Công trường thi công nhà máy Tân Rai. |
Cùng tin có thể biến bùn đỏ thành thép
Về vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề bùn thải từ các dự án này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói, hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Tôi cho rằng, chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại 2 dự án trên, nghĩa là không thể để xảy ra tình trạng sau khi hoàn tất việc thí điểm lại phát sinh các hậu quả tiêu cực về môi trường mà không thể khắc phục.
TS Nguyễn Thành Sơn nhận xét, đây cũng là một lạc quan nữa của Vinacomin. Tính khả thi về mặt kỹ thuật của việc Vinacomin sản xuất được gang-thép từ bùn đỏ cũng giống như việc khai thác than trên sao Hỏa. Dự án sắt Thạch Khê của Vinacomin lớn nhất Đông Nam Á, nằm sát bờ biển, hàm lượng quặng lớn, có nhiều đối tác đang quan tâm, nhưng Vinacomin đã và đang triển khai “hiệu quả” đến mức nào thì công luận đều rõ rồi.
Các dự án sắt khác của Vinacomin ở phía bắc cũng rất “hoành tráng” và “có hiệu quả”, cũng đã được khởi công vài năm nay, đang “đắp chiếu” chờ công nghệ Trung Quốc trên Cao Bằng. Tôi chẳng bao giờ tin Vinacomin có thể làm được sắt từ bùn đỏ.
ThS. Phạm Quang Tú cho rằng, thế giới cũng đã nghiên cứu thành công việc biến bùn đỏ thành vật liệu xây dựng, nhưng chỉ trong phòng thí nghiệm, không thể áp dụng quy mô công nghiệp vì chi phí quá cao, không có hiệu quả kinh tế. Vấn đề cần bàn ở đây không phải là có thể biến bùn đỏ thành những vật liệu có ích hay không, mà là liệu có thể áp dụng sản xuất đại trà hay không và với giá thành là bao nhiêu?
- P.V (tổng hợp)