Bẽ bàng lý do thiếu nữ 18 tuổi và thầy giáo tiểu học lãnh án tử hình: Có đáng?

( PHUNUTODAY ) - Biết trước buôn ma túy là tội nặng, là hại đời bao con người sao vẫn còn cố lao đầu vào?

Nhận công việc với mức thù lao trăm triệu, cô gái tuổi 18 trả giá đắt

Ngày 10/1, TAND TP Hà Nội tuyên phạt án tử hình với các bị cáo Vi Trung Hiển (SN 1988, ở Lộc Bình, Lạng Sơn) và Lường Thị Huấn (SN 2000, ở Mường Chà, Điện Biên) cùng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Theo truy tố, Hiển được một người tên Thắng (chưa làm rõ được) sống tại biên giới Việt – Lào thuê vận chuyển heroin từ Điện Biên về Lạng Sơn với tiền công 15 triệu đồng/bánh. Theo hướng dẫn của Thắng, ngày 5/6/2018, Hiển nhận từ một thanh niên không rõ 10 bánh heroin và 3 triệu đồng tiền đi đường, hẹn khi giao hàng sẽ trả hết tiền công.

Hôm sau, Hiển gọi điện cho Lường Thị Huấn, thuê lại cô gái này vận chuyển heroin với giá 10 triệu đồng/bánh. Huấn đồng ý nên cho Hiển mang ma túy tới phòng trọ của mình, cất giấu trong vali rồi nhận 2 triệu đồng tiền đi đường. Hai người thống nhất sau khi Huấn chuyển hàng thành công, Hiển sẽ cho cô gái 100 triệu đồng.

tienphongtuhinhipiw-15471140482721850050549

Sau đó, Huấn bắt xe khách xuống Hà Nội nhưng khi đến bến xe Mỹ Đình đã bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Vi Trung Hiển đón xe khách khác đi sau, xuống tới Hà Nội biết Huấn đã bị bắt nên cũng đi đầu thú.

Tại cơ quan điều tra, Huấn khai thêm ngày 22/5/2018 đã chuyển trót lọt 4 bánh heroin cho Hiển từ Điện Biên về Lạng Sơn và nhận 50 triệu đồng tiền công. Tuy nhiên, Hiển không thừa nhận việc này nên công an không đủ căn cứ làm rõ.

Được biết, Lường Thị Huấn mới học hết lớp 9 và đã rời nhà xuống thuê trọ tại thành phố Điện Biên. Huấn là người Kháng – một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam.

Xót xa thầy giáo phạm tử tội

Trong khi đó, ngày 15/1, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên sơ thẩm xét xử Vừ Bá Xênh (40 tuổi) về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong lần đi chợ ở vùng biên giới, Xênh quen Vừ Bá Của (người Lào) và được thuê làm phiên dịch trong giao dịch mua bán ma túy với tiền công 200 USD mỗi lần. Khi Xênh đồng ý, Của đưa số điện thoại của đối tác mua hàng, tên Luân. Xênh gọi điện thông báo với Luân khi nào cần mua ma túy từ Của thì thông qua mình.

Cuối tháng 6, Luân đặt mua lô ma túy lớn. Rạng sáng 28/6, Của cùng Già Bá Cô mang ma túy và vũ khí tới khu vực hồ thủy điện Nậm Cắn 2 ở huyện Kỳ Sơn để giao dịch. Cô đưa cho Xênh hai ba lô chứa ma túy cùng một khẩu súng tự chế và 15 viên đạn để phòng thân. Xênh đang chuẩn bị giao hàng cho Luân thì bị cảnh sát bao vây.

VN_15c3f0360b87cc0c19c94746t097b2a50

Của và Cô nổ súng chống cự làm hai cán bộ bị thương. Tất cả bỏ chạy, riêng Xênh bị khống chế cùng 20 bánh heroin; gần 7 kg ma túy đá và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp; một khẩu súng và nhiều viên đạn. Thời điểm bị bắt, Xênh là giáo viên tiểu học tại huyện Kỳ Sơn.

Trình bày tại tòa, Xênh thừa nhận hành vi phạm tội song cho rằng chỉ là người làm nhiệm vụ phiên dịch nên mong muốn được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. “Bị cáo là thầy giáo nhiều năm, làm việc tốt nhiều rồi, mong được tha tội chết để sớm trở về làm lại cuộc đời”, Xênh nói lời sau cùng. Khi bản án tử hình vừa được đọc, Xênh bật khóc, úp tay vào mặt. Còn vợ con bị cáo òa khóc phía sau.

Biết trước con đường chết, vì sao vẫn cứ đi?

Những bản án này nghe qua thì thật sợ hãi. Một cô gái ở độ tuổi 18, tương lai còn rộng mở phía trước đã phải nhận được kết đắng là bản án tử hình, kết thúc cuộc đời còn non trẻ. Một thầy giáo tuổi trung niên đã có nhiều kinh nghiệm sống, đã từng đứng lớp dạy điều hay lẽ phải cho lớp trẻ cũng nhận 1 bản án nặng nề tương tự. Hẳn ai cũng biết rằng dính vào ma túy, vào cái chết trắng là không có kết quả tốt, rất nhiều người biết rằng vận chuyển ma túy số lượng lớn có thể bị kết án tử hình, thế sao họ vẫn làm?

Nhìn gương mặt non choẹt gục đầu trước tòa nhận án tử, nhìn những giọt nước mắt đau đớn của vợ con bị cáo Xênh, không khỏi quặn lòng. Nhưng đã làm sai thì phải nhận hậu quả, còn biết trách ai.

Những lý lẽ có thể được đưa ra: Vì thù lao vận chuyển hàng cấm là một con số đáng mơ ước nên người ta dễ dàng sa chân vào lầm lạc. Cuộc sống nơi miền sơn cước còn lắm khó khăn, một thầy giáo cũng phải chạy vạy mưu sinh, chạy ăn từng bữa. Một cô gái trẻ hẳn cũng phải sấp mặt làm thuê làm mướn, lao động vất vả để kiếm tiền.

Mức thù lao hàng chục triệu để vận chuyển một gói hàng be bé bằng bao nhiêu ngày họ cày cuốc, làm việc lươn thiện? Người ta có thể bị sự nghèo đói, bị đồng tiền làm cho mờ mắt và mất hết lương tri. Thế nhưng, đâu thể xem thường pháp luật, lấy lí do cuộc sống của mình còn lắm gian truân vất vả mà có thể làm chuyện sai trái với cộng đồng và xã hội.

Thầy giáo lấy lí do làm phiên dịch mà người ta đưa anh cầm ma túy và súng anh cũng cầm thì giờ anh còn nói gì được nữa. Phiên dịch mua bán ma tuý là biết rõ nội dung công việc mình đang làm là gì. Bắt quả tang đang xách hàng cùng vũ khí, còn gì để nói nữa. Buồn thật, một người thầy có trình độ học thức và biết việc mình làm là tội lỗi nhưng vẫn làm….

Chung quy cũng vì cám dỗ đồng tiền. Đau đớn hơn, đây không phải là những trường hợp cá biệt. Có nhiều người có học thức ở miền núi nghèo xứ Nghệ, cũng sang Lào xách hàng và bị toà tuyên án tử hình… Và biết bao nhiêu bậc cha mẹ khóc ly tán..tử biệt những đứa con nghiện ngập suốt hàng trăm năm qua vẫn chưa đến hồi kết…

Cầm hàng, cầm vũ khí để giao, thầy giáo có nghĩ mình đang gieo rắc cái chết trắng cho đất nước, cho bản làng? Ở những miền núi khó khăn, cái nghèo nhiều khi làm cho người ta thành ra chẳng còn suy xét. Dăm ba lần vận chuyển hàng phi pháp trót lọt là cứ đi làm thôi, ai nghĩ được lúc bị bắt, lúc phải trả giá bằng mạng sống? Mà làm cả năm tích góp sao bằng nổi số tiền 1 lần vận chuyển. Có trường hợp 2 cha con cùng đi mang hàng, cũng đối mặt bản án nặng nề nhất khi đứng trước vành móng ngựa.

Xót xa thì rất xót xa nhưng rõ ràng, mọi công dân đều công bằng trước pháp luật. Dù bạn có cuộc sống khó khăn hay giàu sang thì bạn cũng phải chấp nhận thôi. Làm sai thì phải đền tội, luật nhân quả ở đời!

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn