(Phunutoday) - Cuộc đời Koofi là cả một sự phấn đấu phi thường: sinh ra trong trạng thái tưởng như sắp chết dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, nhiều năm sau đó, Koofi trở thành nữ phát ngôn viên đầu tiên trong Quốc hội Afghanistan. Tác giả của cuốn hồi ký mới nhất mang tựa đề “Con gái yêu quý” đã tiết lộ tường tận về cuộc sống của một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất châu Á.
[links()]
Đứa bé gái cơ hàn, một lòng thần tượng Mẹ đẻ
![]() |
Fawzia Koofi hạnh phúc bên hai công chúa nhỏ |
Ngày tôi (nhân vật nữ Tổng thống Afghanistan) sinh ra cũng tưởng là ngày tôi phải chết rồi. Không ai, thậm chí ngay cả mẹ tôi, mong muốn cho tôi tồn tại. Vì đâu nên nỗi? Tôi chỉ là một trong hàng trăm đứa trẻ gái không mong muốn được sinh ra trên đất nước Afghanistan mỗi ngày.
Mẹ tôi hầu như cạn kiệt sinh lực ngay cả trước khi tôi chào đời, mọi thứ chỉ trông chờ vào bàn tay rắn chắc của cha tôi. Trước đó, mẹ tôi chỉ là một trong 6 bà vợ của cha, cuộc sống kiếp chồng chung vợ chạ hẳn là sẽ cực khổ lắm.
Tôi đoán có lẽ cha tôi không muốn lấy nhiều vợ song phong tục đa thê đã tồn tại trên đất nước này hàng ngàn năm rồi, không dễ dàng gì mà một người đàn ông có thể làm ngược lại phong tục cổ hủ đó. Trước tôi, nhà đã có 8 anh chị em.
Trong những tháng trước khi tôi lọt lòng mẹ, mẹ tôi thật sự rất buồn, bà nhớ lại rằng mình đã nằm tuyệt vọng trên giường và cố dõi mắt nhìn chồng đi lấy vợ mới, cô ấy còn rất trẻ, mới tầm tuổi 14. Ba tháng trước khi tôi sinh ra, vợ mới của cha tôi kịp hạ sinh một đứa con trai kháu khỉnh, mẹ tôi gần như tuyệt vọng, bà nghĩ rằng chỉ còn cách duy trì quan hệ với chồng nếu như bà có thể sinh hạ cho cha tôi một đứa con trai.
Thế nhưng oái oăm thay, khi tôi sinh ra, người đầy vết bớt và la hét không ngừng vì khát sữa mẹ, mẹ tôi sợ đến độ không dám nhìn đứa con mình vừa mới sinh ra, bởi lúc đó bà đã thất bại trong việc sinh con, con gái chẳng còn mong gì được chồng đoái hoài.
Mẹ tôi nói rằng bà gần như kiệt sức khi đẻ ra tôi, và những cô thôn nữ đã vật lộn để cố gắng lấy tôi ra khỏi ổ bụng của người đàn bà mệt nhoài. Ca sinh nở của tôi rõ ràng là làm đau lòng mẹ cả thân thể và tâm hồn bà. Tôi lờ mờ hiểu rằng mình có thể bị bỏ đói dưới ánh nắng mặt trời.
Tôi là đứa con thứ 19 trong nhà. Tôi nằm hàng giờ ngoài nắng, cơ thể nhỏ bé như bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Tôi la hét thất thanh bằng tất cả sức mạnh trong cái phổi nhỏ xíu của mình, cho đến khi có ai đó rủ lòng thương mang tôi vào nhà và đặt tôi vào vòng tay của mẹ.
Đón nhận đứa con gái sơ sinh, mẹ tôi như cảm giác mình có lỗi, bà xoa dịu cơ thể bé nhỏ của tôi, bà hứa sẽ không bao giờ làm hại tôi thêm nữa. Mẹ tôi, một thôn nữ mù chữ luôn quấn Burka trên đầu, tuy thô kệch song bà là nữ anh hùng của cuộc đời tôi.
Khi chiến tranh Afghanistan nổ ra, gia đình tôi tan nát bởi cái chết của người cha (ông từng là một thành viên của Quốc hội), đúng lúc đó mẹ tôi đã trở thành chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ nỗ lực của mẹ, tôi trở thành đứa con gái đầu tiên trong gia đình được cho phép đi học.
Đau đớn thay phận đàn bà sinh nở trên đất nước Afghanistan
Sức mạnh và khả năng hồi phục lặng lẽ sau khi sinh của mẹ đã được nhân rộng trong số hàng triệu phụ nữ vô vọng trên các thị trấn hoang tàn và núi non lởm chởm ở Afghanistan.
Ca sinh nở có thể gây sốc cho nhiều người ở các nước tự do song lại là việc rất bình thường trên quê hương tôi, xứ sở này xem những cô gái có giá trị không bằng một con dê, vì con dê cho thịt và sữa cho con người thì các cô gái không cho gì cả mà chỉ toàn phải ăn và nặng gánh của hồi môn một khi về nhà chồng.
Tôi biết một cô gái bị ốm do sinh nở tại một bản làng nọ, trông cô ấy không quá 25 tuổi song đã là mẹ của 4 đứa con. Cô ấy nói rằng không muốn nhờ chồng đưa đến bác sĩ vì như vậy anh chồng sẽ bán đi một trong các gia súc trong nhà.
Trái tim tôi đau đớn khi nghe những lời người vợ trẻ bất hạnh thủ thỉ bên tai: “Khi tôi chết, ông xã có thể tìm kiếm một người vợ mới, nhưng nếu một khi anh ấy bán đi gia súc, thử hỏi gia đình chúng tôi sẽ ăn bằng gì?”. Tôi ngờ rằng người phụ nữ nghèo khổ ấy có lẽ sẽ không sống đến ngày hôm nay.
Đối với nhiều phụ nữ Afghanistan, một cuộc sống tràn ngập bạo lực, lao lực và sức khoẻ ốm yếu là thứ thường xuyên khiến họ phải đối mặt trong cuộc sống thường nhật. Tháng này, câu chuyện của cô gái 15 tuổi tên là Shar Gul đã gây sốc cho cả thế giới.
Lạnh và đói, móng tay của cô gái như bị kéo ra, da trên tai và mũi bị xoắn lại bằng kìm, cô bị ghẻ lạnh trong suốt 5 tháng với rất ít thức ăn mà kẻ ra tay không ai khác lại chính là gia đình chồng cay độc của Shar Gul. Vụ ngược đãi phụ nữ bị phát giác, cả Shar và chồng mình đều bị các quan chức Afghanistan bắt giữ, họ gọi hành động thô bạo đó là “hành động phi Hồi giáo”.
Sẽ ra tranh cử Tổng thống Afghanistan vào năm 2014 nhằm đem lại hoà bình và no đủ cho nhân dân
Trong vòng 8 năm tôi đã làm việc như là thành viên của Quốc hội trong chính phủ Afghanistan, trước khi tôi trở thành nhân viên bảo vệ trẻ em cho tổ chức UNICEF, tôi đã xử lý vô số các vụ cưỡng bức, bạo hành gia đình và tục ép hôn.
Nơi tôi làm việc hăng hái nhất là một tỉnh có tên gọi Badakshan, một trong những địa phương nghèo nhất cũng là nơi nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh nhất và bảo thủ nhất trên đất nước Afghanistan. Badakshan cũng là tỉnh có tỷ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong cao nhất trên thế giới.
Đó là một sự thật hết sức xấu hổ và rất đáng xấu hổ cho cộng đồng quốc tế vì kể từ sau sự sụp đổ của Taliban, người ta đã bơm hàng tỷ USD vào các chương trình nhằm tái thiết và khôi phục lại diện mạo đổ nát trên quê hương tôi.
Fawzia Koofi hạnh phúc bên hai công chúa nhỏ yêu thương.
Dù vậy đã có những thành công rất lớn trong vòng một thập kỷ qua khi mà nền an ninh, chăm sóc y tế và giáo dục tại quốc gia này đã được cải thiện nhờ khoản tiền khổng lồ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều việc để làm.
Cách đây vài tháng, tàn quân Taliban cố gắng ám sát tôi. Trong vòng hơn một giờ đã xảy ra một trận giao tranh bằng súng hết sức ác liệt giữa Taliban và lính gác bảo vệ tôi khi tôi cố gắng ngồi thu mình trong chiếc xe hơi, trong tình thế đó, tôi không tưởng tượng nỗi mình còn sống hay đã chết.
Họ cố gắng giết tôi lần này đến lần khác vì tôi là người “không bình thường” khi toàn nói chuyện đến vấn đề nhân quyền. Nhưng tôi tin rằng không chỉ có tôi mà những người phụ nữ khác cũng trực chờ để nói lên điều này.
Bất cứ ai thật sự tin rằng Taliban sẽ chia sẻ quyền lực và sẵn sàng ngồi xuống chiếc ghế dân chủ tại Quốc hội cùng với một người phụ nữ? Tôi không bao giờ tin vào điều đó. Trong vòng một thập kỷ qua, nền dân chủ đã phát triển mạnh mẽ tại Afghanistan, ngay cả ở cấp làng xã, người Afghanistan luôn luôn bỏ phiếu bầu cho các nhà lãnh đạo của mình dựa theo hệ thống jirga (hay Hội đồng bộ lạc).
Trong hàng thế kỷ, các Jirgas chuyên trách xử lý các vụ tranh chấp và đàm phán hoà bình. Chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn đắc lực của cộng đồng quốc tế nhằm đảm chắc các lợi ích dân chủ và xã hội sẽ không bị mất trong những năm gần đây.
Dù may mắn tôi vẫn không thể tránh khỏi bàn tay vấy máu của Taliban, một ngày nào đó họ sẽ đạt mục đích. Nhưng miễn là tôi còn sống dù chỉ còn một ít ngày, tôi cũng sẽ không từ bỏ được ham muốn lãnh đạo dân tộc chúng tôi ra khỏi vực thẳm của tham nhũng và sự nghèo đói.
Vì lý do này, mà tôi sẽ ra tranh cử Tổng thống Afghanistan vào năm 2014. Khi lọt lòng mẹ, tôi là một bé gái và có khả năng sẽ bị chết nhưng nếu Thánh Allah rủ lòng thương xót, tôi sẽ gắng sức trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của dân tộc Afghanistan, xứ sở mà tôi yêu mến, một đất nước mà tôi sẽ nhìn thấy tất cả các trẻ em sinh ra trong hoà bình và an ninh, không còn chứng kiến cảnh bạo lực và chiến tranh.
Tôi muốn rằng Afghanistan sẽ có một vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới. Và tôi thực sự tin rằng với sự trợ giúp không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế, một ngày nào đó mọi mong ước sẽ thành sự thật.
- Nguyễn Thanh Hải (Theo AP)