Bệnh van tim là một trong những bệnh tim mạch phổ biến nhất. Tuy nhiên, vẫn còn khá ít người hiểu rõ sự nguy hiểm của căn bệnh thầm lặng này. Theo một thống kê năm 2017, chỉ có khoảng 25% người dân Mỹ biết về bệnh van tim.
Dù một số dạng bệnh van tim không quá nguy hiểm, người bệnh vẫn nên biết đây là một bệnh mạn tính tiến triển chậm và hầu như không có dấu hiệu nhận biết rõ rệt. Những người cao tuổi (trên 70) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy tim, thậm chí dẫn tới tử vong.
Seemal Mumtaz, bác sỹ tim mạch từ Sharp HealthCare (Mỹ) cho biết: “Nhiều bệnh nhân mắc bệnh van tim biết mình có tiếng thổi tim, tuy nhiên đa số họ không biết rằng tình trạng này là do van tim có vấn đề. Họ chỉ chú ý khi bắt đầu phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng lúc này van tim đã bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là lý do việc phát hiện sớm nắm vai trò quyết định trong việc điều trị bệnh van tim”.
Các triệu chứng của bệnh van tim
Bệnh van tim nhẹ thường không có triệu chứng rõ rệt và chỉ được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe tổng quát.
Trong những trường hợp nặng hơn, bệnh van tim có thể gây ra một số triệu chứng khác nhau ở từng dạng bệnh:
- Bệnh van tim bẩm sinh: Cơ thể tím tái, có các triệu chứng của bệnh suy tim như ho, phù, mệt mỏi, khó thở…
- Hẹp van động mạch chủ: Khi mở, van bị thu hẹp xuống chỉ còn 1/3 bình thường gây ra các triệu chứng khó thở khi gắng sức, đau thắt ngực, ngất xỉu.
- Hở van động mạch chủ: gây ra đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, khó thở khi gắng sức, khi nằm và xuất hiện “cơn khó thở kịch phát về đêm”, đau thắt ngực.
- Hẹp van hai lá: gây khó thở đột ngột trong đêm, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, ho ra máu huyết khối tâm nhĩ trái gây tổn thương não, lá lách, thận…
- Hở van hai lá: gây ra tình trạng mệt mỏi, khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm xuống.
- Bệnh van động mạch phổi: gây mệt mỏi, ngất xỉu và các triệu chứng của suy tim.
- Bệnh van ba lá: thường không gây ra triệu chứng; có thể phù chân, tích nước khi bệnh đã tiến triển nặng nề do tăng huyết áp động mạch phổi.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp phòng ngừa bệnh van tim
Kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc
Duy trì trọng lượng lý tưởng của bạn càng ổn định càng tốt. Nếu bạn hút thuốc lá thì hãy làm mọi cách có thể để từ bỏ nó.
Giảm lượng chất béo động vật
Giảm thiểu tiêu thụ mỡ động vật, đặc biệt là các sản phẩm bơ sữa quá nhiều. Nó sẽ làm tăng cholesterol nhiều hơn các thực phẩm khác. Tất cả các chất béo có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, đây là một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch và các bệnh khác, cũng như làm tăng cả cholesterol toàn phần lẫn cholesterol có hại LDL.
Hạn chế thực phẩm giàu năng lượng, ít dinh dưỡng
Giảm thiểu sử dụng các chất nhiều calo, thực phẩm ít dinh dưỡng như bánh nướng, khoai tây chiên, các loại ngũ cốc có đường đóng hộp, thực phẩm chế biến khác, cũng như các loại đồ ăn nhẹ từ khoai tây chiên đến thịt ướp muối. Những loại này gây ra bệnh béo phì, một mối đe dọa đối với bệnh tim mạch. Tránh tiếp xúc với hóa chất càng nhiều càng tốt, sẽ làm giảm kích thích mạch máu, được cho là xuất phát điểm chính của sự hình mảng xơ vữa động mạch và các mạch máu, từ đó gây ra bệnh tim mạch.
Có chương trình tập thể dục hợp lý
Tập thể dục thường xuyên với một chương trình cân bằng bao gồm sự kéo dài linh hoạt, tập thể dục nhịp điệu tạo sức chịu đựng, sự dẻo dai. Điều này giúp giảm trọng lượng cơ thể, huyết áp và cholesterol. Tập thể dục cũng làm giảm lượng cholesterol có hại LDL và làm tăng lượng cholesterol tốt HDL cho cơ thể. Hơn nữa tập thể dục còn mang lại một tinh thần minh mẫn, một trái tim khỏe mạnh.
Tăng cường thực phẩm nhiều xơ, ít calo
Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ và ít calo như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây. Chế độ ăn uống này có thể giúp bạn sống lâu hơn.
Khuyến khích các loại hạt
Cung cấp cho cơ thể loại dầu chất lượng tốt bằng cách ăn các loại hạt (không ướp muối, hữu cơ) như hạnh nhân, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt bí ngô, cộng với bơ cũng như omega-3 có trong cá như cá hồi, cá mòi (tốt hơn khi ăn với cải xanh). Sử dụng dầu ô liu như một loại dầu ăn.
Chú trọng các vitamin có lợi tim mạch
Bổ sung dinh dưỡng được cho là ngăn ngừa bệnh tim mạch bao gồm vitamin C, E, D; axit béo omega-3 và các vitamin nhóm B ( đặc biệt B3, B6, B12 và folic axit) để duy trì sự trao đổi chất cholesterol một cách bình thường và giảm thiểu mức độ homocysteine.
Kiểm soát căng thẳng
Học cách quản lý, kiểm soát căng thẳng của mình, hãy để sự tức giận, thất vọng trôi qua và truyền đạt cảm xúc một cách tỉnh táo, không tiêu cực. Hãy tập tha thứ và hướng về phía trước và luôn ý thức về những gì bạn đã học được từ kinh nghiệm cuộc sống để tránh những sai lầm lặp lại.