Bệnh nhân chết tức tưởi sau khi tiêm thuốc kháng sinh

15:40, Thứ năm 15/03/2012

( PHUNUTODAY ) - “Sang ngày thứ hai điều trị, vợ tôi đã đỡ hơn nhưng bác sỹ vẫn tiếp tục tiêm thuốc..."

“Sang ngày thứ hai điều trị, vợ tôi đã đỡ hơn nhưng bác sỹ vẫn tiếp tuc tiêm thuốc. Trước lúc đó, vợ vẫn bình thường, không có biểu hiện gì lạ. Sau khi một bác sĩ và một y tá tiêm thuốc thì vợ tôi bắt đầu co giật rồi lịm dần, bất tỉnh, được đưa vào phòng cấp cứu nhưng không qua nổi…”
[links()]
Tử vong sau khi tiêm thuốc kháng sinh

Chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi, Hòn Nen, xã Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An) có 2 con nhỏ bị bệnh phải nhập viện để chữa trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau khi đưa các con vào viện, chị Ngọc cũng phải vào theo để chăm sóc các con.

Ngày 6/3/2012, chị Ngọc bỗng thấy đau đầu dữ dội và mệt mỏi trong người nên nhờ sự can thiệp của các bác sĩ tại đây.

Anh Phan Văn Thuyết, chồng chị Ngọc đã nhờ bác sỹ Diện, Phó trưởng Khoa Nhi (BVĐK Yên Thành) khám và kê đơn thuốc.

Sau một ngày điều trị theo đơn thuốc mà bác sĩ Diện kê, chị Ngọc đã bớt đau đầu hơn.

Loại thuốc kháng sinh mà chj Ngọc đã được tiêm, sau đó dẫn đến tử vong (Ảnh DT)
Loại thuốc kháng sinh mà chị Ngọc được tiêm, sau đó dẫn đến tử vong (Ảnh DT)

Vào khoảng 9h30 ngày hôm sau (7/3), một bác sỹ và một y tá của bệnh viện tiếp tục tiêm thuốc điều trị cho chị Ngọc.

Tuy nhiên, sau khi tiêm xong, chị Ngọc bắt đầu có biểu hiện co giật và bất tỉnh dần. Thấy vậy, cô y tá đã gọi cho Trưởng khoa báo cáo tình trạng bệnh nhân và ngay lập tức chị Ngọc được chuyển vào khoa cấp cứu.

Tại đây, Phó giám đốc bệnh viện cùng các bác sỹ tiến hành cấp cứu cho chị Ngọc nhưng chị đã không qua khỏi.

“Sang ngày thứ hai điều trị, vợ tôi đã đỡ hơn nhưng bác sỹ vẫn tiếp tục tiêm thuốc. Trước lúc đó, vợ vẫn bình thường, không có biểu hiện gì lạ. Sau khi một bác sĩ và một y tá tiêm thuốc thì vợ tôi bắt đầu co giật rồi lịm dần, bất tỉnh, được đưa vào phòng cấp cứu nhưng không qua nổi…” – Anh Thuyết – chồng chị Ngọc đau đớn nhớ lại.

Nạn nhân chết do sốc thuốc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Chính, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, cho biết: “Lúc đó tôi nghe báo cáo nhanh của y tá về sự việc của bệnh nhân Trần Thị Ngọc, ngay lập tức tôi đã huy động các đồng nghiệp nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân và mất hơn 4 giờ đồng hồ nhưng không thể cứu sống được chị Ngọc”.

Báo cáo sự việc chị Ngọc sau khi tiêm thuốc dẫn đến tử vong (Ảnh DT)
Báo cáo sự việc chị Ngọc sau khi tiêm thuốc dẫn đến tử vong (Ảnh DT)

Cũng theo ông Chính, chị Ngọc chết là do sốc thuốc. Loại thuốc dùng để điều trị cho chị Ngọc khiến chị tử vong là thuốc ZEFPOCIN Cefotaxime. Đây là thuốc kháng sinh, do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương I sản xuất. Số thuốc dùng để điều trị cho chị Ngọc được người nhà mua tại quầy bán thuốc của bệnh viện theo sự chỉ dẫn của bác sĩ Diện, Phó khoa Nhi của bệnh viện.

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho người xác minh, kiểm tra số thuốc nói trên xem có vấn đề gì không. Kết quả cụ thể tôi sẽ báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức năng. Về dòng thuốc này, trong thời gian qua đã có 9 trường hợp có biểu hiện dị ứng khi điều trị nhưng bệnh nhân Ngọc là người duy nhất bị tử vong”, ông Chính cho biết.

Về vấn đề không có hồ sơ nhập viện, ông Chính thừa nhận việc làm này là sai với quy định: “Bệnh nhân đã được điều trị tại đây nhưng phía bệnh viện không làm hồ sơ, bệnh án nhập viện cho nạn nhân Ngọc nhưng vẫn thực hiện việc điều trị ngay trong bệnh viện nên đã dẫn đến sự việc nói trên. Rõ ràng việc làm đó là sai. Khoa nào làm sai, cá nhân nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.

Bệnh viện đã làm sai quy trình

Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định: “Việc làm của Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành sai là quá rõ ràng. Cái sai của Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành nhận thấy rõ nhất đó là làm sai quy trình”.

Trước mắt, Sở đã yêu cầu niêm phong lọ thuốc thứ 3 để kiểm tra và sẽ làm rõ các vấn đề như: các bác sỹ trong ca khi tiêm cho chị Ngọc có thử phản ứng trước khi tiêm không? Lọ thuốc này (lọ thuốc tiêm cho chị Ngọc - PV) có phải là lọ thuốc chuẩn không? Kỹ thuật và tốc độ tiêm lúc đó như thế nào? Tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp? Vấn đề nữa phải làm rõ là tại sao bệnh nhân lại tai biến ở ngày thứ 3, sau khi đã được tiêm 2 ngày rồi.
 
Ông Phạm Văn Thanh cho biết khi có kết luận thanh tra, ai sai sẽ kỷ luật thích đáng, không bao che, biện minh.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng chuyện sốc phản vệ do thuốc thì hầu như ở đâu cũng có nhưng những loại thuốc dễ gây sốc phản vệ thì phải được thử phản ứng trước khi tiêm cho bệnh nhân. Trong đó, ZEFPOCIN Cefotaxime là một loại thuốc có tỷ lệ phản ứng khá cao cao.

Thuốc Rocephin (Ceftriaxone) đã được khuyến cáo
 
Tháng 3 năm 2007, Cục Quản lý Dược Việt Nam có công văn số 308/QLD - TT về việc thông báo phản ứng có hại của thuốc kháng sinh Rocephin (Ceftriaxone) đồng thời với canxi có thể gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Theo đó, Cục quản lý Dược Việt Nam yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thông báo cho các đơn vị điều trị biết nguy cơ xảy ra phản ứng có hại có thể dẫn đến tử vong đối với bệnh nhân dùng thuốc Rocephin (Ceftriaxone) đồng thời với can-xi hoặc sản phẩm có chứa can-xi.

Các đơn vị điều trị lưu ý không dùng đồng thời Ceftriaxone với Canxi hoặc các sản phẩm chứa canxi, theo dõi các trường hợp đã được điều trị với Ceftriaxone để phát hiện kịp thời phản ứng có hại của thuốc này.

Cục Quản lý Dược Việt Nam cũng yêu cầu Công ty Hoffmann La Roche là đơn vị sở hữu giấy phép đăng ký lưu hành của thuốc Rocephin (Ceftriaxone) tại Việt Nam cần phối hợp với đơn vị nhập khẩu sửa đổi mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc do đơn vị mình đăng ký trong đó khuyến cáo đến phản ứng có hại nghiêm trọng có thể gây chết người nhằm cảnh báo người sử không dùng kết hợp Ceftriaxone với canxi hoặc sản phẩm có canxi.

 

  • Duyên Duyên (Tổng hợp)
     
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc